Nguyễn Bá Đạm cả đời thầm lặng để yêu Hà Nội

07:54 14/11/2018
Sinh năm 1922 ở làng Mọc, Giáp Nhất (Hà Nội), nguyên là giáo viên dạy Sử Trường Phan Đình Phùng, ông Nguyễn Bá Đạm là bạn tri kỷ của họa sĩ Bùi Xuân Phái, là bạn tâm giao của ba danh họa khác trong bộ tứ huyền thoại: Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng.


Ông cũng chính là “người mẫu” của danh họa Bùi Xuân Phái trong 242 ký họa chân dung. 

Ở tuổi 96, ông Đạm vừa vinh dự được Báo Thể thao Văn hoá và Quỹ Bùi Xuân Phái trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội trong hệ thống Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

Năm nay đã 96 tuổi nhưng ông Nguyễn Bá Đạm vẫn minh mẫn. Với những người chơi đồ cổ ở Hà Nội, ông Đạm được biết đến là "kỳ nhân tiền cổ", bởi ông là người sưu tầm tiền cổ có tiếng xuất thân từ làng Mọc (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). 

Biết ông đã lâu, thỉnh thoảng tôi đến gặp ông, nghe ông nói đủ thứ chuyện về Hà Nội xưa, và trong những câu chuyện nhiều khi không đầu không cuối ấy, ông hay kể về thú chơi tiền cổ. Ông bảo rằng sưu tầm tiền cổ để hiểu thêm về những thăng trầm của lịch sử, về nghệ thuật của người xưa. 

Bắt tay vào công việc sưu tầm, ông dày công nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, khảo cổ cho nên trở thành người có kiến thức uyên thâm. Vì thế, ngoài tiền cổ, giờ đây trong bộ sưu tập của ông còn có những món đồ rất quý, đó là bức bình phong của gia đình Hoàng Cao Khải (một quan triều đình dưới thời Vua Khải Định).

Chân dung ông Nguyễn Bá Đạm qua nét vẽ của Bùi Xuân Phái.

Ông Đạm kể rằng để có được bức bình phong này, ông đã mất nhiều năm theo đuổi. Đó là năm 1980, một người bạn biết ông thích sưu tầm đồ cổ, nên kể cho ông một gia đình ở phố Hai Bà Trưng đang giữ một bức bình phong cổ rất đẹp. Khi tìm đến gia đình này, ông Đạm ngỡ ngàng khi biết rằng đây chính là bức bình phong của gia đình quan Hoàng Cao Khải. 

Tuy nhiên, phải mất đến 5 năm, sau nhiều lần thuyết phục, săn đón, ông Đạm mới mua lại được chiếc bình phong này với giá 280 nghìn đồng. "Lương công nhân ngày đó chỉ được 50.000-60.000 đồng/tháng, để mua được chiếc bình phong này phải mất gần 5 tháng lương nhưng mua được là may mắn lắm rồi", cụ Đạm tự hào nói.

Ngẫm lại quãng đời đã qua, ông Đạm bảo rằng một trong những may mắn nhất là ông có cơ hội kết bạn và trở thành thân thiết với rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, đó là các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà sưu tập Đức Minh...

Trong số những người bạn tâm giao một thời giờ đều đã về trong cõi nhớ ấy, ông Đạm bảo ông có nhiều kỷ niệm với hoạ sĩ Bùi Xuân Phái nhất, bởi cho tới lúc này, ông đang giữ một kỷ lục mà có lẽ sẽ khó có ai vượt qua, đó là ông là nguyên mẫu của hơn 200 bức ký hoạ của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái. 

Nhắc tới kỷ niệm với Bùi Xuân Phái, ông Đạm kể ông quen Bùi Xuân Phái rất tình cờ, đó là một buổi tối mùa đông năm 1962 trên căn gác nhà họa sĩ Nguyễn Dung ở phố Quán Thánh, khi mọi người giới thiệu một người đàn ông cao, gầy, trán hói, mái tóc thưa và đen, má hơi hóp, đôi mắt trong xanh tỏ ra thông minh, đặc biệt là nói to, là Bùi Xuân Phái. Ông quen nói to, giọng vang và ấm”.

Sau lần tình cờ gặp ấy, ông và hoạ sĩ Bùi Xuân Phái trở thành thân thiết, hàng tuần hai người thường gặp nhau 4-5 lần. “Mỗi lần gặp nhau, trong lúc vui câu chuyện hay nhấm nháp với nhau chén rượu, những lúc ấy tiện có cái gì trong tay là ông ấy vẽ, vẽ trên vỏ bao diêm, có đôi khi giấy gói bánh mứt kẹo cũng thành tranh. Chân dung tôi trên vỏ bao diêm thì có khoảng chục bức. Thỉnh thoảng thấy bức nào hay hay là tôi xin ông ấy luôn. Tính ra, tôi được ông Phái vẽ chân dung nhiều nhất, khoảng 242 bức”, ông Đạm khoe.

Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái và ông Nguyễn Bá Đạm.

Trong hơn 200 bức chân dung mà Bùi Xuân Phái vẽ ông Đạm, bây giờ ông Đạm chỉ còn giữ lại 1, đó là bức vẽ năm 1967 bằng bút chì theo trí nhớ. Ông Đạm bảo đây là bức chân dung được vẽ rất đặc biệt, làm đậm một số chi tiết trên gương mặt như mắt, mũi... vì thế ông vẫn giữ nó hơn 50 năm nay được giới sưu tầm tranh hỏi mua nhiều lần với giá cao, nhưng ông không bán.

Nhắc tới những người bạn văn nghệ sĩ nổi tiếng một thời, ông Đạm kể rằng ngoài Bùi Xuân Phái, ông còn thân thiết với nhà văn Nguyễn Tuân. Vì thế trong gia tài của ông vẫn còn lưu giữ nhiều thư tay, hình ảnh, hiện vật và những bức ảnh chụp chung với nhà văn Nguyễn Tuân.

"Có một buổi sáng mùa thu, ông Tuân đến thăm tôi. Chiếc ba-toong kẹp sát vào nách, trong tay xách một chiếc làn mây, một tay giơ  cao vẫy chào, tôi ra đón mời ông vào nhà. Hai bên chưa kịp hỏi thăm sức khỏe của nhau, ông vỗ tay vào chiếc làn hỏi tôi: "Đố biết tôi mang món quà gì đến cho ông?". Tôi còn phân vân chưa hiểu trong đó có gì, vì mọi bận ông thường mang đến cho tôi chai rượu, chai mật ong hay chai nước mắm. Còn lần này, tôi đoán không ra? 

Chậm rãi ông bảo: "Chuyến vào Nam vừa qua mình có đến nhà xuất bản "Cảo Thơm", họ có biếu cuốn "Vang bóng một thời" mà đã tái bản đến lần thứ V. Biết ông là người yêu sách và quý sách, tôi xin tặng lại ông, ông sẽ thấy cái hay của nó mà người may mắn nhất mới có được!". 

Nhận cuốn sách, tôi lật đến trang cuối cùng thấy đề NXB Cảo Thơm ấn hành lần thứ V, năm 1962, gồm 3.002 bản trên giấy Régistre Supesrieur ghi số thứ tự từ 5.769 đến 8.770. Một dãy 4 chữ số in lặp lại bằng màu đỏ 8.770. Con số cuối cùng lại có duyên rơi vào tay tôi. Thấy nét mặt tôi vui ông từ từ rút ra chiếc bút và ghi lên dòng: "Kính biếu bác Nguyễn Bá Đạm người yêu quý những cái đẹp". Nguyễn Tuân - Hà Nội thu 75".

Ngoài Nguyễn Tuân, ông Đạm còn có mối thâm tình với gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng. Vì thế ông đã từng đổi một bức tranh quý, có giá trị cho một người để chuộc lại các giấy tờ của nhà văn Vũ Trọng Phụng bị mất, bao gồm: 

Giấy khai sinh, làm lúc ông Phụng bắt đầu đi học năm 1920, trong đó ghi ngày tháng năm sinh là 20-10-1913. 

Giấy xin học bổng, làm ngày 12-8-1927, bà Phạm Thị Khách đứng tên, xin cho con trai là Vũ Trọng Phụng suất học bổng Trường Trung học bảo hộ (Collège du protectorat), có nhận thực của trưởng phố Hàng Bạc và chứng thực của tòa đốc lý Hà Nội. 

Giấy khám sức khoẻ: ngày 29-3-1929; ghi tuổi ông Phụng là 16; cao 1,61 m,  nặng 48kg; bác sĩ xác nhận sức khoẻ tốt. Thẻ nhà báo, làm năm 1932, Nông công thương Báo. Thẻ nhà báo, làm năm 1933, Báo Nhật tân. Thẻ thuế thân, năm 1938. 

Cuốn sổ tay nhỏ, cỡ bao thuốc lá, loại sổ tự đóng lấy bằng giấy học trò kẻ ô ca-rô, trên bìa màu xanh ghi: "Carnet de Reconnaissance"; bên trong, phần đầu là "Sổ biên đồ mừng cưới, ngày 22 tháng Chạp Đinh Sửu - 23 Janvier 1938", tiếp đó là "Danh sách những quý vị cho Vũ Mỵ Hằng (đẻ ngày 4 tháng 9 Mậu Dần)", các trang còn lại ghi các loại địa chỉ, chủ yếu là các hiệu thuốc... Cho đến tận bây giờ gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng vẫn là nơi thân tình của gia đình ông Nguyễn Bá Đạm.

