Dũng Art: Đi tìm vẻ đẹp của quá khứ

13:01 18/02/2018
Ngắm nhìn những chân dung áo dài Dũng Art chụp, tôi cảm giác đang được trở về với vẻ đẹp nguyên khiết nhất của người phụ nữ, một vẻ đẹp của hoài niệm, xưa cũ. Một vẻ đẹp chỉ còn lưu lại trong ký ức.


Dũng Art là họa sĩ, trong cơn mải miết đi tìm cái đẹp để sưu tầm cho mẫu vẽ của mình (anh chụp nhiều mẫu với yếm và áo dài làm tư liệu), Dũng bị nhiếp ảnh cuốn đi. Bạn bè xúi giục làm triển lãm vì ảnh đẹp. Thế mà thấm thoắt đã gần 20 năm. Dũng là nhiếp ảnh gia hiếm hoi chụp ảnh áo dài. 

Anh nói: "Công việc của đời người nhiều khi không định trước, tôi không nghĩ có ngày mình rẽ sang chụp ảnh, vẫn nghĩ nếu có chụp thì chỉ là vui chơi vì thích. Nhưng không phải vậy, lúc đầu chụp để lấy tài liệu cho vẽ tranh, hết áo yếm đến áo dài, chụp mặc vào rồi lại cởi ra. Mỗi ngày một hứng thú, thấy đẹp thì bày triển lãm, bạn bè, người đến xem nhiều, người thích rồi mua nhiều làm mình cũng thích. Cứ thế định hình con đường mới lúc nào không hay".

 Áo dài của Dũng chủ yếu màu trắng. Lý giải cho nguyên cớ này, anh nói: "Áo dài trắng mà chụp các cô người hơi mỏng manh một tí, gió hơi nhẹ là đã bay rồi. Nó kín đáo nhưng rất sexy. Vải tôi phải vào Hà Đông chọn loại lụa mỏng nhất, may đúng theo những người mẫu mượn ở xưởng phim. 

Còn bây giờ, các cô gái mặc bó vào, không đẹp, nó không đúng vẻ đẹp của đàn bà mỏng manh như tơ lụa". Với Dũng, vẻ đẹp của phụ nữ không tách khỏi áo dài truyền thống.

Những chiếc áo dài truyền thống luôn tôn vẻ đẹp phụ nữ Á đông.

Ảnh áo dài của Dũng giản dị, mộc mạc như bước ra từ đời sống vậy. Mẫu của anh toàn bạn bè thân. Tóc dài và gương mặt có hồn, đậm chất Á Đông. Trong khi trào lưu chuộng mẫu chân dài thì người mẫu của Dũng chỉ cao từ 1m56 đến 1m65. 

"Tôi không thích chụp người mẫu cao quá, nó không dung dị, điển hình cho phụ nữ Việt Nam". Vì thế, ngắm ảnh áo dài của Dũng, tôi nhìn thấy hình ảnh ngày xưa của bà, của mẹ, của các cô gái Hà Nội. Dũng quan niệm, áo dài cũng như tiếng Việt, dù cuộc sống có đổi thay, dù cách tân, thay đổi đến mấy thì áo dài truyền thống vẫn tồn tại, bất biến với thời gian.

 Hơn 20 năm và 10 năm thực sự có ý thức về một bức ảnh đẹp, vác máy đi khắp các vùng quê Bắc Bộ, đi tìm lại vẻ đẹp, hồn cốt xưa, với Dũng, đó là một hành trình thú vị. Nhưng theo thời gian, những vẻ đẹp xưa đang biến mất trong đời sống đô thị hóa. 

Trào lưu phục dựng khiến những đền đài, chùa chiền khoác màu áo mới, nhưng mất đi vẻ đẹp của rêu phong, xưa cũ. Vì thế, nhìn vào ảnh của Dũng, ta bắt gặp nhiều vẻ đẹp chỉ còn lại trong ký ức mà thôi. 

Ở đó, không chỉ có cái đẹp của những tà áo dài truyền thống, vẻ đẹp mỏng manh, khi mờ ảo như sương khói của các cô gái, mà đó còn là hồn cốt của người phụ nữ công dung ngôn hạnh, kín đáo và tế nhị, là vẻ đẹp của truyền thống đang mai một theo thời gian.

"Tôi thấy áo dài đẹp nhất vào thập niên 50-60, áo dài gắn với cuộc sống thường nhật của phụ nữ Hà Nội. Mẹ tôi vẫn mặc áo dài  trắng, áo dài vàng nhạt và màu đất đi chợ, đi chơi. Và những ký ức đó ám ảnh tôi, khiến tôi cứ quẩn quanh với nó".

Ảnh của Dũng nhuốm màu hoài niệm như những vẻ đẹp đã thuộc về ký ức. "Đàn ông nào cũng yêu đàn bà, yêu đàn bà là yêu cái đẹp. Tôi không phải yêu cái hiện tại mà yêu cái cũ. Những thứ đã mất đi khiến người ta luôn tiếc nuối muốn tìm về. Tôi thích những thứ thuộc về dân tộc. Ngày mới vẽ, tôi phải kiếm đúng váy đụp là thứ nhìn thấy hồi đi sơ tán năm 1969, ra trường cứ bị ám ảnh bởi chiếc váy đụp đó, và bây giờ là áo dài". 

