Nhạc sĩ Phú Quang: Trong nghệ thuật, đừng nhượng bộ

10:58 06/11/2016
Nói về bản lĩnh để đi qua những thử thách cam go của đời sống, Phú Quang hoàn toàn có thể tự hào về mình. Và các con ông tự hào về ông. Khán giả của ông tự hào về ông. Thẳng thừng, quyết liệt, sòng phẳng nữa, Phú Quang là hình mẫu của một người làm nghệ thuật không chỉ sáng tác xong là hết việc.

Không hẹn mà gặp, những ngày đầu tháng 10, hai nhạc sĩ nổi tiếng Phú Quang và Trần Tiến đều cùng phát hành hồi ký - những trang kể lại cuộc đời mình với công chúng, những người đã dõi theo họ trong suốt nửa thế kỷ làm âm nhạc.

Nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ tâm trạng khi viết hồi ký: “Tôi không mang trong mình tham vọng về sự vinh quang đời đời, cũng chẳng có nỗi băn khoăn của cụ Nguyễn Du khi cụ phải thốt lên “Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. 

Một cuốn sách ra đời, đối với Phú Quang, không phải mong muốn gì lớn lao cả, chỉ là ông muốn sau này, các con cháu ông đọc lại cuộc đời ông, sẽ hiểu thêm về thế giới tinh thần của người cha, người ông nhạc sĩ. Những nghịch cảnh, và cả những hạnh phúc ông đã đi qua, đã nếm trải, đã khắc ghi, thậm chí là đã quên lãng. Ông viết: “Cuốn sách này riêng tặng cho các con tôi”. 

Gần như Phú Quang tự mình viết lại cuộc đời ông trên giấy, sau này có sự chỉnh trang chắp bút của một kiến trúc sư ông quý mến, một người bạn trẻ.

Thói quen viết của Phú Quang có từ rất lâu: “Tôi luôn viết mỗi ngày. Một thói quen khó bỏ. Viết mà chẳng hề có ảo tưởng về một sứ mệnh nào. Tôi viết vì những bức bối cần được xả ra của chính mình. Viết với cảm giác trút bỏ. Viết để được nhẹ nhõm hơn...Như một gã tín đồ suốt ngày lầm rầm cầu nguyện mà chẳng đợi một ân sủng nào, hay trông ngóng một phép thần nào chợt hiện. Từ trong thẳm sâu, tôi giữ gìn nỗi thành kính của một tín đồ. Niềm xác tín đối với Thượng đế. Trong tôi, Ngài vô hình, nhưng tôi luôn tin Ngài hiện hữu”.

Bắt đầu cho cuốn sách của cuộc đời mình Phú Quang đứng trước nhiều câu hỏi lắm. Là người ta hỏi ông về việc làm sao để có một cuốn sách gây được sự chú ý. Còn ông không trả lời. Ông chẳng muốn nói gì thêm ngoài những trang viết. Nhưng đọc ông, hiểu tinh thần phía sâu thẳm trong ông thì thấy, ông không màng mấy chuyện câu khách như người ta thường hay gia giảm vào những cuốn hồi ký, bởi lo sợ chả mấy độc giả thừa mứa thông tin hôm nay quan tâm. 

Nếu bạn tò mò về chuyện tình yêu, tình ái, đời riêng tư của nhạc sĩ thì bạn đừng mua cuốn sách này. Vì ông không kể. Ông toàn kể những “chuyện bình thường”, những “mảnh hồi ức chợt hiện”, nó vừa cụ thể vừa đứt đoạn, cần sự xâu chuỗi trong tâm trí độc giả. 

Khán giả nữ của Phú Quang rất đông, rồi những cuộc tình trong đời, trong âm nhạc, chắc cũng không ít. Nhưng Phú Quang không viết. Ông bảo, tôi sẽ viết vào một lúc khác. Cũng có thể kể chuyện tình yêu một cách thật thà nhất, nhưng nó phải đúng lúc, và trong một tâm thế hoàn toàn chân thực. Còn để xem nó là mắm muối pha chế bày biện tạo hương vị mời gọi cho cuốn sách thì không. Tình yêu cần một sự nâng niu, một sự thấu đáo. Viết về nó càng cần phải thấu đáo.

Những chuyện bình thường được kể trong hồi ký của Phú Quang là gì? Là những người bạn, những đứa con, những khoảnh khắc bài hát ra đời, âm nhạc tràn tới. Và có cả những gian nan đường đời mà người nghệ sĩ phải đi qua. Đi qua rồi nhìn lại, mỉm cười, không than van oán thán, không thù hận. 

