Hoang mang với giá nước sông Đuống

14:33 17/11/2019
Những ngày qua, hàng triệu người dân Hà Nội, những người rồi đây sẽ phải sử dụng nước sinh hoạt từ nhà máy của Công ty CP nước mặt sông Đuống không khỏi hoang mang khi thông tin giá một khối nước có thể sẽ tới 10.000 đồng.

Tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội hôm 12-11, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến giá nước sạch tối đa của nhà máy nước mặt sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m2, cao hơn các nhà máy nước sạch khác, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà nêu hàng loạt văn bản liên quan đến phương pháp tính tiền, nhấn mạnh việc “phải tính đúng, tính đủ” theo quy định. Nguyên tắc “tính đúng, tính đủ” cụ thể là chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chi phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%... 

Theo ông Hà, mức giá trên chỉ là mức tạm tính tối đa, mức cụ thể được xác định khi nhà máy đi vào hoạt động và được quyết toán. “Giá nước sạch sông Đuống 10.246 đồng/m3 là giá tạm tính tối đa để ký kết thỏa thuận, chứ đây không phải là giá bán đến người tiêu dùng, cũng không phải là giá bán lẻ”, ông Hà khẳng định.

Theo ông Hà, tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng khoảng 3.998 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào sử dụng, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Vì vậy, “theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước khoảng 20%, tức là khoảng 2.003 đồng mỗi m3 nước”, ông Hà nói thêm.

Tuy nhiên, sau những giải thích này của ông Giám đốc Sở Tài chính, người dân lại càng thêm hoang mang. Nhiều người cho rằng, nước sông không phải khoan khai thác ngầm nên giá thành rẻ. Còn chủ đầu tư phải có vốn mới làm được dự án sao bắt người dân phải chịu trả lãi cho dự án "Tay không bắt giặc" được? Giá bán nước của công ty nước sạch sông Đà là 5.000 đồng/m3 mà công ty này đã có lãi gộp trên 50%. 

Giá nước của công ty nước sạch sông Đuống không thể quá mức giá bán của công ty nước sạch sông Đà. Tổng đầu tư của Công ty nước sạch sông Đuống lên đến 5.000 tỷ, chưa rõ suất đầu tư có cao quá hay không? Do đó Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ cần phải vào cuộc

Câu chuyện giá nước sông Đuống cao chót vót cũng khiến nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh thì cung ứng nước sạch là một loại dịch vụ công, điều quan trọng phải là chất lượng, môi trường, giá thành hợp lý, nếu rẻ nhất thì càng tốt và không được để thất thoát. 

Theo ông Sinh, trong mặt bằng chung hiện nay mà giá nước sạch hơn 10.000 đồng/m3 là cao, khi giá nước sạch tại Hà Nội chỉ khoảng 7.000 đồng. Câu chuyện hiện nay là chúng ta mong muốn tất cả các lĩnh vực đều phải minh bạch, phải có sự đồng tình và giám sát của người dân. Vì dân phải trả tiền cho các dịch vụ đó thì phải cung cấp thông tin, đặc biệt là các danh mục đầu tư công hoặc các dịch vụ công mà Nhà nước xã hội hóa thì phải minh bạch. 

“Việc nhà đầu tư muốn đầu tư thế nào, đầu tư bao nhiêu là việc của ông. Thế nên, cần gì phải bàn là phải trả lãi vay bao nhiêu. Nếu tăng giá thì anh phải có lý giải thuyết phục và giá đó không thể đứng trên mặt bằng chung. Còn nói tăng giá nước do có hơn 2.000 đồng để trả lãi vay thì rất khó chấp nhận”, ông Sinh nhận định.

Còn theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), chuyện tăng giá nước hay không là việc của các DN phải tính toán lại. Ông lưu ý thời điểm nhạy cảm này, không nên đề cập đến việc tăng giá nước.

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu hàng ngày và người dân không có sự lựa chọn thay thế nhà cung cấp khi hạ tầng đường ống dẫn đã phân vùng cho từng doanh nghiệp cung cấp nước. Vì thế trước khi hạ bút ký giá nước, lãnh đạo thành phố Hà Nội cần nghiêm túc lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân. Bởi nếu giá nước sạch không minh bạch sẽ có thể xảy ra nguy cơ người dân phản ứng như tại một số trạm BOT thời gian qua.

Tân Lương

Sáng 12/7, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Đà Nẵng phối hợp với Công an phường Liên Chiêu tiến hành kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH vận tải Minh Khang (tại địa chỉ lô 168A-A8, KDC Vạn Tường, phường Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Qua đó, đã phát hiện một khối lượng lớn hàng hóa nghi nhập lậu hoặc làm giả, hàng kém chất lượng.

Trong hơn 30 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực di dời khoảng 40 nghìn căn nhà lụp xụp trên và ven nhiều tuyến kênh, rạch chính. Kết quả này đã góp phần cải thiện môi trường sống cho hàng trăm nghìn người dân sinh sống ven các tuyến kênh, rạch, góp phần chỉnh trang đô thị, tiêu thoát nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn gần 40 nghìn căn nhà nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ kênh, rạch cần di dời để phục vụ chỉnh trang đô thị, tiêu thoát nước, phát triển các tuyến giao thông thủy nội địa, cải thiện ô nhiễm môi trường cho hàng triệu người dân đang sinh sống dọc theo các lưu vực kênh. Do đó, ngày 28/5 vừa qua Sở Xây dựng đã trình UBND thành phố tờ trình kèm theo dự thảo Đề án chỉnh trang đô thị khu vực nhà trên và ven sông, kênh, rạch giai đoạn 2025-2030…

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc rà soát, duy trì chính sách giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí, đảm bảo quyền lợi cho người dân sau khi địa phương thực hiện hợp nhất đơn vị hành chính.

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện (BV) tại TP Hồ Chí Minh phát đi cảnh báo về tình trạng các đối tượng mạo danh bác sĩ, nhân viên y tế, thậm chí cả Sở Y tế để lừa đảo người dân. Thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại về tài chính và ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin xã hội đối với ngành y tế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.