Nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung:

Nhạc cho thiếu nhi đang bị xem nhẹ

13:11 01/06/2018
Từ những ca khúc nhạc trẻ, vài năm trở lại đây, nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung “quay ngoắt” sang sáng tác và có những bài “hit” cho các em thiếu nhi. Anh nói, nhiều người nhầm lẫn khi cho rằng viết nhạc thiếu nhi dễ, ai viết cũng được. Và người lớn đang xem nhẹ các em.


Thiếu những ca khúc thiếu nhi mới và hay

- Khi các nhạc sỹ trẻ quay cuồng viết theo đơn đặt hàng, viết nhạc kiếm tiền, Nguyễn Văn Chung lại đi làm dự án cho thiếu nhi. Anh cũng “chịu chơi” quá?

+ Ngày xưa, tôi đã từng viết nhạc tình yêu cho các ca sĩ trẻ hát, để kiếm tiền và đã từng thành công. Các bạn trẻ hiện nay cũng giống tôi trước đây, nên tôi thấy chuyện quay cuồng kiếm tiền cũng là điều bình thường.

Tuy nhiên, đến một thời điểm nào đó, việc tự thử thách mình trong nghệ thuật là một điều nên làm. Tôi vẫn còn trẻ, vẫn muốn chứng tỏ năng lực của mình. Hơn nữa, tôi muốn làm một điều gì đó ý nghĩa cho âm nhạc, nhất là âm nhạc thiếu nhi. Sau khi có con, tôi thay đổi suy nghĩ khá nhiều.

Ngày xưa, tình yêu là điều quan trọng nhất. Bây giờ có con, gia đình và con cái mới quan trọng nhất. Với người nhạc sĩ, cái gì làm cho họ rung động nhất, có cảm xúc nhất thì họ sẽ viết về cái đó. Tôi viết nhạc thiếu nhi trước hết để cho con tôi. Tôi muốn nó được sống trong một môi trường có những bài hát thiếu nhi mới, gần gũi với cháu để cháu hát.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung dành nhiều tâm huyết viết nhạc cho thiếu nhi.

- Thực trạng âm nhạc thiếu nhi hiện nay ra sao mà anh lại có mong muốn đó?

+ Thực trạng âm nhạc thiếu nhi hiện nay như thế nào ai cũng có thể nhìn ra được. Chúng ta đang rất thiếu những bài nhạc thiếu nhi mới, hay và có ý nghĩa. Các con đang hát những bài hát cũ, ca khúc tình yêu dành cho người lớn hoặc ca khúc tiếng Anh.

Tôi thấy một số đồng nghiệp nói muốn thay đổi âm nhạc thiếu nhi, nhưng vấn đề thiết thực và cơ bản nhất đó là thiếu bài hát hay. Ai cũng muốn cải cách nhưng không ai viết cho thiếu nhi, thì sao cải cách?

Vì vậy trong 3 năm vừa qua, tôi quyết tâm viết 100 ca khúc mới hoàn toàn dành cho thiếu nhi. Sau khi viết xong, tôi in tập nhạc, kèm đĩa MP3 thu âm 100 bài hát này. Mỗi bài hát còn kèm theo tranh vẽ để các cháu tô màu. Tôi đang thực hiện cuốn tập nhạc thứ 2.

- Nhưng nhạc thiếu nhi tưởng dễ mà khó, không phải ai muốn viết cũng có thể viết được?

+ Tôi nghĩ, những nhạc sỹ muốn viết nhạc thiếu nhi hay, họ phải có con trước đã. Khi có con, họ sẽ biết được tình cha con đặc biệt như thế nào, cảm giác ôm đứa con trên tay ra sao, cảm giác muốn dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con là như thế nào…

Nhiều người nghĩ, nhạc thiếu nhi dễ viết. Họ đang nhầm lẫn. Nhạc thiếu nhi đúng là dễ thuộc, dễ hát theo, ở một mặt nào đó dễ viết nhưng lại rất khó hay. Mình là người lớn, mình phải viết những chủ đề gì, nội dung gì, có thông điệp gì ở trong đó. Đó là những bài học nhỏ, nhẹ nhàng nhưng đi theo hành trình lớn dần lên của một đứa trẻ.

Chẳng hạn như bài “Cô và mẹ”, tưởng chừng rất đơn giản nhưng thông điệp ca khúc, bài học về tình yêu thương đó không phải ai cũng dạy được cho con trẻ, không phải nhạc sỹ nào cũng truyền tải được vào âm nhạc thiếu nhi. Nếu viết một cách hời hợt, đơn giản, không có ý nghĩa gì, nhạc thiếu nhi sẽ không có sức sống lâu dài.

Viết nhạc thiếu nhi phải có thông điệp cho các con, để làm sao, khi các con nghe bài đó, các con sẽ tốt hơn, biết yêu thương, lễ phép với cha mẹ, thầy cô thì ca khúc đó mới có sống được lâu dài. Không thì nó cũng chết yểu mà thôi.

Đòi hỏi tình yêu thương, sự nhẫn nại

- Chất lượng ca khúc thiếu nhi là một mặt của một vấn đề. So với thời trước, đối tượng thụ hưởng chính của âm nhạc thiếu nhi là các em nhỏ giờ đây hình như không mặn mà lắm với dòng âm nhạc này. Gameshow nhan nhản, các trò chơi giải trí lên ngôi, nhạc thiếu nhi dễ gì cạnh tranh được?  

+ Tôi đang tự hỏi, liệu những gameshow hiện nay cho thiếu nhi, những người lớn chúng ta có thực sự vì các bé thiếu nhi hay không? Hay là vì những chuyện khác như lợi nhuận, ham mê của người lớn, quảng cáo, rating…

Và nếu thực sự vì các con, chúng ta có nỡ bắt các con hát những bài hát như thế không? Chúng ta có nỡ bắt các con cạnh tranh, thi đua với nhau để người này vào vòng trong, người kia rớt ra ngoài hay không?

