Chuyện phu thê

10:55 03/03/2022

Miền Bắc sau Tết rét đậm. Nghe nói, bao nhiêu năm rồi mới có một đợt rét kỷ lục như thế này. Rét kỷ lục, rồi lại rét tăng cường, thế là thành kỷ lục chồng kỷ lục. Còn miền Nam lúc này thì nắng nóng. Những đợt nóng sau Tết bao giờ cũng khắc nghiệt. Cái nóng như thể cả một vùng miền, đất lẫn trời, đang vắt kiệt mình đến cùng tận, trước khi được nhúng mình ướt đẫm của mùa mưa.

Giữa cái nóng của miền Nam sau Tết, quà xứ lạnh cũng theo chân người về Bắc ăn Tết trở lại mang theo. Sau Tết, những thức quà miền Bắc theo dòng người hồi cư về Nam cũng len lỏi mọi nẻo đường để đến với từng ngõ hẻm theo con đường biếu tặng. Thương quý nhau, nhớ đến nhau, bao giờ cũng gửi cho ít quà mỗi khi đi xa trở về.

Như thức quà mà tôi đang nhìn lũ trẻ con trong nhà nhấm nháp đây thôi. Ít bánh phu thê Đình Bảng của cậu em đồng nghiệp mới bay vào gửi qua biếu. Cái màu bánh phu thê Đình Bảng đặc trưng vô ngần. Không xanh ánh lên màu ngọc, không trong trong màu ngà như bánh những nơi khác, bánh Đình Bảng ánh lên màu vàng, của lúa, của nắng, của cỏ ngả màu ràn rạt triền đê, của cây rơm trước nhà và của hoàng bào ngàn năm văn hiến. Vị bánh Đình Bảng cũng thanh tao hơn, thêm cái sợi đu đủ càng làm người ăn phải thấy bất ngờ.

Chẳng biết bánh Đình Bảng có phải là thứ phu thê cổ truyền nhất so với các miền bánh phu thê khác ở Việt Nam hay không nhưng tôi luôn thấy xao lòng khi nghe hai tiếng Đình Bảng. Không phải quê hương bản quán ở đó nhưng trong tâm thức, xứ Kinh Bắc ám ảnh tôi đến lạ kỳ. Vì Quan họ ư? Hay vì Hoàng Cầm, với thứ thi ca tuyệt diệu bậc nhất của thế kỷ 20 từ những câu lồng lộng thi ảnh như "váy Đình Bảng buông chùng cửa võng".

Nhìn cái đĩa bánh phu thê mà lũ trẻ con ăn ngon lành, tự dưng nghĩ về cái tên của nó. Dân dã, nhiều người còn nói chệch đi thành bánh "su sê". Chẳng biết su sê có nghĩa là gì, nhưng tự bản thân tôi cứ bị liên tưởng đến từ "sum xuê". Phu thê là nghĩa vợ chồng, sum xuê là sự đủ đầy con đàn cháu đống. Có khi nào, tên cái bánh hay được dùng trong đám hỏi, đám cưới đã tiềm ẩn một ước vọng đầm ấm quá đỗi đời thường mà nhiều khi đánh đổi cả cuộc đời vẫn chưa chắc gì đạt được.

Chuyện phu thê, chuyện vợ chồng, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người mỗi kiểu, mỗi thời mỗi khác nhưng quanh đi quẩn lại, cuối cùng cũng chỉ có vài đáp án. Hoặc ở với nhau hạnh phúc yêu thương đến trọn đời, hoặc cố gắng nhịn nhau mà vun vén lại, hoặc hiện đại hơn nữa thì cạn duyên rồi mỗi người mỗi đường, không cần bận tâm. Tất cả đều được xem là do số phận cả. Ở với nhau lâu bền, thương yêu, quấn quýt, người đời hay bảo là "duyên tiền định" nên gắn bó khăng khít. Nửa đường đứt gánh thì người đời lại nói số phận sắp đặt nên đã không còn nợ nần gì nhau. Cách nào cũng chỉ đổ về siêu nhiên cả, chẳng mấy ai nói đến chuyện con người. Mà thực tế, phu thê chồng vợ ở bên nhau là người ở cạnh người chứ đâu.

