NSƯT Thu Huyền: Cứ yêu đi, sẽ nhận được tình yêu

20:37 28/05/2017
Thu Huyền bây giờ đã là phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội. Hơn 25 năm gắn bó với chèo, vui buồn với những gập gềnh của chèo trong đời sống nhưng chị vẫn mê đắm trong tình yêu đó. Chị tự tin, cứ yêu đi, sẽ nhận được tình yêu.


Với chèo không vội vàng, ăn xổi được

- Khá lâu rồi mới thấy Thu Huyền ra album chèo, mà rặt chèo cổ. Trong thị trường bát nháo này, chị có nghĩ album của mình lay động đến khán giả?

+ Đây là 10 làn điệu chèo cổ mà tôi rất thích, phù hợp với giọng hát của tôi. Trong đó có 2 bài do cụ Hàn Thế Du viết lời trong vở "Súy Vân". Trước đây, tôi làm 2 album, "Giao duyên" và "Đủng đỉnh yếm đào", có chèo, dân ca và những ca khúc mang âm hưởng dân ca.

Lần này chỉ có chèo cổ. Đây cũng là một album đánh dấu con đường mà tôi theo đuổi, vì chèo. Trước đây, tôi lựa chọn cả chèo, dân ca và những ca khúc mang âm hưởng dân ca vì muốn tiếp cận khán giả, muốn giới thiệu đến khán giả nhiều loại hình nghệ thuật mà mình thể hiện được. Nếu chỉ có chèo không sẽ kén khán giả và bản thân họ cũng không cảm nhận được hết cái hay cái đẹp của tác phẩm. 

Đến lúc này, đúng 25 năm theo đuổi chèo, tôi nghĩ mình phải làm một album chèo để tri ân những khán giả đã yêu mến. Dù biết là kén khán giả, nhưng thôi mình cứ phải làm, đó cũng là niềm vui của mình vì mình yêu thích và muốn như thế. Từ trước đến giờ tôi làm gì cũng không chạy theo thị hiếu, theo kiểu mọi người thích gì thì mình làm cái đó. Tôi đã chọn con đường này và vui với lựa chọn của mình.

- 25 năm, một quãng thời gian khá dài cho sự lựa chọn của chị. Chị đã tồn tại với chèo như thế nào trong cơn bão của thị trường? Nếu chỉ có tình yêu thôi, liệu có đủ không?

+ Tôi nghĩ có tình yêu là có tất cả. Tôi nói điều đó vì nó được kiểm chứng trong cuộc đời mình. Tôi có chỗ đứng, thành công và có cuộc sống như bây giờ là do tình yêu của mình.

Khi yêu chỉ có trao đi thôi chứ đừng mưu cầu nhận lại thì mình lại nhận được rất nhiều. Đó là giá trị của tình yêu nên mọi người hãy yêu đi. Còn nói về sự vất vả ư, rất nhiều. Khi tôi ra trường từ 1992 đến bây giờ, đúng thời điểm bắt đầu cơ chế thị trường, tất cả các loại hình nghệ thuật thâm nhập vào và từ đó đến giờ chèo và các bộ môn truyền thống phải chống chọi với cơn bão của các loại hình khác đổ bộ.

Cho đến thời điểm này, vui có, buồn có, vất vả có, có những nhà hát tan nát, có nhiều người không trụ lại được với nghề, nhưng đó cũng là cái hay, chúng ta không được bọc trong nhung lụa nữa và qua thử thách đó để thấy ai vững tin và cái gì tồn tại được. Đó là quy luật cuộc sống.

Ngày mới ra trường, có những lúc đi ra đường tôi không dám nhận mình là nghệ sĩ chèo, bởi mọi người có vẻ coi thường bộ môn này. Nhưng tôi tự hỏi tại sao mình lại như vậy và mình kiên định, chứng minh bằng tình yêu và làm nghề để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng chèo rất hay.

