Vị bác sĩ quên mình bị ung thư chỉ lo chữa bệnh, cai nghiện cứu người

17:00 17/06/2015
Lần mới đây gặp ông, là lúc bác sĩ Phạm Ngọc Đại đang khoác trên mình bộ đồng phục bệnh nhân Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ông gầy đi nhiều, tay nổi gân xanh vẫn nắm chắc chiếc gậy đang lủng lẳng ống truyền hóa chất, bên cạnh là người vợ thân yêu. Ấy vậy, khi tôi hỏi: “Bây giờ bác nghỉ ngơi, tập trung điều trị rồi chứ?”. Ông cười hồn hậu: “Mai mốt về là lại lên cơ quan ngay, mình làm việc cho khỏe. Dạo này học viên cai nghiện ngày một đông. Thôi thì, lúc nào đấy… nghỉ luôn thể!”. Nghe thế, tôi thêm vững dạ.

Thời chiến khoác áo lính, thời bình khoác áo blouse trắng

Nhớ lại gần chục năm về trước, lẫn với tiếng reo của ngàn thông xanh giữa núi rừng Côn Sơn là những tiếng gào thét “xung phong” của hàng trăm thương bệnh binh đang điều trị tại Trung tâm Nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần tỉnh Hải Dương (phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh). Lặng lẽ và kiên nhẫn là ấn tượng của nhiều người khi chứng kiến bác sĩ Phạm Ngọc Đại cùng các đồng nghiệp ngày đêm chữa trị, chăm sóc cho từng người bệnh, góp phần xoa dịu “nỗi buồn chiến tranh”.

Cùng với chiếc áo blouse trắng đã gắn bó từ hồi là sinh viên trường y, biết bao lần màu áo ấy đã làm dịu những vết thương thể xác, những vết thương tâm hồn của đồng đội và những người chịu thiệt thòi do chiến tranh để lại.

Suốt hơn mười năm, bác sĩ Đại kiên trì điều trị cho từng bệnh nhân tâm thần. Sau những tình huống hút chết, bị bệnh nhân lên cơn cầm liềm, cầm dao đuổi đánh – ông lại thấy thương hơn cho những hoàn cảnh éo le, và thấy mình còn nhiều may mắn hơn đồng đội: “Lắm lúc bệnh nhân tâm thần không kiểm soát được hành vi, chống trả bác sĩ, tôi cũng sợ chứ. Nhưng cứ nghĩ đến nhiều đồng đội đã phải nằm lại chiến trường, tôi lại thấy mình may mắn hơn và phải có trách nhiệm với những người trở về, những người bất hạnh hôm nay. Càng thương bệnh nhân nhiều hơn”.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, hầu hết người thân đều tham gia phục vụ quân đội, chàng thanh niên Phạm Ngọc Đại cũng xung phong nhập ngũ. Trong một lần truy đuổi quân Pôn-pốt trong núi rừng nước bạn Campuchia, ông bị thương nặng mất tới 60% sức khỏe (thương binh hạng 2/4). 

Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, năm 1980, chiến sĩ Phạm Ngọc Đại rời quân ngũ, trở về quê hương, mặc dù còn mang trên mình nhiều vết thương, song ông vẫn quyết tâm khăn gói lên trường dành cho thương binh ở Châu Giang (tỉnh Hải Hưng cũ) để ôn thi đại học. Sau bao ngày miệt mài học tập, thí sinh – thương binh Phạm Ngọc Đại đã thi đỗ với số điểm khá cao vào Đại học Y Thái Bình. 

Lại ròng rã sáu năm trời theo học chuyên ngành bác sĩ đa khoa, vượt qua biết bao khó khăn thiếu thốn. Ra trường, cầm tấm bằng đại học loại ưu trên tay cùng nhiệt huyết của một bác sĩ trẻ, thế mà ông cũng phải mất đến tám năm lăn lộn làm hợp đồng, mãi sau mới được vào biên chế nhà nước. Năm 1995, ông về công tác tại Trung tâm Nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần tỉnh Hải Dương.

Luôn khắc ghi lời Bác Hồ dặn “Lương y phải như từ mẫu”, bác sĩ Phạm Ngọc Đại coi người bệnh như những người ruột thịt của mình. “Trong số những bệnh nhân tâm thần, không ít người là cựu chiến binh hoặc con em của họ. Chăm sóc họ cũng như chăm sóc cho đồng đội của mình. Từng đi qua chiến tranh, tôi càng thấm thía nỗi đau hậu chiến, thấy thương hơn những thương bệnh binh đang gặp nhiều khốn khó giữa đời thường”, bác sĩ Đại bùi ngùi.

