Kia
Mobifone

“Biên tập” lại cuộc đời để sống gọn hơn cho 2023

Thứ Ba, 03/01/2023, 21:14

Những ngày cuối cùng của năm 2022, đường phố lúc nào cũng đông đúc hơn. Năm nay lại Tết sớm nữa, rất nhanh thôi là nhà nhà lại chuẩn bị tiễn ông Công ông Táo, quay cuồng chuẩn bị Tết. Bạn còn điều gì chưa làm ở năm 2022 này không? Bạn còn tiếc nuối điều chi khi chúng ta bước sang 2023? Biên tập lại cuộc đời mình cùng tôi được không? Để bước vào 2023 sống gọn hơn, tận hưởng hơn, trải nghiệm nhiều hơn cuộc đời này!

2022 cạn dần rồi

Những ngày cuối cùng của năm 2022 này, có người thì đang vắt chân lên cổ để hoàn tất một năm cuộc đời của mình, có người thì lại âm thầm chuẩn bị cho năm 2023 phía trước, lại có cả những người mong năm 2022 mau mau qua đi vì những thương tổn quá nhiều mà họ đã phải trải qua, bên cạnh những người mong 2022 chậm lại một chút nữa, họ còn bao điều chưa làm.

istockphoto-155429758-612x612.jpg -0

Những ngày cuối cùng của năm 2022 này, hệt như những phút cuối trong một trận bóng đá World  Cup chúng ta vừa chứng kiến. Có đội câu giờ để bảo toàn chiến thắng đợi trận đấu 2023. Có đội dốc toàn lực để gỡ hòa, ghi thêm bàn thắng, cứu vãn lại 2022 sắp kết thúc, tìm kiếm cơ hội được tiếp tục trận đấu 2023. Thời gian của cuộc đời cũng có phút bù giờ nhưng 4 năm mới có 1 lần bù thêm ngày 29/2.

Mỗi chúng ta đều đã tiêu pha năm 2022 của mình theo một cách khác nhau như vậy. Nên những ngày cuối năm 2022 này với mỗi người đều là hệ quả của việc chúng ta đã tiêu xài 2022 theo cách nào. Và theo cách nào thì 2022 cũng sẽ đi qua, 2023 vẫn sẽ tới, không khác được. Nhớ cho giùm điều đó, để biết buông xuống những thứ chúng ta không thể thay đổi, để tranh thủ hoàn tất những thứ ta đã phung phí hồi trong năm, để trân quý những gì chúng ta đã làm được.

Tôi cũng từng tiếc nuối biết bao nhiêu những năm tháng mình bỏ lỡ dù tôi thuộc tuýp người luôn tranh thủ từng phút một cuộc đời mình, sống như tim bấc, cháy hết mình. Nên tôi tiếc lắm khi nhìn thấy những người trẻ chả thiết làm gì, những phụ nữ chìm đắm trong đau khổ, những người chồng, người cha phí hoài năm tháng hôn nhân và tuổi thơ của con cái. Nhiều người nói họ già rồi nên chả muốn bon chen mà không thấy những cụ già 70, 80 tuổi đang rực rỡ ngoài kia, những bệnh nhân ung thư đang chống chọi trì hoãn cuộc đời, những trận cầu World  Cup mà thắng lợi chỉ đến ở phút bù giờ ít ỏi. Nhưng tôi cũng thở dài khi chứng kiến những người không bao giờ biết đủ, họ tranh thủ từng chút một bằng những tiểu xảo, đánh cắp thời gian của người khác làm thời gian cho riêng họ, mặc kệ thiên hạ lẫn người thân, chỉ cốt lấy lợi cho riêng mình.

“Biên tập” lại đời mình

Mỗi năm qua đi là thêm vào cuộc đời của mỗi chúng ta rất nhiều kỷ niệm. Là ký ức tươi vui hay ký ức đau thương, là thành công hay thất bại, là mối quan hệ mới hay những mối quan hệ cũ đi, mất, hỏng? Tất cả. Là tổng hòa của tất cả những thứ đó đã làm nên một năm cuộc đời. Chúng ta chọn giữ lại ký ức nào, kỷ niệm nào, nhớ và ghi lại điều gì?

Biên tập lại đời mình để sống gọn hơn thay vì ta cứ giữ rịt, tha lôi vào năm mới quá nhiều thứ như thế. Không phải là cắt bỏ đi những đau thương chỉ giữ lại những tươi vui, không phải là xóa trắng đi những thất bại và chỉ lưu trữ thành công, thành tựu như nhiều người vẫn làm. Và ngược lại thì càng không nên. Tôi vẫn nghĩ về từ "chưng cất". Là chúng ta học được gì từ những đau thương, những bất hạnh mà chúng ta đã trải qua. Để quên đi cái đau nó đã để lại trong ta và chỉ nhớ rằng mình học được điều gì. Để học cách buông bỏ cả những tự hào rỗng tuếch của những thành công không từ năng lực thực sự mà ta có. Biên tập lại đời mình là gì nếu không phải là học cách hiểu về bản thân mình hơn?

song-dep-1_028fe99c6a.jpg -0

Tôi vẫn tâm đắc với câu châm ngôn này: Ngoài 5 giác quan con người chúng ta có và cả giác quan thứ 6 mà vài người tin rằng họ có: linh cảm, thì còn giác quan thứ 7 nữa: hiểu rõ về mình. Hóa ra hành trình của cuộc đời chúng ta vốn chỉ là hành trình học hiểu về chính bản thân mình. Là làm sao để mình được hạnh phúc. Người ta chỉ có hạnh phúc thực sự, thực chất khi và chỉ khi họ thấu hiểu được bên trong của chính mình vậy. Nên biên tập cuộc đời chính là đọc lại năm tháng chúng ta đã đi qua, lựa chọn giữ lại những thứ thuộc về mình.