Những câu chuyện không vui vẫn cần được kể, để những đứa con của ông, độc giả của ông hiểu thêm các chiều kích cuộc đời người làm nghệ thuật, và cũng qua ông-hiểu thêm về đời mình. 

Nhưng những nhân vật xấu xí, đê tiện đã từng làm vật cản đường Phú Quang đã đi thì ông không nhắc. Ông không cho những kẻ như vậy có cơ hội xuất hiện trên trang sách của mình. Giống như ông không nuôi lòng thù hận. Cho dù cuộc sống đã thử thách ông bằng quá nhiều nghịch cảnh, bầm dập. Sau tất cả, âm nhạc vẫn vang lên, vẫn yêu thương chiều chuộng cảm xúc con người, vẫn an ủi và xoa dịu.

Sách in đẹp. Có thể nói hồi ký Phú Quang là một trong những cuốn hồi ký đẹp nhất về mặt hình thức. Giấy thượng hạng, bìa cao cấp. Cuốn sách không chỉ là cuốn sách, không chỉ là thông tin, nó còn là một tác phẩm đúng nghĩa về mặt mỹ thuật. 

Đẹp, sang. Và giá cả, dĩ nhiên là chát, chẳng dễ chịu chút nào. Phú Quang chưa bao giờ dễ chịu về giá. Giống như các đêm nhạc của ông, giá vé thường ngất ngưởng. Giống như các đĩa nhạc của ông, giá bán thường chót vót. Nói thật như vậy không phải chê ông, mà là ngưỡng mộ ông. Một người hiểu giá trị của mình, và hơn thế nữa, hiểu giá trị của nghệ thuật, cho dù nghệ thuật không phải thứ có thể quy ra tiền. 

Phú Quang vốn cực đoan, khó tính, khắc nghiệt và có thể cả điên rồ nữa. Ông hay áp đặt công chúng của mình. Giá vé cao, vì ông không làm chương trình ẩu. Giá đĩa cao, vì những gì hay nhất, tốt nhất là để dành cho đĩa nhạc đó. Giá sách cao, vì người ta đọc sách ông không chỉ bằng mắt, mà còn bằng mọi giác quan khác. Người ta không chỉ thưởng thức nội dung cuốn sách, mà người ta thưởng - thức - một- cuốn - sách. Phú Quang không nhượng bộ bao giờ. Đối với ông, mọi thứ đều phải đẹp nhất, sang nhất, nghệ thuật nhất. Và lẽ dĩ nhiên, đắt nhất.

Tôi muốn lý luận với Phú Quang điều này. Ông phải để cho khán giả bình dân có cơ hội mua vé vào xem nhạc của ông, mua đĩa của ông, mua sách hồi ký ông viết. Cuốn sách bạc triệu là rất khó với túi tiền của nhiều người. Ngoài những bản đẹp nhất, đắt tiền nhất, cần những bản bình thường về mặt hình thức, giảm giá xuống, thì sinh viên mua được đĩa nhạc của ông, mua được sách của ông. 

Nhưng Phú Quang không làm vậy, và tôi cũng biết ông sẽ không làm vậy ngay cả lúc tôi bắt đầu tranh luận với ông về điều này. Phú Quang bảo, người ta không đủ tiền để mua thì có thể mượn đọc, có thể phô tô. Tôi chỉ làm một loại sách.

Đã nói là Phú Quang không nhượng bộ. Cái tính bướng bỉnh cha mẹ cho từ thủa lọt lòng đã nhiều lần gây phiền toái cho nhạc sĩ. Nhưng thay đổi thì sẽ không có Phú Quang hôm nay, không còn là Phú Quang nữa.

Cuối thu, đến hẹn lại lên, Phú Quang lại làm đêm nhạc của mình. Ông là người giỏi nhất trong việc đưa âm nhạc của chính mình vào công chúng. Vé của 3 đêm nhạc đã bán gần hết. Người ta mua vé để đến nhà hát, để được sống những giờ phút trong âm nhạc của Phú Quang. Ông không biết người mua vé với giá không hề rẻ kia họ là những ai. Họ có thế giàu, rất giàu. Và họ có thể là nghèo, rất nghèo, dành dụm tiền lương còm của mình để mua vé đêm nhạc. Phú Quang bảo, họ là ai thì họ cũng văn minh như nhau. Họ mê đắm âm nhạc.

