Biên đạo múa Tuyết Minh: Múa là giấc mơ lớn nhất của đời tôi

15:13 29/07/2018
Đầu tư hơn 3 tỷ để dựng vở “Mỵ” quả là một sự dũng cảm trong bối cảnh sân khấu nghệ thuật đìu hiu. Nhưng biên đạo múa Tuyết Minh nghĩ xa hơn thế, “Mỵ” không chỉ làm để đi thi, dù “Mỵ” đạt rất nhiều giải thưởng lớn tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc.


Tham vọng của Tuyết Minh, Mỵ sẽ có những suất diễn định kỳ tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đó là một cơ hội để tiếp cận công chúng.

- Chúc mừng Tuyết Minh với giải Biên đạo múa xuất sắc nhất tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc diễn ra tại Cao Bằng vừa qua cho vở “Mỵ”- một vở diễn mang đậm chất văn hóa của núi rừng Tây Bắc. Được biết chị ấp ủ dựng vở này khá lâu rồi?

+ Cách đây hai năm, tôi đã có ý tưởng viết kịch bản múa chuyển thể từ các tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam như “Truyện Kiều”, “Vợ chồng A Phủ”… Tôi muốn lưu giữ lại những giá trị tinh hoa của dân tộc bằng ngôn ngữ múa. Nhưng phải chờ đến bây giờ, hội đủ cơ duyên, tôi mới thực hiện được ý tưởng của mình.

Vở “Mỵ” chuyển thể từ “Vợ chồng A Phủ” được đồng nghiệp và khán giả đón nhận rất nhiệt tình tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc diễn ra tại Cao Bằng vừa qua. Tôi dùng ngôn ngữ múa để kể câu chuyện của một vùng núi. Toàn bộ chương 1 nói về văn hóa dân tộc Mông, lễ hội của người Mông, trò chơi đánh cù, đêm chợ tình…

Chương 2 nói đến câu chuyện A Phủ và Mỵ gặp nhau. Những cảnh hút thuốc phiện, tra tấn được cách điệu bằng nghệ thuật múa đương đại, bằng ánh sáng và nghệ thuật sắp đặt chứ không bị nặng nề, đau khổ quá.

- Con số 3 tỷ bỏ ra để dựng “Mỵ” quả là một sự dũng cảm trong bối cảnh sân khấu hiện nay. Chị có tham vọng gì?

+ Tôi theo đuổi con đường xã hội hóa bởi tôi nghĩ, tác phẩm phải gần với đời sống. Và tôi hy vọng “Mỵ” sẽ là thành công ban đầu của chúng tôi, trở thành một dấu lặng nhỏ bé trong đời sống nghệ thuật đương đại. Tôi cùng Nhà hát Dân gian Việt Bắc đầu tư cho vở diễn này khá lớn không chỉ để giành huy chương. Mong muốn của tôi là vở diễn sẽ bán được vé và có khán giả.

- Chị có nghĩ là mình quá mơ mộng trong thời buổi khó khăn hiện nay không?

+ Mong muốn của tôi đều dựa trên cơ sở thực tế. Chúng ta có một Nhà hát Lớn có lịch sử hàng trăm năm, thay vì chỉ là đơn vị cho thuê địa điểm tổ chức thì thời gian gần đây, Nhà hát Lớn đã đứng ra thực hiện các đêm diễn chất lượng nghệ thuật cao. Cùng với đó là tour tham quan Nhà hát Lớn dành cho khách du lịch sau đó thưởng thức vở diễn để hiểu hơn về văn hóa Việt. Nếu nhìn ra thế giới và khu vực, những nhà hát danh tiếng như nhà hát Opera de Paris hay Bolshoi ở Nga họ cũng tự sản xuất các chương trình của mình và đóng khung trong lòng khán giả bởi những vở diễn kinh điển.

Khi tôi thuyết trình với chị Nguyệt- Giám đốc Nhà hát Lớn về đề án này, chị rất ủng hộ. Chúng tôi hướng tới những tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng có sức sống thời đại và tính văn hóa, tư tưởng lớn.

