Thử bàn về hát bội
Có những lúc ông an ủi bằng cách đưa ra chừng dăm quyển vở học trò chép đầy thơ. “Q đọc đi”. Bèn đọc. Những bài thơ này, ông chép tay như nét chữ học trò. Rõ ràng. Dễ đọc. Gió chiều lồng lộng. Đường vắng. Quán cà phê Hoa Vàng. “Rằng, xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau”. Tên quán là lấy theo câu thơ của chính ông.
Nhớ Phạm Thiên Thư
Thời điểm này, Phạm Thiên Thư đã “lậm” sâu vào phương pháp dưỡng sinh với tên gọi “phathata” do ông sáng lập. Đại khái, ông chủ trương: “Luôn biết mình dốt/ Để gọt tính kiêu/ Để yêu như mới/ Để cởi mối hiềm/ Để thêm tinh tiến”.
Và cũng vì say mê cuồng nhiệt, trung thành với phương châm này, ông đã viết nhiều bài thơ tứ tuyệt. Mỗi lần ghé chơi, ông thường đưa ra cho đọc. Sau đó, dần dà y ít lui tới. Tại sao thế? Đơn giản chỉ vì vết thương lòng đã lành, đã có thể vi vu trăng hoa tình ái với cảm hứng yêu đời dào dạt, yêu người da diết nên y đã… quên béng ông bạn già.
Thế đấy. Có những nơi khi rầu rầu tâm sự, buồn buồn sương khói ta thường tìm đến; ngoặt một cái, lúc giông gió đã qua, biển đã yên, sóng đã lặng, ô hô, ta lại chẳng thèm nhớ đến nữa. Tệ đến thế là cùng.
Chẳng sao. Vẫn còn có cách “sửa sai”, ấy là bằng mọi cách lục lọi lại tập sách Từ điển cười Tiếu liệu pháp của Phạm Thiên Thư - bao gồm những bài thơ mà ngày ấy, y đã từng đọc. Nay, đọc một lèo và cảm thấy khoái! Trên cõi đời, nếu được cười một cách sảng khoái, còn gì thú bằng? Ngược lại, đã cười mà cười gượng gạo đành lòng, cam chịu nhưng tỏ ra vui vẻ thì còn gì là cười?
Sực nhớ, trong một truyện ngắn nọ, nhà văn Nguyễn Công Hoan kể lại có anh chàng dân đen được quan trên cử đi trừ bọn cướp. Với lòng quả cảm, nghĩa hiệp anh ta đã khám phá ra ổ trộm, nhờ đó, làng xóm bình yên. Sự thành công này rực rỡ đến độ cô vợ anh… phải góa chồng. Tất nhiên, quan lớn hứa thưởng công, đền bù công lao xứng đáng cho một người bỏ mạng vì việc làng, việc nước.
Cũng an ủi phần nào, vì sau khi chồng chết gia đình ngày càng túng quẫn, kiệt quệ. Chờ đợi mãi, dăm ba tháng sau, mừng quá chị nhận tờ sức của ông lý trưởng. Mời đi nhận tiền thưởng? Không, mời nhận cái bằng… truy tặng cửu phẩm bá hộ! Ấy là ngậm cười chăng?
Nếu người khác chỉ viết làm dăm ba bài thơ trào phúng để cười cho đỡ buồn, ông Phạm Thiên Thư đã làm hẳn một cuốn sách dày trên 1.000 trang. Nội lực sáng tạo và lao động bền bỉ về cái cười cỡ này, thiệt đáng nể. Thế thì cười là gì?
Để trả lời, chỉ có thể viết luôn một quyển sách, chẳng hạn trước kia, bác sĩ Dương Tấn Tươi có viết quyển Cười (nguyên nhân và thực chất) in năm 1968, dày 370 trang, nay cũng thuộc loại quý hiếm mà chơi sách cũ săn lùng dữ lắm.
