Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Người lưu giữ lịch sử bằng điện ảnh
- Đạo diễn Charlie Nguyễn: Không muốn đóng đinh với phim hài
- Đạo diễn Charlie Nguyễn: Muốn thử thách với nhiều thể loại phim
- Dù mới tung trailer, ra mắt đoàn phim nhưng dự án phim "Phượng Khấu" đã được công chúng lẫn giới điện ảnh, giới sử học hết lòng ủng hộ. Họ kỳ vọng khi ra mắt vào tháng 1-2020, "Phượng Khấu" sẽ là phim cung đấu thuần Việt đúng "chuẩn" mở đường cho dòng phim hấp dẫn này. Anh ấp ủ dự án từ khi nào vậy?
+ Cách đây 20 năm, tôi đã từng mơ mộng một ngày mình sẽ làm nên một tác phẩm về Thái hậu Từ Dụ. Đến lúc gặp bạn Tôn Thất Minh Khôi, thành viên nhóm chuyên khảo chuyên nghiên cứu về hậu cung Việt Nam, tôi chỉ còn ý định làm phim cung đấu chung chung. Thế nhưng cuối cùng Khôi khuyên tôi nên làm về đức Từ Dụ vì sẽ thuận lợi hơn về bối cảnh, sử liệu, câu chuyện...
- Điều tạo nên sức hấp dẫn của "Phượng Khấu" không chỉ là chuyện thâm cung bí sử triều Nguyễn mà còn bởi dự án là một cuộc phỏng dựng "gần lịch sử nhất có thể" từ trang phục, lễ tiết, ẩm thực, âm nhạc, văn chương… thời vua Thiệu Trị. Đó quả là kỳ công.
+ Tôi coi điện ảnh là phương tiện chuyên chở hồn dân tộc đến với mọi người. "Phượng Khấu" là dự án tâm huyết của tôi và ekip khi muốn phỏng dựng lại một vương triều vàng son gấm vóc với câu chuyện đấu đá của các phi tần, bà hoàng. Để sát sử nhất có thể, đảm bảo tính chính xác của những cột mốc dữ kiện, chúng tôi có ban cố vấn gồm GS sử học Lê Văn Lan, TS Nguyễn Khắc Thuần.
Về trang phục, chúng tôi có sự hỗ trợ của nhóm chuyên nghiên cứu và phục dựng cổ phục Ỷ Vân Hiên. Mũ mão thì do nghệ nhân Vũ Kim Lộc đảm trách. Xiêm y của nhân vật chính và những ai lên hình ở góc máy cận thì chúng tôi phải tìm người thêu tay để đảm bảo đường kim mũi chỉ. Riêng những người ở xa khung hình thì trang phục sẽ thêu máy để tiết kiệm chi phí. Thú thật, khâu trang phục ngốn hơn một nửa kinh phí.
- Hẳn khó khăn ekip gặp phải không ít, nhất là khi bất cứ bộ phim nào làm về lịch sử, cổ trang Việt Nam luôn được công chúng nước mình "chăm sóc" rất kỹ, huống hồ "Phượng Khấu" mang tham vọng phỏng dựng sát sử ?
+ Đúng như bạn nói, đó là điều khó khăn nhất mà chúng tôi gặp phải khi thực hiện dự án này. Không ít người nhân danh mình biết sử để bắt bẻ, phản biện thậm chí là ném đá chúng tôi trong khi họ không hề đưa ra được bằng chứng xác đáng nào. Những ý kiến như thế ít nhiều gây hoang mang cho anh em ekip. Cho nên tôi phải động viên ekip rằng: hãy tin vào những điều mình làm, phải tin hiện vật, phải tin vào nguồn sử sách đã được quốc gia công nhận.
Chúng tôi không sử dụng nguồn sử khác, nếu có thì nó chỉ mang tính chất tham khảo. Đó là cách tốt nhất. Mọi người góp ý, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe nhưng những góp ý đó phải có bằng chứng tin cậy. Còn suy luận thì ai chẳng suy luận được.
Phim "Lô tô" mang đậm đặc nét sinh hoạt văn hóa miền Tây. |
Nói cho ngay, tôi không phải là một người nghiên cứu sử. Tôi là một người làm điện ảnh và yêu văn hóa Huế. Vấn đề về sử liệu, tôi có ban cố vấn là những chuyên gia nghiên cứu lịch sử. Tất tần tật điều mọi người thắc mắc, nghi ngờ..., tôi sẽ tổ chức một buổi livestream vào tháng tới để ban cố vấn giải đáp.
- Nhiều phim cổ trang, cung đấu của Trung Quốc, Hàn Quốc... họ chỉ bám một phần vào lịch sử, còn là sự, sáng tạo của nhà làm phim. Thậm chí nhiều tình tiết không hề có trong sử sách nhưng quan trọng nó thể hiện cách nhìn của hậu sinh đối với tiền nhân. Trong khi ở nước mình, hễ làm phim cổ trang mà sáng tạo khác chính sử một chút là khán giả giãy nảy liền. Anh có cắt nghĩa được vì sao không?
+ Trung Quốc, Hàn Quốc... là những nước có kinh nghiệm lẫn thâm niên sáng tạo và văn hóa tiếp nhận. Ở Việt Nam phim cổ trang vẫn là điều gì đó quá mới mẻ với công chúng. Tôi chọn triều Nguyễn để làm phim "Phượng Khấu" vì đây là triều đại gần với chúng ta nhất, còn lưu giữ nhiều hiện vật, sử sách nhất nên mình có thể làm đúng chính sử.