- Vì sao “Mỵ” được chọn là tác phẩm mở màn cho dự án đặc biệt này?

+ Chúng tôi chọn “Mỵ” bởi tác phẩm giàu chất liệu văn học lại rất quen thuộc với số đông khán giả. Nhưng nếu dựng nguyên xi thì yếu tố mới không còn nữa. “Mỵ” lấy ý tưởng từ “Vợ chồng A Phủ” nhưng chúng tôi không khai thác quá sâu nỗi đau, bi kịch của Mỵ.

Thông qua hình tượng Mỵ và câu chuyện tình đẹp với A Phủ, những đặc sắc của văn hóa Mông đã được khắc họa sinh động. Đó là những phiên chợ tình, các trò chơi dân gian, những điệu múa, tiếng khèn đặc trưng của người Mông… Từ đó phê phán hủ tục lạc hậu cướp vợ, tìm thú vui bên những bàn đèn thuốc phiện, được đặc tả qua nhân vật A Sử, Thống lý Pá Tra…

Ca khúc “Chạy đi” được dùng làm kết vở, cũng là sự trỗi dậy của Mỵ, chống lại sự  đè nén của gia đình Thống Lý, không chấp nhận “làm con trâu con ngựa, làm con rùa nuôi trong xó của nhà mày nữa đâu.

Chạy đi, chạy xuyên màn đêm”- như lời của ca khúc. Kết thúc mở là một vùng đất mới, nơi không còn những hủ tục lạc hậu và sự đè nén, áp bức”. Vì có mục tiêu rõ ràng nên phần phục trang, thiết kế mỹ thuật sân khấu được “đặt hàng” các chuyên gia từ TP Hồ Chí Minh.

Phần âm nhạc có một số ca khúc mới do nhạc sĩ Minh Đạo, Lê Minh Sơn đảm nhiệm nhưng cái hay là đều được thể hiện bằng chất liệu dân gian bản địa. Những đạo cụ hàng ngày cũng trở thành nhạc cụ, vừa gần gũi vừa mang đến sự tiếp nhận độc đáo cho khán giả.

Người Mông có nét văn hóa rất đặc trưng, khi cất lên là có bản sắc ngay, không lẫn lộn được. “Mỵ” là một vở diễn tổng hợp, tôi dùng những nét đặc trưng của văn hóa Mông như khèn lá, khèn môi, gần gũi với văn hóa dân gian. Khi trình diễn cho khách du lịch họ không thích nhạc điện tử mà chỉ hướng về sự mộc mạc, tính bản địa trong các tác phẩm.

- Một tác phẩm nghệ thuật chuyển thành một sản phẩm văn hóa, theo chị làm thế nào để giữ chất lượng nghệ thuật?

+ Thực ra, tôi muốn làm dự án này lâu rồi. Chúng tôi muốn gây dựng một địa điểm văn hóa du lịch. Đó là một tour du lịch nhỏ, thăm quan Nhà hát Lớn và xem vở này chừng 30 phút, khi xem thành thói quen,  chúng ta sẽ có cơ hội diễn cả vở. Năm 2019, chúng tôi sẽ có lịch diễn cố định.

Chắc chắn chương trình không chạy theo lợi nhuận để thu hút khách du lịch mà vẫn phải đảm bảo hướng đến những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao vì Nhà hát Lớn không phải là một địa điểm có thể đùa được, thích làm gì thì làm. Đó là nơi lưu giữ những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực.

Chúng tôi không làm bằng tiền của nhà nước mà bằng tâm huyết và mong muốn cống hiến cùng nhau để có thể làm nên cái gì đó. Tháng 10-11-12, những ngày chủ nhật, thứ 7  chúng tôi sẽ diễn cả show cho khách Việt và nước ngoài, đối tượng là học sinh và sinh viên sẽ giảm 50%, còn những tour 5-6h chỉ diễn 30 phút.

- Vì sao chị có ý tưởng, mong muốn đó trong thời buổi khó khăn đối với các sản phẩm văn hóa, các nhà hát đang có xu hướng sáp nhập?