Thế nào là cười? Trước mắt, ta hãy lấy định nghĩa ngắn gọn của Việt Nam tự điển do Hội Khai trí tiến đức khởi thảo năm 1931: “Nhách môi, há miệng lộ sự vui vẻ hay ý tứ gì ra”.
Trước đó nữa, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Ấy là cách hả miệng, nhích mép, hoặc có tiếng hoặc không có tiếng, tỏ ra mình vui vẻ hay có ý gì. Cũng có nghĩa là chê bai: Nó cười tôi”.
Có lẽ, “định nghĩa” chuẩn nhất về cười, theo y, thuộc về ông Rabelais - một nhân vật đồ sộ của thời Phục hưng: “Thay vì bàn đến khóc, tốt hơn là viết về cười, vì cười là đặc tính của con người”. Đúng thế, không con vật biết nào biết cười, chỉ có con người.
Tuy nhiên, y biết có một con bò cũng biết cười là khi nó được… xuất hiện trên bao mỳ pho mát Pháp. Hình ảnh ngộ nghĩnh, vui tươi, dễ gây thiện cảm. Con bò đó cười thế nào?
Chắc chắn không phải là kiểu cười mà ông Phạm Thiên Thư đã miêu tả: “Tức quá gằn lên một tiếng cười/ Cười như ngầm dọa: “Biết tay thôi/ Cười ông - có lúc ông cười lại/ Cười lại là bay chết bỏ đời!”. Cười này là cười gằn.
Nhớ qua hát bội
Đã lâu, lâu lắm rồi, có đọc bài thơ tứ tuyệt xưa lắc xưa lơ, xét ra là một lối cười xỏ xiên thâm trầm, ý vị, nay chép lại cho vui. Vui là tốt rồi, được thế đã là may, còn hơn phải chìm đắm trong lo âu sầu não. Bài thơ này của ông thi sĩ Lãng Ba.
Thơ rằng: “Sân khấu hẹp hòi múa hát vang/ Ăn lương bầu gánh sợ ông làng/ Làm vua làm tướng chi chi đó/ Thì cũng do “nhưng” núp dựa màn”. Xét về câu chữ, rõ ràng tác giả là người miền Nam. Thử hỏi, câu cuối có từ “nhưng”, vậy nghĩa là gì? Ta bàn sau. Dám nói rằng, ông làng là cách gọi chung về ông tổ hát bội. Nhiều từ điển và sách vở xưa nay đã giải thích rành rành. Liệu chừng có đúng? Không hẳn đâu.
Một khi nói chắc nịch như thế ắt có người cãi. Dứt khoát sẽ cãi lại cho bằng được. Tránh cãi cọ lôi thôi, chi bằng hãy nghe chuyên gia hàng đầu nghiên cứu nghệ thuật hát bội là GS Hoàng Châu Ký giải thích: “Ông làng là những tượng nhỏ được thờ với các vị tổ trong những gánh hát bội ngày xưa. Trên bàn thờ tổ có một cái tráp gỗ sơn đỏ, có cửa mở đóng, bên trong có mười tượng gỗ nhỏ, đầu bịt khăn đỏ, mình mặc áo lục, là tượng các vị tổ của nghề hát bội. Trước mười tượng này lại có hai tượng khác cũng khăn áo như vậy nhưng đứng hai bên chiếc ngai, đó là hai ông làng hát bội” (Tự điển nghệ thuật hát bộ Việt Nam, Nguyễn Lộc chủ biên - Nxb KHXH Hà Nội - 1998, tr.448).
Rõ ràng ông làng chỉ được thờ chung chứ không phải ông tổ hát bội. Thế nhưng xưa nay người ta vẫn gọi và xếp chung vào hàng ông tổ, xét ra thiệt… éo le! Mà cũng phải thôi, theo truyền thuyết ông làng vốn là hai hoàng tử trẻ con, hỉ mũi chưa sạch, mặt búng ra sữa, còn ham chơi và cực kỳ mê hát bội.
