Họa sĩ miệt vườn vẽ tranh bằng chân

15:28 06/12/2020
Không có đôi tay, chỉ còn vài ngón chân không lành lặn nhưng họ đã trở thành họa sĩ, đi lên từ ngã rẽ định mệnh của cuộc đời. Đôi chân, đã vẽ nên những số phận dị tài… 


1.Ngôi nhà của họa sĩ Nguyễn Văn Tây (34 tuổi) nằm sâu trong tán rừng cao su ở TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Gần 3 năm nay, nơi này bỗng “tỏa sáng” bởi tài năng thiên bẩm của chàng trai nghèo.

 Tuổi thơ của Tây lớn lên quanh quẩn với ruộng vườn và cây sao su. Tây thích vẽ nhưng niềm đam mê ấy chỉ là trò giải trí mỗi khi rảnh rỗi việc đồng áng. Lớn lên, Tây theo học trường Trung cấp nghề sửa chữa ôtô ở Tây Ninh. Ra trường, Tây làm việc cho một công ty liên doanh 6 năm thì công ty giải thể, những người thợ như Tây cũng giải nghề.

Nguyễn Văn Tây miệt mài vẽ tranh bằng chân.

Trở về nhà, Tây đi làm thuê làm mướn khắp nơi, ai thuê gì làm nấy. Năm 30 tuổi, một biến cố khủng khiếp ập xuống cuộc đời. Khi đang leo lên mái nhà làm việc, bỗng có một luồng điện từ dây cao thế phóng trúng vào người. Mọi người mang Tây đi cấp cứu. Khi tỉnh dậy, bác sĩ thông báo hai cánh tay của cậu bị cháy vào tận xương, khô tủy buộc phải cắt bỏ. Tây trở thành người khuyết tật ở vào cái độ tuổi tươi đẹp và sung sức nhất đời người. Mẹ Tây thương con, cố kìm nén đau đớn ở bên cạnh động viên.

Thời gian đầu, Tây hụt hẫng, chơi vơi, mất điểm tựa cuộc sống. Trở về căn nhà nhỏ giữa cánh rừng cao su, Tây tha thẩn, bần thần, nỗi buồn nặng trĩu đè lên đôi cánh tay đã cụt. Trước kia lành lặn, khỏe mạnh thì có người yêu thương, chăm sóc, nay tật nguyền chỉ còn mẹ cha bên cạnh.

Tây tập luyện cầm nắm mọi vật bằng khuỷu tay, từ việc cầm ly nước uống, cầm chổi quét nhà đến thay quần áo, vệ sinh cá nhân. Chàng trai 30 tuổi tập luyện chẳng khác nào một em bé mới biết đi, chập chững từng thao tác một. Ban đầu khó khăn, đầu óc mụ mị, khuỷu tay đau nhức khiến tâm trí bất ổn, lúc bực tức, lúc nóng giận. “Số phận đã an bài cho mình như thế, điều quan trọng là mình phải sống làm sao để làm chủ số phận. Ngoài kia, còn nhiều người thua thiệt và bất hạnh hơn mình”, Tây suy nghĩ tích cực như thế và quyết tâm vực dậy tinh thần.

Khi các thao tác cầm nắm bằng khuỷu tay và bàn chân thuần thục, Tây bắt đầu học viết. Tây cho biết: “Tôi tập viết như học sinh lớp mẫu giáo, nhưng phải cầm bút bằng chân nên khó khăn vô cùng. Những nét chữ ngoằn ngoèo như giun dế, chữ tròn chữ méo, liêu xiêu, nguệch ngoạc. Các ngón chân thì đau tê buốt, bị chuột rút liên tục”.

Tây sắm một bộ đồ nghề về tập vẽ. Lúc đầu chỉ với suy nghĩ, vẽ để giải trí, cho khuây khỏa. Bức vẽ đầu tiên là ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long, sau đó là các diễn viên Hàn Quốc, người nổi tiếng... Những bức vẽ chơi chơi mà giống như thật, không chỉ đẹp mà còn có hồn, có khí sắc. Tây đưa lên mạng, bạn bè nhìn vào rất ngạc nhiên. Họ đặt hàng để Tây vẽ thử. 

Bức tranh cố nghệ sĩ Bảy Nam, Tây ngưỡng mộ đã dành thời gian công sức để vẽ.

Người ta bảo, đó thực sự là những tác phẩm của trái tim và tâm hồn của chàng trai khuyết tật. Phải thật sự đam mê và có năng khiếu thì mới vẽ được bức tranh đẹp không tì vết như vậy.

