Vặn dây cót "trách nhiệm"!

11:30 26/12/2020
Xung quanh câu chuyện COVID-19 lây lan ra cộng đồng ở Thành Phố Hồ Chí Minh, tôi xâu chuỗi lại một vài câu chuyện cùng tính chất và suy nghĩ nhiều về hai từ "trách nhiệm"... 

Kính gửi báo ANTG GT - CT!

Xung quanh câu chuyện COVID-19 lây lan ra cộng đồng ở Thành Phố Hồ Chí Minh, tôi xâu chuỗi lại một vài câu chuyện cùng tính chất và suy nghĩ nhiều về hai từ "trách nhiệm". 

Thưa quý báo, ai cũng hiểu là một cá thể không tồn tại đơn độc trong cuộc đời này. Chúng ta tồn tại trong sự tương tác với những người xung quanh.

Do vậy, mỗi người chúng ta, ở mỗi vị trí khác nhau, trong mỗi câu chuyện khác nhau và tại từng thời điểm khác nhau đều phải có trách nhiệm với bản thân mình và với cộng đồng. Trách nhiệm với bản thân để không biến mình thành gánh nặng cho cộng đồng. Trách nhiệm với cộng đồng để không làm ảnh hưởng tiêu cực tới những giá trị mà nhiều người/ nhiều thế hệ người bồi đắp. Nền giáo dục nào, ở chế độ chính trị nào cũng phải dạy công dân của mình về cái ý thức trách nhiệm đó.

Soi chiếu điều đó vào câu chuyện của "bệnh nhân 1342", dù có muốn nhẹ lời nhất và thông cảm nhất thì cũng phải nói rằng, đấy là một người thiếu trách nhiệm. Tiếp xúc không an toàn với người khác trong khu cách ly tập trung là thiếu trách nhiệm. Vẫn gặp gỡ tiếp xúc người khác khi cách ly tại nhà trọ là thiếu trách nhiệm. Và thử nhìn lại xem, từ sự thiếu trách nhiệm của một bệnh nhân, hậu quả nào đã xảy ra?

Tôi xin nhắc lại: bệnh nhân 1342 đã lây sang 1347, và đến lượt mình 1347 đã tiếp tục lây sang 1348, 1349. Sau cái chuỗi lây lan tuyến tính ấy, gần 3.000 người thuộc thuộc các diện tiếp xúc với 4 bệnh nhân đã phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm; hàng chục trường đại học, tiểu học phải cho học sinh nghỉ; hàng chục chung cư, hàng trăm hộ gia đình bị phong tỏa; và cả xã hội phải sống trong thấp thỏm lo âu. Vẫn biết chuyện đã qua, nhưng nếu vì trôi qua mà không nhắc lại một cách cẩn thận, từ đó một lần nữa đặc biệt nhấn mạnh tới ý thức trách nhiệm của một con người - một công dân trong lòng một cộng đồng, một xã hội thì không loại trừ khả năng những điều không ai muốn rồi sẽ lặp lại.

Thưa tòa soạn, tôi buộc phải nghĩ đến chuyện "lặp lại" (cầu mong nó không xảy ra) bởi ai cũng biết chỉ từ một khai báo thiếu trung thực - thiếu trách nhiệm của bệnh nhân số 17 mà cả nước từng rơi vào đợt bùng phát dịch đầu tiên. Lúc đó ai cũng nói, cái giá mà bệnh nhân số 17 nhận lại là quá đắt. Và từ cái giá quá đắt ấy, có lẽ không ai dám khai báo - sinh hoạt - đi lại thiếu trung thực, khiến dịch bệnh lây lan ra cộng đồng thêm nữa. Nhưng sự thực là sau bệnh nhân số 17 là bệnh nhân 1342 như vừa nói. Điều ấy cho tôi một cảm nhận: đối với một bộ phận người nào đó, những bài học từ bệnh nhân số 17 có vẻ vẫn chưa thấm thía.

Với một con virus siêu nguy hiểm, khiến cả nhân loại hoang mang sợ hãi thì chỉ một chút sơ sảy, chủ quan thôi, chúng ta đã phải trả giá đắt. Đằng này lại thiếu trách nhiệm, thiếu nghiêm túc, thiếu tự giác, đấy là điều bắt buộc phải xử lý theo pháp luật. Có lẽ không riêng gì tôi, rất nhiều người dân khác cũng vỗ tay đồng tình khi hay tin Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm về việc để lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng lần này.

