“Bao nhiêu người xem rồi?”

20:10 20/06/2022

Câu này quen quen. Vài hôm trước có nữ phụ huynh bức xúc vì con mình bị “tác động vật lý” từ bạn đồng môn. Nữ phụ huynh đã tranh luận không khoan nhượng với Ban giám hiệu nhà trường. Chốc chốc, bà lại quay ra hỏi: “Bao nhiêu người xem rồi?”.

Câu hỏi đấy hướng về ai? À. Hiểu rồi. Bà đang “lai -chim” (Livestream) cho thiên hạ chứng kiến màn hùng biện này. Chưa nói bên nào đúng bên nào sai nhưng ta thấy rõ ràng việc phát hình trực tiếp là một áp lực không nhẹ, khiến người đối diện phải đề cao cảnh giác, kẻo hớ. Việc này khiến cả xã hội phát sốt. Những câu hỏi về ngành giáo dục lại bị xới lên một cách không đáng có.

Hiện nay, người người “lai - chim”, nhà nhà “lai-chim”. Từ những người doanh nhân, trí thức tới những người nội trợ, giang hồ mạng đều có thể mở kênh riêng, “lai- chim” để thiên hạ phát cuồng. Có nữ doanh nhân hoạt khẩu đã kiếm được hàng triệu lượt xem từ nhiều kênh khác nhau. Nhiều người bỏ cả công việc, ăn cơm sớm để vào hóng “lai-chim”. Ảo tưởng thế thiên hành đạo khiến doanh nhân này quá đà nói những thông tin lệch chuẩn. Khi “việt vị” thì trọng tài an ninh phải tuýt còi trả lại sự bình yên cho xã hội.

Không biết từ bao đời, người ta thấy to mồm là chiến thắng. Nhà văn Aziz Nesin đã châm biếm rằng “khi đánh nhau, cái chính là phải làm đối phương sợ, phải hét thật to”. Trong truyện châm biếm ấy, nhân vật đã hét thật lực cho đô vật đối thủ sợ mất mật, hay nói một cách thời thượng là sợ đến đóng bỉm.

Các thánh “lai-chim” luôn tỏ ra quyền lực bằng cách bóc phốt, kể xấu về những nhân vật có tiếng hoặc những thông tin ỡm ờ câu khách.

Ngay cả những đối tượng vi phạm luật giao thông, “thông chốt” cũng gây áp lực bằng “lai-chim”. Đặc điểm thường thấy là những đối tượng này giơ điện thoại, nói nhiều như máy khâu cùng những ngôn từ tục tĩu lăng mạ người thi hành công vụ. Vừa chĩa camera vào người thi hành công vụ vừa hỏi mạng có bao nhiêu người xem rồi? Những hành xử này được không ít người vào “hóng biến” và chia sẻ, tạo ra núi rác internet ngày càng lớn.

Tại sao người ta lại sợ hãi trước những đối tượng mồm năm miệng mười? Lẽ phải bao giờ cũng ngắn gọn, đơn giản, còn sự xảo biện bao giờ cũng tràng giang đại hải. Vì vậy có thể nói không quá rằng, chưa nói đến quan điểm sai trái mà nói quá nhiều đã là lệch chuẩn rồi. Khoa học chưa giải thích nổi vì sao phụ nữ thường nói nhiều và luôn giành chiến thắng. Bằng chứng là minh tinh màn bạc Johnny Depp mất đến 6 năm mới cãi thắng được vợ mình. Việc này khiến anh em toàn cầu tròn xoe mắt khâm phục. Giai thoại rằng trong một hội thảo văn học, khi diễn giả nói về một nhà văn nào đó thì cuối phòng có một người đàn ông than thở “Bằng thế nào được Dumas”. Diễn giả nói đến nhà thơ nào đó thì người đàn ông lại kêu: “Bằng thế nào được Heine”. Một người ngồi bên cạnh nhắc nhở: “Bác lắm lời quá”. Người đàn ông nhún vai: “Bằng thế nào được vợ tôi”. Sự im lặng đáng giá bao nhiêu không rõ nhưng nhiều ông chồng cho rằng im lặng là vàng bởi họ biết bị tra tấn bởi những câu lặp đi lặp lại cũng là sự bạo hành. Vài lời hài hước về chị em vậy thôi chứ thực ra đàn ông cũng nhiều người lắm mồm đến mức chị em sang chấn tâm lý.

Sức mạnh truyền thông là người nói phải có người nghe. Ngay cả đứa trẻ 2 tuổi cũng chọn thời điểm lúc nào có người để ý mới lăn ra gào thật to. Khi không có ai xem là đứa trẻ khóc dai mấy cũng biết nín. Thành ra ai muốn nói nhiều hơn thì phải có diễn đàn. Bây giờ có mấy kênh Facebook, Youtube, Tik Tok. Thật quá tiện để triển khai quyền lực ảo. Mở đầu “lai-chim” bao giờ các “thánh” cũng nói câu “bao nhiêu người xem rồi?”. Nếu chưa nhiều thì khẩn cầu người xem bấm nút đăng ký, mở lời xin like.

Nói dài, nói dai thường dẫn đến nói dại, nói càn. Để tăng view, cách dễ nhất là thêm kịch tính bằng ngôn từ và sáng tác thêm cả những chuyện hoang đường. Lời nói biến thành một loại hung khí có sức sát thương không hề nhẹ. Tội nghiệp cho anh Chí làng Vũ Đại xưa rạch mặt ăn vạ cũng chỉ có dăm đứa đứng xem. Hồi ấy mà đã có “lai-chim” thì...

Việc hét cho thật to không còn là chuyện cười của Aziz Nesin mà đã trở thành thói quen ứng xử thời nay. Đầu tư cho con học hành tại những ngôi trường giáo dục đắt tiền, tiên tiến có đem lại gì không khi nền tảng gia đình vẫn trên cơ sở phải hét cho thật to. Kiến thức có thể học nhanh để đạt trình độ quốc tế nhưng ứng xử phải học như mưa dầm từ tấm bé. Người ta vẫn nói trình độ không bằng thái độ. Người có thái độ tốt chưa chắc đã thành công nhưng những người thành công đều có thái độ tốt.

Là người thông thái, chúng ta cần tránh xa các “thánh” “lai-chim” rác thì mới giảm được độ lây lan của hét to và ảo tưởng sức mạnh. Kỹ thuật chặn kênh không thuộc về khán giả nhưng tẩy chay “lai-chim” rác thì khán giả nào cũng có thể làm được, dễ như lấy đồ trong túi. Hãy thử một lần!

Lê Tâm

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文