Một hôm dù đang ốm nhưng cả hai vẫn trốn đi xem hát, núp một chỗ không ai nhìn thấy, bị cảm lạnh rồi chết. Đáng khen là sau đó, hai ông hoàng này luôn phù hộ cho các gánh hát bội nói chung nên từ đó về sau, đào kép đã thờ họ cùng với ông tổ. Từ “ông hoàng”, trải qua năm tháng đã dần dần nói trại thành “ông làng”.
Do còn trẻ con nên hai ông hoàng này… khoái mùi thơm của trái thị, vì lẽ đó, ngày xưa người ta kiêng kỵ đem trái thị vào giàn hát/ rạp hát là vậy, vì rằng, mùi thơm của trái thị khiến hai ông hoàng xao nhãng mà quên giúp đỡ cho đào kép.
Nhân đây xin nói luôn, theo ghi chép của nhà nghiên cứu Thy Hảo Trương Duy Huy về tượng ông làng: “Thường được đẽo bằng gỗ vông, lớn bằng bắp tay, gặp những tích tuồng có vai người mẹ sinh con, người ta đưa ông làng ra đóng bé sơ sinh, chứ không mượn trẻ con thật đóng tuồng”.
Khi bàn về ông làng, y nhớ đến bài Vịnh hát bội Quảng Nam, nhà thơ Tú Quỳ viết: “Nhỏ mà không học lớn làm ngang/ Trống đánh ba hồi đã thấy quan/ Ra rạp ngồi trên ba đứa hiệu/ Vào buồng đứng dưới cặp ông làng”.
Về ông làng, ta đã biết, còn “ba đứa hiệu” là quân chạy hiệu, tức lính cầm cờ, sai đâu chạy đó, thuộc hạng lóc cóc leng keng. Sự đời cũng oái oăm thiệt, cũng vì câu thơ “Ra rạp ngồi trên ba đứa hiệu” mà ông Tú Quỳ mang họa vào thân.
Hiệu là tên của anh hùng Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887) - lãnh tụ xuất sắc của phong trào Nghĩa Hội chống Pháp ở Quảng Nam. Có giai thoại, ông Hiệu đã sai lính về làng bắt Tú Quỳ lên hỏi tội vì câu thơ xách mé đó, nhưng rồi vì tiếc tài của một người giỏi chữ nên ông tha cho. Về sau, Tú Quỳ còn có dăm ba bài vè, văn tế chế giễu cuộc kháng chiến của nghĩa quân Cần vương.
Nhà “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân bình luận: “Ở thời điểm này, ta chỉ có thể khép Tú Quỳ vào hạng người lạc hậu, bảo thủ và ông đã bị các nhà trí thức tiến bộ thời ấy khinh thường” (Thơ văn Tú Quỳ - Nxb Văn hóa thông tin - 208, tr.256). Đây chính là lý do khiến người đương thời không muốn nhắc đến Tú Quỳ nữa, về sau thơ văn của ông mai một dần, nay ít ai biết đến.
Thế thì, vấn đề đặt ra ở đây là gì?
Với người cầm bút, ngoài cái tài/ tài năng còn là quan điểm, thế đứng, cách nhìn, sự lựa chọn, thái độ của họ về thời cuộc, về thời đại họ đang sống. Bằng không, văn chương chữ nghĩa dù tài hoa, dù hay bằng trời đi nữa, có là gì chăng?
Thì đấy, chỉ đơn cử một hai thí dụ, ai dám bảo thơ văn của Tôn Thọ Tường không gấm thêu? Ai dám bảo kiến văn của Lê Tắc không giỏi? Thế nhưng đương thời, thời sau thiên hạ đã nhìn nhận họ bằng cái nhìn thế nào? “Rằng hay thì thật là hay”.
