“A Phủ” Trần Phương đã về miền cổ tích

07:25 30/08/2020
Ngày 26-8, giới điện ảnh và công chúng cả nước ngậm ngùi trước thông tin đạo diễn, NSND Trần Phương- một trong những gương mặt nổi bật trong “thế hệ vàng” của điện ảnh Việt đã từ biệt nhân gian. Ra đi ở tuổi 91, NSND Trần Phương để lại phía sau mình một di sản lớn.


Bậc thầy về diễn xuất

Giống như hầu hết các nghệ sĩ thế hệ mình, cuộc đời làm nghệ thuật của Trần Phương bắt đầu từ những năm tháng đi làm cách mạng, tham gia kháng chiến. 16 tuổi ông đã lên chiến khu Việt Bắc. Rồi ông sớm bộc lộ tài năng văn nghệ, được tổ chức chọn đi học, trở thành một trong những học viên đầu tiên của Trường Văn nghệ nhân dân.

NSND Trần Phương.

Sinh thời, có lần nhà văn Tô Hoài kể lại, hồi tham gia làm phim “Vợ chồng A Phủ” (do chính nhà văn viết kịch bản, nghệ sĩ Mai Lộc đạo diễn), gặp Trần Phương, ông cảm nhận được ngay, rằng không ai có thể hợp vai A Phủ hơn người thanh niên này. Trần Phương khi đó tuổi ngoài 20, dáng cao, khuôn mặt với những biểu cảm rất gần gũi với tính cách của người Mông như trong câu chuyện Tô Hoài viết.

Để giúp Trần Phương vào vai A Phủ một cách “ngọt ngào” nhất, Tô Hoài đã chủ động gặp Trần Phương, khuyên chàng diễn viên trẻ nên dành thời gian thâm nhập thực tế bằng cách sống cùng người Mông trên núi cao. Trần Phương rất biết lắng nghe.

Ông đã sống cả năm trời cùng người Mông, tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của họ, để khi hóa thân vào nhân vật thì tâm thế của ông đã trở thành tâm thế của A Phủ. Trần Phương học cưỡi ngựa thành thạo như một người Mông, nhưng trước khi đạt tới điều đó, ông đã phải chịu nhiều vết thương do bị ngựa quật ngã.

Trần Phương cũng rất chịu học hỏi. Ông gặp nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Tuân, để nghe các nhà văn nói chuyện về tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Trước khi vào vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp - cũng là một vai diễn để đời của mình, Trần Phương gần như đã thuộc làu tác phẩm văn học của nhà văn Tô Hoài. Sau này khi nói chuyện với các nghệ sĩ trẻ, ông bao giờ cũng khuyên mọi người phải đọc nhiều, đọc kỹ các tác phẩm văn học trước khi đóng phim. Ông cũng đặc biệt coi trọng việc đi thực tế của diễn viên. Để hóa thân vào một nhân vật trong một bộ phim, diễn viên phải sống thực sự trong đời sống nội tâm, công việc, nghề nghiệp của nhân vật đó.

NSND Trần Phương và Nghệ sĩ Đức Hoàn trong phim “Vợ chồng A Phủ”.

Trần Phương nổi tiếng là khó tính trong làm nghề. Sau này khi trở thành đạo diễn, ông yêu cầu diễn viên rất ghê trong việc phải đi thực tế lấy kiến thức. Chẳng hạn khi đạo diễn phim “Tội lỗi cuối cùng”, ông đã bắt nữ nghệ sĩ Phương Thanh phải sống, trải nghiệm trong… trại giam một thời gian dài để nhập vai Hiền “cá sấu”. Và vai diễn này đã mang về vinh quang cho cố diễn viên Phương Thanh với giải thưởng “Diễn viên nữ xuất sắc nhất” trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V.

Xem lại những thước phim “Vợ chồng A Phủ” của đạo diễn Mai Lộc, ngay cả khán giả của nền điện ảnh tiên tiến hôm nay cũng không khỏi ngạc nhiên về diễn xuất của Trần Phương. Dù chỉ là vai diễn đầu tiên trong đời làm nghệ thuật nhưng Trần Phương đã cho thấy khả năng bậc thầy của mình trong diễn xuất. Những gì Trần Phương thể hiện đã ôm chứa được hết các thông điệp mà Tô Hoài muốn gửi gắm qua tác phẩm văn học của ông. Còn cố đạo diễn Mai Lộc thì luôn cảm thấy may mắn vì đã nhìn ra “A Phủ” Trần Phương - một vai diễn “đo ni đóng giày” khó có thể dành cho ai khác.

