John le Carré, từ điệp viên trở thành tiểu thuyết gia trinh thám

07:24 21/12/2020
Ngày 12-12, nhà văn John le Carré, tác giả các cuốn tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng và bán chạy nhất thế giới như: “The Spy who came in from the Cold” (Điệp viên từ vùng đất lạnh); “Tinker tailor soldier spy” (Trò chơi nội gián) và “The night manager” (Người quản lý ban đêm)… đã qua đời ở tuổi 89 vì bệnh viêm phổi tại Bệnh viện Hoàng gia Cornwall. Điều đáng nói là ông lại bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một điệp viên ở châu Âu thời hậu chiến.


Trắc trở với nghiệp điệp viên

Sinh ra với cái tên David Cornwell vào năm 1931 tại Poole, Dorset (Anh), John le Carré có cha là Ronnie Cornwell (1906 - 1975) còn mẹ là Olive Moore Cornwell. Anh trai của ông, Anthony Cornwell (1929 - 2017) là một Giám đốc quảng cáo và cựu vận động viên cricket, sống ở Mỹ. Em gái cùng cha khác mẹ là nữ diễn viên Charlotte Cornwell. Em trai cùng cha khác mẹ là Rupert Cornwell, từng là Trưởng đại diện Văn phòng Washington của tờ The Independent.

John le Carré kể rằng ông không biết mẹ mình bởi đã bị bỏ rơi khi mới 5 tuổi và mãi đến 21 tuổi mới được gặp lại. Cha của ông thì bị bỏ tù vì tội gian lận bảo hiểm và liên tục bị mắc nợ.

Nhà văn trinh thám nổi tiếng thế giới John le Carré đã qua đời tối 12-12 vì chứng viêm phổi. ảnh: Getty

John le Carré bắt đầu làm việc cho các cơ quan mật vụ khi học tiếng Đức ở Đại học Bern, Thụy Sĩ (1948-1949). Năm 1950, ông gia nhập Quân đoàn tình báo Anh đồn trú tại Áo, làm công việc thẩm vấn bằng tiếng Đức những người trốn khỏi Bức màn sắt sang Tây Âu. Năm 1952, ông trở về Anh để học tại Đại học Lincoln, Oxford, nơi ông làm việc ngầm cho Cơ quan tình báo Anh (MI5) để do thám các nhóm cực tả và thu thập thông tin về các điệp viên Liên Xô (cũ).

Khi cha ông tuyên bố phá sản vào năm 1954, John le Carré rời Đại học Oxford để giảng dạy tại trường dự bị Millfield nhưng một năm sau thì trở lại Đại học Oxford và tốt nghiệp năm 1956 với bằng hạng nhất về ngôn ngữ hiện đại. Sau đó, ông dạy tiếng Pháp và tiếng Đức tại Eton College trong 2 năm, rồi trở thành sĩ quan MI5 vào năm 1958. Ông quản lý các đặc vụ, tiến hành thẩm vấn, nghe trộm các đường dây điện thoại và tổ chức các vụ xâm nhập.

Năm 1960, John le Carré chuyển sang làm việc cho MI6, dưới vỏ bọc Bí thư thứ hai tại Đại sứ quán Anh tại Bonn (Đức). Sau đó, ông được chuyển đến Hamburg làm việc như là một cố vấn chính trị. Năm 1964, sự nghiệp hoạt động tình báo của John le Carré chấm dứt do sự phản bội của các gián điệp nằm vùng của Anh trong KGB, như Kim Philby, gián điệp hai mang khét tiếng trong lịch sử tình báo Anh. Từ đó, ông rời khỏi MI6 để làm một nhà văn toàn thời gian.

Thành danh bởi chuyện hư cấu

Được truyền cảm hứng từ đồng nghiệp MI5 của mình, tiểu thuyết gia John Bingham (tên thật là Nam tước thứ 7 Clanmorris), John le Carré bắt đầu xuất bản những cuốn tiểu thuyết trinh thám và sử dụng bút danh vì đây là quy định bắt buộc. Các viên chức Bộ Ngoại giao Anh bị cấm xuất bản bất kỳ tác phẩm nào bằng tên thật của họ.

Tiểu thuyết đầu tay của ông có tên “Call for the dead” ra đời năm 1961. Tác phẩm xoay quanh điệp viên George Smiley, người đứng đầu “The circus” (một cơ quan tình báo hư cấu) - nhân vật nổi tiếng nhất của John le Carré trong các câu chuyện về điệp viên Đông Đức bên trong nước Anh. Sau này, tiểu thuyết gia thừa nhận, John Bingham là một trong 2 hình mẫu cho nhân vật George Smiley; người còn lại là Vivian HH Green – Hiệu trưởng Đại học Lincoln. John le Carré lần đầu gặp Green, khi ông dạy tại trường Shertern (1942-1951). Tình thầy trò và tình bạn giữa hai người vẫn tiếp tục sau khi ông Green chuyển đến Đại học Lincoln, nơi ông dạy kèm John le Carré.

Cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn mang tên “A murder of quality” ra đời năm 1962, cho thấy George Smiley điều tra vụ giết người tại một trường công lập và được đánh giá tích cực. Một năm sau, cuốn tiểu thuyết thứ ba “The Spy who came in from the Cold” của ông được xuất bản, đưa sự nghiệp văn chương của John le Carré lên một tầm cao mới. Lúc này George Smiley chỉ là một nhân vật phụ nhưng câu chuyện về nhiệm vụ đối đầu với tình báo Đông Đức chứa đầy sự hoài nghi về thế giới.

Graham Henry Greene - tiểu thuyết gia người Anh, từng làm việc cho tờ London Times trong giai đoạn 1926-1929 rồi hành nghề ký giả tự do ca ngợi: “The Spy who came in from the Cold” là câu chuyện điệp viên hay nhất mà tôi từng đọc”. Bản thân John le Carré cũng thừa nhận, thành công rực rỡ của cuốn tiểu thuyết ban đầu khiến ông ngạc nhiên và sau đó tự mâu thuẫn.

Ông giải thích vào năm 2013 rằng, bản thảo của ông đã được cơ quan mật vụ phê duyệt vì nó là “hư cấu hoàn toàn từ đầu đến cuối” và do đó không thể có bất kỳ vi phạm an ninh nào. “Tuy nhiên, đây không phải là quan điểm của báo chí thế giới, nơi liên tục cho rằng cuốn sách không chỉ đơn thuần là xác thực mà còn là một loại thông điệp mặc định nào đó từ phía bên kia, khiến tôi không thể làm gì khác ngoài việc ngồi nghiền ngẫm, xem và kiểm tra lại”.

Thổi hồn vào nhân vật điệp viên

Trong 3 cuốn tiểu thuyết tiếp theo được xuất bản vào những năm 1970, George Smiley lại trở về vị trí trung tâm, nơi có cuộc cạnh tranh giữa điệp viên đẹp trai và kẻ thù truyền kiếp Karla. John le Carré đã khắc họa và phân tích Kim Philby (một trong những người là nguyên nhân khiến ông từ bỏ nghiệp điệp viên) là kẻ phản bội đẳng cấp "thượng hạng", với bí danh là "Gerald" trong KGB thành gián điệp nổi tiếng trong tiểu thuyết của ông George Smiley săn lùng trong tác phẩm “Tinker tailor soldier spy (1974)”… Thế giới của “những chú chồn sương” và “những chiếc đèn soi”, “những kẻ quấn quít” và “những nghệ sĩ vỉa hè” đã được vẽ nên một cách thuyết phục đến mức các đồng nghiệp cũ tại MI5 và MI6 bắt đầu sử dụng biệt ngữ do John le Carré “phát minh” làm ngôn ngữ của riêng họ.

