Gồng gồng gánh gánh chiều hôm

12:52 12/01/2023

Về Đà Nẵng cuối năm luôn mang lại một cảm giác háo hức. Thành phố biển sôi động hơn xưa nhiều rồi, nhưng cái bình yên của những năm 80, 90 xưa cũ vẫn còn nguyên đó. Người Quảng lại hiền lành, gần gũi, xóm giềng với nhau như ruột thịt, chưa đi đã nhớ, chưa về đã mong. Khí trời thì se se mát, có khi hơi lạnh một chút. Cái se se ấy không đủ để người ta phải ngần ngại mà lại vừa đủ để mặc đồ gọn ghẽ và thời trang.

Tôi về Đà Nẵng cuối năm nay, về giỗ đầu ông ngoại. Mấy ngày trời đẹp nhưng đến bữa giỗ thì áp thấp nhiệt đới, mưa và lạnh. Gia đình làm vài mâm cơm mời bà con họ hàng và xóm giềng thân thuộc. Tôi lựa cái bàn ngoài hiên, hơi lạnh, hơi mưa một chút nhưng thoáng đãng. Phần vì bạn bè tôi cũng còn trẻ, phần vì có người hút thuốc nên ngồi ngoài hiên nhà là hợp nhất. Cái chỗ ở hàng hiên ấy cũng là nơi xưa ngoại tôi để cái giường sắt, giống như kiểu một cái chõng tre ở quê, tôi và ngoại vẫn thường ngồi đó chơi cờ.

Ảnh: S.t

Tiệc lên rôm rả. Hàng xóm còn mang cả bánh cúng ngoại, gọi là bánh sinh nhật ngoại tuổi mới ở một cõi khác. Rượu bia thì thoải mái, ai muốn gì dùng nấy, theo cách mà tôi vẫn gọi là uống cho dân chủ. Trong mâm có em gái tôi, cậu em hàng xóm thân thiết với tôi từ khi nó mới 3 tuổi, người bạn tri kỷ từ TP Hồ Chí Minh bay ra và cả một chú em nhạc sỹ đang công tác ở Đoàn nghệ thuật Quân khu 5. Chuyện trên trời dưới bể, chuyện tiếu lâm dí dỏm đúng chất Quảng, chuyện kỷ niệm xưa xa từ thời tôi còn tà lỏn ở trần dẫn dắt đám “đệ tử” ở kiệt (hẻm, ngõ theo cách gọi người Quảng) đi phá làng phá xóm mỗi trưa hè. Bên hàng hiên, mưa tí tách, tí tách rơi và nó như một thứ gia vị cho một bữa cơm đoàn tụ hoàn hảo. Chợt nghe vang lên tiếng rao “Lọc không?”, rặt giọng Quảng. Người bạn từ TP Hồ Chí Minh vội vã gọi với theo “bánh lọc, bánh lọc”. Và không đợi tôi đưa cây dù, bạn lao ra đi xuyên vườn nhà dưới cơn mưa rả rích để mua một bịch lớn bánh bột lọc mời mọi người. Giữa cái ren rét của Đà Nẵng mưa cuối năm, cái bánh bột lọc nóng hổi kích thích dịch vị kinh khủng, dù tôi đang ngồi ở chỗ mâm cao cỗ đầy. Rưới chút nước mắm mặn có vài lát ớt xiêm xanh, miếng bánh bột lọc thấm dần trong miệng. Con tép biển đậm đà càng làm cho hương vị của bánh bột lọc bán rong đặc sắc hơn. Trưa ấy, tôi nghĩ mình đã ăn một miếng bánh bột lọc ngon nhất trần đời mà chưa một nhà hàng, một tiệm bánh bột lọc nổi tiếng nào có thể sánh bằng.

Ảnh: S.t

Và nhìn từ hàng hiên, mắt vượt ra cổng nhà, tôi nhìn chị bán bánh bột lọc đang loay hoay quay cái xe gắn máy giữa kiệt để trở ra. Những ký ức cũ kỹ về cái kiệt này, nơi tôi sống mỗi mùa hè ít nhất là 1 tháng trời, bỗng ùa về mạnh như bão. Ngày xưa người bán rong không có xe gắn máy. Sang lắm thì đi xe đạp còn đa số là gồng gồng gánh gánh oằn lưng. Cứ theo giờ lại có người bán các thức khác nhau vào cất tiếng rao. Cữ trưa, giữa cái nắng hừng hực của miền Trung, người bán bánh tráng (bánh đa) nướng tìm vào mời gọi. Đám trẻ chúng tôi ngày đó mong chờ chị bán bánh tráng ấy mỗi ngày. Cái bánh thơm, giòn rụm được rưới một thìa tương ớt ngay chính giữa. Trẻ con cứ bẻ bánh từ ngoài vào trong, chấm tương ớt ăn rồi hít hà cái vị cay nồng của nó. Thật lạ, giữa mùa hè nóng là thế, ở cái thời chưa nhà nào có máy lạnh và thậm chí nhiều khi điện cúp cả ngày mà trẻ con lại khoái ăn cái món cay đến vã mồ hôi như vậy. Chắc tại ngày đó cũng không nhiều lựa chọn như bây giờ. Có quà vặt mà ăn là vui lắm rồi.

