Tại sao bạn lại “bẻ ghi” con tàu

08:52 07/01/2020
Đạo đức là phạm trù bẩm sinh, là cái tự nhiên bên trong mỗi con người hay là phạm trù xã hội, là cái đường hình thành thông qua những trải nghiệm ở bên ngoài con người vật chất? Câu hỏi này từng là đề tài tranh cãi quyết liệt của cả các nhà triết học và tâm lý học...


Nhà tâm lý học Marc Hauser ở Đại học Harvard từng đưa ra một tình huống khiến chúng ta phải suy nghĩ như sau: Một con tàu mất phanh đang lao về phía trước, nơi có 5 công nhân đường sắt đang làm việc. Nếu toa tàu rẽ sang phải, thì 5 công nhân kia sẽ được cứu nhưng ở bên phải lại có 1 công nhân khác. Nếu bạn đang đứng ở vị trí bẻ ghi, quan sát tất cả, bạn sẽ làm gì? Sẽ để đoàn tàu cứ thế lao về phía trước, đồng nghĩa với việc 5 người phải chết, hay sẽ rẽ sang phải, chấp nhận để 1 người chết và cứu sống 5 người?

Theo Hauser, đã có trên 300.000 người trên Internet tham gia trả lời câu hỏi này. Không chỉ có vậy, Hauser còn thực hiện những cuộc hỏi - đáp ngoài Internet ở Mỹ và Trung Quốc. Hơn 300.000 con người đến từ các quốc gia khác nhau, thuộc các dân tộc khác nhau, chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa khác nhau.

Ấy thế mà phần lớn đều chọn lựa giống nhau: chấp nhận bẻ ghi, hại chết 1 người để cứu 5 người. Đơn giản thôi, bởi mẫu số đạo đức của nhân loại nói ngay rằng mạng sống của 5 người có ý nghĩa hơn và quan trọng hơn 1 người. Mà có vẻ đấy không chỉ là mẫu số đạo đức của nhân loại, đấy là mẫu số đạo đức bản năng trong mỗi thực thể người.

Ở nền văn hóa nào, ở quốc gia nào, trong sự tồn tại ở không, thời gian nào thì về cơ bản con người cũng chọn lựa như vậy cả. Tới đây thì Hauser hỏi ngược chúng ta: Vậy thì cái mà chúng ta gọi là “đạo đức” suy cho cùng là một yếu tố bẩm sinh hay yếu tố xã hội?

Bạn đừng vội trả lời ngay, mà hãy nghĩ thêm đến một tình huống mà nhà tâm lý học này đưa ra. Vẫn là câu chuyện đoàn tàu mất phanh lao về phía 5 công nhân nhưng vị trí của bạn bây giờ không phải ở chỗ có thể bẻ ghi mà lại ở một cái cầu trên cao, bắc qua đường ray và ở trên cái cầu ấy, có một người đàn ông đang quay lưng về phía bạn thì sao? Liệu bạn có đẩy người đàn ông này xuống đường ray để chặn con tàu, cứu 5 công nhân đường sắt hay không?

Xét về mặt “hiệu quả hành động” thì việc đẩy người đàn ông này xuống và việc bẻ ghi sang phải chẳng khác gì nhau. Nó đều là những hành động chấp nhận hại chết 1 người để cứu 5 người. Vậy nên bạn sẽ đẩy người đàn ông ấy, phải không nào? Có đúng thế không nào? Bạn hãy suy nghĩ, trả lời trước khi nghe sự thật sau đây: chỉ 1/6 những người tham gia thí nghiệm chọn lựa như vậy mà thôi. Phần đông còn lại trả lời là không.