Thời gian trôi đi, những người bạn tri kỷ của ông Đạm giờ đã thành “người muôn năm cũ”, nhưng với ông những người bạn ấy vẫn như hiện diện đâu đó trong những kỷ vật được ông lưu giữ trong ngôi nhà ở làng Giáp Nhất. Căn nhà ấy vẫn y nguyên những vật dụng trong nhà như thuở xưa, kể cả bộ bàn ghế, bộ ấm chén và cả những tấm hình đã cũ mòn theo thời gian. Ngồi nói chuyện với ông, tôi như cảm thấy cả một tinh thần cổ xưa của con người Hà Nội đang trở về.

Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái cho biết, hạng mục Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội năm nay đã xướng tên ông Nguyễn Bá Đạm, con người cả đời thầm lặng để yêu Hà Nội. Nhắc đến ông là nhắc đến một nhân chứng sống của đất văn vật kinh kỳ, người đã cống hiến cả cuộc đời cho văn hóa, lối sống Thủ đô. 

“Có thể công chúng chưa biết nhiều về Nguyễn Bá Đạm với những công việc thầm lặng đó, nhưng ai biết ông đều rất ấn tượng về một “tâm hồn Hà Nội” thâm trầm, sâu sắc, với lối sống giản dị, nề nếp, lại không kém phần tao nhã, thanh lịch trong thú đam mê sưu tầm đồ cổ và giao du đầy trọng thị với các danh sĩ Hà Nội. Tâm hồn Hà Nội ấy luôn trân trọng tới từng nét văn hóa của Thủ đô, lặng thầm viết ra những cuốn sách không to lớn, đồ sộ, nhưng sử dụng rất nhiều ký ức, trải nghiệm của bản thân, để rồi với thời gian, sẽ thành ký ức của cả cộng đồng...”, nhà thơ Bằng Việt chia sẻ.

Hiện ông Đạm đang gấp rút hoàn thiện bản thảo tập “Hà Nội xưa kia”, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm. Đồng thời, ông Đạm còn dự ðịnh giữa nãm sau sẽ in cuốn "Những chuyện chưa kể về các danh họa Hà Nội", trong đó tập trung bút lực cho bộ tứ huyền thoại Nghiêm, Liên, Sáng, Phái...

Trần Hoàng Thiên Kim

Sau thời gian theo dõi, ngày 12/4/2024, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang nhóm đối tượng do Tăng Khải Văn (sinh năm 1988, trú tại quận 10) cầm đầu đang tổ chức đánh bạc qua mạng, dưới hình thức cá độ bóng đá.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) chiều nay (27/4) cho biết, trong hành trình truy bắt 3 đối tượng người nước ngoài gây án cướp tài sản có tổng trị giá gần 700 triệu đồng, các trinh sát hình sự phát hiện còn có 1 đối tượng đồng phạm khác cũng là người nước ngoài, nên đang khẩn trương truy lùng.

Quá trình kiểm tra, đối tượng khai nhận đang cất giấu trong người 1 khẩu súng ngắn, trong súng có chứa 4 viên đạn  với mục đích mua về để sử dụng phòng thân và hiện đang cất giấu ma tuý đá, heroin, hồng phiến tại chỗ ở của hai vợ chồng.   

Chiều 27/4, Trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng Công an huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam theo đường mòn, lối mở trái phép trên tuyến biên giới huyện Hướng Hóa, nên xây dựng phương án đấu tranh, bắt giữ.  

Sau nhiều tháng trì hoãn, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt khoản hỗ trợ quân sự trị giá gần 61 tỉ USD cho Ukraine. Ngay sau đó, Vương quốc Anh và nhiều nước châu Âu đồng loạt lên tiếng “hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine” nhằm giúp nước này phòng thủ trước Nga. Giới chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu 61 tỉ USD có đủ cho Ukraine không?

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp với nguồn tin từ người dân cung cấp, lực lượng Công an đã khẩn trương truy bắt nhanh gọn 3 người nước ngoài đã đột nhập cửa hàng kinh doanh điện thoại ở phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) để cướp tài sản.

Sáng 27/4, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, người dân vẫn tiếp tục rời Hà Nội đi du lịch và về quê qua cửa ngõ phía Nam Thủ đô khiến mật độ phương tiện trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tăng cao, ùn tắc kéo dài đã xảy ra trước trạm thu phí.

Từ nhiều năm qua, hơn 60 hộ gia đình nông dân ở thôn Lễ Lộc Bình, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa (Phú Yên) bức xúc vì con đường đi ra đồng đất Khu A hình thành lâu đời bỗng bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho một hộ dân, cất nhà trên đó; để rồi bà con không có lối đi để sản xuất, vận chuyển nông sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文