Hóa ra, bản lĩnh sống, tư cách sống, thái độ sống của người cầm bút cũng quan trọng không kém gì tài năng trời cho, đúng không nào? Xét ra, cái nghề sống bằng chữ nghĩa nhọc nhằn và nặng nề lắm.
Một người thợ làm xong cái bàn, cái ghế, cái tủ… sau khi bàn giao hoặc bán đi là xong. Nhẹ nhàng phủi tay. Không phải bận tâm gì nữa. Nhưng người cầm bút lại khác, rất khác. Với những gì đã viết, đã công bố dù một dòng, một chữ dẫu sau này đã chìm sâu dưới ba tấc đất, họ vẫn còn phải chịu trách nhiệm lấy nó.
Hãy quay trở lại với câu thơ của Lãng Ba vừa nêu trên: “Thì cũng do “nhưng” núp dựa màn”. Dám chắc rằng, chẳng mấy ai có thể giải thích được từ “nhưng”. Nó vô nghĩa? Nó sai moras. Nghĩ thế, bèn lật từ điển tra cứu xem sao.
May quá, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Nhưng hát bội: Người thuộc tuồng làm thầy hát bội, thầy tuồng”. Vậy suy ra, “nhưng” cũng là “thầy tuồng”? Liệu chừng có đúng? Không hẳn đâu.
Một khi nói chắc nịch như thế ắt có người cãi. Dứt khoát sẽ cãi lại cho bằng được. Tránh cãi cọ lôi thôi, chi bằng hãy nghe chuyên gia hàng đầu nghiên cứu nghệ thuật hát bội là Tuần Lý Nguyễn Khắc Dụng giải thích: “Trong gánh hát bội, thầy tuồng là nhân vật quan trọng, cai quản nội bộ. Thầy tuồng là người thông chữ nho, biết đặt tuồng mới, soạn tuồng xưa, tập tuồng, sắp xếp cho có đầu đuôi, thứ lớp. Trong ban hát, ai cũng kính nể ông thầy tuồng”. Nói nôm na, thầy tuồng chính là soạn giả và kiêm luôn cả đạo diễn.
“Nhân vật thứ hai, kế tiếp thầy tuồng là chú nhưng, chuyên việc nhắc tuồng cho diễn viên còn non nớt. Chú nhưng là một kép già lão luyện, thuộc hầu hết các tuồng thầy” (Hát bội - Nam Chi tùng thư XB năm 1970 - tr.326). Rõ ràng, “nhưng” chỉ là người nhắc tuồng.
“Làm vua làm tướng chi chi đó/ Thì cũng do “nhưng” núp dựa màn”. Câu thơ vọng lên tiếng cười xỏ xiên, châm biếm. Đọc xong, khiến ta lại nhớ đến… nghệ thuật chơi múa rối nước. Với con rối, mọi cử động của nó là do người chơi, núp phía sau điều khiển.
Thật ra, thời buổi nào cũng có hạng người cầm bút chẳng khác gì con rối. Chữ nghĩa múa may quay cuồng những tưởng tâm huyết lắm, những tưởng đau đời lắm nhưng chỉ là cái loa phát thanh cho “nhưng” núp dựa màn, giấu mặt ở phía sau. Hạng cầm bút này, gọi là gì?
Y không biết, chỉ biết văn hào Lỗ Tấn gọi loại người thuộc “nhị hoa diện”, nói nôm na là “anh hề nhì”.
Khác với hề kiểu cũ ở chỗ: “Anh ta là trí thức. Anh ta biết chỗ dựa của mình là núi băng, nhất định không bền lâu, tương lai mình còn phải xu phụ người khác, cho nên được nuôi nấng, chia sẻ oai thừa, anh ta cũng phải giả vờ làm như mình không phải cùng một phường với tên công tử đó” (Lỗ Tấn tạp văn, bản dịch của Trương Chính - Nxb VHTT - 2003, tr.511-512).
Có bàn luận gì thêm không?
Dạ, đã đủ rồi ạ.