+ Tôi nghĩ đến khá lâu rồi, ấp ủ 3-4 năm nay, để chọn ra vở nào mở màn cho dự án. Tôi không thể làm một mình. Chúng tôi cần những người đồng hành để có thể đi đường dài. Tôi là nghệ sĩ rất yêu nghề, chỉ đau đáu với việc làm thế nào để được làm nghề. Tôi hay làm ở mảng xã hội hóa và nghĩ đến sự kết hợp với mọi người chứ không phải xin một khoản tiền của nhà nước rồi cứ làm mà không biết tác phẩm sẽ đi về đâu.

- Chị là người đi con đường khá độc lập, không dựa vào kinh phí nhà nước mà theo hướng xã hội hóa. Nhưng thực tế, có rất nhiêu nghệ sĩ cho rằng, xã hội hóa sẽ đánh mất giá trị đích thực của các tác phẩm nghệ thuật?

+ Tôi quan điểm khác, nghệ thuật không vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh. Mình lưu giữ những giá trị truyền thống như “Vợ chồng A Phủ”, “Kiều”. Nhưng mình cũng phải lắng nghe tiếng nói của thời đại mình đang sống, dựng một vở diễn phải đi vào tâm tư tình cảm của con người hôm nay chứ không thể xa rời quần chúng.

Vì sao tuồng ngày xưa sống được, vì những câu chuyện của tuồng gắn với lịch sử, trung quân ái quốc, bây giờ, tuồng muốn tồn tại phải thay đổi, cải tiến. Những vấn đề của tuồng cổ không còn phù hợp với thời đại hôm nay. Nếu dựng lại, chỉ có ý nghĩa bảo tồn. Bên cạnh đó, chúng ta phải đưa những ngôn ngữ đương đại vào tác phẩm. Nếu chúng ta khẳng định rằng, tôi chỉ biết làm nghệ thuật thôi là tôi đang làm cái tôi thích.

Nhưng còn một vế rất quan trọng, cái tôi thích có được nhiều người đón nhận hay không? Có những vở diễn tiền đầu tư của nhà nước rất lớn nhưng đắp chiếu nằm đó, rất lãng phí. Tự nghệ sĩ phải vận động. Tôi nghĩ, nghệ sĩ cứ cố gắng làm với niềm yêu thích của mình và nếu chúng ta để lại chút gì đó cũng là hạnh phúc.

- Nghe nói chị đang ấp ủ cho một tác phẩm sẽ ra đời cuối năm nay?

+ Từ lâu rồi, tôi đã bỏ qua những câu chuyện của cá nhân. Tôi dành thời gian và tình yêu của mình cho múa và tìm con đường để giới thiệu nó với khán giả. Đó là giấc mơ lớn nhất cuộc đời tôi. Cuối năm nay, tôi sẽ dựng vở “Kiều”, kịch bản đã được giải của Hội Nghệ sĩ múa.

Tôi khai thác “Kiều” kết hợp với công nghệ máy chiếu mới nhất, bắt đầu từ sông Tiền Đường và kết thúc cũng ở đó. Tôi không nói về nỗi đau và 15 năm truân chuyên. Tôi chỉ nhấn vào 4 lần “Kiều” gảy đàn và bức tranh về Kiều sẽ hiện lên trong những lần gảy đàn ấy.

Tôi nhìn kiều ở góc Phật pháp hơn. Dự trù vở “Kiều” sẽ chỉ khoảng 25 diễn viên, có rất nhiều nghệ nhân ca trù, xẩm, nghệ nhân đàn bầu, đàn nguyệt đều chơi sống chứ không dùng âm nhạc điện tử.

Một bên ca trù là chất của ca nương, hơi kể về tâm trạng riêng của Kiều, cộng với xẩm là tiếng nói của dân gian như tiếng nói đế trong chèo. Sân khấu của Kiều được dựng trên một cái đàn tỳ bà, có thể quay được để thể hiện nhiều trường đoạn khác nhau của Kiều. Tôi sẽ dựng “Kiều” với một phong cách khác, hy vọng sẽ chinh phục được khán giả trong và ngoài nước.  

- Chúc chị thành công với những kế hoạch của mình

Lan Tường (thực hiện)

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文