Ca sĩ Bạch Yến: Những ân tình trong kiếp cầm ca
Yêu nhau từ thuở còn thơ
Trong một chương trình âm nhạc, nhạc sĩ Lam Phương không ngần ngại mà tâm sự trước hàng vạn khán giả rằng: “Tôi sáng tác nhiều bài vì nhớ tới một người bạn gái. Người đó là ca sĩ Bạch Yến”.
Thuở hoa niên, chị mới 11, Lam Phương 15 tuổi. Biết nhau từ cái ngày chị đoạt huy chương vàng cuộc thi tiếng hát thiếu nhi do Đài phát thanh Pháp Á tổ chức. Sau đó, Bạch Yến được mời về thu âm cho Đài hằng tuần. Lam Phương cùng chúng bạn hay quanh quẩn ở nhà đài để tập tành sáng tác, hát với nhau những lời ca chưa khô vết mực.
Lam Phương để ý đến cô bé xinh xinh có giọng hát trong trẻo, véo von. Anh em gặp nhau lại chuyện trò ríu ra ríu rít như bầy sẻ non. Anh dẫn cô bé về nhà mình chơi, gặp cha, gặp mẹ.
Chẳng lần vuốt tóc, cầm tay. Vậy mà một ngày, Lam Phương đến nhà Bạch Yến, khoanh tay thưa với mẹ cô rằng: “Thưa bác, cháu xin được hỏi cưới Bạch Yến làm vợ”. Bà mẹ trợn trừng sửng sốt, tưởng cậu chàng nói chơi chơi. Bạch Yến còn quá nhỏ để làm vợ người ta.
Biết ý định của Lam Phương là thật lòng, giọng bà mẹ lạnh tanh: “Khi nào cậu đậu tú tài, tui mới tính chuyện con nhỏ. Cậu về đi”. Bạch Yến khi đó không biết yêu đương là gì, chỉ thích và mến mộ người anh trai nhiệt tình, tốt bụng.
Hai năm sau cô bịn rịn chia tay Lam Phương, từ giã căn nhà tranh xiêu vẹo ở Sài Gòn để rong ruổi dọc miền Nam Bắc đỡ đần mẹ khi cha đi biền biệt không về. Đoàn môtô bay của người chú giúp mấy mẹ con có cơm ăn qua ngày. Thỉnh thoảng Lam Phương lại bắt xe đò đi thăm nàng hôn thê bé nhỏ.
Dù tuổi cao nhưng ca sĩ Bạch Yến luôn “cháy” hết mình trên sân khấu. |
Trong một lần biểu diễn, Bạch Yến bị ngã, gãy xương sườn, đoàn môtô bay phải đóng cửa. Bạch Yến trở về quê xưa, mong chóng gặp lại người thương. Nhưng năm tháng thoi đưa khiến lòng người chẳng còn như cũ. Coi như đường duyên không có ông Tơ, bà Nguyệt dẫn lối, dệt phận.
Từ đó trái tim Bạch Yến dường như đóng cửa trước bao lời tán tỉnh, theo đuổi của bao “cây si” vây quanh mãi cho đến năm 36 tuổi. Nhưng nỗi lòng người nhạc sĩ vẫn nhìn theo người thương bé bỏng nay đây mai đó đem tiếng hát cho người. Ngày Bạch Yến sang Pháp, ông viết “Kiếp tha hương”: "Thương cho thân gái đường xa/ mang vào kiếp không nhà/ trời đông thiếu chăn êm...".
Sau này, khi hôn nhân không như mong đợi, dõi bóng hình người con gái ngày nào, Lam Phương luôn đau đáu trăn trở trong từng câu hát. Như khi Bạch Yến bắt đầu sự nghiệp biểu diễn ở xứ người, thỉnh thoảng mới về Việt Nam, ông viết “Tình bơ vơ” xót xa: “Ngày mình yêu/ Anh đâu hay tình ta gian dối/ Để bước phong trần tha hương/ Em khóc cho đời viễn xứ/ Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi…”.