Sau này, khi ra đường, mọi người gọi tôi là Thị Mầu, thậm chí không nhớ tên mình là gì, họ yêu mình là yêu chèo, tôi vui vì điều đó và như thế là mình đã thành công. Cho nên tôi vẫn tâm niệm rằng, những giá trị nghệ thuật đích thực không mất đi mà sẽ luôn tồn tại và có chỗ đứng bền vững trong lòng khán giả.

- Chèo cũng như những bộ môn nghệ thuật truyền thống đang thiếu những người trẻ kế cận, dân gian vẫn nói, "thầy già con hát trẻ", nhưng  điều đó có vẻ không phù hợp, bằng chứng là vai Thị Mầu của chị vẫn chưa có người thay thế?

+ Một phần có lẽ do tôi hợp với vai đó và tôi thành công đúng thời điểm khán giả thích Thị Mầu. Nhà hát có nhiều bạn trẻ giỏi nhưng không hợp vai Thị Mầu mà hợp vai Mụ hay đào chính. Đôi khi còn phụ thuộc vào ý thích của khán giả nữa, khán giả Việt Nam rất chung thủy, nhất là khán giả yêu chèo. Còn để khẳng định tên tuổi có nhiều yếu tố.

Tôi ra trường năm 17 tuổi nhưng phải đến 25 tuổi mới thành công với vai Thị Mầu, phải chục năm trong nghề, nghề này không vội vàng, ăn xổi được. Ở nhà hát Chèo cũng luôn tạo điều kiện cho các em mới ra trường. Quan trọng là các em phải kiên định với con đường mình chọn, đi theo chèo mà muốn ăn xổi, nhanh thì không thể.

Thực tế, có nhiều bạn trẻ đang có chỗ đứng trong lòng khán giả yêu chèo như nghệ sĩ trẻ Quốc Phòng, Việt Thắng, Thu Hòa... Nhưng vì chèo không thịnh hành, không phải là môn nghệ thuật phổ biến với những người trẻ nên không được truyền thông săn đón.

Nhìn trên bề mặt truyền thông cũng phải xem lại, đôi khi sự nổi tiếng không phải từ thành quả nghệ thuật. Nhiều bạn trẻ đi lên, khẳng định tên tuổi bằng những điều phù phiếm, những scandal, để chỉ cần tên mình được nhắc đến chứ không cần làm gì cả. Cho nên việc nhớ tên nghệ sĩ hay không chưa khẳng định được nghệ sĩ đó là tài năng. Điều quan trọng là trong giới thừa nhận và nể phục nhau.

Nghệ thuật truyền thống nếu không có bảo trợ sẽ dễ bị mất bản sắc

- Chèo Hà Nội là một nhà hát năng động, đã vượt qua định kiến eo sèo của sân khấu truyền thống để hoạt động và tiếp cận khán giả. Nhưng theo chị, nghệ thuật truyền thống có cần sự bảo trợ của nhà nước?

+ Vấn đề này có hai mặt của nó, nghệ thuật truyền thống tự bơi thì việc biến thái dễ xảy ra, thực tế là đã có những đoàn tỉnh sát nhập, biến thành nhà hát nghệ thuật tổng hợp, chỉ diễn tổng hợp thôi. Với mưu cầu cuộc sống, họ phải làm cái gì kiếm được tiền, không trách họ được.

Thế nên, nếu nghệ thuật truyền thống muốn tồn tại và kiểm soát được nên có sự bảo trợ của nhà nước, tuy nhiên cũng không thể bao cấp mà đóng chúng tôi vào khung và chỉ làm những vở diễn theo đơn đặt hàng nhưng không ai xem.

Chúng tôi phải đi bằng hai chân, bảo tồn nhưng vẫn phát triển. Điều này, cần sự thảo luận và hậu thuẫn bằng cách nào đó. Ở nước ngoài, họ bảo tồn truyền thống rất ghê, luôn có sự bảo trợ của nhà nước hoặc các mạnh thường quân. Còn ở Việt Nam, câu chuyện này vẫn còn “loay hoay” lắm.