Sau “Vợ chồng A Phủ”, Trần Phương tiếp tục viết tên mình vào lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam với vai Khoa - chồng Tư Hậu trong phim “Chị Tư Hậu” của đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Cùng Trà Giang (vai Tư Hậu), Trần Phương đã làm nên tên tuổi vang dội cho bộ phim. Thật hiếm thấy có diễn viên nào mà bắt đầu xuất hiện đã gặt hái những thành công rực rỡ như vậy. Tài năng diễn xuất của Trần Phương tiếp tục khẳng định qua hàng loạt phim điện ảnh sau đó như “Tiền tuyến gọi”, “Biển gọi”, “Ngày lễ thánh”, “Vợ chồng anh Lực”…

NSND Trần Phương và NSND Trà Giang trong một cuộc hội ngộ.

Nhiều nghệ sĩ thế hệ trẻ sau này coi Trần Phương như một mẫu mực trong diễn xuất. Họ thường tìm đến ông để học kinh nghiệm, lắng nghe ông như một người thầy. Trần Phương thường nói, điện ảnh rất quan trọng yếu tố kỹ thuật, công nghệ làm phim có thể sẽ có những bước tiến vượt bậc, nhưng mãi mãi không gì có thể thay thế được diễn xuất của người nghệ sĩ. Chỉ có tài năng và sự chân thực của nghệ sĩ mới vượt qua mọi khoảng cách, chạm vào trái tim người xem mà thôi.

Trở thành đạo diễn nhờ tự học

Trần Phương là một người có tính cách cởi mở, khoáng đạt. Thời trẻ ông cực kỳ ham đi. Dù rất thành công trong các vai diễn, nổi tiếng nhất nhì trong thế hệ nghệ sĩ cùng thời, nhưng với Trần Phương, công việc diễn viên vẫn là chưa đủ. Ông luôn muốn mở mang biên độ hoạt động nghệ thuật của mình. Khoảng chục năm trước người viết bài này có dịp ghé thăm ông tại tư gia trong con ngõ nhỏ dốc Tam Đa và được nghe ông kể về “giấc mộng” làm  đạo diễn.

Ông bảo, làm đạo diễn có cái thú, là mình có quyền bao quát, sáng tạo các nhân vật. Tư duy của người đạo diễn là tư duy khái quát. Tầm nhìn của đạo diễn cũng phải xa và rộng hơn. Ông không được đào tạo bài bản nghề đạo diễn ở trường nghề, nhưng nhờ đi đóng phim nhiều ông đã tự học các đạo diễn đàn anh.

Không chỉ có nghề đạo diễn, ông còn thích luôn cả nghề viết kịch bản. Bộ phim “Tội lỗi cuối cùng” chính ông đã viết kịch bản. Hàng tháng trời miệt mài xong kịch bản, ông thử thách mình luôn bằng việc tự đạo diễn phim. “Cú đúp” kịch bản - đạo diễn đầu tiên này đã mang về cho Trần Phương những thành công hơn cả mong đợi. Phim “Tội lỗi cuối cùng” đã tạo nên một cơn sốt vé chưa từng có trong các rạp chiếu khắp hai miền Nam - Bắc từ những năm 1980 của thế kỷ trước.

“Tội lỗi cuối cùng” - bộ phim nổi tiếng do NSND Trần Phương làm đạo diễn.

Trần Phương được nhận giải thưởng “Bông sen Bạc” cho bộ phim đầu tay này của ông. Cũng chính là Trần Phương đã giúp tạo ra tên tuổi cho cố diễn viên Phương Thanh với vai Hiền “cá sấu”. Thành công của bộ phim đầu tiên trong vai trò đạo diễn như chất men say khiến Trần Phương không ngừng sáng tạo. Sau “Tội lỗi cuối cùng”, ông tiếp tục đạo diễn những bộ phim đình đám một thời như “Hy vọng cuối cùng”, “Đứng trước biển”, “Dòng sông hoa trắng”.

Khi nền điện ảnh xoay chuyển theo kinh tế thị trường, Trần Phương sẵn sàng nhập cuộc. Ông say sưa làm các phim truyền hình và để lại dấu ấn trong các phim: “Vụ án hồ con rùa”, “Dòng thác”, “SBC”, “Thủ môn từ trên trời rơi xuống”, “Tình ngỡ đã phôi phai”… Trần Phương tỏ ra là một đạo diễn cực kỳ nhanh nhạy với thị trường, với các vấn đề nổi cộm đang diễn ra. Bằng điện ảnh, ông không ngừng tìm kiếm, khám phá để tìm những câu trả lời cho những câu hỏi về cuộc sống, về thời cuộc.