Trước Tết, mới nghe chuyện của một người bạn khá thân. Anh kể rằng gia đình anh đang trong giai đoạn căng thẳng quá, nguy cơ đổ vỡ là nhiều khi hai người bắt đầu sang tình trạng ly thân. Thứ day dứt họ nhất chỉ là những đứa con. Họ không muốn chúng lớn lên cạnh cha thì vắng mẹ mà gần mẹ thì thiếu cha. Rồi trên mạng lại ầm ĩ lên vài ba vụ án cha dượng, mẹ ghẻ ngược đãi con riêng của vợ, của chồng nữa. Từ cái canh cánh lo nó nảy thành nỗi sợ. Sợ cho con, không dám dứt khoát chia tay thì lại tự dằn vặt chính mình. Êm ấm được vài hôm theo sự cố gắng hai bên cuối cùng cũng chỉ là tạm bợ. Chỉ một việc nhỏ thật nhỏ thôi, mâu thuẫn nằm vùng đã lâu lại bùng lên dữ dội. Lại tranh cãi, lại trách móc, lại đi đến quyết định cuối cùng trong sự dùng dằng. Giữa họ, tôi hiểu, tình yêu đã chỉ còn là một dấu mờ xa xỉ.

Nhưng tuyệt nhiên tôi không nghe người bạn mình than thở một điều gì về người vợ. Thân nhau nên tôi cũng biết kha khá chuyện nhà anh. Cái nhược, cái ưu của mỗi người trong họ tôi cũng rành và chuyện chia tay (nếu có này) tôi hiểu được là lỗi không chỉ nằm ở một phía. Chuyện gì cũng có nguyên do của nó cả. Nguyên do để tạo ra một chuyện rồi chuyện đó lại là khởi nguồn cho một chuyện khác. Cả một chuỗi nhân - quả ấy cứ kéo nhau chen vào đời sống gia đình, cho đến khi không còn có thể giải quyết được, giải pháp cuối cùng chắc chắn là chia tay.

"Cái gì cũng có lý do cả chú ạ. Nhưng giờ kể ra thì không lẽ mình đi nói xấu vợ mình. Thế nên, anh cứ xem như là lỗi của chính anh hết cả. Đến với cô ấy cũng là quyết định của anh, từng sự việc diễn ra cũng đều có lựa chọn của anh. Mà mình đã chọn thì mình cần cam chịu hết kết quả của nó". Tôi còn nhớ như in lời người anh ấy rỉ rả dưới ánh đèn khuya bên quán nhỏ trước Tết. Và tôi cũng từng có lần nói chuyện riêng với chị, nghe chị tâm tình. Trong câu chuyện, cũng có ý chị so sánh thế này thế kia, vô thức thôi, kiểu "như chồng nhà người ta" chi chi đó. Tôi chỉ biết lắng nghe, không dám bàn thêm gì, kẻo chị nghĩ mình bênh ông anh mà nói điều thiên vị. Nhưng cái ngầm so sánh "chồng người ta" hay "vợ người ta" là câu chuyện mà mỗi chúng ta đều gặp rất nhiều, có khi ngay chính mình cũng vậy. Đọc một cái bài báo lá cải trên mạng kể chuyện chồng "soái ca" hay vợ "nội tướng tài ba" này kia, ối người xuýt xoa "lấy chồng/vợ như thế mới là lấy". Chẳng có ai nhìn lại chính bản thân mình trước khi vô tình mang bạn đời mình ra so sánh với người khác cả. Có ai dám hỏi "mình có được như chồng/vợ của cái con người được xem là hình mẫu kia hay không mà mình đòi hỏi phải lấy được một người như thế?".