Rồi cữ chiều, khoảng 3-4 giờ, đến lượt bà bán bánh bèo vào việc. Cũng cái gánh nhỏ với những chiếc chén bánh bèo xinh xinh xếp chồng lên nhau, bà phục vụ gần như toàn bộ chị em phụ nữ trong kiệt. Ăn chút bánh bèo để rồi sau đó tất tả lo cơm nước cho cả nhà. Mà ngày ấy đa số các nhà còn nấu bằng củi. Sau giờ bánh bèo là khói bếp um lên cả kiệt cái mùi thơm thơm đặc trưng.

Nhớ cái gánh của bà bán bánh bèo chén, tự dưng tôi nhớ đến bà bán bún bò giò heo mỗi buổi sáng. Bà gánh “tiệm hàng” của mình vào bán ở kiệt này từ 6 tới 7 giờ sáng rồi sau đó di chuyển ra ngoài phố, chỗ mấy cửa tiệm gần chợ. Ở đó họ ăn sáng trễ hơn dân trong kiệt. Trước khi di dời tiệm bún của mình, bà luôn dành ba chục phút ở cái giếng giữa kiệt để rửa thật sạch tô, thìa, đũa,ửa bằng xà bông đàng hoàng. Cái sạch sẽ đập vào mắt bà con trong kiệt đủ khiến người ta an tâm về tô bún mà mình ăn hàng ngày. Không hiểu, những người khách ở mấy cửa tiệm ngoài phố có biết đến cái sạch sẽ ấy không, và có tin vào sự sạch sẽ của bà bán bún này hay không?

Lan man nhớ chuyện ấy, tôi chợt liên tưởng đến chuyện bà bán bún ở một cổng bệnh viện ở Nha Trang. Một video tố bà già này đổ nước lèo khách ăn còn thừa vào nồi và nó đã dấy lên một làn sóng tranh cãi thực sự. Không hiểu sao lại có thể tranh cãi vì một hành vi sờ sờ ra đó nhưng có lẽ, cái cách lợi dụng, lạm dụng cảm xúc đám đông để câu khách nội dung đang là cách dễ dãi nhất của vài tay bút rẻ tiền. Họ, thay vì chỉ trích cái sai trái của bà chủ gánh hàng, lại quay sang chỉ trích người tung video với lý cớ “làm hại người nghèo”. Bà bán bún bò giò heo ở kiệt của ông ngoại tôi ngày xưa có nghèo không? Tôi tin là có. Nhưng không vì cái nghèo ấy mà bà làm cho nồi nước lèo của mình trở thành một thứ gần như thùng nước ăn cho heo. Ba chục phút bên bờ giếng là khoảng thời gian vàng để bà có thể bán thêm được hơn chục tô bún nhưng bà vẫn lựa chọn cặm cụi rửa sạch từng món đồ dùng thay vì nhúng tạm vào một cái xô nào đó. Cơ bản là bà thích sự sạch sẽ và hơn nữa, bà yêu cái nồi nước lèo của mình nên không cho phép một hành vi nào làm nó tổn hại. Một người nấu ăn mà không biết nâng niu thứ mình đang nấu, chắc chắn người đó nấu không ngon. Bà bán bún ở Nha Trang có nấu ngon hay không? Ái chà, chưa ăn nhưng tôi dám chắc về cái sự không ngon rồi và giờ có các vàng tôi cũng chẳng dám thử ăn tô bún nào của bà.

Và một điểm nữa mà tôi chợt nghĩ ra. Cái giếng nước ở cái kiệt nhà ngoại tôi vẫn còn đó. Nhưng những vòi nước công cộng ở các đô thị dường như đã biến mất rồi. Cái gì cũng vậy, làm đi làm lại thành tập quán. Giả sử có một cái vòi nước công cộng ở cái vỉa hè kia tại Nha Trang, bà bán bún có sử dụng nó hay không?

Câu hỏi này, có lẽ, bạn cũng sẽ tự biết trả lời…

Hà Quang Minh

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文