- Thế nhưng nhà hát chèo Hà Nội vẫn dũng cảm thực hiện chuỗi chương trình "Hà Nội đêm thứ 7" ở sân khấu rạp Đại Nam, diễn các vở chèo vào tối thứ 7 hàng tuần. Chị có nghĩ là mình liều trong thời buổi khó khăn của sân khấu thế này không?

+ NSND Thúy Mùi, Giám đốc nhà hát Chèo và chúng tôi mong mỏi có một sân khấu để cho nghệ sĩ chèo và nghệ sĩ dân gian được làm nghề. Cứ làm thôi, nếu chờ thì mãi mãi chúng ta không làm được.

Tại sao chúng ta có sẵn mọi thứ mà không làm. Mặc dù làm sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây là chương trình mang tính nghệ thuật hướng tới những khán giả yêu chèo thực sự, họ sẽ được thưởng thức trọn vẹn 2 tiếng đồng hồ một vở diễn như "Quan Âm Thị Kính", "Nàng Sita"... và các loại hình như hầu đồng...

Mong rằng, sân khấu "Hà Nội đêm thứ 7" sẽ phát triển, trở thành một địa chỉ văn hóa của khán giả Hà Nội. Làm chương trình này cũng là cách chúng tôi chủ động đi tìm khán giả, gieo thói quen cho họ từ biết đến thích và yêu nghệ thuật chèo. Bởi chèo có sức quyến rũ ghê gớm, ngay cả với chính tôi, đôi khi tôi cũng không hiểu tại sao mình lại mê đắm với chèo đến thế.

- Thực tế có nhiều nhà hát đã có những ý tưởng như thế nhưng chỉ một thời gian, chương trình dừng lại. Chị có nghĩ, "Hà Nội đêm thứ 7" sẽ đi được đường dài?

+ Chúng tôi có vở diễn, có nhân lực, có tình yêu của các nghệ sĩ và sự cộng hưởng của khán giả, tôi tin "Hà Nội đêm thứ 7" sẽ đi đường dài. Mong muốn của chúng tôi là rạp Đại Nam sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa thường niên dành cho những người yêu nghệ thuật truyền thống, sau này có thể mở rộng ra các loại hình khác như cải lương, quan họ... chứ không chỉ có chèo.

- Chị bây giờ là phó Giám đốc nhà hát Chèo Hà Nội, có rất nhiều học trò theo học chị. Chị có nhắn gửi gì cho những nghệ sĩ trẻ đang ngập ngừng đứng trước những lựa chọn?

+ Tôi đã đi qua rất nhiều những khó khăn, vất vả nhưng niềm vui cũng không ít. Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, con đường này sẽ vất vả, chông gai nên khi lựa chọn phải kiên định. Hiện nay sân khấu chèo có nhiều bạn giỏi, bắt đầu có những thành công nhưng cũng bắt đầu có sự ngập ngừng, vì làm nghề quá vất vả, mãi không được tung hô, nổi tiếng.

Họ đang có xu hướng làm cái nọ, cái kia, không kiên định. Nhưng nếu thế, các em không thành công được. Nếu không khẳng định được tôi là nghệ sĩ chèo giỏi thì các em sẽ luôn chông chênh như thế, không thành công được. Tôi ngay từ khi ra trường đã kiên định rằng con đường mình đi phải là chèo, phải làm cho người ta thích nó, khi người ta ấn định cô này là diễn viên chèo thì tôi hát dân ca chỉ tăng thêm tình yêu của khán giảå với mình thôi.

Nhiều bạn trẻ đang chọn chèo nhưng đi được đến cuối con đường không dễ dàng. Ai đủ gan góc, bản lĩnh thì mới đi được. Tôi vẫn thường xuyên nói chuyện với các bạn trẻ, động viên họ. Bây giờ tôi có được tất cả là do tình yêu của mình đối với con đường mình chọn.

Tôi luôn cảm ơn cuộc đời đã cho tôi là một nghệ sĩ chèo, được đứng trên thánh đường sân khấu, hóa thân vào những nhân vật mình yêu mến và nhận được rất nhiều tình yêu thương của khán giả. Sống và được làm công việc mình yêu và đam mê, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

V. Hà (thực hiện)

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文