Thật lòng, tôi vẫn có ý định làm phim dã sử tung tẩy, tha hồ sáng tạo. Sau "Phượng Khấu", biết đâu tôi sẽ làm một phiên bản như thế nhưng mang yếu tố fantasy - một câu chuyện hư cấu hoàn toàn. Nhưng nếu mình muốn khán giả chấp nhận những bộ phim dã sử sáng tạo như thế thì đầu tiên mình phải làm cho người ta tin tưởng. Mình cứ làm phim sát sử trước đi. Sau đó mình tung tẩy, phá cách sau.
Tôi mong mọi người nhìn những người làm phim như tôi ở hướng nhân hậu, vị tha hơn chứ đừng hằn học, ghét bỏ. Cái gì bước đầu mà chẳng có sai sót.
- Nghe anh kể, thấy khó khăn muôn trùng là vậy mà sao lúc nào anh cũng tươi vui hớn hở như cậu bé sắp khám phá vùng đất mới?
+ Vì mình tin những điều mình làm. Tôi không nhận mình giỏi nhất mà tôi chỉ nhận là mình gan nhất. Mục đích của tôi ở dự án "Phượng Khấu" là giáo dục, là văn hóa cha ông. Tôi muốn thông qua bộ phim, con nít thích thú tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Một mình tôi không thể tạo nên diện mạo phim cổ trang mà tôi chỉ khơi dậy điều đó để những người cùng chí hướng chung tay.
Các bạn cứ làm đi, cứ đi rồi sẽ tới. Sẽ rất uổng phí và đau xót khi còn đó bao báu vật cha ông với cung điện đền đài mà chúng ta thờ ơ không làm, không kế thừa. Trong khi đó trên mạng lại tràn lan những bộ phim lai căng, xem thì vui nhưng vô tình nó gây hại, khiến giới trẻ nhận thức lệch lạc về văn hóa dân tộc.
- Ngoài "Phượng Khấu", một bộ phim về cải lương mang tên "Gạo chợ, nước sông" cũng được anh ấp ủ từ lâu. Giờ dự án đó sao rồi?
+ Sau "Phượng Khấu", tôi sẽ bắt tay bấm máy "Gạo chợ nước sông". Tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ phim "Cô Ba Sài Gòn". Ở đây, cải lương chỉ là một phần nhỏ. Cái chính tôi muốn tái hiện không khí Sài Gòn xưa, là những con đường đầy lá me bay, là người Sài Gòn, là phương tiện giao thông...
Nếu "Song lang" của Leon Quang Lê tạo ra diện mạo cải lương sau 1975 thì "Gạo chợ nước sông" tái hiện không gian cải lương của dân đô thị trước năm 1975. Đó là sân khấu cải lương của giới trí thức, của một thời hoàng kim đúng nghĩa. Thật ra lúc đầu tôi tính làm về đoàn cải lương ghe xuồng đi phục vụ bà con ở các miền quê. Nhưng tôi thấy nó giống phim "Lô tô" quá nên chuyển sang cải lương đô thị.
Dàn diễn viên trong phim "Phượng Khấu". |
- Nhắc đến "Lô tô", mới thấy rằng phim của Huỳnh Tuấn Anh đậm đặc văn hóa vùng miền trong mỗi thân phận người bé mọn. Và "Phượng Khấu", "Gạo chợ nước sông" cũng hứa hẹn như thế. Phải chăng đó là hướng đi của anh - một đạo diễn sẽ chuyên về văn hóa dân tộc?
+ Sau mỗi miền văn hóa là câu chuyện con người. Ở sau những đoàn lô tô là nét sinh hoạt miền Tây xa xưa, là thân phận con người miền Tây. Các bộ phim của tôi xuyên suốt là thân phận con người chìm nổi sau những điều tưởng như xưa cũ. Hồi còn nhỏ, tôi thích tìm tòi, khám phá những điều xưa cũ lắm. Khi lớn lên, tôi ý thức được rằng tất cả mọi người đang lao về phía trước mà thiếu đi những người lùi lại về phía sau. Tôi cho rằng quá khứ là tấm gương để soi rọi tương lai. Tương lai chưa diễn ra nhưng quá khứ là thứ đã diễn ra rồi. Nhìn về quá khứ, tiền nhân cho chúng ta những bài học giá trị, quý báu. Chúng ta biết tránh cái sai và học cái tốt của tiền nhân. Đó cũng như một cách ôn cố tri tân. Nói như một vĩ nhân nào đó: tất cả sẽ chôn vùi nhưng văn hóa mãi trường tồn.
Trong tương lai, tôi còn ấp ủ nhiều dự án điện ảnh về tuồng, chèo, chầu văn... Nhưng tôi làm dựa trên việc chuyển thể tác phẩm văn học. Đó là "Đội gạo lên chùa", "Mẫu Thượng Ngàn" của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Tôi mong qua mỗi bộ phim, tôi sẽ gửi gắm lại cho khán giả một bài học văn hóa, một câu chuyện văn hóa, một di tích lịch sử để họ tiếp tục tìm hiểu mà thêm yêu văn hóa cha ông.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!