Ước mơ, mong đợi của bản thân có thuộc về mình không? Đó cũng là một câu hỏi tôi thường tự vấn bản thân mình. Và tôi nhận ra rằng nó chỉ thuộc về tôi ở hành trình thực hiện ước mơ đó, mong đợi đó chứ không thuộc về tôi ở kết quả. Bởi kết quả của nó còn tùy thuộc vào hoàn cảnh tác động, môi trường và các mối quan hệ đan xen. Chỉ có hành trình mà chúng ta trải qua mới thuộc về mình vậy. Là cách chúng ta lựa chọn mình làm gì trong tình huống này, mình nghĩ gì khi mình trải qua tình huống kia, mình nhận được gì, mình cảm thấy ra sao. Nó quan trọng hơn kết quả. Biên tập cuộc đời chính là cách ta neo giữ lại những điều đó chứ đừng chỉ là thành công hay thất bại. Không có thành công nào mãi mãi nên cũng chẳng có thất bại nào đáng hổ thẹn suốt đời.

Người ta đi lạc vốn là bởi người ta không có đích đến. Biên tập lại cuộc đời là cách ta tìm ra những đích đến của đời ta. Để loại bỏ những gì không còn phù hợp, không cần mang theo trên hành trình đích đến đời mình. Có nhiều người quá nhiều đích đến cũng sẽ giống như những người không biết đích đến vậy: Đều loanh quanh mãi. Một đích đến duy nhất hay những chặng đường ngắn với đích đến theo lộ trình là cách chúng ta sống gọn hơn.

Sống gọn hơn ở năm 2023

Giữa một thế giới đa nhiệm, người ta đã phát minh ra nồi cơm điện có thể phát ra nhạc du dương, sử dụng hơi nước từ nồi cơm để thành máy xông tinh dầu hay đa nhiệm đến mức nồi cơm biết nói chuyện. Thì sống gọn hơn rõ ràng là… lạc quẻ. Ai cũng muốn mình biết hết mọi chuyện ở thiên hạ nên 3 phút chờ đèn đỏ, nhiều người vẫn lôi điện thoại ra update tình hình mạng xã hội. Ai cũng muốn mình trở nên xuất sắc không chỉ trong lĩnh vực mình có năng lực, nên cái câu: "Một nghề thì sống- đống nghề thì chết" đã không còn phù hợp. Ai cũng sợ thua cuộc nên cuộc đời thành cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ.

Nhưng Facebook có 5,000 bạn sao ta vẫn cô đơn? Việc chúng ta triền miên trong những tranh đấu cuộc đời khác nào đường tắc nghẽn vì ai cũng muốn hơn người khác nửa bánh xe? Là chúng ta khiến bản thân mình rơi vào thế giới hỗn loạn và chính mình trở thành một hỗn loạn góp phần. Hiện tượng tâm lý FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ, bỏ lại) là một hiện tượng tâm lý đang phổ biến ở cuộc sống đô thị và công nghệ hiện đại.

Sống gọn lại không phải là buông bỏ hết, từ chối đua tranh, ngừng mở rộng cách mối quan hệ. Mà sống gọn lại là đừng phí phạm mình cho những điều không đáng. Là thay vì làm thêm 50 điều nên làm trước tuổi 50, hãy tập trung vào việc 50 điều vô ích ở tuổi 50. Là trân quý hơn những gì ta có thay vì theo đuổi những gì thiên hạ có. Là biên tập lại hành trình làm người của mình.

Năm 2023 đang bày ra trước mắt chúng ta với những bất an của một thế giới cái gì cũng tức thì và nhanh hơn tốc độ suy nghĩ của con người. Thế giới của 8 tỷ dân khác rất nhiều ở thế giới 7 tỷ dân rồi. Chỉ sống gọn lại mới giúp chúng ta đi nhanh hơn và sống có chất lượng hơn. Để tận hưởng và trở nên rực rỡ trong năm 2023 bằng những tinh túy nhất mà bạn có.

Tôi vẫn mơ về 2023, nơi mà mỗi người trong chúng ta, ít nhất là những bạn đọc đang đọc bài viết này, đều hạnh phúc theo cách của mình. Chỉ khi bạn hạnh phúc, tôi, một người đang hít thở bầu không khí 2023 với bạn, cũng sẽ được hạnh phúc theo. Là mỗi chúng ta như một hạt mưa góp phần tạo ra cơn lũ vậy. Nếu hạt mưa từ bạn trong lành, cơn lũ kia vì thế cũng hiền hòa đi. Và ngược lại. Mỗi chúng ta đều bằng cách này, cách khác làm nên một 2023 vậy.

Hoàng Anh Tú

.
.