Ca sĩ Tân Nhàn: "Trở về" mang giấc mơ âm nhạc của tôi

09:47 27/01/2019
Lần đầu tiên sau nhiều năm ca hát, Tân Nhàn mới thực hiện một live show riêng. "Trở về" mang giấc mơ âm nhạc của Tân Nhàn, một nghệ sĩ luôn tìm tòi sáng tạo trên con đường của mình. Tân Nhàn hy vọng, "Trở về" sẽ là một món quà chào xuân ý nghĩa của chị dành tặng khán giả.


- Cái tên "Trở về" chắc hẳn gợi cho chị nhiều điều?

+ Trở về" mang những giấc mơ âm nhạc riêng của tôi, nó khắc hoạ một chân dung Tân Nhàn qua từng câu chuyện. Đó là một Tân Nhàn với những ca khúc mang âm hưởng dân gian nổi tiếng, một Tân Nhàn với vai trò nhà giáo, Phó trưởng Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, khi tôi đưa lên sân khấu những thế hệ học trò ưu tú của mình và một Tân Nhàn với khát khao cháy bỏng được tôn vinh giá trị đặc sắc trong âm nhạc truyền thống của người Việt, nối dài dự án hát nhạc truyền thống Việt Nam từ album "Yếm đào xuống phố" đến "Níu dải lụa đào".

"Trở về" chính là trở về với những giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam, trở về với quê hương nguồn cội, trở về với chính bản ngã của mình. Năm 2013 tôi từng tổ chức liveshow với ông xã (Tuấn Anh) và "Trở về" là liveshow riêng đầu tiên trong cuộc đời ca hát của tôi.

- Chị sẽ mang đến cho khán giả những điều gì trong đêm nhạc "Trở về"?

+ Liveshow "Trở về" có 3 phần: Phần 1 là những ca khúc, những bài hát gắn liền với giai đoạn khởi đầu của Tân Nhàn như "Quê mẹ", "Hai quê"…; phần 2 là những ca khúc gắn với tên tuổi Tân Nhàn từ cuộc thi Sao Mai như bài "Trăng khuyết", "Xa khơi". Và phần 3 là những làn điệu quan họ, hát xẩm, hát văn cùng khách mời - nghệ sĩ Đình Cương và nghệ sĩ Ngô Hồng Quang. Có tiết mục tôi kết hợp với học trò, với bạn thân…

Âm nhạc lúc đầu gần gũi nhưng càng về sau sẽ càng mới lạ, ấn tượng. Phần sau có sự xuất hiện của nhạc jazz và nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc… Với tài năng của giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng, tôi hy vọng sẽ mang đến cho khán giả một bữa tiệc âm nhạc thú vị trong sự kết nối hòa trộn giữa dàn nhạc giao hưởng với các nhạc cụ truyền thống, với nhạc jazz….

- Điểm thú vị của chương trình có lẽ là phần Tân Nhàn hát âm nhạc truyền thống. Chị có nghĩ đưa âm nhạc truyền thống vào live show sẽ hạn chế lượng khán giả của chị vì ai cũng hiểu rằng, âm nhạc truyền thống đang thưa vắng người nghe?

+ Tôi đến với nhạc truyền thống trong mấy năm trở lại đây và vẫn còn đang trên con đường chinh phục những khán giả của mình hãy yêu nhạc truyền thống. Tôi mong muốn khán giả nhớ về Tân Nhàn luôn có hai phần không thể tách rời: Tân Nhàn với những ca khúc mang âm hưởng dân gian và Tân Nhàn với âm nhạc truyền thống của Việt Nam.

Album "Níu dải lụa đào" như là sự khởi đầu để tôi có quyết định thực hiện liveshow hay không. Sau khi thu âm xong các ca khúc trong album, tôi cảm thấy mình có sự nhuần nhuyễn trong cách xử lý tác phẩm và có độ chín về cảm xúc.

Tôi nghĩ một vài năm nữa chưa chắc mình đã hát hay như bây giờ, bởi biết đâu khi đó cảm xúc có thể nguội đi bớt rồi, hoặc có thể nhiều tuổi hơn, dây thanh đới của mình không còn xuân thời như bây giờ đang đầy sức sống để hát nhạc truyền thống nữa. Lâu nay âm nhạc truyền thống của chúng ta vẫn phát triển nhưng nhỏ lẻ, manh mún, ở góc nào đó của sân khấu.

Các gameshow cũng có sự gắn kết, liên đới đến âm nhạc truyền thống nhưng với quy mô rất nhỏ. Tôi nghĩ mình cứ làm đi, rồi sau này những người khác cũng làm. Đó là cách để nối dài sức sống nghệ thuật truyền thống Việt cho các lớp thế hệ nghệ sĩ và khán giả kế cận, từ đó cộng đồng sẽ quan tâm hơn.

Vợ chồng ca sĩ Tân Nhàn - Tuấn Anh.

- Với âm nhạc truyền thống, chị chọn cách hát nguyên bản theo lối bảo tồn của các nghệ nhân hay làm mới nó theo hướng sáng tạo, mang hơi thở đương đại?

+ Với âm nhạc truyền thống, tôi luôn có ý thức làm mới vì tôi là thế hệ trẻ mà. Cái mới sẽ đem lại sự thú vị cho người trẻ vì âm nhạc truyền thống dân gian phát triển theo từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử, chứ không phải 1.000 năm sau vẫn sẽ hát như thế.

Âm nhạc truyền thống phát triển cùng với các giá trị của đời sống xã hội, của dân tộc. Tôi tin chắc sau tôi, sẽ có thế hệ kế tiếp tiếp tục làm mới và vẫn giữ được bản sắc, giá trị của âm nhạc truyền thống. Đó là sự tiếp bước, là sự nối dài sức sống của âm nhạc truyền thống...

- Trong liveshow lần này có một khách mời đặc biệt, đó là nghệ sĩ Ngô Hồng Quang. Vì sao chị lại chọn Quang?

+ Tôi rất trân trọng tài năng của Ngô Hồng Quang. Tôi từng nghe anh ấy biểu diễn, sáng tác những bài hát mới lấy chất liệu từ âm nhạc truyền thống, anh cũng là người có thể chơi được rất nhiều nhạc cụ truyền thống… Sự kết hợp của Tân Nhàn và Ngô Hồng Quang chắc chắn sẽ mang đến những điều mới mẻ, thú vị. 

Mọi người thường nghĩ âm nhạc truyền thống có gì đó dịu dàng, êm đềm, nhưng Ngô Hồng Quang rất khác, anh luôn có sự tươi mới của tuổi trẻ. Tân Nhàn muốn đem chút nổi loạn, gai góc của Quang vào live show vì lâu nay mọi người vẫn nói Tân Nhàn hát hiền quá, cần phải "điên" hơn một tí.

Ê-kip thực hiện liveshow.

- Còn sự xuất hiện của các ca sĩ chưa có tên tuổi là học trò của chị. Vì sao chị không chọn những người nổi tiếng hơn?

+ Tôi là giảng viên âm nhạc, vì thế liveshow được thực hiện không chỉ với tư cách là một nghệ sĩ, mà còn là một giảng viên âm nhạc. Tôi muốn giới thiệu các học trò xuất sắc của mình. Các em sẽ là thế hệ kế cận tiếp nối con đường tôi đã đi qua. Tôi nghĩ, người nghệ sĩ, đặc biệt là người thầy cần phải có những truyền nhân của mình. Hy vọng khán giả sẽ đến xem để thấy những thế hệ sau mà tôi đào tạo sẽ như thế nào? Hát ra sao?

- Cách đây một thời gian, chị vừa thực hiện album "Níu dải lụa đào" về âm nhạc truyền thống và chị quyết định tặng chứ không bán album này để lan tỏa tình yêu âm nhạc cổ truyền. Đến bây giờ, sức lan tỏa của dự án ra sao?

 + Tôi không nghĩ dự án nhận được sự quan tâm như vậy. Tôi nghĩ mình đam mê thì mình hát, diễn xướng và gửi tới khán giả. Tôi muốn có nhiều khán giả trẻ quan tâm đến âm nhạc truyền thống, có nhiều inbox là những bạn trẻ và tôi có ê kíp tổng hợp tin nhắn gửi tặng đĩa tới các khán giả quan tâm.

Số lượng đĩa in ra gần 5.000 đã sắp hết. Đó là điều rất đáng mừng, tôi dự định trong liveshow sắp tới sẽ in thêm để gửi tặng tất cả những khán giả mua vé xem show, đó cũng là cách tôi thể hiện tình yêu của mình với âm nhạc truyền thống Việt Nam và mong muốn lan tỏa tình yêu đó tới mọi người.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị!

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng

Tôi với Tân Nhàn không chỉ là đồng nghiệp, mà cô ấy là người bạn của tôi từ lâu lắm. Tôi rất quý Tân Nhàn và tôi nghĩ, Tân Nhàn là ca sĩ đặc biệt bởi cách làm nghề của cô ấy không giống như những nghệ sĩ khác. Tân Nhàn chính là người đầu tiên đặt tôi viết ca khúc dân gian - Quê mẹ. Tân Nhàn làm gì cũng tới nơi tới chốn, chịu khó, hiện giờ cô ấy cũng còn đang đi học. Cũng giống như những nghệ sĩ khác tôi từng làm show như Đăng Dương, Lan Anh, Tân Nhàn cũng là một trong những nghệ sĩ đáng trân trọng. Cô ấy nỗ lực, yêu nghề và khám phá những điều mới mẻ trong âm nhạc. Tôi thích cách Tân Nhàn làm "chẳng giống ai cả", thích thế nào thì làm thế, giống như tôi vậy. Cách đây 19 năm, tôi làm giảng viên dạy nhạc giao hưởng thính phòng, dạy sáng tác ngôn ngữ đó nhưng mà tôi toàn chơi nhạc Pop Rock, nghiên cứu nhạc Jazz… tôi không giống những giáo viên ở đó. Tân Nhàn cũng vậy, giảng viên khoa thanh nhạc nhưng cứ thích đi học hát chèo - đó cũng là sự khác biệt. Điểm chung của chúng tôi là không làm lại những gì người khác đã làm. Liveshow lần này có sự kết hợp giữa dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc điện tử, dàn nhạc truyền thống, sẽ khó hơn những gì chúng tôi đã làm ở "Yếm đào xuống phố". Ở Việt Nam chưa có ca sĩ nào hát với dàn nhạc hỗn hợp lớn như vậy.

Thanh Vân (thực hiện)

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

Khi phát hiện người phụ nữ bế trên một cháu bé đang khóc không ngớt và chân tay co giật đứng ở lề đường, tổ tuần tra của Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương đưa cháu bé trong tình trạng sốt cao, co giật đến bệnh viện cấp cứu. Do được cấp cứu kịp thời, hiện tại cháu bé đã giảm sốt, bệnh viện đang tiếp tục theo dõi điều trị cho cháu ổn định.

Trung tá Hoàng Anh Công Minh đang làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì đối tượng Phạm Ngọc An (SN 2001, trú xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) điều khiển phương tiện, phía sau chở Trương Ngọc Thảo Nhi (SN 2009) tông thẳng vào Trung tá Minh khiến anh ngã xuống đường, bị thương.

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiều 28/4, thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5,  toàn quốc xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 68 người.Cùng ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp vi phạm Luật giao thông và ra quyết định xử phạt 31 tỷ 830 triệu đồng.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文