Xưa cổ hủ còn có chuyện cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó chứ nay hiện đại rồi, cưới ai phần lớn là từ quyết định cá nhân mà ra cả. Lúc yêu thì thấy nhau long lanh lắm. Về ở với nhau rồi, cái long lanh mai một đi nhiều. Và dần dần, cái sự sống chung với nhau ấy nó biến những điều đáng yêu ngày trước thành một thứ tập quán, một thói quen nhàm chán. Ngày còn yêu nhau, tối tối trước khi đi ngủ phải nhắn tin chíu chít một lúc; sáng sáng trước khi bước ra khỏi nhà phải nhắn tin, điện thoại cưng nựng nhau chút. Ngày về ở với nhau, dần dần cái việc ấy chúng trở thành một tập quán kỳ lạ, nửa như luật lệ riêng, nửa như trách nhiệm ràng buộc. Mà cái gì đã thành luật, thành trách nhiệm, càng ngày con người ta sẽ càng sợ.

Nhìn mấy chiếc bánh phu thê, tự dưng nghĩ miên man chuyện gia đình. Đúng là làm vợ, làm chồng là điều tưởng như có thể được thế hệ trước dạy bảo nhưng thực ra không ai dạy được ai cả. Mỗi thời mỗi khác, đời sống khác, tinh thần khác, tư duy cũng sẽ khác. Nó phải là sự tự soi lấy bản thân mình chứ không phải cầm chiếc kính lúp lên soi người đối diện. Mà thật ra có mấy ai tự soi được mình. Cái tôi, bản ngã, lúc nào chúng cũng sừng sững đó. Chưa kể, khi đã cạn tình rồi, thành ghét rồi chứ không còn yêu thương gì nữa thì cái tự vấn mình càng không còn nữa mà thay vào đó chỉ là những bắt lỗi, soi mói người đã từng đồng sàng. Đó là còn chưa nói đến chuyện nếu hai người, hoặc một trong hai người còn có thói quen nói dối. Vợ chồng ở với nhau mà dối trá thì thảm họa. Bởi từ dối trá ấy, những ức chế sẽ càng được dồn nén ghê gớm hơn mà bung ra như bom ở đoạn sau. Nhiều người nói "không còn tình thì còn nghĩa" nhưng đóng vai nghĩa cũng là cái mệt mỏi trường kỳ. Tương kính như tân là điều không tưởng. Như những chiếc bánh phu thê kia thôi, nếu không ăn, để lâu thì làm sao mà như tân được nữa. Chuyện vợ chồng có lẽ cũng giống như chính cặp bánh phu thê mà thôi. Cái thơm thảo, ngọt ngào là cái ban đầu, như khi ta ăn miếng bánh vậy. Cuối cùng, cái còn lại chỉ là những lá bọc bánh bên ngoài mà dứt khoát phải dọn dẹp cho sạch. Nếu cứ để chúng chỏng chơ ở đó, chắc chắn cuộc đời sẽ nhiều ngổn ngang.

Ai cũng từng có lúc mâu thuẫn, xích mích với bạn đời. Lúc ấy ta thường nghĩ gì nhỉ? Như tôi, đã có một lần, sau một cãi vã với bạn đời, tự dưng vô tình được nghe một đoạn của ca khúc "It's my life" của Bon Jovi được sử dụng trong một cuốn phim mình đang xem. Tự dưng khi ấy thôi thúc lắm, muốn nói thẳng là nên chấm dứt thôi, để từ hôm sau mình có thể sống cho riêng mình, cho chính mình, thậm chí xách chiếc motor ra rong ruổi nay đây mai đó đúng kiểu "On the Road" của Jack Kerouac dù mình không còn trẻ nữa. Nhưng rồi cái thôi thúc ấy có thành sự thật được không, hay nó lại tự nép mình vào kho ký ức cũ kỹ. Ừ mà đúng rồi, mình đã nếm đủ ngọt thơm ban đầu của bánh phu thê, còn lại đống lá héo trơ xao xác kia, không phải là chính mình bóc nó ra sao? Tại sao mình không đưa tay vào dọn nốt?

Hà Quang Minh

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文