Có thể lạc hậu, nhưng với Dũng Art, truyền thống và quá khứ luôn đẹp, cái đẹp mà theo anh sẽ bất biến trong thời gian. "Nếu để ý thấy áo dài của tôi hay đi chân đất, mẹ tôi bảo phụ nữ Hà Nội trước 1954 không ai đi guốc, toàn đi sandal bằng da mỏng mảnh".

Bây giờ, đang có trào lưu mặc áo dài, những áo dài cách tân, với váy đụp, quần bò. Nhiều nhà thiết kế theo đuổi truyền thống đau lòng trước sự ồn ào đó, họ cho rằng như thế là phá bỏ truyền thống. Còn Dũng Art, một người tôn thờ truyền thống và cổ điển lại rất điềm tĩnh trong cái nhìn của mình. 

"Với tôi, những áo dài cách tân đó là trào lưu, là mốt, nó sẽ thay đổi theo thời gian. Kệ những người trẻ, đừng bắt họ đi theo chuẩn mực của mình. Nhưng áo dài truyền thống vẫn có đời sống riêng, lặng lẽ, âm thầm nhưng không bao giờ mất đi được".

Tôi ấn tượng với những bức ảnh áo dài của Dũng, những cô gái mặc áo dài cũ, yếm váy đụp cũ trên một bối cảnh cũ, nhà Bắc Bộ 3 gian 2 chái, cầu ao đá, giếng chùa, cổng làng, ao bèo. Những cô gái lặng lẽ thả hoa đăng trên sông Hương, khua mái chèo trên sông Hoài… những vẻ đẹp cũ, không khí cũ yên bình, mùa nắng cũ, mùa của thời gian đã qua. 

Những cô gái, khi mắt nâu môi trầm, u buồn trong không gian cũ, khi vui tươi, hồn nhiên biến tấu giữa thiên nhiên. Đó là những khoảng khắc của đời sống tâm hồn người phụ nữ. 

Và đôi khi, màu nắng ấy, con đường ấy, dòng sông ấy và người phụ nữ ấy chỉ là cái cớ để Dũng nói câu chuyện của mình, câu chuyện về tình yêu, về sự mê đắm với cái đẹp đã không còn hiện diện trong đời sống này nữa. 

Sau triển lãm ở TP Hồ Chí Minh và ra mắt cuốn sách ảnh áo dài "Mùa nắng phai", Dũng bảo, sẽ dừng chân ở đây để bắt đầu khai phá một miền đất mới trong hành trình đi tìm cái đẹp. Bởi cái đẹp bất tận như mùa xuân. Và mùa xuân đến sẽ mang theo sự sống, mang theo niềm vui về sự sinh sôi, nảy nở...

Việt Hà

Bộ Công an vừa ban hành hướng dẫn tuyển sinh CAND năm 2025 với các trình độ đào tạo đại học chính quy tuyển mới, trung cấp CAND và tuyển sinh văn bằng 2 đối với công dân đã tốt nghiệp trình độ đại học trở lên. Trong đó, tuyển sinh trình độ đại học chính quy tuyển mới đối với học sinh tốt nghiệp THPT vào các học viện, trường CAND từ nhiều năm nay luôn nhận được sự quan tâm lớn từ học sinh và dư luận xã hội.

Ngày 1/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Công an xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc xác minh, làm rõ hành vi múc đất gây ảnh hưởng tới đường điện trung thế và hạ thế tại khu vực đường tránh TP Bảo Lộc.

Ngày 1/4, Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, Cơ quan CSĐT đang tạm giữ đối với Huỳnh Tấn Tài (SN 2009, ngụ tại xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) để điều tra về hành vi giết người xảy ra tại thị trấn Tam Bình (huyện Tam Bình).

Sau bao năm sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát, giờ đây hàng nghìn hộ dân ở Đắk Lắk đã có được những căn nhà mơ ước. Những căn nhà không chỉ nhận được sự hỗ trợ, quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhà hảo tâm mà ở đó, còn có những giọt mồ hôi, những tình cảm sâu sắc của hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ ở địa phương...

Các chính sách liên quan đến việc quy hoạch, bố trí quỹ đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư… chưa đồng bộ khiến nhà ở chưa phát triển mạnh, ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 theo đề án của Chính phủ. Đây là những đánh giá của các nhà quản lý, các chuyên gia tại toạ đàm “Giải pháp đảm bảo có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội”: Vấn đề thực hiện chính sách do Báo Nông thôn ngày này (Danviet.vn) tổ chức ngày 1/4.

Từ khi đặt chân tới Myanmar, mảnh đất đang chịu nhiều đau thương bởi động đất, các CBCS của Đội CNCH Bộ Công an Việt Nam đã nỗ lực chạy đua với thời gian, vượt qua mọi khó khăn giúp người dân vùng động đất. Thời gian nghỉ ngơi để ăn uống được toàn Đội rút ngắn hết sức có thể nhằm chắt chịu từng giây phút cho nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân còn đang mất tích.

Sáng nay (1/4), một tổ công tác của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã đến thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) thực thi lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Tiến Hải (SN 1985, trú ở thôn 4, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) về hành vi gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 318 BLHS.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.