Đạo diễn Sĩ Tiến: Thích sự đổi mới nhưng không quá xa rời cuộc sống

15:20 21/01/2018
Lần đầu tiên giữ vai trò "cầm trịch" một vở kinh điển như "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của cố tác giả Lưu Quang Vũ, đối với đạo diễn Sĩ Tiến là một áp lực. Nhưng có vẻ như Sĩ Tiến đã vượt qua được áp lực đó bằng chính tình yêu và niềm đam mê mãnh liệt của mình.


- Thắng "thầu" đạo diễn với "Hoa cúc xanh trên đầm lầy", có vẻ như Chí Trung đã không sai khi tin tưởng giao vở lớn này cho anh, dù đây là lần đầu anh đứng vai trò đạo diễn? Chắc hẳn anh chịu rất nhiều áp lực?

+ "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" là kịch bản sân khấu duy nhất hàm chứa nhiều yếu tố giả tưởng của tác giả Lưu Quang Vũ. Câu chuyện thể hiện nhãn quan vượt thời đại của ông. Tôi có duyên với vở này khi năm 2004, tôi thi đạo diễn, phải đọc và phân tích vở trong 3 tiếng đồng hồ.

Đọc xong, tôi choáng. Nó ám ảnh mình kinh khủng vì những điều tác giả gửi gắm trong đó. Tại sao vào những năm 1980 mà tác giả lại viết vở kịch này, hơn 20 năm rồi, nó có tính ẩn dụ lớn như thế, thời điểm đó, công nghệ, người máy ở Việt Nam còn chưa có.

Ngày nay, những cỗ máy với trí tuệ nhân tạo có thể thâm nhập sâu vào đời sống xã hội, nhưng con người cũng đang bước sang một hệ giá trị khác làm xói mòn những giá trị thiêng liêng, tạo ra những hố sâu trống rỗng trong tâm hồn và chính Lưu Quang Vũ đang làm chúng ta thức tỉnh. NSND Đình Nghi từng dàn dựng tác phẩm này, với tôi đó cũng là một áp lực.

Nhưng áp lực lớn nhất là làm thế nào tôi có thể chuyển tải được thông điệp của tác giả Lưu Quang Vũ cách đây hơn 30 năm mà vẫn cuốn hút được khán giả, đặc biệt, tôi hướng tới khán giả trẻ từ 17 đến 25 tuổi. Chúng tôi đã dựng 3 vở của Lưu Quang Vũ, không tránh được sự so sánh và dễ đi theo lối mòn. Nên mở chìa khóa của vở diễn như thế nào là cả một vấn đề.

Tính triết lý, tính thơ trong tác phẩm này rất lớn, nhưng làm thế nào để cho các bạn trẻ thích. Và thực tế, đã có những phản hồi tích cực từ các bạn trẻ khi có bạn gọi điện mua mấy chục vé tặng nhau trong đêm diễn 20-1 này. Tôi rất xúc động, làm sao có những người trẻ yêu thích và mình đã không đi sai hướng trong việc mở chìa khóa cho tác phẩm này.

- Bối cảnh trong kịch bản của Lưu Quang Vũ là thời bao cấp và ông muốn gửi gắm những thông điệp lớn về tình yêu, về cái đẹp, cái đẹp được chắt lọc, bay lên từ cuộc sống. Vậy anh đã mở chìa khóa đó thế nào để tiếp cận bạn trẻ?

+ Tôi may mắn khi có biên tập viên Nguyễn Mỹ Linh, con gái NSND Đình Quang, quen thân với gia đình Lưu Quang Vũ, đã giúp tôi biên tập lại Linh phần lời thoại cho phù hợp với cuộc sống hôm nay. Nếu kể lại câu chuyện bao cấp, khán giả trẻ phải tưởng tượng lại quá khứ như thế nào, họ không hình dung được bối cảnh đó, vì thế, tôi đã đẩy trí tưởng tượng của khán giả quá lên, để họ thấy đâu đó thấp thoáng có câu chuyện của ngày hôm nay, chứ tôi không bê nguyên kịch bản của anh Vũ.