Chuyện tình ngày thơ và dự cảm ngày người thương lên xe hoa ở xứ lạ dường như thấp thoáng trong câu hát: “Rồi từ đó vì cách xa, duyên tình thêm nhạt nhòa/ Rồi từ đó chốn phong ba em làm dâu nhà người/ Âm thầm anh tiếc thương đời, đau buồn em khóc chia phôi/ Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui (Thành phố buồn). Và còn nhiều khúc hát mà Lam Phương dành cho mối tình đầu, như: “Tình chết theo mùa đông”, “Cho em quên tuổi ngọc”...
Đến tận bây giờ, nhắc chuyện xưa, Bạch Yến vẫn trân trọng, nâng niu, yêu mến người nhạc sĩ tài hoa nhưng lận đận đường tình. Dẫu gì, phút cuối, trái tim bà đã reo vui trong tổ ấm nhỏ, còn Lam Phương thì…
Ca sĩ Bạch Yến bảo rằng bà không ngại khi nhắc đến chuyện Lam Phương. Bởi nhạc sĩ, GS Trần Quang Hải - chồng bà, hiểu rằng tất cả chỉ là quá khứ, ông tôn trọng góc riêng của mỗi người. Thế nên thỉnh thoảng Lam Phương lại lặn lội từ Mỹ ghé thăm vợ chồng Bạch Yến ở Paris, để rồi ngỡ ngàng mà thốt lên: “Hạnh phúc của hai người tôi rất ao ước nhưng mãi mãi không bao giờ có được”.
Ca sĩ Bạch Yến. |
Cưới nhau sau 24 giờ gặp gỡ
Trong một lần giao lưu âm nhạc ở Pháp, GS Trần Văn Khê chỉ về phía cậu thanh niên gầy ốm, đen đúa đứng khúm núm phía cuối dãy ghế khán giả, nói nhỏ với Bạch Yến: “Tôi có thằng con trai từ Việt Nam mới qua, nó đứng đằng kia kìa”. Lúc đó, Bạch Yến không có ấn tượng gì lắm với Trần Quang Hải.
Còn với Trần Quang Hải thì Bạch Yến là thần tượng. Không thần tượng sao được khi thập niên 60 của thế kỉ trước, Bạch Yến đã là cái tên được đông đảo người hâm mộ, là ngôi sao Việt Nam hát tiếng Tây đầu tiên đặt chân đến nơi hội tụ của những minh tinh nổi tiếng nước Mỹ. Bà có thể hát được tiếng Pháp, Anh, Do Thái, Tây Ban Nha...
Bà còn là ca sĩ duy nhất hát trong chương trình truyền hình The Ed Sullivan show (chương trình ăn khách nhất của Mỹ trong khoảng thời gian 1950-1970), hòa giọng cùng các ca sĩ nổi tiếng của Mỹ thời đó như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone, Mike Douglas... Với những thành tựu đó, Bạch Yến được xem là một trong 10 ca sĩ có ảnh hưởng lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam.
Bẵng đi rất nhiều năm sau đó, bôn ba ở xứ người, Bạch Yến không gặp lại Trần Quang Hải. Đất nước thống nhất, gia đình bặt tăm tin tức khiến Bạch Yến hoang mang. Cũng chính cú sốc này khiến bà mắc bệnh, không thể sinh con. Mang nỗi buồn lữ thứ, bà đứng ngẩn ngơ trước cửa nhà hát Pháp.
Giờ biểu diễn sắp bắt đầu nhưng có thứ gì thôi thúc bà chờ đợi. Bỗng một gương mặt rất quen ôm chầm lấy bà, hôn vào má. Đón bó hoa từ tay gương mặt quen, bà ngạc nhiên hỏi: “Ủa, anh biết tôi là ai không mà ôm hôn?”.
