Sách của một đời

15:42 20/04/2016
Mình mê sách từ hồi nhỏ. Sớm làm quen với bảng chữ cái, 5 tuổi đã đọc thông. Mỗi lần đi làm xa về, bố mình ghé Nam Định mua quà, thường là bánh nướng (hồi đó gọi là bánh cao lâu) và sách. Đến tận giờ vẫn còn nhớ vài ba quyển sách đọc đầu tiên trong đời – mấy tập truyện cổ tích mong mỏng khổ lớn, kèm nhiều tranh minh họa.

Lớn lên vài tuổi nữa đọc Robinson Crusoe, Dế Mèn phiêu lưu ký. Rồi Không gia đình, Túp lều của bác Tôm, Đảo giấu vàng, Thanh đoản kiếm, Ti-mua và đồng đội… Hết cấp 1, nuốt trọn mấy bộ Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký. Sang cấp 2 chết mê chết mệt với Ruồi Trâu, mê hơn Thép đã tôi thế đấy nhiều. Thời thanh niên của mình là chiến tranh, là bao cấp. Đói vàng mắt, nhưng nhiều khi nhịn đói để dành tiền mua sách đọc. Những hiệu sách nhân dân ở Hà Nội không chỗ nào là mình không ghé qua.

Có những hôm phải mai phục từ sáng đến chiều để mua bằng được một quyển sách vừa xuất bản. Như quyển Bút ký người đi săn của Turgenev ở hiệu sách nhân dân phố Huế. Mình nhớ lần ấy ở hiệu sách này chỉ bày bán có 2 cuốn thì mình mua được một. Trả tiền rồi, cầm sách mà tay vẫn run. Lần khác, mua được tập truyện của Pautovski (dân mê văn chương hồi ấy quen gọi ông một cách âu yếm là “Pau”, giống như gọi Đoxtoievxki là “Đốt”).

Ra ghế đá Bờ Hồ ngồi đọc, đến cái đoạn kết truyện ngắn Lẵng quả thông, bỗng nhiên bật khóc… Tuổi mười tám của cô nàng Đanhi Peđecxen đẹp làm sao. Và bản hòa tấu của nhạc sĩ thiên tài Grig – món quà dành tặng cô, mới quý giá, tuyệt vời làm sao! Cả buổi tối hôm ấy bỏ ăn, một mình lang thang Bờ Hồ như bị Pau bỏ bùa, bây giờ kể lại không khéo có người bĩu mỏ: rõ là đồ dở hơi biết bơi!

Mê sách, đi tìm mua sách cũng là một cái thú. Ngày trước mình thường nghe ngóng thiên hạ bàn tán quyển này quyển kia hay dở ra sao rồi mới đi lùng. Nhưng về sau bị nhiều vố nhầm khá đau, nên tự rút ra bài học là chả tin các bố ấy được! Khen nhau vì những lý do ngoài sách không nói làm gì. Nhưng ngay cả khi khen thật, thì quan niệm HAY của mỗi người cũng khác nhau lắm. Tốt nhất cứ tự mình đi mà chọn. Giữa một rừng sách như rừng người lạ ở cửa hàng sách thì tên sách, tên tác giả, tên nhà xuất bản là những gợi ý.

Với những tác giả mình từng đọc và từng thích, khi ra sách mới khó có thể bỏ qua. Với những tác giả chưa đọc, nhưng tên tuổi đã láng máng nghe đâu đó, cũng dễ gây tò mò. Tác giả có tài đặt tên sách cũng hay. Nhà xuất bản uy tín không dễ gì bán rẻ thương hiệu. Đến cái bìa sách thì…

Theo mình biết, các nhà xuất bản rất kén chọn họa sĩ vẽ bìa. Chỉ những người làm sách dày dạn kinh nghiệm mới biết bìa thế nào sẽ gây sự chú ý, sẽ bán được sách. Nhấc lên quyển này, đặt xuống quyển kia cũng chính vì cái bìa. Nhà văn viết sách, họa sĩ vẽ bìa (nhà văn tự làm bìa sách cho mình vô cùng hiếm). Họa sĩ giỏi, hành nghề một cách lương thiện có thể làm cho hồn sách, hồn tác giả hiện ngay ra bìa. Những quyển sách hay cũng thường là những quyển sách có bìa đẹp.

Người ngoài nghề có khi chỉ nghĩ đơn giản: làm nghề văn thì đọc sách văn. Đương nhiên, đọc văn là hết sức cần thiết. Đọc để biết thiên hạ đang làm như thế nào, và mình đang ở cái xó xỉnh nào trong làng văn, liệu có cơ chường mặt ra chỗ sáng sủa hơn tí không? Nhưng thực ra người làm văn không ai dại chỉ giới hạn sự đọc của mình trong phạm vi đó.

Cả đời đọc sách mà chỉ đọc văn học không khéo có nguy cơ… tự làm nghèo đi tâm hồn mình. Thậm chí tệ hơn: ngộ độc tâm hồn, giống như ngộ độc thức ăn với những kẻ lười thay đổi thực đơn ăn uống. Mình đọc sách tùy hứng và ngẫu nhiên. Có lẽ việc đọc của mình cũng giống như vô số bạn đọc bình thường khác. Hồi trẻ đọc sách còn ham hố thu lượm, tích cóp kiến thức này nọ. Kiến thức biết thế nào là đủ thế nào là thiếu, thế nào là đúng thế nào là sai? Đủ thì không bao giờ đủ. Đúng hôm nay đến mai lại sai toét. Bây giờ mình đọc sách cốt để thưởng thức, và một trong những cái thú thưởng thức đó là nhìn ngắm tâm hồn người khác.

Tâm hồn không phải là “món” độc quyền của ông bà nhà văn nào. Vì thế, mình đọc tuốt tuột những gì mình có, hay nói cách khác: đọc sách của những ai viết sách! Được nhiều. Nhưng lắm lúc lỗ phải biết. Lỗ thời gian vì những cuốn sách dở. Nhưng suy cho cùng, chả đi đâu mà thiệt. Gặp chuyện dở cũng là điều hay! Tiện thể ở đây xin khẳng định: có khối cuốn sách “phi văn học” còn thú vị bằng mấy thơ phú, truyện ngắn truyện dài.

Sách là món ăn tinh thần, như nhiều người nói. Nhưng theo mình, đọc sách không giống như ăn (vật chất). Với ăn, có ba điều không thể không đặt ra khi bàn về ăn: Ăn cái gì? Ăn với ai? Ăn ở đâu? Người kỹ tính còn có thể đòi hỏi thêm: Ăn như thế nào?

Còn đọc? Đọc cái gì thì mình nói rồi: mình có thể đọc thượng vàng hạ cám những gì rơi vào tay mình. Nhưng hỏi đọc với ai thì… hơi buồn cười. Mình không định bắt chước anh Hoàng trong Đôi mắt của Nam Cao, ngồi rung đùi nghe vợ đọc Tam quốc! Cũng chả thích đọc sách trong thư viện hay bất cứ chỗ nào có bóng người. Nhà mình có một chiếc ghế bố, để ngả lưng mỗi khi cần nghỉ ngơi, và để nằm đọc. Trên cái đôn bên cạnh bao giờ cũng có ba, bốn cuốn sách đọc dở. Sách người lớn lẫn sách dành cho trẻ con. Tiểu thuyết, truyện ngắn lẫn du ký, kiếm hiệp, chưởng, thiền, tâm lý học, y học, kinh tế học…

Có nhiều cuốn thú vị để đọc thật sướng. Mình thích đọc vài ba cuốn một lúc. Đọc cái này mệt thì chuyển sang cái kia. Chả tội gì phải đọc dứt điểm cuốn nào. Sách hay nên để dành mà “ăn” dè. Đọc sách cũng như ăn cỗ, mỗi quyển sách hay là một món ngon. Ăn xoay vòng, dần dần mỗi món một ít. Thế chẳng ngon hơn là cứ chén tì tì một món cho đến hết sao? Thấy cuốn nào khó nhằn thì bỏ đấy, không đọc nữa, sau này hết sách lôi ra đọc lại. Làm như thế sẽ không bao giờ chán đọc.

Thỉnh thoảng mình lại phải làm một cuộc thanh lý cho tủ sách của mình. Mình không phải loại người sùng bái sách đến mức thượng vàng hạ cám gì cũng khư khư giữ mãi trên giá. “Rác tinh thần” cũng cần phải thải loại. Tiễn một số hết giá trị sử dụng theo chân chị đồng nát để tạo cơ hội bổ sung những cuốn mới. Bổ sung bao nhiêu thì tuỳ vào kết quả lựa chọn và túi tiền của mình.

Nhẩn nha đọc, lai rai đọc, mấy chục năm đằng đẵng đọc, biết bao kỉ niệm với sách, nhưng có một kỉ niệm mà mình không thể quên.

Cuốn sách ấy gần 300 trang, là tập hợp những bài nói chuyện chuyên đề của tác giả. Mình chong đèn đọc liền trong một đêm. Đọc xong mỗi trang lại có cảm giác như vừa bị tác giả nện một gậy vào đầu. Bị “nện” liên tục như thế cho đến sáng. Bàng hoàng. Người lửng lơ như hồn ai vừa nhập. Những gì mơ hồ trong đầu bỗng trở nên sáng rõ. Một nguồn năng lượng khác thường, tươi mới, đang ngấm dần…

Vài chục năm sau, trong một lần vui chuyện với bạn, mình nhắc đến cuốn sách. Bạn mình, một nhà thơ khét tiếng, nghe kể qua rất hứng khởi, muốn mượn đọc cho bằng được. Về nhà, mình đem sách ra tiệm photo cho ông ấy một bản. Bẵng đi mấy năm không thấy bạn nói đi nói lại gì. Mình cũng không hỏi. Quá hiểu tính nhau: cái gì hay, cần nói thì hào hứng nói ngay. Lờ đi như không, có nghĩa là cuốn sách đã được… trân trọng cất kỹ lên giá sách!

Sách cũng như người. Sách hay như tri kỷ. Cả đời có cơ duyên may mắn gặp đôi lần. Cũng là chuyện thường, với ta gắn bó mặn nồng, nhưng có khi với ai kia lại vô duyên như rượu nhạt, như nước lã… 

26-3-2016

Trần Đức Tiến

Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam cùng với cuộc chiến giành độc lập của Algeria kết thúc năm 1962 và trận Cuito Cuanavale của liên quân Cuba-Angola năm 1988 là những chiến thắng vang dội nhất trong thế kỷ XX chống lại chế độ thực dân châu Âu. Chiến thắng này là biểu tượng của lòng quả cảm vô song và là ngôi sao sáng của phong trào giải phóng dân tộc, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên thế giới.

Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

Chính quyền địa phương cho biết lũ lụt kỷ lục ở bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil đã khiến ít nhất 75 người thiệt mạng trong 7 ngày qua và 103 người khác được báo cáo mất tích.

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Miền Trung đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng, đây cũng là thời điểm liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm xuất phát từ việc chủ các cửa hàng kinh doanh, mua bán các loại thực phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước thực trạng này, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Gần nửa năm sau khi chính thức chia tay HLV Mai Đức Chung, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn chưa tìm được “thuyền trưởng” mới. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không có nhiều động thái tìm người trong thời gian này khiến người yêu mến bóng đá nữ phiền lòng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là điều tốt cho đội bóng áo đỏ.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文