Ca sĩ Phương Thảo: Nhiều người làm nghệ thuật không phải là nghệ sĩ

11:44 20/07/2017
Phương Thảo nói, ca sĩ thời nay "lãi" rất nhiều, khi họ nhận được danh vọng, tiền bạc mà nghề mang đến. Và chị muốn trả nợ cho nghề chứ không ngồi yên để thụ hưởng nó. Bộ đôi album "Tri ân" mà chị phát hành nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ cũng là một cách Phương Thảo tri ân nghề của mình.


- Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, Phương Thảo chọn cách ra album để tri ân. Chị có mối duyên nợ gì với những người đã khuất?

+ Trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, tôi đi diễn nhiều, cảm thấy vui, hãnh diện vì làm được điều gì đó ý nghĩa với hương linh người đã khuất, cảm giác khác so với những lần biểu diễn của mình. Và tôi đã nghĩ 70 năm sẽ làm gì đó ý nghĩa hơn những lần biểu diễn như thế. Và suốt năm năm qua, tôi luôn tâm niệm với mong muốn đó, phải làm bằng được. Hai chữ "tri ân", tên đĩa, suốt quá trình 5 năm.

- Trong thời buổi các ca sĩ lựa chọn kênh phát hành online, người nghe cũng chỉ cần một cú nhấp chuột, chị lại lựa chọn cách tốn kém và chắc chắn không thu hồi được vốn như thế này?

+ Một người nghệ sĩ sống trong xã hội hiện đại, nếu quá hòa nhập sẽ mất đi sự rung động với những thứ xung quanh mình, tôi may mắn trời ban cho tâm hồn không dễ thay đổi và bảo thủ, mình đã nghĩ và rung động với điều gì thì phải làm bằng được mới thôi, nhất là những điều liên quan đến tâm linh, tôi càng phải làm. Dù tốn kém, vất vả, cực nhọc nhưng tôi rất hạnh phúc khi làm xong album này, một món nợ đã được trả xong, món nợ ân tình với người đã khuất. Ở đây không phải bỏ tiền ra mua sự thanh thản mà tôi thấy hạnh phúc, được nhiều hơn là mất.

- Giữa một rừng những bài hát truyền thống quen thuộc và được khá nhiều ca sĩ nổi tiếng như Trọng Tấn, Anh Thơ, Tân Nhàn hát, Phương Thảo làm thế nào để mình không bị nhàm  cũ?

+ Với dòng nhạc này rất khó đòi hỏi những cái mới, đột phá. Tôi nghĩ, cái riêng của tôi chính là cảm xúc tôi giữ vẹn nguyên trong từng bài hát. Và trong album này, tôi dùng những bài hát mới, khán giả hầu như chưa biết đến. Tôi cũng không hát những bài hát đã nổi tiếng, trong đó có 3 bài tôi viết về những con người, những địa danh như Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ca sĩ dòng nhạc truyền thống thường hát những bài cũ, đã nổi tiếng còn tôi liều lĩnh làm điều ngược lại. Vấn đề là tôi làm bằng tấm lòng của mình, không tính toán thiệt hơn, vì thế, tôi được thỏa sức với đam mê của mình với nghề. Cái được lớn vô cùng so với những gì mình bỏ ra, số tiền, công sức.

- Phương Thảo viết nhạc từ bao giờ vậy?

+ Từ 2010, sau 7 năm có chỗ đứng với nghề, tôi thấy mình bắt đầu cũ đi, muốn làm mới mình bằng cách nào đó và tôi chọn sáng tác. Phải mất ba năm, đến một ngày, duyên sáng tác đến, một buổi trưa vô tình ngủ không được, tôi ngồi dậy cầm bút viết, viết về mình, một cô gái Nghệ. Và những câu hát đầu tiên vang lên: "Này hỡi, gom từng giọt mà thành Lam giang, gom từng câu ví mà nên  xứ Nghệ, gom lời ru mẹ để có em giữa đời"... 

Sau đó tôi rụt rè đưa cho thầy An Thuyên xem, thầy khen và khuyến khích tôi sáng tác. Từ đó, thỉnh thoảng tôi lại viết. Nhưng tôi xác định mình chỉ có một nghề ca sĩ thôi. Sáng tác cũng chỉ là những lúc trải lòng và cũng phục vụ công việc, có bài hát mới, vì dòng nhạc này thiếu những bài mới, hiếm bài hay. Mình viết phục vụ cho chính mình.

- Có vẻ như Phương Thảo tự chọn con đường khó và vất vả để đi hơn là an nhàn hưởng thụ những gì mà âm nhạc đã ưu ái dành cho chị?

