NSND Thúy Mùi: Mong mỏi sân khấu truyền thống mở mang và bền vững
Giữa lúc các nhà hát phía Bắc trầy trật để tồn tại, lo lắng chất chồng vì thời hạn phải tự chủ về mọi mặt đã rất gần, nhiều đơn vị đối diện với nguy cơ phải sáp nhập thì nữ nghệ sĩ vẫn khá lạc quan. Không chỉ chứng minh mình không "lạc quan tếu", trong khoảng thời gian không dài trò chuyện với chúng tôi, NSND Thúy Mùi còn "kê đơn" cho nhiều "căn bệnh" trầm kha của sân khấu truyền thống, nhất là các đơn vị công lập.
- Nhiều người mong đến tuổi nghỉ hưu được thảnh thơi, sống an nhàn bên con cháu. Sân khấu thì đang rất khó khăn. Vì sao chị lại chọn cách ôm đồm công việc, thậm chí còn có vẻ nhiều hơn lúc chị làm Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội?
+ Mỗi người theo đuổi mục đích sống theo cách riêng của họ. Có người dùng thời gian nhàn rỗi đi chơi, du lịch, dùng tiền của mình để làm việc khác, còn Thúy Mùi quyết định dành cho sân khấu.
Với Thúy Mùi, tình yêu dành cho sân khấu rất lớn. Đam mê của mình được gia đình ủng hộ. Mình luôn mong muốn làm sao tốt cho sân khấu dù biết rằng làm không đơn giản, dễ dàng, sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Nếu không có người hỗ trợ thì sẽ gặp những trở ngại như thế nào, Thúy Mùi đã hiểu và biết rõ. Mình gắn bó với sân khấu rất nhiều năm, muốn sân khấu mở mang hơn nhưng sẽ không cố thỏa mãn đam mê bằng mọi giá.
- Cụ thể là chị sẽ làm những gì cho sân khấu?
+ Tôi phối hợp với các đơn vị làm du lịch và các đơn vị nghệ thuật truyền thống để thực hiện các chương trình biểu diễn phục vụ du khách tại các làng nghề, di tích. Như thế, nghệ sĩ có nguồn thu nhập, khách được thưởng thức nghệ thuật, sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn hơn.
Với nội dung này, chúng tôi đã hoàn thiện đề án, dự kiến triển khai chính thức từ tháng 9-2018. Các chương trình rất đa dạng và giới thiệu rất nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương, hát ả đào, Chầu Văn…
Đề án này chúng tôi ấp ủ lâu rồi, dự kiến sẽ làm thí điểm trong 6 tháng đến 1 năm, diễn miễn phí vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Trước mắt là diễn ở các làng nghề truyền thống, di tích có khách du lịch đến đông như làng lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng. Trong đó làng gốm Bát Tràng đang có lượng khách rất đông.
Chúng tôi đang đề nghị Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho triển khai tổ chức thường xuyên tại hội trường 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Nếu được đồng ý, ở đây chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình có quy mô nhỏ gọn, nghiêng về tính học thuật. Hướng tới số đông thì sẽ có các liveshow riêng về các nghệ sĩ nổi tiếng.
Trước mắt sẽ là một chương trình sân khấu đặc biệt mừng Giỗ tổ sân khấu năm 2018. Một đơn vị đã đề nghị chúng tôi tổ chức một điểm biểu diễn thường xuyên để phục vụ khách du lịch ở Hội An nhưng chúng tôi chưa dám nhận lời vì xa quá.
- Chị không ngại đầu tư tâm sức để tổ chức các chương trình nhưng nếu biểu diễn phục vụ miễn phí suốt trong 6 tháng đến 1 năm, các nghệ sĩ có hưởng ứng không?
+ Tôi đã mời được một lực lượng khá đông gồm nghệ sĩ diễn viên của các đoàn nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Thể nghiệm của Trường Sân khấu Điện ảnh, sinh viên năm thứ 3, thứ 4, có sự kết nối diễn với các nghệ sĩ đã thành danh, các nghệ sĩ đã nghỉ hưu còn rất yêu nghề, tâm huyết nghề.