Khi chiến tranh lạnh kết thúc, có những lúc bạn bè hỏi John le Carré khi gặp trên phố: “Giờ ông định viết gì vậy?”. Mối quan tâm của John le Carré luôn rộng hơn sự đối đầu giữa Đông-Tây và ông không mấy kiên nhẫn với ý tưởng rằng sự sụp đổ của Bức tường Berlin báo hiệu bất kỳ hình thức kết thúc nào. Ông viết về vụ buôn bán vũ khí vào năm 1993 với cuốn “The night manager” và tái xuất năm 2001 với “The constant gardener” rồi miêu tả cuộc chiến chống khủng bố vào năm 2004 với “Absolute friends”. Cùng lúc này, các tác phẩm của ông liên tục được chuyển thể thành kịch bản phim.

Những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của John le Carré.

Các diễn viên bao gồm Richard Burton, Alec Guinness, Ralph Fiennes và Gary Oldman đã thích thú với sự tinh tế trong cách thể hiện nhân vật do John le Carré xây dựng. Năm 2017, John le Carré khép lại vòng tròn sự nghiệp trong “A legacy of spies”. Viết trên tờ Guardian, John Banville, nhà văn người Ireland chuyên viết truyện ngắn, phim truyền hình và biên kịch tuyên bố rằng “không phải kể từ “The Spy who came in from the Cold”, John le Carré mới thể hiện năng khiếu của mình như một người kể chuyện mạnh mẽ và gây hiệu ứng ly kỳ đến vậy”.

Một điều bất ngờ là sau nhiều thập kỷ xuất hiện như một nhân vật đầy bí ẩn, năm 2016, John le Carré cho phát hành cuốn hồi ký mang tên “Đường hầm chim bồ câu”, kể chi tiết về mối quan hệ rạn nứt của mình với một người cha lạm dụng, lừa đảo và sự nuôi dạy cô đơn sau khi bị mẹ bỏ rơi lúc 5 tuổi.

Trải qua bốn thập kỷ sống ở Cornwall, kết hôn 2 lần và nuôi dạy 4 người con trai, trong đó có Nicholas, tiểu thuyết gia được biết dưới cái tên Nick Harkaway, John le Carré thừa nhận: “Tôi không phải là một người chồng kiểu mẫu hay một người cha kiểu mẫu, và không quan tâm khi xuất hiện theo cách đó. Ra khỏi thế giới bí mật mà tôi từng biết. Đầu tiên là tưởng tượng, rồi tìm kiếm thực tế. Sau đó quay lại hình ảnh và bàn làm việc mà tôi đang ngồi bây giờ".

"Người khổng lồ không thể tranh cãi"

Người đại diện lâu năm của John le Carré, Jonny Geller mô tả ông là “người khổng lồ không thể tranh cãi của văn học Anh”. Nhà sử học Simon Sebag Montefiore gọi John le Carré là “người khổng lồ của văn học Anh, quyến rũ, tốt bụng và hào phóng với tôi cùng nhiều người khác”.

Với những đóng góp cho văn học Anh và thế giới, John le Carré được trao bằng danh dự Tiến sĩ Văn chương từ Đại học Bath năm 1998. 10 năm sau, ông tiếp tục được trao bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Berne và năm 2012 được Đại học Oxdord trao tặng bằng danh dự Tiến sĩ Văn chương.

John le Carré đạt được giải thưởng đầu tiên năm 1964 với giải Somerset Maugham dành cho các nhà văn Anh dưới 35 tuổi. Năm 2008, tạp chí Times xếp ông ở vị trí thứ 22 trong danh sách "50 nhà văn vĩ đại nhất của Anh kể từ năm 1945". Năm 2011, anh đã giành được Huy chương Goethe- giải thưởng hằng năm do Viện Goethe trao tặng. John le Carré đạt được giải Olof Palme 2020 vì đóng góp cho cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ và công bằng xã hội. Ông đã tặng toàn thể tiền thưởng của mình là 100.000 USD cho tổ chức “Bác sĩ không biên giới”

Ngọc Khuê

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文