Tại sao lại không, khi như vừa phân tích, xét về mặt “hiệu quả hành động” thì giữa chuyện “bẻ ghi sang phải” với chuyện “đẩy người đàn ông xuống dưới” là giống y chang nhau kia mà? Chắc là bạn cũng tự trả lời được rồi: nó giống nhau về “hiệu quả” nhưng lại khác nhau về cách thức. Bẻ ghi sang phải, chấp nhận hại 1 người - cứu 5 người là hại người một cách gián tiếp, thụ động, trong một tình huống không thể tìm được một hành xử tốt hơn.

Nhưng đẩy 1 gã từ trên cầu xuống lại là hại người, mà phải nói chính xác là giết người trực tiếp, chủ động, dễ tạo nên những mặc cảm tội lỗi khủng khiếp cho mình. Bạn sẽ dễ hình dung hơn nếu nghĩ đến tình huống hành hình tù nhân trên pháp trường.

Tại sao khi hành hình, người ta phải sử dụng cả một đội bắn thay vì chỉ một người bắn, cho dù một đội hay một người thì suy cho cùng cũng chỉ có 1 người chết? Câu trả lời chắc chắn là để mặc cảm tội lỗi (nếu có) của người bắn là thấp nhất. Rồi bạn lại nghĩ thêm: tại sao nhiều nơi đấu tranh cho việc tử hình tội phạm bằng hình thức “cái chết êm ái”, tức là cho tội phạm ngồi lên một ghế điện hoặc ăn một bữa ăn có độc, thay vì sử dụng cả một đội bắn như vẫn làm trước đây? Câu trả lời vẫn vậy mà thôi: Dẫu là giết một tử tù thì “giết” một cách gián tiếp - trừu tượng bao giờ cũng dễ chấp nhận hơn và để lại những ám ảnh tội lỗi thấp hơn so với việc giết trực tiếp - cụ thể.

Trở lại với thí nghiệm của nhà tâm lý Marc Hauser, điều cuối cùng có thể rút ra là, những hành vi đạo đức - những quyết định đạo đức - những nhận thức đạo đức hóa ra không phân biệt dân tộc, quốc gia, văn hóa. Tất cả những hành vi - quyết định - nhận thức ấy đều là thuộc tính người, là cái phần tất yếu ở bên trong mỗi động vật bậc cao. Vậy thì đạo đức suy cho cùng là một yếu tố bẩm sinh?

Bây giờ thì có vẻ bạn đang bị thuyết phục theo hướng này phải không? Nhưng đừng vội kết luận mà hãy tiếp tục xem xét những tình huống mở rộng sau đây. Bạn vẫn ở vị trí trên cầu cao tốc, phía trên đường ray nhưng gã đàn ông không quay lưng mà lại quay mặt về phía bạn. Lúc đó, nếu thuộc về 1/6 người quyết định “đẩy gã” như trong cuộc thăm dò của Marc Hauser thì bạn có sẵn sàng đẩy nữa không? Rõ ràng đẩy một kẻ “quay lưng” bao giờ cũng dễ hơn một người “quay mặt” về phía mình, đúng không nào?

Nhưng vẫn chưa hết, lại suy nghĩ tiếp: khi quay mặt, gã ta sẽ phản ứng như thế nào? Sẽ ném về phía bạn một cái nhìn cau có, hay sẽ cười với bạn - một nụ cười giống y như những diễn viên Hàn Quốc điển trai mà bạn từng mê đắm? Nếu là phương án 1, chắc chắn xác suất đẩy gã xuống sẽ cao hơn nhiều. Nhưng vẫn chưa hết, ngay cả khi gã cười như một diễn viên Hàn Quốc nhưng đấy lại là cái gã mà xưa nay bạn luôn ghen ăn tức ở, vì gã luôn làm được những điều mà bạn không thể làm được thì sao?

Lúc này xác suất đẩy của bạn vẫn cao, phải không nào? Và tất cả những chữ “nếu” với những xác suất khác nhau đó suy cho cùng được quyết định bởi cái gì nếu không phải là bởi những kinh nghiệm sống, thông qua những va chạm xã hội của bạn? Vậy thì tới đây, theo bạn, đạo đức thuộc phạm trù bẩm sinh hay phạm trù xã hội?