Nghệ sĩ cũng không chỉ biểu diễn phục vụ khách du lịch. Nếu được duyệt đề án tổ chức biểu diễn tại trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, tôi nghĩ đây sẽ là điểm diễn nghệ thuật truyền thống hợp lý, ấm cúng và ý nghĩa vào dịp cuối tuần. Chúng tôi còn đang thực hiện dự án số hóa chân dung các nghệ sĩ truyền thống nổi tiếng. Đây sẽ là kho tư liệu hữu ích khi tổ chức các liveshow về chân dung các nghệ sĩ tiêu biểu.
Các chương trình ở trụ sở của Liên hiệp thì không cần hoành tráng. Tôi cũng xác định, nếu làm liveshow thì khó khăn về kinh phí và đưa ra Cung Văn hóa - Lao động Hà Nội thì không lại được ca múa nhạc. Hơn nữa, sân khấu cần nhìn nhiều, xem gần, bạn cảm nhận được nhiều hơn. Không gian có quy mô nhỏ gọn phù hợp hơn với sân khấu truyền thống.
Khi xây dựng các dự án, tôi đã xác định khó khăn trước mắt sẽ rất nhiều, mình cần khắc phục dần dần. Làm ở làng nghề hay trụ sở Liên hiệp, số lượng khách không nhiều, nếu giới thiệu 1 nghệ sĩ trong 2, 3 đêm sẽ rất tuyệt vời. Nghệ sĩ biểu diễn vì thấy mình được trân trọng, quan tâm. Hơn nữa, thù lao cho nghệ sĩ truyền thống không quá cao như các loại hình khác, chỉ vài trăm nghìn đến tiền triệu một buổi biểu diễn. Khán giả thì được thưởng thức nghệ thuật mà mình yêu mến. Nguồn kinh phí cho các chương trình này phải từ xã hội hóa.
- Câu chuyện xã hội hóa với sân khấu phía Bắc còn mới, nhưng phía Nam đã làm từ rất lâu. Bây giờ sân khấu xã hội hóa phía Nam cũng đang lao đao mà một trong số các lý do là kinh phí. Chị có tự tin sẽ đủ tiền để duy trì các điểm diễn, tổ chức các liveshow không?
+ Tôi cho là khả năng nằm trong tầm tay mình. Ví dụ chương trình mừng Giỗ tổ sân khấu 2018, hiện chúng tôi đã lo xong về mặt kinh phí. Thực tế tôi thấy có nhiều nhà hảo tâm rất yêu sân khấu, các nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu truyền thống. Họ đã từng ngồi hát cho Thúy Mùi nghe cả Chèo, cả Cải lương, say mê hát cùng với nghệ sĩ.
Tất nhiên là tôi không lạm dụng lòng tốt của họ mà vì giữa tôi với họ có chung một đam mê là sân khấu. Họ tài trợ cho tôi làm chương trình thì tôi hỗ trợ ngược lại bằng hình thức gửi giấy mời, vé đi xem biểu diễn. Đây cũng là cách đánh thức tình yêu với sân khấu, để khán giả thỏa mãn tình yêu với các nghệ sĩ ngôi sao họ yêu mến.
- Nghe có vẻ nghịch lý vì sân khấu truyền thống được bao cấp mà lâu nay vẫn bị than thở là vắng khán giả, chật vật để tồn tại. Theo chị tại sao lại có chuyện như thế?
+ Trước đây có hỗ trợ của Nhà nước rồi thì nhà tài trợ không quan tâm, cho là bỏ tiền vào không để làm gì. Khi Thúy Mùi đặt vấn đề là mình đang phải "tay không bắt giặc" thì họ nói làm đi, nếu làm việc gì thiết thực cho sân khấu thì sẽ hỗ trợ, nhưng không phải như cách mà Nhà nước nuôi các đơn vị sân khấu xưa nay.