Tây cũng bất ngờ vì khả năng hội họa của mình. Từ đó, cậu vẽ thường xuyên hơn, bỏ thêm tiền ra đầu tư vào môn nghệ thuật này.

Tiếng lành đồn xa, một ngày có người đặt Tây vẽ bức tranh 4 người với giá 1,5 triệu đồng. Tây say mê dồn tất cả tình cảm, tâm huyết, sức lực vào bức tranh thương mại đầu đời. Sau một tuần, bức tranh hoàn thành và được khách hàng ưng ý, khen ngợi. Nguyễn Văn Tây chính thức xác định tương lai của mình là sẽ kiếm sống và phát triển sự nghiệp từ nghề hội họa. Tây trở thành họa sĩ từ chân lấm tay bùn, từ bi kịch cuộc đời, không trường lớp, không thầy dạy.

Cậu tích cực tham gia tập huấn tại Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD). Mọi người phát hiện ra khả năng hội họa của Nguyễn Văn Tây đã giới thiệu cậu vẽ ảnh chân dung làm quà tặng cho đối tác của Trung tâm. Khẳng định tài năng, Tây được một công ty mỹ thuật có tiếng ở quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) nhận làm vào làm việc.

Nguyễn Văn Tây rất thần tượng các nghệ sĩ gạo cội Việt Nam như cố nghệ sĩ Thanh Nga, cố nghệ sĩ Trịnh Công Sơn, cố nghệ sĩ Bảy Nam, nghệ sĩ Ngọc Giàu, Khánh Ly... Bức tranh chân dung mang đến dấu ấn và bước ngoặc khiến cậu cảm thấy tự tin nhất là khi vẽ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hình tượng người nhạc sĩ tài hoa này luôn xuất hiện ở khung hình đơn giản, cổ kính, không mất thời gian pha màu, rửa cọ. Còn nghệ sĩ mà Tây yêu quý nhất là Khánh Ly. Cậu đã đầu tư công sức, tâm huyết và tình yêu để hoàn thành xong bức vẽ ca sĩ Khánh Ly, nhưng vẫn chưa có điều kiện và cơ hội gửi tặng thần tượng của mình.

Giờ đây, Nguyễn Văn Tây đã có cuộc sống ổn định nhờ vẽ tranh. Nhiều người đặt tranh của Tây, một phần vì thương hoàn cảnh, Tây không ngần ngại điều đó. Bức tranh nào cậu cũng vẽ bằng tất cả trái tim, tinh thần làm việc nghiêm túc, bền bỉ, chịu khó. Tây cho biết, có vị khách đặt một bức tranh, cậu phải vẽ tới 3 lần người ta mới ứng ý. Bù lại, vị khách đã mua cả 3 bức tranh.

2.Nguyễn Văn Tây trở thành họa sĩ dị tài sau một ngã rẽ “định mệnh”, còn Huỳnh Thị Xậm (SN 1978 tại Long Mỹ, Hậu Giang) có đủ cả tay lẫn chân nhưng hình hài teo tóp, co quắp, số phận cũng đưa đẩy chị trở thành họa sĩ có ngón chân “ma thuật”.

Nếu không có đôi tay, nếu chỉ có 2 ngón chân có thể cử động, chúng ta sẽ làm được điều gì? Hãy đặt mình vào hoàn cảnh đó, để thêm khâm phục trước nghị lực phi thường của Huỳnh Thị Xậm.

Họa sĩ khuyết tật Huỳnh Thị Xậm bên những bức tranh của mình.

Chị Xậm bị dị tật tứ chi khi vừa lọt lòng mẹ. Gia đình nghèo, đông anh em nên Xậm không được học hành đến nơi đến chốn. Cô gái khuyết tật sống một tuổi thơ lặng lẽ bên dòng Hậu Giang, ngày ngày ngắm mây trời, hàng dừa xanh rủ bóng xuống mái tranh nghèo. 14 tuổi, Xậm mới bắt đầu tập luyện cầm nắm ở hai ngón chân duy nhất có cảm giác sự sống. Thương mẹ, cô bé Xậm dùng hai ngón chân đi kẹp củi, xếp củi, kẹp chổi quét nhà, kẹp cây đuổi gà. Chiếc cây trở thành đạo cụ quen thuộc giúp chị nhanh chóng tiếp cận với cây bút. Tuy nhiên, cây bút nhỏ hơn cây củi rất nhiều, hai ngón chân làm nhiều cũng tẽ ra rất rộng nên không thể giữ chặt cây bút.