 + Để làm một sản phẩm nghiêm túc, phải lao động khó nhọc, vất vả. Tôi quay album này trong đợt nắng kỷ lục, người cháy nắng, nhưng nếu không làm, tôi sẽ gần như bị điên nên cứ lao ra nắng và làm việc một cách say mê. Có lẽ, chỉ người trong nghề và trân trọng nghệ sĩ mới hiểu. Bây giờ, người ta chỉ quan tâm đến cô ca sĩ đẹp hát hay, chứ không nghĩ đến sự dấn thân của họ. 

Người nghệ sĩ đừng tính toán nhiều việc mình làm có được ghi nhận hay không, cái được dành cho mình đầu tiên, được sống với đam mê công việc, sống với cảm xúc, với những gì mình đau đáu dành cho nghề và những rung động xung quanh. Đó là điều quan trọng nhất. Nếu để chỉ ăn mặc thật đẹp và đi hát tiệc, con đường đó đơn giản, kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng mỗi người có lựa chọn của mình. Nếu như có một nghề để kiếm sống thì mọi người sẽ sống như vậy, còn sống vì nghề, để gọi là được làm nghề thì sẽ chán. 

Tôi nghĩ một người làm nghệ thuật chưa hẳn đã là nghệ sĩ, một nghệ sĩ phải biết rõ mình làm nghệ thuật là làm gì. Cứ làm việc nghiêm túc đi, nghề sẽ không bạc đãi mình, người trong nghề hay gọi "tổ nghiệp" sẽ đãi mình.

- Nhắc đến đi hát tiệc, ca sĩ, nhất là dòng nhạc dân gian, thì hát tiệc là một công việc hàng ngày của họ để kiếm sống, chị có định kiến gì chăng?

+ Hát tiệc là một phần của công việc, chỉ có điều chọn cách như thế nào. Tôi cũng đi hát tiệc nhưng nó không phải là việc chính. Bởi với một nghệ sĩ, được trang điểm đẹp, ăn mặc đúng nội dung bài hát, xuất hiện đúng nơi, được chào đón, được nhìn thấy ánh đèn sân khấu, được cảm thấy mình tỏa sáng, đó mới xứng đáng với những gì mình rút ruột ra để hát. Chứ không phải là chỗ bàn tiệc, ngồi lèo tèo vài người, họ gắp cho mình một miếng gì đó ăn sau khi hát. Nếu phải đi làm như vậy chỉ vì mưu sinh chứ không phải vì mình muốn thế, khi người ta bằng lòng với cuộc sống họ sẽ hạn chế đi như vậy. Bởi cảm giác buồn và tủi thân lắm, ra về nước mắt cứ chảy ra, có lúc nghĩ tại sao mình khổ thế, mình là một nghệ sĩ cơ mà, đó là mưu sinh chứ không phải làm nghề. Với người làm nghệ thuật, nếu như vậy giống như đi bán cảm xúc, như cái máy thì đừng gọi là nghệ sĩ.

- Trong khi nhiều ca sĩ trẻ bây giờ coi hát tiệc là công việc chính, họ cần tiền, và ham nổi tiếng, vì thế, giọng hát cũng mai một đi?

+ Nói vậy không công bằng với các em đâu, mỗi người trong chúng ta đều phải biết ngày hôm qua của mình thế nào để so sánh với các em. Nhiều nghệ sĩ thành danh quá khứ họ rất vất vả, cũng phải vật lộn mưu sinh. Họa chăng, chỉ có Phương Thảo tiền ăn cơm không có mà cố chấp không đi hát ở quán bar, nhà hàng. Đó là một sự cố chấp của bản thân tôi. Các bạn trẻ nhiều tài năng, giọng hát rất tốt, tư duy văn minh vì các em được nghe nhiều hơn. Hạn chế của họ là khi chưa hoàn thiện đã lăn lê ở các sân khấu kiếm tiền. Nhưng đừng bao giờ đặt mình trên ngôi cao nhìn xuống và có những cái mình không công bằng với các em.

- Nhìn lại chặng đường 20 năm của mình, Phương Thảo có nghĩ là mình may mắn?

+ Tôi là một cô gái Nghệ cá tính và kiêu hãnh. Và cho đến hôm nay, tôi cảm thấy mình kiêu hãnh vì hơn 20 năm mình đã làm nghề thực sự, chưa bao giờ thấy hổ thẹn, kể cả những ngày nghèo khổ mình vẫn làm nghề và cho đến bây giờ, cuộc sống đủ đầy hơn, có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn nhưng tôi không nghĩ đến việc cố làm để kiếm thêm một cái nhà, cái xe, tôi vẫn sống như vậy. Đó là bản chất thẳng thắn, cương trực của một cô gái Nghệ. 