Có một câu chuyện tôi từng được nghe Phú Quang kể một vài lần, và ông cũng kể lại trong cuốn hồi ký của mình. Một gã thợ ảnh gửi cho tôi những tấm hình chụp chung với nhạc sĩ Văn Cao. Hắn nghĩ rằng tôi sẽ vô cùng tự hào khi có những tấm ảnh đó. Vì Văn Cao thì nổi tiếng quá rồi. 

Hắn đòi tiền tôi với giá ngất ngưởng và dọa nếu không trả tiền sẽ đòi lại những bức ảnh đó. Tôi mỉm cười, đồng ý trả lại hắn những bức ảnh đắt giá đó, không quên đòi lại số tiền mình đã ứng trước để hắn rửa ảnh. Hắn vô cùng ngạc nhiên khi tôi không định sở hữu những bức ảnh quý hiếm”. 

Câu chuyện này nói rất nhiều về con người Phú Quang. Ông quan niệm khác về cái gọi là “vinh dự”. Không phải ông xem thường nhạc sĩ Văn Cao, mà đối với ông, những hù dọa núp danh nghệ thuật là không thể chấp nhận. 

Phú Quang kể, ông nhớ một câu nói nổi tiếng của Schopenhau: “Ngươi đừng tưởng ngươi là miếng giẻ rách đi lau chùi hoành phi câu đối mà trở thành sơn son thếp vàng được”. Người ta cần phải tự tạo ra giá trị của mình, mọi sự vay mượn, đắp điếm là vô nghĩa.

Nói về bản lĩnh để đi qua những thử thách cam go của đời sống, Phú Quang hoàn toàn có thể tự hào về mình. Và các con ông tự hào về ông. Khán giả của ông tự hào về ông. Thẳng thừng, quyết liệt, sòng phẳng nữa, Phú Quang là hình mẫu của một người làm nghệ thuật không chỉ sáng tác xong là hết việc. Trách nhiệm của ông còn là đưa tác phẩm của mình đến với công chúng, theo cách phù hợp nhất, lịch thiệp và sang trọng nhất. Một người “bán” tác phẩm của mình tốt nhất, được công chúng nhiều thế hệ mến mộ.

Quỳnh Vũ

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong cả nước liên tục ghi nhận các vụ việc đua xe trái phép do nhóm thanh, thiếu niên thực hiện. Không chỉ gây nguy hiểm cho chính người tham gia, hành vi này còn là mối đe dọa trực tiếp đến an toàn giao thông, trật tự xã hội và sự bình yên của cộng đồng. 

Khoảng chiều và đêm 17/11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 18-20 độ C, vùng núi có nơi dưới 15 độ C.

Ngày 16/11, báo cáo với đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy làm trưởng đoàn, đại diện đơn vị thi công Dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan (đoạn qua địa bàn Đà Nẵng) cho biết hiện đang bố trí khoảng 30 mũi thi công để đáp ứng tiến độ; nhưng còn một số vướng mắc về mặt bằng, một số điểm người dân cản trở thi công; mưa nhiều, bụi mù, ùn tắc...

Ngày 16/11, Cục CSGT cho biết, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) đang củng cố hồ sơ xử lý một tài xế ô tô dừng xe ở làn khẩn cấp cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết để cả gia đình ngồi ăn tối.

Đại úy Lê Thị Hồng Lụa là cô giáo ở Trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an. Ngoài truyền đạt kiến thức văn hóa cho học sinh, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa còn uốn nắn, dạy dỗ, giáo dục những học sinh từ lầm lì, khép kín, ngỗ nghịch đi vào nền nếp, kỷ cương, trở thành người lương thiện để khi hết thời hạn, các em về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều năm miệt mài làm người “chở đò”, với biết bao tâm huyết, công sức, những kỷ niệm về sự hướng thiện của các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt” vẫn luôn là động lực để Đại úy Lê Thị Hồng Lụa thêm say mê, yêu quý nghề. 

Lúc 8h ngày 16/11, tại khu vực biên giới gần cột mốc 172, thuộc ấp Bình Quới, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh), Đồn Biên phòng Phước Chỉ phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và Công an thị xã Trảng Bàng bắt quả tang Xu Xin (SN 1997, quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam.

Trận lũ quét xảy ra hôm 29/10 vừa qua đã để lại những hậu quả nặng nề về người và của, nằm ngoài tiên lượng của giới chức chính trị Tây Ban Nha và nghiêm trọng hơn, nó còn khiến cho giới chức chính trị Tây Ban Nha chỉ trích và đỗ lỗi cho nhau trong cách ứng phó thiên tai.

Ngày 16/11, Công an huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã di lý đối tượng Bùi Văn Hồng (SN 1988), từ xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh về địa phương để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文