Tôi chỉ giữ tinh thần của Lưu Quang Vũ và làm cho nó sống lại, tươi mới hơn, hiện đại hơn. Thực ra, Lưu Quang Vũ là một người gần gụi với Nhà hát Tuổi trẻ, một trong những tác phẩm đầu tiên của anh "Sống mãi tuổi 17" đã dàn dựng tại đây, trong suốt quá trình hàng chục năm đó, rất nhiều vở được dàn dựng tại nhà hát. Đó cũng là một lợi thế của chúng tôi.

- Xem xong "Hoa cúc xanh trên đầm lầy", nhiều người tự hỏi, hoa cúc xanh- những vẻ đẹp ấy của đời sống không tồn tại, nó không có thực, nó thuộc về ước mơ mà thôi. Còn anh, anh có nghĩ, có một hoa cúc xanh ở ngoài đời sống?

+ Thời anh Vũ viết tác phẩm này không có hoa cúc màu xanh chứ bây giờ, nhờ công nghệ, người ta đã trồng ra loài hoa đó. Một bông cúc xanh hiện hữu là có thật nhưng mơ ước của con người về sự thiện lương, những điều đẹp đẽ thì vẫn là mơ ước. Nó là khát vọng, nó bay lên từ cuộc sống đầy rẫy những bon chen, thị phi, những dối trá, hèn kém.

Một cảnh trong vở “hoa cúc xanh trên đầm lầy”.

Nó đẹp và thanh khiết đầy chất thơ, nên ở một góc nào đó, tôi nghĩ nó là một biểu tượng cho khát vọng của con người. Mục đích của tôi là khắc họa nhân vật, nó phải đặc biệt, họ mạnh mẽ về hình thức và lý trí, có tư tưởng.

Quan trọng hơn là cách làm sao khán giả thấy được nghệ thuật biểu diễn của diễn viên, nhấn vào những tình huống có thể làm thay đổi suy nghĩ của nhân vật. Có những lớp kịch người máy và người thật gặp nhau, họ đối thoại với nhau.

Người máy là ước mơ của con người, kết tinh sự tinh túy của con người, như người họa sĩ trong câu chuyện muốn vẽ những bức tranh mơ ước trong khi vợ của anh ta chỉ muốn vẽ những bức tranh bình thường thôi để kiếm tiền. Lúc nào chúng ta cũng chăm chắm vào đồng tiền, nhưng có lúc nào đó, trong cảnh ngộ nào đó, chúng ta nhận ra, có những thứ không thuộc về mình, không phải của mình. Cái nhận thức đó rất quan trọng. Máy móc có thể chết đi và cuộc sống đời thường sẽ hay hơn, nhân bản hơn nếu con người biết sống tử tế hơn.

"Anh không phải nhạo báng chúng tôi, chúng tôi biết sẽ phải tự sống như thế nào" là cả một quá trình nhận thức, ngộ giác của nhân vật. Tôi cùng các diễn viên mất 3 tháng ròng rã suy nghĩ, trăn trở để làm mạch lạc câu chuyện đó, không phụ họa bằng những chiêu trò, để khán giả xem vẫn nhẹ như không mà rất chân thực, ám ảnh.

- Dựng lại những vở kinh điển với ngôn ngữ sân khấu mới, đó đang là một xu hướng của sân khấu hôm nay. Vậy theo anh, ranh giới giữa cái cũ và cái mới sẽ là gì?

+ Tôi ủng hộ những sự cách tân, đổi mới. Đó là điều đương nhiên, tự chúng tôi phải thay đổi, khán giả không muốn sự nhàm chán đó nữa. Chúng tôi có cơ hội đi nước ngoài nhiều, xem nhiều, đánh giá được những xu hướng chung của sân khấu hiện nay. Nhưng đổi mới không được quá đà để khán giả thấy xa lạ. Tôi yêu thích sự đổi mới, sáng tạo nhưng không quá xa rời cuộc sống, làm thế nào mà khán giả vẫn cảm thấy mình ở trong đó.

- Điều gì khiến anh lao đầu vào con đường khó khăn này khi sân khấu kịch đang ảm đạm và đạo diễn thì đầy thử thách vì những cái bóng quá lớn từ các bậc tiền bối?