Xậm đã khóc rất nhiều vì bất lực. Tấm thân gầy rộc, yếu đuối của chị mỗi khi cầm cây bút lại gồng lên, như con giun oằn mình trườn qua gò đất cao rộng. Xậm muốn đi học cho biết mặt chữ thì cả gia đình lắc đầu, thầy giáo cũng ái ngại. Ngày đầu vào lớp 1, Xậm tưởng thầy giáo cầm tay mình tập viết, hóa ra chị phải học bằng chân. Để theo kịp các bạn trong lớp, mỗi ngày, Xậm dậy từ 3 giờ sáng để tập viết. Cuối năm lớp 1, Xậm đã có thể viết chữ được bằng chân. Ý định là học cho biết chữ, sau ham quá nên Huỳnh Thị Xậm học đến hết lớp 12.

Không ai nghĩ một ngày nào đó, cô gái nhỏ bé, tong teo Huỳnh Thị Xậm sẽ rời hàng dừa xanh của làng quê nghèo để lên thành phố tìm kiếm ước mơ. Ngày lên bục giảng nhận tấm bằng tú tài, cũng là ngày Xậm thổ lộ mong muốn của mình.

Hôm sau, chị khăn gói lên TP. Hồ Chí Minh xin vào mái ấm Thành Đạt (Hóc Môn) để học nghề. Xậm loay hoay trong mái ấm mà không thể tìm cho mình một nghề phù hợp với thể trạng. Cuối cùng, chỉ có nghề cầm cọ là khả thi và cũng nhẹ nhàng với hai ngón chân của Huỳnh Thị Xậm.

Quá trình học vẽ còn khó gấp vạn lần học chữ. Cây bút đã nhỏ, thì cây cọ còn nhỏ hơn. Việc vẽ tranh của Xậm khó khăn hơn nhiều người bạn khuyết tật khác. Phải ngồi vẽ bằng chân trên nền nhà, không có giá vẽ nên rất mỏi lưng, mau mệt. Việc pha màu vẽ cũng phải nhờ người phụ. Bức tranh đầu tiên, Xậm hoàn thành sau gần 2 năm.

Sau khi chuyển về Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP. Hồ Chí Minh chị mới tiếp cận dòng tranh sơn dầu. Một lần nữa, Xậm phải làm quen với các loại bút vẽ. Quá trình học vẽ với Huỳnh Thị Xậm là chặng đường làm thay đổi số phận, nghịch cảnh. Bút cọ, màu sắc, trang giấy hòa quyện với mồ hôi, nước mắt của người họa sĩ khuyết tật.

Tranh vẽ của Huỳnh Thị Xậm luôn có bóng hình cảnh vật làng quê miền Tây Nam Bộ. Chị thổi vào đó sự trong sáng thuần khiết, trái tim nhỏ bé mà giàu tình yêu thương. Huỳnh Thị Xậm đã dốc toàn bộ sức lực vào hoàn thiện tác phẩm hội họa. Chị có thể vẽ được tranh sơn dầu và màu nước. Mỗi bức nếu vẽ liên tục mất khoảng 1 tuần. Tranh của chị có nhiều người mua khi biết nó được vẽ bằng hai ngón chân phi thường.

Bên cạnh vẽ tranh, Huỳnh Thị Xậm còn kiên trì học tin học. Người ta phong cho hai ngón chân của chị là “thần kỳ”, riêng Xậm chỉ khiêm tốn cho rằng, đó là sự dày công khổ ải tập luyện. Năng khiếu chỉ chiếm một phần, chín phần còn lại đến từ ý chí, nghị lực và sự quyết tâm. Năm 2014, sau tất cả nỗ lực tưởng chừng như không thể khuất phục, Huỳnh Thị Xậm đã vinh dự nhận bằng tốt nghiệp đại học danh giá của cuộc đời.

Ngọc Hoa

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi, thay vì thuê cửa hàng truyền thống với chi phí cao, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh thu hẹp và đóng cửa nhiều cửa hàng và chuyển dần sang bán hàng online qua các kênh, nền tảng thương mại điện tử, nhất là trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Châu Âu đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị nghiêm trọng có thể làm xói mòn nền tảng thịnh vượng đã xây dựng suốt hàng thập niên qua. Sự trở lại của ông Donald Trump, cùng với căng thẳng thương mại gia tăng và sự suy thoái trong đổi mới, đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) đối diện với bài toán sống còn.

Đội tuyển Việt Nam đang chuẩn bị cho trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024. Lúc này cái tên Nguyễn Xuân Son được quan tâm nhiều hơn cả. Nhưng nên nhớ rằng, đội tuyển là một tập thể vẫn còn nhiều nhân tố quan trọng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文