NSND Hoàng Quỳnh Mai: "Trăng 13 và ổi còn xanh"
- Bế mạc Liên hoan cải lương toàn quốc 2018: Thiếu vắng những kịch bản lớn
- Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018: Vẫn “khát” kịch bản mới
- Chúc mừng NSND Hoàng Quỳnh Mai vừa trở về từ Liên hoan Cải lương toàn quốc. Xem ra, cuộc "Nam tiến" lần này của chị nhận được rất nhiều tình cảm yêu mến của khán giả miền Nam?
+ Tôi tự hào vì cái nôi của cải lương là Nam bộ (gốc cội là Nam; lá cành là Bắc), nhưng cách làm cải lương của mình được chấp nhận, được anh em giới nghề và hội đồng nghệ thuật và đặc biệt là khán giả Nam bộ ghi nhận. Mình là nghệ sĩ cải lương miền Bắc, nếu làm không cẩn thận sẽ bị ném đá. Làm thế nào cải lương Bắc đi vào đó mà chiếm được tình cảm của khán giả Nam mới quan trọng. Họ đón nhận nồng nhiệt và trân trọng, không hề kỳ thị.
Tôi mang đi 3 vở diễn, giành 15 huy chương cá nhân và tập thể, trong đó có 11 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc, cá nhân tôi giành giải đạo diễn xuất sắc cho vở "Chiếc áo thiên nga". Đặc biệt chuyến đi này có nhiều câu chuyện xúc động. Đoàn nghệ thuật Quảng Ninh tan vỡ 7 năm nay rồi, họ mời tôi xuống dựng vở với mong muốn một lần được cháy trên sân khấu. "Kiếp tằm" là một dấu ấn lịch sử của sân khấu tỉnh Quảng Ninh.
Qua bao vật lộn, trăn trở, tưởng như đã mất nên khi có cơ hội quay lại, họ biết trân qúy những điều mình có và cháy hết mình. Họ tìm mọi cách để hát, tìm mọi cách để diễn, họ khóc từ lúc tập cho đến lúc được giải. Hai, ba ngày đêm, cả nhà hát không ngủ. Tôi sợ những tỉnh khác lặp lại tình cảnh đó khi bị sáp nhập. "Kiếp tằm" là vở diễn về nghề, nói về sự vật lộn của người nghệ sĩ, "sinh ư nghệ, tử ư nghệ".
- Chị có hai tác phẩm đoạt giải vàng, trong đó, "Chiếc áo thiên nga" giành 7 Huy chương Vàng. Điều gì khiến chị vẫn giữ được ngọn lửa đam mê nghề như thế?
+ Tôi nghĩ, đó là tình yêu với nghề. 5, 6 tháng nay, ngày nào tôi cũng 3 buổi trên sàn tập, nhà cách vài bước không kịp về. Tôi dồn tâm huyết vào tác phẩm cho học trò của mình. Ngoài giải thưởng cá nhân thì sự thành công của các học trò là động lực giúp tôi làm tiếp.
Liên hoan Cải lương năm 2015 tôi trở về với "Vua thánh triều Lê" đoạt nhiều Huy chương Vàng và tôi được nhận danh hiệu NSND, nhiều người sợ tôi mất đi sự sáng tạo. Nhưng từ 2015-2018, tôi có thêm 8 Huy chương Vàng cả trong nước và quốc tế. Tôi không phải thi để giành giải thưởng mà chính giải thưởng và danh hiệu là cái mốc để mình cố gắng hơn. Tôi luôn nhắc học trò của mình rằng, phải nhớ chúng ta là "trăng 13" và "ổi còn xanh".
Tôi là NSND nhưng tôi vẫn chỉ là "trăng 13" thôi, mình vẫn còn sức trẻ, còn sự thanh xuân trong sáng tạo. Ổi chín sẽ rụng, trăng tròn là trăng lặn. Bài học đó tôi luôn dạy học sinh để cố gắng nuôi niềm đam mê ấy, không bao giờ được tự mãn.
Nghệ thuật mà tự mãn là sẽ dừng lại, sẽ không bao giờ sáng tạo được nữa. Tôi muốn mọi người nhận xét rằng, khi đạt danh hiệu NSND rồi Hoàng Quỳnh Mai không dừng lại, vẫn khẳng định vị thế của nghệ sĩ trong lòng người dân và có nhiều cống hiến tốt hơn.
“Kiếp tằm” do đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng. |
- Liệu giải thưởng và danh hiệu có phải là áp lực đối với chị?
+ Tôi không có áp lực gì cả, tôi hồn nhiên lắm. Tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục sáng tạo, nếu dở thì sẽ dừng lại. Tôi luôn có tâm thế chinh phục những đỉnh cao khác. Đã chiếm được đỉnh cao này thì mình phải nghĩ tới việc chinh phục đỉnh cao khác chứ không dừng lại.
Tôi không bao giờ thấy như thế là hay nhất rồi. Những cái hay hơn vẫn đang ở phía trước. Các học trò khi làm việc với tôi, buổi tập nào cũng như sắp tổng duyệt và vở diễn nào cũng như chuẩn bị đi hội diễn, phải cháy hết mình, say đắm hết mình và kỹ càng hết mình.
- Trong bối cảnh cải lương đang rất khó khăn này, liệu chị có tự tin để giữ được tình yêu và đam mê đó?