Chúng ta đang đặt áp lực thắng thua của người lớn lên vai các con. Chúng ta phải trả lời được câu hỏi đó thì chúng ta mới biết được, làm những gameshow thiếu nhi đó, có hướng tới thiếu nhi hay không?

- Tôi nhớ có lần trò chuyện cùng nhạc sỹ Phạm Tuyên, ông nói: “Viết nhạc thiếu nhi thì nghèo nên nhiều nhạc sỹ không viết”…    

+ Đến bây giờ, có phải bạn vẫn nhớ những ca khúc thiếu nhi cũ từ ngày xưa, rồi bạn dạy lại cho con bạn những bài hát đó. Vậy thì, những nhạc sĩ của những bài hát thiếu nhi đó vẫn nhận được tiền tác quyền. Nếu bạn viết một bài “hit” về tình yêu, 1 – 2 năm sau, có khi, sẽ chẳng ai còn nhớ tới nữa.

Cũng chẳng còn ai muốn nghe lại nữa. Bạn có nhớ bài “hit” năm ngoái là gì không? Là “Vợ người ta”. Tương tự, tôi cho rằng, năm sau, sẽ chẳng còn ai nghe “Em gái mưa” hay các bài “hit” nữa đâu. Trong khi đó, những sáng tác thiếu nhi viết về mẹ, về gia đình, sẽ được các bé hát nhiều; dịp nào, các bé cũng nghe. Sáng nào đến trường, các con cũng nghe “Vui đến trường”. Ngày 1-6 nào, các con cũng sẽ hát “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to”…

Có thể, tiền tác quyền thu được trong phút chốc không được nhiều như mình viết nhạc tình yêu nhưng về lâu dài, nó sẽ hơn rất nhiều nhạc tình yêu nếu mình có tâm, viết những bài hát thật hay cho các con. Tôi đã viết bao nhiêu năm nay và tôi đã thành công, điều đó chứng tỏ rằng, ai cũng có thể làm được. Vấn đề là họ chưa biết cách và họ có muốn làm hay không mà thôi.

Họ có đủ đam mê, dũng cảm để dám hi sinh những gì đang có hay không? Giống như tôi trước đây đã phải “hi sinh” những gì đang có, gạt thành công ở mảng ca khúc viết về tình yêu, để bắt đầu với nhạc thiếu nhi. Lúc đó, tôi cũng không biết đích nó nằm ở đâu. Chỉ biết rằng, tôi đi bằng niềm tin và muốn làm điều gì đó ý nghĩa cho cuộc sống mà thôi.

- Trong vài năm trở lại đây, có không ít dự án âm nhạc dành cho thiếu nhi, thế nhưng, ít dự án đi được đường dài. Do người ta “nản” hay thị trường âm nhạc thiếu nhi không đón nhận?

+ Tôi nghĩ, họ hơi coi nhẹ các em. Họ làm với quan điểm trồng cây ngắn hạn thu hoạch liền; nhưng nhạc thiếu nhi không thể thu hoạch liền tức thì được. Thực hiện dự án âm nhạc thiếu nhi cũng giống như ta trồng cây lâu năm vậy, không biết bao giờ mình mới thu hoạch được.

Vì thế, người ta dễ bỏ cuộc. Hai là, có thể trong phút chốc không thể mang lợi nhuận và người ta không đi đường dài được. Hoặc, họ chỉ nhất thời hứng lên và làm vậy thôi, chứ chưa có tình yêu với con trẻ và nhạc thiếu nhi.

Thứ tư, họ có tình yêu nhưng chưa có kế hoạch, tính toán. Đây là một công việc đòi hỏi sự nhẫn nại, yêu thương, không phải là cuộc chơi ngẫu hứng của một số người đâu.

- Có người nói, nhạc thiếu nhi đã đi qua thời vàng son lâu rồi và nó đã đứt gãy ở thế hệ trước. Anh là một nhạc sỹ trẻ có nhiều sáng tác được các em thiếu nhi yêu thích, anh sẽ nói gì?

+ Việc đứt gãy đó là chuyện hết sức bình thường trong dòng chảy âm nhạc. Tùy theo sự phát triển của dòng chảy đó mà sẽ có những dòng nhạc bị lãng quên, bị đứt gãy. Nhưng đến một giai đoạn nào đó, nó lại phục hồi, lại phát triển mạnh mẽ hơn.

Chẳng hạn như bolero, có thời cứ ngỡ nó đã bị lãng quên rồi, tự nhiên được khơi lại. Đó là chuyện chúng ta không thể dự đoán được. Cũng là điều hiển nhiên và bất ngờ trong âm nhạc. Tôi tin, trong một tương lai không xa, nhạc thiếu nhi sẽ phát triển trở lại.

- Cảm ơn nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sinh năm 1983, là tác giả của một số ca khúc được các bạn trẻ yêu thích như “Vầng trăng khóc”, “Mùa đông không lạnh”, “Con đường mưa”... Vài năm trở lại đây, anh chuyển sang sáng tác cho thiếu nhi và có nhiều sáng tác được các em đón nhận. “Nhật kí của mẹ” và “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to” là hai hit thiếu nhi của Nguyễn Văn Chung. Ngoài một số CD, VCD nhạc thiếu nhi, tập sách nhạc kèm VCD gồm 100 ca khúc thiếu nhi, giữa tháng 5 vừa qua, anh đã tổ chức liveshow “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to”, phát miễn phí cho các em nhỏ.­
Du Nguyên (thực hiện)

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào khoảng 7h45 sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 1 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文