Có lần được phỏng vấn Trần Phương, hỏi, ông thích công việc của diễn viên hay đạo diễn hơn, ông bảo: “Giống như một người cha có hai đứa con mà đứa nào cũng đáng yêu, thì làm sao nói yêu đứa nào hơn đứa nào”. Đối với ông, nghệ thuật giống như bầu khí quyển, mà người nghệ sĩ là con chim bay lượn tự do trong bầu trời ấy. Làm gì cũng được, miễn là công việc đó mình say mê và mang lại xúc cảm thẩm mỹ cho công chúng. Trần Phương bảo, ông chẳng mong đợi giải thưởng hay danh hiệu gì khi làm nghề. Ông chỉ đơn giản là tận hưởng niềm vui mà công việc mang lại, đắm chìm vào công việc bằng một niềm hân hoan, sung sướng. Và thế cũng là đã “lãi” lắm rồi. 

Đạo diễn, NSND Trần Phương trong những năm cuối đời thường có chút buồn, bi lụy. Ông hay bày tỏ niềm cô đơn khi có ai thăm hỏi, vì những người bạn bè thân thiết thường “bỏ trần gian” đi trước ông. Buồn nhất là người vợ hiền ông yêu mến cũng ra đi sớm, mấy chục năm sau này ông phải chịu cảnh sống một mình. Con cái dù thương yêu nhưng các con đều có công việc và đời sống riêng, ông hiểu và không trách cứ gì cả.

Giờ đây, NSND Trần Phương có lẽ đã mỉm cười ở một nơi xa. Bạn bè thân thiết, và người vợ yêu dấu đã đón ông như cách mà ông thường nhắc về họ những năm cuối đời. Ông có lẽ cũng chẳng có gì nuối tiếc chốn trần gian đẹp đẽ này vì ông đã tận hiến cho những vẻ đẹp trường tồn mãi của một ngành nghệ thuật. Và công chúng điện ảnh sẽ còn luôn nhớ đến ông - một tượng đài kỳ vĩ rất đáng tự hào trong điện ảnh Việt thế kỷ 20.

Quỳnh Trang

Mùa hè là khoảng thời gian trẻ em được nghỉ học, có nhiều thời gian vui chơi, tuy nhiên đây cũng là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước - một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em. Trước nguy cơ trên, Cảnh sát đường thủy Hà Nội đã tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn, bảo đảm ATGT trên sông.

Thông tin từ Bộ Xây dựng, trong 3 năm 2022, 2023, 2024 Bộ này đã hoàn thành thủ tục để khởi công 59 dự án, hoàn thành thi công đưa vào khai thác 55 dự án. Kế hoạch năm 2025 dự kiến khởi công 21 dự án và hoàn thành 42 dự án, đến nay đã khởi công 6/21 dự án, đang tập trung triển khai để hoàn thành trong tháng 4/2025 là 8/42 dự án đáp ứng kế hoạch yêu cầu.

Từ ngày 10/5, THACO AUTO và Kia Việt Nam triển khai chương trình ưu đãi lớn nhất trong năm, với mức ưu đãi lên đến 80 triệu đồng (áp dụng tùy theo phiên bản), cùng nhiều quà tặng hấp dẫn.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (gọi tắt là Nghị quyết số 18), CAND là lực lượng tiên phong, gương mẫu đi đầu, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, đạt kết quả toàn diện. Thế nhưng các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách phủ nhận, chống phá hòng làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng CAND.

Vấn nạn khai thác cát trắng trái phép tại một số xã thuộc thị xã Phong Điền và huyện Quảng Điền (TP Huế) diễn ra trong thời gian qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm đã gây thất thoát tài nguyên. Theo một cán bộ địa phương, giá cát xây dựng tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến một số đối tượng bất chấp khai thác trái phép để đưa đi tiêu thụ nhằm thu lợi bất chính.

Lúc 3h ngày 13/5, một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường giao thông thuộc khu vực Long Định, phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Điểm sạt lở nằm cặp bờ trái sông Bằng Tăng, cách cầu Mương Khai khoảng 400 mét về hướng QL91.

Đại diện Cục Thể dục thể thao Việt Nam mới đây đã đề cập đến mục tiêu giành ít nhất 1 HCV tại SEA Games 33 vào cuối năm nay tại Thái Lan. Nhưng không đơn giản để thực hiện mục tiêu này khi các tay vợt vẫn cần những chuyến tập huấn, thi đấu quốc tế.

Liên quan vụ án “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” xảy ra tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Sở KH&CN TP Huế), hôm nay (14/5), Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã thực hiện khám xét trụ sở Công ty Cổ phần dịch vụ tư vấn môi trường (DVTVMT) Hải Âu tại số 3 Tân Thới Nhất 20, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm qua (14/5), khu vực Tây Bắc, Việt Bắc đã có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa nhiều nơi trên 60mm như: Tả Lèng (Lai Châu) 138.2mm, thị trấn Sa Pa (Lào Cai) 68.6mm, Cảm Nhân (Yên Bái) 77.6mm, Thái Hòa (Tuyên Quang) 63.4mm…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.