Thưa Tòa soạn, khi nói đến "trách nhiệm", ít nhất là trong câu chuyện cụ thể như phòng chống COVID-19, tôi nghĩ đó không chỉ là trách nhiệm của một người dân cụ thể, thuần tuý, mà còn là trách nhiệm của tổ chức, là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan ban ngành địa phương. Bởi nếu đơn vị chủ quản làm hết trách nhiệm trong việc quản lý cách ly tập trung thì sự vô trách nhiệm của bệnh nhân 1342 có điều kiện phát tác hay không?

Nếu chính quyền địa phương làm hết trách nhiệm trong việc giám sát cách ly tại nhà thì sự vô trách nhiệm của bệnh nhân 1342 có thể tạo ra những hậu quả ghê gớm đến thế hay không? Nói như vậy không phải để "gỡ tội" cho bệnh nhân 1342, mà để thấy rằng trong một hệ thống vận động, nơi các thành tố liên quan qua lại với nhau thì trách nhiệm tối cao của mỗi thành tố sẽ giúp hệ thống có thể giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất. Bằng không, xác suất rủi ro sẽ không ngừng gia tăng.

Thưa quý báo, tôi nghĩ rằng qua sự vụ này, một lần nữa chúng ta phải rà soát lại câu chuyện và tinh thần trách nhiệm của nhiều người, nhiều vùng, nhiều đối tượng khác nhau. Trách nhiệm người dân, trách nhiệm của các yếu tố cấu thành một hệ thống chính trị, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, trách nhiệm của người đứng đầu. Khi chúng ta nói rằng "chống dịch như chống giặc" thì tất cả đều hiểu: Chỉ có thể chống giặc và thắng giặc nếu mỗi người - mỗi đối tượng trong trận chiến đều thể hiện tối đa trách nhiệm của mình. Lãng quên trách nhiệm, sơ sảy trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, thoái thác trách nhiệm, đấy là điều không thể có trong một cuộc chiến. 

Trên đây là đôi dòng tâm sự, xin mạnh dạn kính gửi quý báo.

Nguyễn An (Hà Nội)

Kính gửi độc giả Nguyễn An!

Chúng tôi rất xúc động khi nhận được những dòng thư tâm huyết của độc giả. Chúng tôi nghĩ rằng việc ngồi xuống, lắng lòng nhìn nhận lại toàn bộ câu chuyện và viết thư gửi chúng tôi cho thấy bản thân độc giả là một người hết sức có trách nhiệm với cộng đồng. Chúng tôi rất đồng tình với những phân tích duy lý, chỉ ra "trách nhiệm" của nhiều đối tượng, nhiều cấp độ, đặc biệt là với người đứng đầu một cơ quan tổ chức mà độc giả đề cập. Nói đến trách nhiệm người đứng đầu, chúng tôi xin nhắc lại phát biểu rất nóng hổi của tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vào chiều ngày 2-12.

Ông nói: "Giờ là lúc phải thể hiện trách nhiệm nghiêm túc, không được phép chủ quan, lơ là". Và ông nhấn mạnh: "Nếu địa bàn Hà Nội mà bung và toang, hứa với các đồng chí, tôi chịu trách nhiệm". Chắc chắn là độc giả đã đọc trên báo lời phát biểu này. Chúng tôi không biết cảm xúc của độc giả như thế nào, nhưng theo chúng tôi nó là một câu nói thể hiện sự quyết tâm rất lớn của người đứng đầu cơ quan hành chính thủ đô. Và theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều người dân thủ đô phấn khích trước phát biểu này.

Thưa độc giả, công tâm mà nói thì  tinh thần xuyên suốt trong các chỉ thị, các công điện của Chính phủ về Phòng, chống dịch COVID-19 đều đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu. Nhìn một cách khái quát hơn, cũng phải thấy Việt Nam có khung thể chế pháp lý khá rộng xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Cho nên ông Chu Ngọc Anh sau khi nói câu: "Nếu địa bàn Hà Nội mà bung và toang, hứa với các đồng chí, tôi chịu trách nhiệm" cũng đã nói thêm rằng: "…Mà không hứa thì tôi cũng phải chịu trách nhiệm, tức là người đứng đầu chính quyền phải rõ trách nhiệm, cảnh giác cao độ, không chủ quan lơ là, kiểm soát từ bên ngoài, ngăn chặn từ bên trong".

