Ca sĩ Tùng Dương: “Tôi muốn tri ân người đi trước”
- Thanh Lam, Tùng Dương: "Hót trong bụi mận gai"
- Sau câu chuyện Tùng Dương và Bolero
- Tùng Dương “Thiêu thân” trong âm nhạc
- Được biết Tùng Dương đang hoàn thành một dự án làm các album hát nhạc của các nhạc sĩ tên tuổi như Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Dương Thụ. Vì sao Tùng Dương quyết định tham gia vào các album tác giả, lại nghe nói, sẽ là hát không thù lao trong các album này?
+Trong suốt những năm làm nghề đã qua, tôi may mắn được gặp gỡ, cộng tác với nhiều nhạc sĩ lớn. Các ông là những người có tên tuổi, có đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam. Tôi là một người thuộc thế hệ trẻ và tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm với những người thuộc thế hệ đi trước như các ông. Tôi muốn bằng giọng hát của mình vinh danh những con người tài năng đó. Họ cần sự ủng hộ đúng lúc, kịp thời.
Sự đúng lúc, kịp thời sẽ giống như một chất men kích thích họ tiếp tục cống hiến cho cuộc đời, cho nghệ thuật. Để họ không đứng lại, không ngủ yên với những đóng góp họ đã tạo ra, dù rằng những đóng góp đó đã đủ tầm vóc để họ được tạc tượng, được đi vào bảo tàng. Tất nhiên, kế hoạch thu âm, phát hành đĩa các nhạc sĩ lớn là kế hoạch dài hơi, không thể xong ngay trong một thời điểm. Hiện tại tôi đang cùng nhạc sĩ Nguyễn Cường hoàn thành album “Tùng Dương hát Nguyễn Cường”.
-Âm nhạc của Nguyễn Cường đã gắn với tên tuổi của không ít ca sĩ đàn anh đàn chị như Y Moan, Siu Black. Tùng Dương sẽ khai phá gì trong âm nhạc của ông, và có ngại những cái bóng đi trước?
+ Những bài hát về Tây Nguyên của Nguyễn Cường là mảng mà các tên tuổi đàn anh đàn chị như Siu Black, Y Moan đã khai thác kỹ, tôi sẽ không “đụng” vào nữa. Nhưng công chúng cần biết rằng, Nguyễn Cường không chỉ sáng tác hay về Tây Nguyên, âm nhạc của ông không chỉ dừng ở đó.
Album “Tùng Dương hát Nguyễn Cường” sẽ bao gồm những bài hát có thể nói là kinh điển nhất, để đời nhất của Nguyễn Cường, xét về giá trị âm nhạc, như “Mái đình làng biển”, “Một nét ca trù ngày xuân”, “Đàn cầm dây vũ dây văn”, “Độc thoại phù sa”… Có bài hát dài đến 14-15 phút, là một thử thách về mặt thanh nhạc với người ca sĩ.
-Cá tính Nguyễn Cường trong âm nhạc đã là quá mạnh, cộng thêm cá tính Tùng Dương mạnh không kém nữa, sợ rằng sản phẩm đến tay công chúng “nóng” quá, thiếu đi sự hài hòa cần thiết. Không biết hai thầy trò có tính đến yếu tố này chăng?
+ Thực ra âm nhạc Nguyễn Cường bản thân đã là một sự bùng nổ, chưa cần đến ca sĩ hát. Nhạc của ông sẽ là châm ngòi cho các cuộc bùng nổ. Vấn đề chỉ là ca sĩ nào có đủ năng lượng để cộng hưởng với ông mà thôi. Có những bài hát của Nguyễn Cường thực sự làm khó ca sĩ, liên tục các nốt cao, thử thách như leo núi vậy. Nhưng tôi hiểu rằng, mình phải xử lý tất cả những thử thách đó sao cho tinh tế nhất có thể, khéo léo nhất có thể, để không làm mệt khán giả. Mọi bùng nổ phải được ẩn sâu xuống, không phun trào theo kiểu “núi lửa”. Thầy trò chúng tôi đủ “khôn” để làm điều đó.
-Một sản phẩm âm nhạc tâm huyết như vậy, kỳ công như vậy, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ rằng ông không dám nghĩ là album của ông có thể bán hết được 500 đĩa. Tùng Dương nói gì về điều này?
+Đầu tiên phải nói rằng, đây không phải một album tình ca như hiện nay mọi người hay làm. Nó cũng không phải là những cái thì thầm thủ thỉ riêng tư cá nhân vuốt ve người nghe. Mà đây là sản phẩm âm nhạc mang tới một tinh thần hào sảng về văn hóa Việt. Những bài hát khơi gợi niềm tự hào về văn hóa Việt. Ở đó, công chúng có thể nhìn ra tài năng, tầm vóc của một người nhạc sĩ luôn trăn trở đau đáu với những câu chuyện mang chiều sâu văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Khán giả sẽ được nghe những bài hát có thể nói là hay nhất của âm nhạc hiện đại Việt Nam. Đơn cử như bài hát “Mái đình làng biển”, một bài hát có thể phù hợp biểu diễn ở những lễ hội lớn, sân khấu lớn, lại cũng có thể phối trên nền nhạc Jazz hiện đại phù hợp với công chúng quốc tế. Những bài hát của Nguyễn Cường độc đáo đến mức có thể phù hợp với nhiều chiếc áo khác nhau trong hình thức biểu diễn.
Còn câu chuyện Nguyễn Cường không tin đĩa nhạc của ông bán chạy, tôi có thể hiểu điều đó. Thực ra một người nghệ sĩ thực thụ họ không quan tâm nhiều đến thị trường, họ không biết kinh doanh âm nhạc. Đơn giản họ không chạy theo số đông, không cố gắng đưa ra những sản phẩm theo kiểu xu hướng, thị hiếu. Họ viết bằng sứ mệnh của họ.
Với Nguyễn Cường, tôi tin rằng công chúng của ông không ít. Và họ là những công chúng sành âm nhạc thực sự, yêu âm nhạc thực sự. Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm rằng, các Mạnh Thường Quân muốn đầu tư cho âm nhạc nên tìm đến những nhạc sĩ như Nguyễn Cường để giúp đỡ, hỗ trợ họ, để họ có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho âm nhạc, cho nghệ thuật. Từ đó âm nhạc của họ kết nối được với nhiều người nghe hơn, nhất là thế hệ trẻ. Tôi cũng đến với Nguyễn Cường trong tâm thế ấy, tâm thế một người trẻ tuổi tri ân với người đi trước.
-Nguyễn Cường nhận xét về giọng hát của Tùng Dương như thế này, bài nào của ông mà Tùng Dương đã hát, thì các ca sĩ khác sẽ chạy “mất dép”, không dám hát lại. Lời khen đó có ý nghĩa như thế nào với Tùng Dương?
+Thực ra từ lời khen này của nhạc sĩ Nguyễn Cường tôi nghĩ nhiều về hai chữ dấu ấn trong nghệ thuật. Bất kể người nghệ sĩ làm nghệ thuật theo cách nào không quan trọng, nhưng anh thực sự phải để lại dấu ấn trong mọi người, nhất là trong công chúng. Dấu ấn càng mạnh thì nghĩa là cá tính nghệ thuật của anh càng mạnh. Tôi cũng đã luôn tâm niệm điều này, bằng cách học hỏi, trau dồi và tìm kiếm. Làm sao để sự xuất hiện của mình mỗi lần phải để lại một một ấn tượng đủ sâu sắc.
Tôi học hỏi rất nhiều từ Nguyễn Cường. Dù cho ông viết về bất cứ điều gì, vấn đề gì, sử dụng chất liệu âm nhạc ra sao cũng đậm một màu sắc riêng Nguyễn Cường không thể trộn lẫn. Không ai có thể giống ông, không ai có thể bắt chước ông. Không thể có một Nguyễn Cường thứ 2 trong âm nhạc.
-Tự xem mình như một người học trò của Nguyễn Cường, Tùng Dương thấy trong đời thường nhạc sĩ là người như thế nào?
+ Đối với tôi, Nguyễn Cường như một người cha, người chú, người thầy. Dù ông không dạy tôi ngày nào nhưng tôi cảm thấy giữa tôi và ông có một mối giao cảm lớn. Tôi học mỗi ngày. Tôi cần ông như cần cuốn sách để mở từng trang mỗi ngày. Ông cũng cần tôi một sự trao gửi, một sự dồi dào năng lượng, một sự kích ứng cần thiết để ông sáng tạo. Ông sống hào sảng với cuộc đời nhưng lại rất khắt khe với mình. Chưa bao giờ tôi thấy ông dễ dãi khi làm nghề. Ông cũng là một người vô cùng kiêu hãnh, giàu lòng tự trọng.
-Thông thường các ca sĩ trẻ như Tùng Dương quan tâm nhiều đến sáng tác của các nhạc sĩ trẻ, là những người cùng thời với mình. Nhưng Tùng Dương lại đang quan tâm nhiều đến các nhạc sĩ lứa tuổi cha, chú mình...
+Dĩ nhiên tôi cũng hát nhạc của nhiều nhạc sĩ trẻ chứ. Tôi cũng cập nhật họ vào đời sống âm nhạc của tôi. Tôi đã hát rất nhiều ca khúc của những nhạc sĩ trẻ như Sa Huỳnh, Lưu Hà An... Tinh thần tiên phong là tinh thần tôi hướng tới trong âm nhạc. Nhưng tôi không phải một người chỉ biết đi về phía trước mà quên ngoái đầu lại phía sau.
Đời sống luôn có một sự tiếp nối. Một người sống trong thời đại mình nhưng họ cũng chính là cái gạch nối để nối thế hệ đi trước và thế hệ sau. Tôi có thể hát những bài hát của các nhạc sĩ tưởng như đã rất xưa cũ trong âm nhạc, khi tôi tìm thấy một sự đồng cảm giữa tôi và họ. Tôi làm mới lại những ca khúc của họ, chẳng hạn như hiện tượng “Chiếc khăn piêu”.
Đối với tôi, những người đi trước tài năng đã để lại cho thế hệ sau một nền tảng, một truyền thống, mình phải tiếp thu, học hỏi họ. Vả lại, khái niệm trẻ của tôi cũng có cái khác. Những người như nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến, Dương Thụ họ chưa khi nào lỗi thời. Họ vẫn luôn trẻ và tràn đầy năng lượng.
-Xin cảm ơn ca sĩ Tùng Dương về cuộc trò chuyện!