Nhiều người bảo tôi điên, tôi không tỉnh nhưng cái điên của tôi là cái điên của một người có cảm xúc. Đó là điều may mắn, dù không giàu có nhưng được sống và làm nghề đúng nghĩa chứ không phải dùng nghề để kiếm sống. Nhưng tôi nghĩ, mình sống được bằng nghề, nhưng phải làm gì đó để tri ân với nghề chứ không phải làm được bao nhiêu tích trữ cho riêng mình. Tôi vẫn ra album để vài chục năm sau nhìn lại, sẽ thấy cách đây 20 năm mình đã như thế này. Có những người đã sống và không để lại gì cả, họ rất tiếc nuối. Còn tôi, tôi muốn lưu giữ lại những khoảng trong cuộc đời, để làm kỷ niệm.

- Nghĩa là, chị tự thấy mình được rất nhiều thứ?

+ Tôi thấy mình may mắn, được tổ nghiệp đãi, nếu mình không có duyên với nghề thì tôi đã là một cô gái nhà quê, ngày hai bữa ra đồng gặt lúa, nấu cơm cho chồng con ăn. Có khi còn bị đánh suốt ngày.  Ngày bé, tôi không dám mơ mình trở thành ca sĩ. Còn bây giờ, được sống và làm nghề đàng hoàng và được chơi với nghề, thỏa mãn với đam mê và cảm xúc của mình, hạnh phúc lắm. Đó là giá trị của cuộc sống. 

Cuộc đời và công việc đã dành cho mình nhiều thứ, mình chỉ so với chính mình ngày hôm qua, mình đã được quá nhiều rồi. Sống đừng tham lam và tham vọng, mình sẽ có hạnh phúc. Tôi và nhiều người đã đi qua danh vọng, nhìn lại thấy danh vọng cũng bình thường. Cái quan trọng nhất là làm người có tình, được sống tử tế và nhận sự tử tế, đó mới là cuộc sống ý nghĩa. Mình không dùng danh vọng để sống một cách ghê gớm, quyết liệt. Có những giây phút được thăng hoa, được tung hô, nhưng niềm vui đó có nuôi mình sống mãi được đâu. Nó không thể là hơi thở, bữa ăn của mình mà là gia đình, bạn bè, người mình yêu thương mới là lẽ sống của mình.

- Đằng sau cái vẻ mạnh mẽ, thẳng thắn và đầy kiêu hãnh của Phương Thảo là một tâm hồn yếu đuối, lụy tình? Đến bây giờ chị vẫn đi về một mình?

+ Tôi làm nghề tỉnh táo, tôi không ảo tưởng nhưng yếu đuối, khi rời khỏi sân khấu tôi trở về cuộc sống đời thường giản dị, môc mạc, không phải là lúc nào cũng ngồi trên ánh hào quang. Mọi người có thể thích những nơi tiện nghi, sang trọng, còn tôi chỉ có nhu cầu về quê, ra ao bắt cá với cha, nấu một bữa cơm chiều cho mẹ, niềm vui đó có thật và bền lâu hơn. Tôi cứ bình thản sống và làm nghề. 

Có lẽ điểm yếu duy nhất của tôi là tình cảm. Cuộc sống ai cũng có những góc khuất, nhất là đời nghệ sĩ, nhưng Phương Thảo thật quá nên lộ ra hết. Bây giờ tôi sống rất điềm tĩnh, những mất mát riêng tư cũng là lẽ thường trong đời sống, được - mất, cho - nhận, âu cũng là lẽ thường. Tôi không coi đó là bất hạnh.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị

Lan Tường (thực hiện)

Những ngày này, Trung tá Nguyễn Ngọc Hải - Phòng Cảnh sát, Cục Hoạt động hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) trở về nước tham gia khóa đào tạo giảng viên nguồn về cảnh sát gìn giữ hòa bình (GGHB) trong khu vực cho LHQ tại Việt Nam diễn ra từ 28/10 đến 15/11/2024.

Công an huyện Sông Mã (Sơn La) vừa chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phá thành công chuyên án, bắt giữ đối tượng Nguyễn Anh Ngọc, trú tại Hải Phòng về hành vi “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.

Hiện tượng giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo cho vay tiền online ngày càng trở nên phổ biến và phức tạp. Các đối tượng lừa đảo thường tự xưng là nhân viên ngân hàng đăng các bài viết quảng cáo cho vay tiền online với lãi suất thấp, không cần thế chấp, không thẩm định, cam kết giải ngân nhanh.

Sức ép buộc các quốc gia phải ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu vũ khí cho Israel đã tăng lên. Một số chính phủ đã phải đối mặt với một loạt chiến dịch chính trị và xã hội dân sự trong nước và quốc tế, các cuộc điều tra và thách thức pháp lý liên quan đến chính sách cung cấp vũ khí cho Israel...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文