Trọn tình vẹn nghĩa

Nỗ lực phấn đấu, ông được kết nạp Đảng năm 1998. Khi đó ông đang nhận nhiệm vụ Trưởng phòng Y tế của Trung tâm Nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần tỉnh Hải Dương.

Năm 2009, tệ nạn nghiện hút ma túy và các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trở nên nhức nhối trên địa bàn. Nhất là các đối tượng sử dụng ma túy đá có nguy cơ tăng nhanh. Chứng kiến nhiều vụ án thương tâm, nhiều gia cảnh khốn khó vì có người thân mắc vào nghiện ngập, nhiều thanh niên trai tráng từng ngày bị “cái chết trắng” hủy hoại; không đành lòng, ý thức được trách nhiệm của người đảng viên, ông xin cấp trên chuyển công tác sang Trung tâm Giáo dục, Chữa bệnh, Lao động xã hội tỉnh Hải Dương. Trung tâm khi ấy còn rất nhiều khó khăn, công việc tưởng như quá sức với đội ngũ cán bộ nhân viên ít ỏi phải quản lý và chăm sóc cho vài trăm học viên cai nghiện và hơn năm mươi bệnh nhân nhiễm HIV.

Ở Trung tâm, ông là người duy nhất có trình độ bác sĩ đa khoa, được cấp trên bổ nhiệm Phó giám đốc. Vậy là ông vừa làm quản lý, vừa phải trực tiếp điều trị cho các học viên. Chọn nghề y đã là một sự lựa chọn vất vả, chọn nghề bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân tâm thần, sang chấn tâm lý và cai nghiện lại càng vất vả bội phần. Không ít lần ông bị các “con nghiện” hành hung, đe dọa tính mạng. Cũng lại không ít lần ông cùng khóc với bệnh nhân của mình. 

Đã có không ít người đến rồi đi khỏi Trung tâm Nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần tỉnh Hải Dương cũng như Trung tâm Giáo dục, Chữa bệnh, Lao động xã hội tỉnh Hải Dương. Riêng bác sĩ Phạm Ngọc Đại thì ở lại. Không phải là không có lần ông nản chí, nhưng mỗi lúc gặp khó khăn ông lại thấy mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã hy sinh. “Tôi được trở về, được sống với người vợ hiền và những đứa con ngoan đã là một sự ưu ái của số phận rồi”.

Những tưởng với bác sĩ Phạm Ngọc Đại, hạnh phúc sẽ là được hành nghề, được chăm sóc người bệnh của mình nhưng thật trớ trêu, chỉ hai năm sau khi về Trung tâm, ông phát hiện bị mắc ung thư từ vết thương cũ hồi lửa đạn. Tuy thế, ông vẫn lạc quan, vui vẻ, nghĩ mình còn may mắn: “Tôi thường nói với bệnh nhân, bệnh của tớ còn nặng hơn bệnh của cậu đấy nhé. So với ngày xưa, khi ra chiến trường vẫn còn hạnh phúc chán”.

Và rồi cứ đều đặn hai tuần, ông lại phải ra Hà Nội để điều trị hóa chất một đợt, rồi lại về Trung tâm điều trị cho các học viên.

Vượt lên đau đớn do căn bệnh ung thư quái ác đem lại, ông luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn. Không những thế, bác sĩ Đại còn rất quan tâm tới công tác phong trào, quan tâm đến việc chăm lo đời sống cho cả cán bộ nhân viên và học viên của trung tâm. Sẵn chất lính trong người, ông đã xin cấp trên cho thành lập Chi hội Cựu chiến binh trong Trung tâm và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch. Từ đây, ông đã lãnh đạo Chi hội tham gia xây dựng tổ chức vững mạnh, bảo đảm việc thực hiện các quyền dân chủ ở cơ sở… Ông đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường,… 

Những năm gần đây, khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, ông lại càng sống lạc quan hơn. Tranh thủ khi có thời gian là ông lại viết tài liệu về phòng, chống HIV/AIDS, cộng tác với đài phát thanh để tuyên truyền, vận động nhân dân không phân biệt đối xử với bệnh nhân nghiện và những người “có H”.