Ngay cả tình huống “bẻ ghi” hòng giết 1 người - cứu 5 người cũng vậy thôi. Nếu người đứng ở bên phải đó không phải là một người xa lạ mà là bố/mẹ bạn thì sao? Ngay cả khi nếu đấy không phải bố/mẹ bạn mà là một em bé thì sao nào? Rõ ràng là những chữ “nếu” có ý nghĩa như những tham số cho những tình huống mở rộng này sẽ gợi ra những hướng xử lý rất khác nhau. Nó phức tạp, cắc cớ, chứ không đơn giản, một chiều.

Và toàn bộ những biến động phức tạp - cắc cớ đó đều đến từ những va chạm xã hội cùng những kinh nghiệm sống được tích lũy của chúng ta. Nhìn nhận theo cách này sẽ thấy hóa ra những quyết định đạo đức lại là một phạm trù xã hội.

Vậy thì cần phải có một câu trả lời sau cuối thế nào đây? Đạo đức là phạm trù bẩm sinh, là cái tự nhiên bên trong mỗi con người hay là phạm trù xã hội, là cái đường hình thành thông qua những trải nghiệm ở bên ngoài con người vật chất? Câu hỏi này từng là đề tài tranh cãi quyết liệt của cả các nhà triết học và tâm lý học. Vào khoảng những năm 70 của thế kỷ XX, xuất hiện chủ nghĩa sinh học xã hội - một xu thế khoa học liên ngành mới mẻ ở châu Âu. Chủ nghĩa này cho rằng: “Tất cả những gì của con người do bẩm sinh mà có thì không thể bị thay đổi do các điều kiện xã hội”.

Những người theo chủ nghĩa sinh học xã hội tin rằng lý tính của con người được quyết định bởi các gen di truyền. Bạn sẽ thấy, cách nghĩ này gần giống với chủ nghĩa tự nhiên, thứ chủ nghĩa tin rằng hành vi xã hội của con người có thể được nhận biết nhờ việc nghiên cứu hành vi động vật. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa xã hội học lại tin rằng các hành vi của con người đều do tư tưởng, ý thức xã hội tạo nên.

Đến thời điểm hiện nay, phần lớn giới nghiên cứu đều dung nạp cả hai quan niệm trên, rằng đạo đức vừa là yếu tố bẩm sinh, vừa là yếu tố xã hội. Vậy thì bao nhiêu phần trăm bẩm sinh? Bao nhiêu phần trăm xã hội? Đấy có lẽ là những câu hỏi dành cho tương lai, trong bối cảnh mà có thể những con robot sẽ chung sống với chúng ta và chúng ta bắt buộc phải xây dựng những quy chuẩn đạo đức mới trong một loại hình xã hội người - robot chưa từng có trước đây. Mà nói đến những con robot, lúc này tôi lại đang tưởng tượng đến một chi tiết mới trong tình huống của Marc Hauser: Con tàu vẫn đang lao xình xịch về phía trước vì mất phanh. Nhưng, đứng trước tàu không phải 5 con người bằng da bằng thịt mà là 5 robot. Ở bên phải cũng chẳng còn là 1 con người bằng da bằng thịt mà là 1 con robot.

Bạn thử nghĩ xem, lúc ấy bạn có “bẻ ghi” không?
Phan Mỹ Chí

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) đã cận kề. Góp phần vào thành công của lễ kỷ niệm là 11 khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND (9 khối đi và 2 khối đứng). Để thực hiện nhiệm vụ này, lãnh đạo Bộ Công an giao Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) tổ chức tuyển chọn hơn 1.300 CBCS tham gia luyện tập, trong đó đoàn viên, thanh niên các học viện, trường CAND là nòng cốt, phối hợp Công an một số đơn vị, địa phương, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文