Tôi cũng không cần họ nuôi tôi, nuôi các nghệ sĩ như thế. Với cách làm như hiện tại, có nghĩa là chúng tôi đang hợp tác để nuôi tình yêu cho cả tôi và họ. Ai cũng có lợi ích và quyền của mình. Tôi có quyền làm hay không làm nếu cảm thấy yêu cầu không phù hợp và họ có quyền tài trợ hoặc không tài trợ tùy theo việc họ thấy thích hay không.
Hoạt động 100% xã hội hóa đỡ gò bó vào các quy định của Nhà nước. Có khó khăn là khi mình không kêu gọi được tài trợ, thiếu kinh phí cho hoạt động. Nhưng, nếu vượt qua được bước này rồi mình sẽ được chủ động tất cả những gì mình muốn làm. Đây cũng là lợi thế, có khó khăn nhưng cũng có lợi thế.
Cảnh trong trích đoạn "Thị Màu lên chùa" của Nhà hát Chèo Hà Nội dưới thời dẫn dắt của NSND Thúy Mùi. |
- Chạy theo nhà tài trợ, chạy theo thị hiếu khán giả cũng đang bị cho là một vấn đề gây nhiều tranh cãi của sân khấu xã hội hóa. Chị có lo lắng về điều này ?
+ Tôi tin rằng với một người có nội lực và có tình yêu sân khấu thực sự thì sẽ không tổ chức các chương trình nghệ thuật kém chất lượng. Nếu nghệ sĩ đánh mất mình là do mình chứ không phải do khán giả.
Ngay từ khi còn là Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, bao giờ tôi cũng đặt chất lượng chương trình lên hàng đầu, nếu tự bỏ thêm kinh phí thì cũng chấp nhận. Tôi luôn xác định, nghệ thuật muốn tồn tại thì chất lượng phải là đầu tiên. Nếu đặt chất lượng lên đầu tiên, tình yêu của mình lên đầu tiên thì sẽ không đánh mất mình.
- Dự kiến đến năm 2020, các nhà hát công lập sẽ phải tự chủ hoàn toàn. Nhiều nhà hát công lập, đặc biệt là các đơn vị nghệ thuật truyền thống rất lo lắng. Ngược lại, dường như chị có vẻ khá lạc quan?
+ Tôi vẫn nghĩ mình sẽ có nhiều khó khăn thách thức phía trước nhưng sức mình đến đâu thì làm đến đấy. Với câu chuyện tự chủ của các đơn vị công lập, nhiều năm trước, tôi đã nói với anh chị em của Nhà hát Chèo Hà Nội rằng, nếu quan niệm không thay đổi, quen bao cấp thì sẽ rất vất vả.
Tất nhiên là tự chủ phải có lộ trình để họ tiếp cận dần dần, đến lúc họ đứng vững thì Nhà nước buông ra sẽ hợp lý hơn. Nếu tự chủ thì người đứng đầu đơn vị rất quan trọng. Nếu người đứng đầu thực sự có tài, yêu sân khấu thì họ sẽ không để chất lượng sân khấu thụt lùi, giữ được thương hiệu, giữ được khán giả.
Tại Nhà hát Chèo Hà Nội, dù còn khó khăn nhưng nhiều năm rồi, so với các nhà hát khác đã lo cho đời sống anh em tương đối tốt. Nếu các đơn vị khác chỉ thu một vài tỷ mỗi năm thì Nhà hát Chèo Hà Nội có thể thu được cả chục tỷ.
Trách nhiệm của tôi bây giờ nhẹ hơn các nhà hát vì không phải nuôi anh em, bộ máy rất gọn gàng, khi tổ chức các hoạt động nghệ thuật thì cố gắng chỉn chu, có thể linh hoạt, mở rộng tất cả các loại hình, đáp ứng khán giả dễ hơn.
Khán giả muốn nhiều Chèo thì có Chèo, muốn nhiều Tuồng thì có nhiều Tuồng, muốn có Cải lương thì mời Cải lương. Tôi nghĩ nếu nghệ sĩ các đơn vị nghệ thuật công lập được trang bị về kiến thức, cơ sở vật chất, định hướng về nghệ thuật, hướng đi, cách làm thì sẽ không bỡ ngỡ lắm.
- Cảm ơn NSND Thúy Mùi. Chúc chị thành công với các dự định của mình.