Như vậy rõ ràng là ngay cả khi không nói và không hứa thì trách nhiệm của người đứng đầu như ông Chu Ngọc Anh vẫn là điều chắc chắn. Tuy nhiên, điều đáng nói nằm ở chỗ: Ai cũng biết như thế, nhưng mấy ai dám nói thẳng, nói rõ, nói sòng phẳng ra như thế? Khi một người đứng đầu nói rõ về trách nhiệm của mình thì người dân hiểu rằng trong trường hợp không thực hiện đúng/ hoặc hết trách nhiệm, người đứng đầu cũng sẽ sẵn sàng ra đi (?). Thưa độc giả, chúng tôi nghĩ rằng không chỉ riêng trong câu chuyện phòng chống dịch COVID-19, mà trước bất cứ một công việc, một nhiệm vụ, một kế hoạch nào, người đứng đầu các cấp cũng phải thể hiện được cái tinh thần "tôi chịu trách nhiệm" rất rõ ràng, công khai như vậy.

Trở lại với sự thiếu trách nhiệm của bệnh nhân 1342 mà độc giả đã phân tích rất kỹ lưỡng, chúng tôi rất đồng tình với những chia sẻ của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên: "Mình không muốn trừng trị nhưng mọi người phải lấy đó làm gương. Rơi vào tình cảnh đó phải chấp nhận hi sinh để xã hội bình yên.

Mỗi người phải thấy rằng, mình phải có trách nhiệm với cộng đồng. Mình phóng túng một chút, thiếu ý thức một chút, không chấp hành nghiêm kỷ luật một chút là họa đến". Công an TP Hồ Chí Minh đã bước đầu điều tra và xác nhận bệnh nhân 1342 với những biểu hiện vô trách nhiệm của mình là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Phần còn lại hãy để cho pháp luật xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đủ sức răn đe.

Thưa độc giả, điều cuối cùng chúng tôi muốn nói là có rất nhiều biện pháp để "lên dây cót" trách nhiệm cho một xã hội: phổ biến, tuyên truyền, thực hiện một vài "án điểm". Tuy nhiên ở góc độ sâu xa, để mỗi cá nhân luôn luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình với cộng đồng xung quanh thì chúng tôi nghĩ vai trò của giáo dục là rất lớn. Nó vừa là giáo dục nhà trường, vừa là  giáo dục gia đình, và như thế chính mỗi chúng ta trong vai trò của những ông bố bà mẹ cũng không phải là những người ngoài cuộc trong câu chuyện mang tính căn cơ, cội rễ này.

Xin chân thành cảm ơn độc giả!

Vương Trọng Tín

Trong trận đấu với Tottenham tại vòng 35 giải Ngoại hạng Anh 2023/2024 diễn ra tối 28/4 (giờ Việt Nam), Arsenal đã dẫn trước tới 3-0 trước đối thủ nhưng suýt chút nữa đánh mất chiến thắng khi để đối thủ ghi liền 2 bàn trong hiệp 2.

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

Khi phát hiện người phụ nữ bế trên một cháu bé đang khóc không ngớt và chân tay co giật đứng ở lề đường, tổ tuần tra của Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương đưa cháu bé trong tình trạng sốt cao, co giật đến bệnh viện cấp cứu. Do được cấp cứu kịp thời, hiện tại cháu bé đã giảm sốt, bệnh viện đang tiếp tục theo dõi điều trị cho cháu ổn định.

Trung tá Hoàng Anh Công Minh đang làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì đối tượng Phạm Ngọc An (SN 2001, trú xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) điều khiển phương tiện, phía sau chở Trương Ngọc Thảo Nhi (SN 2009) tông thẳng vào Trung tá Minh khiến anh ngã xuống đường, bị thương.

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiều 28/4, thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5,  toàn quốc xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 68 người.Cùng ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp vi phạm Luật giao thông và ra quyết định xử phạt 31 tỷ 830 triệu đồng.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文