Mỗi khi nhắc đến bác sĩ Phạm Ngọc Đại, cả bệnh nhân và đồng nghiệp đều bày tỏ sự thán phục. Y tá Trạc Thị Loan chia sẻ: “Thật may mắn, bác sĩ Đại luôn được vợ và hai con chia sẻ khó khăn, ủng hộ công việc ông đang làm. Người bạn đời của ông, bà Dương Thị Kim Chung hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Chí Linh. Yêu nhau từ hồi cùng là sinh viên Trường Đại học Y Thái Bình, rồi nên vợ nên chồng, thủy chung, vượt qua khó khăn, ngay cả khi cuộc đời khắc nghiệt nhất”.

Thấm nhuần truyền thống gia đình, hai anh con trai của bác sĩ Đại và bác sĩ Chung đều chăm chỉ học hành tiến bộ. Hiện nay, anh Phạm Ngọc Hiền, sinh năm 1989, tốt nghiệp ngành kinh tế, song muốn chia sẻ khó khăn cũng như để hiểu hơn công việc của người bố kính yêu, anh xin vào cơ quan của ông và làm việc tại Phòng Dạy nghề - Lao động xã hội. 

Hiền tâm sự: “Mong sao, em sớm được vào biên chế chính thức để có điều kiện ổn định công tác, phấn đấu học tập theo tấm gương của bố, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Em trai của Hiền là Phạm Ngọc Hiệp, sinh năm 1993, tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Hải Dương, hiện cũng đang theo nghề của mẹ, làm việc tại khoa Cận lâm sàng - Trung tâm Y tế thị xã Chí Linh. Họ là những người trẻ, tiếp nối truyền thống gia đình, lại ngày đêm cần mẫn chăm sóc bệnh nhân, chia sẻ buồn vui với các học viên, đồng nghiệp của mình.

Kinh tế gia đình vốn eo hẹp, từ khi bác sĩ Đại mắc bệnh phải thường xuyên đi chữa bệnh nên đời sống càng khó khăn gấp bội. Tuy thế, người thầy thuốc nhân hậu này đã lấy nghị lực của chính mình vịn vào tình thương yêu của gia đình, đồng nghiệp, vươn lên trở thành tấm gương cho những người bệnh noi theo.

"Tôi biết mình mang bệnh ung thư, có thể coi như mang cái án tử hình, nhưng chưa đến ngày thi hành án. Nếu cứ ngồi chờ cái chết nó đến thì thật đáng sợ. Còn sống, còn cống hiến, như thế cuộc đời mới thực sự có ý nghĩa!" - bác sĩ Phạm Ngọc Đại tâm sự.

Suốt hai mươi năm, người lính, thương binh, bác sĩ Phạm Ngọc Đại lặng lẽ chữa bệnh cho cả đồng đội và con cái của họ, rồi lại tự chữa bệnh cho chính mình và hàng trăm thanh niên vướng vào con đường nghiện ngập, đưa họ trở lại với xã hội. Bao nhiêu năm, bóng áo blouse trắng ấy cứ thầm lặng soi sáng những mảnh đời bất hạnh giữa rừng thông Côn Sơn.

Dù là khi trò chuyện với bệnh nhân, khi đối diện với bác sĩ đang điều trị cho chính mình, bác sĩ Phạm Ngọc Đại luôn mỉm cười như thể cuộc đời này chưa bao giờ có những điều bất hạnh.

Khúc Hồng Thiện

Chiều 16/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Đoàn Đức Vinh (SN 1996, cư trú: xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) để điều tra về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Thông tin từ Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho biết đến 13h20’ chiều nay 16/12, quốc lộ 27C đoạn qua đèo Khánh Lê (thuộc địa phận xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vẫn ách tắc do chưa thu dọn xong đất đá sạt lở tại điểm đầu tiên thì phát sinh thêm tình trạng sạt lở tại một số điểm khác.

Ngày 16/12, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đang làm rõ loại hóa chất dạng lỏng được thu giữ cùng 120kg pháo nổ vào ngày 15/12 vừa qua.

Trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, những bức ảnh lộng lẫy, cuộc sống xa hoa trở thành cách để nhiều người tạo dựng hình ảnh cá nhân. Tuy nhiên, đây cũng là “sân khấu” hoàn hảo cho những kẻ lừa đảo khoác lên mình chiếc áo doanh nhân thành đạt, nhà đầu tư tài ba, chuyên gia tài chính, bậc thầy dạy làm giàu… nhằm lôi kéo các nạn nhân sập bẫy.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文