Người đàn ông cười: “Ca sĩ Bạch Yến chớ ai”. Bạch Yến đỏ lựng cả má, bà vắt óc vẫn không biết gương mặt quen này mình đã gặp ở đâu, tên là gì. “Không nhận ra tôi hả, tôi là con trai của GS Trần Văn Khê nè”.
Đến lúc này bà càng mở to mắt. Vì người đàn ông đứng trước mặt không còn vẻ gầy gò, đen đúa như ngày nào. Ông trông phong độ, hồng hào, đi cạnh là cô con gái nhỏ của người vợ đã ly dị. Bấy giờ, tên tuổi ông đã nổi danh với tư cách là một giáo sư nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Vậy là gần 20 năm xa cách, hai người mới có duyên hội ngộ trên xứ lạ.
Vợ chồng ca sĩ Bạch Yến – nhạc sĩ, GS Trần Quang Hải luôn sát cánh với nhau khi quảng bá âm nhạc dân tộc ra thế giới. |
Vị giáo sư ngỏ lời mời nữ danh ca đi ăn tối. Bên ánh nến lãng mạn, hai người nói đủ chuyện trên trời, dưới đất, vui quá Trần Quang Hải khoát tay: “Hay là hai đứa mình lấy nhau đi”. Bạch Yến tưởng ông giỡn, cũng nháy mắt: “Ok”. Hai tuần sau, 400 thiệp cưới được phát ra khiến Bạch Yến hốt hoảng kéo tay Trần Quang Hải: “Bộ anh định làm thiệt hả?”. Ông cười khà khà. Bà tặc lưỡi, thôi thì ném lao thì phải theo lao.
Năm 1978, đám cưới diễn ra trong sự ngạc nhiên của họ hàng, bạn bè. Ngay trong đám cưới, Trần Quang Hải đã hào hứng sáng tác bài “Tân hôn dạ khúc”. Nhớ lại, Bạch Yến cười: “Ảnh nói anh không có hột xoàn, chỉ có bài hát này làm quà cho em thôi. Ai ngờ, khi tôi thể hiện bài hát đó, khán giả yêu mến, coi như nó cũng là bài tủ của mình”.
Không có con nên Bạch Yến dồn hết tình yêu thương của mình cho con chồng. Xa quê hương và gia đình từ nhỏ nên Bạch Yến luôn hướng về cội nguồn, khát khao hơi ấm gia đình. Có thể nói bà là người truyền cho con chồng tình yêu quê Việt khi dạy cho cô bé nói tiếng Việt, làm các món ăn dân tộc như canh chua, thịt kho trứng, muối dưa…
Ngày con gái đi lấy chồng, bà là người khóc nhiều nhất, mẹ con bịn rịn khiến chẳng ai nghĩ họ là mẹ ghẻ, con chồng. Yêu Trần Quang Hải, Bạch Yến bước vào lĩnh vực âm nhạc dân tộc – lĩnh vực vô cùng khó khăn, lạ lẫm với một ca sĩ chuyên trị tân nhạc, nhạc ngoại quốc như bà. Phải mất 15 năm, Bạch Yến mới có thể lướt đàn tranh, ngân nga khúc dân ca, cùng chồng đi khắp hơn 70 nước để quảng bá âm nhạc dân tộc.
Bây giờ, dù đã bước vào tuổi 77, nhưng trên sân khấu cũng như ngoài đời, bà luôn hoạt bát, hóm hỉnh pha trò vừa sang trọng, vừa gần gũi. Mỗi khi đi xa một mình, tham quan những đâu, ăn món gì, gặp gỡ những ai, bà cũng chụp hình gửi qua mạng cho chồng.
Đó cũng là cách để họ luôn bên nhau mỗi ngày như khi hai người ở trên đất Pháp. Hỏi rằng có điều gì khiến cho hai người yêu và gắn bó với nhau đến thế, bà cười mà rằng: “Chúng tôi có một tình yêu lớn là âm nhạc dân tộc và đặc biệt, chúng tôi mãi coi nhau như tình nhân”.