+ Làm diễn viên sẽ bị giới hạn mình ở một vài dạng vai nhưng khi làm đạo diễn tôi được sống nhiều cuộc đời hơn. Đạo diễn phải có sự sắp xếp tổng thể, đó là một công việc thú vị nhưng vô cùng khó khăn. Lần đầu tiên tôi đứng vai trò đạo diễn ở một vở lớn rất áp lực nhưng vui.

Tôi vẫn nói với các diễn viên rằng, quá trình sáng tạo là quá trình hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ, còn khi đã ra sản phẩm rồi thì chỉ có tốt hay không mà thôi. Chúng ta được sống cùng nhân vật, suy nghĩ, trăn trở về nó, làm cho nó đầy đặn hơn, gai góc hơn, gần gụi hơn với khán giả.

Đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ. Nên đó là những áp lực thú vị bởi nếu không còn đam mê, không khóc cười với tác phẩm của mình thì không nên làm sân khấu.

Poster của vở kịch.

- Trong bối cảnh sân khấu đìu hưu như thế này, anh có nhìn ra những khoảng sáng từ tình yêu của các bạn trẻ?

+ Có một thời gian chúng ta tương đối dễ dãi với sân khấu, điều đó khiến chúng ta tự mình đánh mất khán giả. Bây giờ, chúng tôi đang nỗ lực lấy lại tình yêu của khán giả. Tôi may mắn làm việc với những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, chính họ thắp lửa cho mình vì yêu mà, yêu nghề diễn, yêu vai diễn và họ truyền tình yêu đó đến cả khán phòng.

- Một vở diễn thú vị và đầy sức nặng như "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" được dựng lại tươi mới, hiện đại và có thể nói là một điểm nhấn của sân khấu kịch trong những ngày đầu năm. Nhưng làm thế nào để những tác phẩm giá trị đó không rơi vào cảnh "đắp chiếu"?

+ Chúng tôi đã có kế hoạch công diễn tác phẩm này, sớm nhất là đêm 20-1 sẽ có một suất diễn ở Nhà hát Tuổi trẻ và từ mồng 4-3 tới sẽ có lịch diễn dài kỳ. Nhà hát vẫn đỏ đèn dù khó khăn, bởi tôi muốn những giá trị đẹp đẽ đó được đến với công chúng.

Nghệ thuật có thể làm thay đổi nhận thức của con người, đó là một giá trị. Và chúng tôi phải trăn trở, suy nghĩ để trong "khe hẹp" đó mình "gạn đục khơi trong" tìm ra điểm mạnh của sân khấu. Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là chúng ta phải làm cho khán giả xúc động.

Xem xong khán giả sẽ được gì, đơn giản là tiếng cười, những trải nghiệm trong cuộc sống hay những suy ngẫm về thế sự, có thể giúp cho nhận thức của khán giả thay đổi. Sân khấu có những giá trị thiêng liêng và mạnh mẽ, khác biệt với các loại hình khác.

Tôi nhớ, hôm diễn xong "Hoa cúc xanh trong đầm lầy", có nhiều khán giả lần đầu tiên đến với sân khấu, họ chia sẻ rằng, không nghĩ sân khấu hấp dẫn như thế, nó giúp cho họ được thưởng lãm những thứ tuyệt vời, tại sao chúng ta cứ úp măt vào smart phone hay tivi mãi, hãy mặc quần áo đẹp tháng một vài lần đến với sân khấu, ở đó có những nghệ sĩ được mong mỏi cống hiến.

Chúng ta cứ nói về văn hóa xuống cấp, về sự thờ ơ, vô cảm, trong khi những thứ hay ho, giá trị thì chúng ta đang phớt lờ, bỏ quên. Sân khấu sẽ góp phần làm cho đời sống của chính bạn bớt tẻ nhạt.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

V. Hà (thực hiện)

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn (SN 1985, thường trú khu phố 4, phường An Thới, TP Phú Quốc), Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu, đoạn thuộc địa bàn Đồng Nai, ngày 2/5, Thành ủy TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã làm việc cấp ủy, chính quyền phường Phước Tân. Đây là địa phương có nhiều vướng mắc và được đánh giá phức tạp nhất trong số các xã, phường, thị trấn có dự án trọng điểm quốc gia là tuyến cao tốc đi qua...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文