+ Đây là thời điểm nhạy cảm và khó khăn, cải lương đang đứng trước rất nhiều nguy cơ, đặc biệt cải lương Bắc. Có những đoàn nghệ thuật đã nhận được quyết định giải tán trước khi đi thi, có những đoàn không xuất hiện nữa như đoàn Tây Ninh, Bến Tre.
Gần như các đoàn đi thi trong tâm thế lần cuối, không biết sau này sẽ thế nào. Mình vui với thành quả đạt được nhưng không biết đến bao giờ cải lương sẽ mất. Tôi vẫn nói với đồng nghiệp rằng, hãy cố gắng đến khi nào có thể, hãy cháy đến ngọn lửa cuối cùng, đến khi nào không được quyền cháy nữa mới thôi. Một giây, một khắc còn được làm cải lương vẫn phải hết mình. Không có gì có thể lung lay được tôi đâu. Tôi có một niềm tin vững vàng bởi cải lương là máu thịt của mình rồi.
NSND Hoàng Quỳnh Mai cùng các đồng nghiệp. |
- Từ lâu nghệ thuật truyền thống đối diện với khó khăn về khán giả, nhất là cải lương ở Hà Nội, chị nghĩ gì về câu chuyện này?
+ Cải lương đang ở đỉnh điểm của khó khăn, nhưng đây là lúc chúng tôi càng phải chứng tỏ bản lĩnh của mình, càng phải sáng tạo ra những vở diễn hay nhất. Cải lương là bộ môn nghệ thuật còn non trẻ so với tuồng, chèo. Nếu mình không giữ được thì tiếc lắm.
Khó khăn vì thưa vắng khán giả cũng đã chật vật lắm rồi, bây giờ còn cơ chế nữa. Một bên khán giả không xem, một bên cơ chế không bao bọc, yêu thương nữa thì sống thế nào đây. Nếu một ngày nào đó không được làm cải lương nữa là điều đau đớn nhất đối với tôi. Tất nhiên không dựng cải lương tôi có thể dựng các loại hình khác, nhưng cải lương là máu thịt của mình rồi. Buông nó như cắt phần máu thịt của mình đi vậy.
- Chị có quan điểm như thế nào về chủ trương sáp nhập và xã hội hóa hoạt động của các đoàn nghệ thuật?
+ Đó là chủ trương kích cầu phát triển để nghệ thuật không ngủ quên nhưng với sân khấu truyền thống không làm thế được. Chúng ta có thể co bớt lại các đầu mối, các vị trí lãnh đạo nhưng vẫn phải giữ bản sắc các loại hình. Tuồng, chèo, cải lương phải có hoạt động riêng biệt, nếu không bức tranh văn hóa 20 năm nữa sẽ lem nhem. 20 năm nữa ta sẽ giới thiệu với bạn bè quốc tế cái gì nếu các bộ môn truyền thống không còn. Diễn viên cải lương đi hát chèo, diễn viên chèo hát cải lương là xong.
Vở "Chiếc áo thiên nga" do NSND Hoàng Quỳnh Mai làm đạo diễn. |
- Nhưng rõ ràng, cải lương nói chung và sân khấu truyền thống nói riêng đang đứng trước thách thức đổi mới, thiếu vắng những kịch bản hay để thu hút khán giả?
+ Sân khấu cải lương có tính chất lãng mạn, trữ tình. Để nó có thể mạnh mẽ, tấn công trực diện như kịch nói rất khó. Nhưng cải lương vẫn nói được những vấn đề lớn của xã hội, như "Vua Thánh triều Lê", đề cập đến vấn đề cần một bậc minh quân trị vì đất nước thì phải thế nào. Hay "Chiếc áo thiên nga", bàn đến câu chuyện mất văn hóa, mất văn hiến là mất nước. "Kiếp tằm" của Quảng Ninh là tiếng nói về nghề, sinh nghề, tử nghề.
Cá nhân tôi luôn ý thức được việc phải đổi mới, theo kịp cách thưởng thức của khán giả thời nay. Nếu cải lương vẫn rề rà, ỉ ôi thì khán giả sẽ quay lưng. Làm thế nào nó vẫn truyền thống nhưng lại mang màu sắc hiện đại, vở vẫn là cải lương khi người ta đến thưởng thức? Tôi nghĩ, người ta quay lưng với cải lương vì những người làm cải lương dễ dãi, cẩu thả, hỗn tạp, bi lụy, khiến người xem mệt mỏi, chán nản, cảm xúc không bay lên được.
- Và chị tin, dù trong khó khăn, vẫn còn đó tình yêu và đam mê của những người trẻ dành cho cải lương?
+ Mình cứ nhiệt huyết đam mê đi rồi sẽ có những tác phẩm tốt. Tôi và một số đồng nghiệp vẫn cố gắng hết sức. Vẫn còn nhiều tình yêu của những người trẻ dành cho cải lương, như sóng ngầm ấy, nhưng để tạo những đợt sóng trào dâng cần rất nhiều chất xúc tác. Các em trẻ vẫn đam mê, vẫn thèm được hát, tình yêu ấy vẫn nồng nàn, chảy bỏng lắm. Chỉ cần có tác phẩm, các em sẽ miệt mài từ sáng đến đêm ở nhà hát, yêu và say nghề. Tôi nghĩ, mình đã góp phần truyền ngọn lửa tình yêu đó cho các em để cố gắng giữ cho cải lương thăng hoa đến những giây phút cuối cùng.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị!