NSƯT Trần Ly Ly: Chỉ có ngọn lửa đam mê

10:30 25/09/2019
Đam mê múa từ khi còn nhỏ, NSƯT, biên đạo múa Trần Ly Ly là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền nghệ thuật múa đương đại Việt Nam. Trên nhiều cương vị, với những vai trò khác nhau nhưng dù ở đâu, làm gì, tâm huyết và sự sáng tạo của của chị vẫn luôn dành cho nghệ thuật múa...


Riêng trong năm nay, nhân dịp kỉ niệm 60 năm Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, trên cương vị Giám đốc, NSƯT Trần Ly Ly tham vọng tạo dấu ấn và bước chuyển rõ rệt với một chương trình lớn như dàn dựng vở ba lê "Hồ Thiên Nga", opera "Người tạc tượng". Với chị, chỉ có ngọn lửa đam mê nghề nghiệp mới có thể làm say mê cả đoàn tàu gồm 160 nghệ sĩ.

Mong muốn đưa múa đương đại tới gần hơn với công chúng

- Xin chào biên đạo múa Trần Ly Ly! Mặc dù được học với rất nhiều loại hình múa nhưng tại sao chị lại gắn bó nhiều với múa đương đại? Nó hấp dẫn chị ở điểm nào vậy?

+ Thực ra múa ba lê cổ điển là một bộ môn múa rất tuyệt vời, có tính khoa học cũng như có trình độ cao về kĩ thuật và đòi hỏi cơ thể phải đủ chuẩn. Ở đây là chuẩn của châu Âu, tức là chân tay dài trong khi thực tế cơ thể của người Việt cũng như người châu Á thì hiếm người có cơ thể phù hợp với múa ba lê cổ điển. Vì vậy, tôi cảm thấy múa đương đại phù hợp hơn với cơ thể của mình. 

Múa đương đại cũng là bộ môn mới, có thể tìm tòi những hướng khác không giống múa cổ điển. Nó có tính tư duy xã hội, phá vỡ những quy tắc của cổ điển và đi tìm tòi những gì mới, khai thác triệt để toàn bộ cơ thể chúng ta mà không cần nhiều hình thức theo kiểu chuẩn như của ba lê cổ điển.

- Với những đứa con tinh thần của mình, chất liệu để chị đưa vào tác phẩm là như thế nào?

+ Ngôn ngữ đương đại rất là đa phương tiện và đa chiều lắm. Ta không khu trú, bắt buộc mà là sự khai thác về cơ thể, nội tâm, trí tuệ, về ý tưởng và kết cấu nữa. Nó là tổng thể đa phương tiện, dùng ngôn ngữ đương đại làm chủ thể để thể hiện ra ý ta muốn đạt được. Đó là ý tưởng về cuộc sống, về con người, xã hội. Dùng múa đương đại để thể hiện những góc nhìn, cảm nhận hay tư duy, quan điểm về đời sống.

- Đến với Liên hoan "Châu Âu gặp châu Á trong múa đương đại 2014," chị đã chọn đưa tác phẩm "7X" lên sân khấu. Được biết, đây là dự án múa đương đại duy nhất ở nước ta được làm hoàn toàn bởi những nghệ sỹ Việt Nam. Chị có thể chia sẻ thêm về tác phẩm này?

+ Trong thời điểm năm 2014 tôi nghĩ rằng người Việt Nam hoàn toàn có thể đứng mũi chịu sào và làm hoàn toàn một tác phẩm nghệ thuật đương đại không cần bất kì yếu tố nước ngoài nào. Chúng ta hoàn toàn có thể làm một sản phẩm hoàn chỉnh về đương đại của người Việt Nam, về múa. 

Tôi nghĩ các bạn diễn viên, đạo diễn-chính là tôi đã hoàn toàn tự tin và hoàn toàn có thể chủ động ra một sản phẩm hài lòng với chính bản thân mình trong thời điểm đó, dám tự hào đứng cạnh các bạn ở các nước khác về nghệ thuật múa đương đại trong thời điểm đó.

- Hiện nay ở nước ta vẫn chưa có sân khấu dành riêng cho múa đương đại. Và thực sự đây cũng là loại hình nghệ thuật kén khán giả. Con đường để múa đương đại gần hơn với công chúng dường như còn xa?

+ Thực ra nó cũng không xa lắm. Gần đây có những liên hoan múa đương đại châu Âu gặp châu Á hai năm một lần. Sẽ rất là thú vị! Thứ nữa, bây giờ tôi đang nhận trách nhiệm Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thì đây là cơ hội lớn để tôi đưa ra những sản phẩm cả về ba lê, múa đương đại của Việt Nam và quốc tế gần hơn với công chúng và sẽ biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Lớn Hà Nội. 

Tôi mong rằng khán giả sẽ đón nhận. Bởi vì với loại hình mới thì trước hết ta nên mở rộng lòng của ta và ta cảm thấy hứng thú muốn biết cái mới, dần dần ta sẽ thấy cái hay cái đẹp của nó nếu ta thực sự mong muốn được biết những điều mới. Thực ra nó không phải là mới với thế giới vì nó đã có nhiều năm nay và như một món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với người dân ở các nước có nền văn minh tiên tiến.

Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam dựng lại vở ''Hồ thiên nga''.

Bây giờ, rất hiếm nhạc sĩ viết được nhạc kịch 

- 9 năm làm việc trong môi trường sư phạm, bây giờ chị chuyển sang quản lý một đơn vị nghệ thuật, chắc hẳn đây là quyết định để chị hiện thực hóa những tâm huyết của mình?

+ Về với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thì khát vọng về nghề của tôi rất lớn, vì đây là nhà hát về opera, hợp xướng, giao hưởng, kịch múa lớn nhất Việt Nam. Với khoảng 140-160 người gồm ba đoàn: đoàn hát, đoàn nhạc và đoàn múa thì chúng tôi hoàn toàn có thể làm những vở kịch múa mà trước đây không có nhiều lắm.

 Bây giờ tôi đang hướng đến làm những vở múa ba lê, múa đương đại hay là những nhạc kịch lớn, vừa là tác phẩm nước ngoài, vừa là tác phẩm Việt Nam để có thể mang đến cho công chúng Việt Nam gần gũi hơn với loại hình nghệ thuật này. Năm nay chúng tôi dự định ra vài vở lớn và sẽ bán vé tại Nhà hát Lớn, thành sê-ri tác phẩm để mọi người có thể được xem.

- Chị đang nói đến vở ba lê "Kẹp hạt dẻ" và opera "Người tạc tượng" sẽ công diễn vào đầu tháng 10 này?

+ Vở nhạc kịch "Người tạc tượng" của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận ra mắt lần đầu năm 1975, được coi là di sản âm nhạc đỉnh cao của Việt Nam, thể hiện tinh thần quật cường, ý chí dũng cảm của người Việt nhưng được thể hiện dưới hình thức mới về sân khấu. 

Đây cũng là điểm nhấn của chương trình kỉ niệm 60 năm Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, bởi mục đích của Nhà hát nhằm tôn vinh những vở nhạc kịch do chính các nhạc sĩ Việt Nam viết. Chúng tôi mong mọi người hãy trân trọng nghệ thuật bằng cách mua vé đi xem, để trân trọng, để nuôi sống nghệ sĩ.

- Vì sao bây giờ ít người viết nhạc kịch, phải chăng họ cần nhiều thời gian và sự đầu tư?

+  Để viết được cần phải giỏi! Đấy là nhu cầu xã hội. Đấy là một cái đích để phát triển của nghề nghiệp. Bây giờ cái đích để phát triển nghề nghiệp có quá nhiều hướng. Ngày xưa viết nhạc kịch mới là đẳng cấp. Những nhạc sĩ viết được nhạc kịch rất hiếm! Hay là viết được một vở khí nhạc cũng hiếm. 

Bây giờ viết ca khúc cũng có cái khó của nó, nhưng mà tầm để viết nhạc kịch thì không phải ai cũng viết được. Bây giờ lại càng khó hơn vì ai sẽ đầu tư và khả năng thì ai sẽ là người viết được cả một nhạc kịch. Nhạc kịch có rất nhiều tình tiết, nội dung... không thể tả được nhưng mà nó có quá nhiều hình thức thể hiện trong 1 vở. 

Ngoài ra phải rất sâu sắc về lời, về nội dung kịch bản ấy. Viết nhạc kịch phải viết cả lời, không phải ca khúc mà là một chuỗi những ca khúc và một chuỗi hình thức khác nối lại thành một vở. Mỗi vở thường thường từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Giống như một người viết truyện ngắn cũng rất là khó nhưng một người viết tiểu thuyết cũng rất khó và nếu viết được dòng lớn như thế thì rất tuyệt vời.

- Vì thế mà muốn dựng những vở nhạc kịch Việt Nam thì chủ yếu mình phải lấy lại những vở nhạc kịch của các cố nhạc sĩ, thưa chị?

+  Cho đến bây giờ, tức 10 năm trở lại đây mình không thấy nhiều chứ không phải là không có. Gần đây những nhạc sĩ viết nhạc kịch không nhiều, quả thực gọi là đếm trên đầu ngón tay. Gần nhất là anh Đỗ Hồng Quân. 

Gọi là lớp trẻ nhưng bây giờ đã khá già rồi, nhưng mà lớp trẻ nữa thì mình chưa thấy có. Thế thì mình mong muốn những người 20 tuổi, 30 tuổi của Việt Nam phải viết nhạc kịch. Nhưng đó là tương lai. Xã hội đến một lúc sẽ cần điều đó nhưng có thể mô hình nó khác. Viết nhạc kịch là phải dựa vào những gì xảy ra trong xã hội.

- Cảm ơn biên đạo múa Trần Ly Ly đã dành thời gian chia sẻ! 

NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam

"Trần Ly Ly là một trong những biên đạo trẻ có nhiều đóng góp về sự sáng tạo mới và cũng có nhiều tác phẩm được giải thưởng và được công bố. Trần Ly Ly luôn sáng tạo mới, chịu học những ngôn ngữ múa hiện đại, múa nước ngoài nhưng qua đó đưa vào múa Việt Nam thông qua những động tác của dân tộc Việt Nam. Ly Ly biết phát huy cái mới, tuy là mang màu sắc hiện đại nhưng người ta vẫn tiếp thu đấy là múa Việt Nam". 

Đinh Thúy (thực hiện)

Ngày 6/1, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương đã có buổi khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp trong CAND nhiệm kỳ 2025-2030 tại Đảng bộ Cục An ninh chính trị nội bộ (ANCTNB).

Từ năm 2023 đến khi bị bắt, những kẻ phạm tội đã câu kết với nhau thành lập các hội nhóm trên mạng xã hội để tạo lập, thu thập và mua bán thông tin tài khoản ngân hàng trái phép của hàng nghìn người trên địa bàn huyện Thạch Thành, Thanh Hóa và các tỉnh thành trên cả nước, sau đó bán lại cho người khác, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.

Ngày 5/1, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ thành công 1 đối tượng về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ 6 bánh heroin và 12 nghìn viên ma túy tổng hợp.

Chiều 6/1, đoàn xe đón đội tuyển bóng đá Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, sau đó di chuyển qua nhiều tuyến phố, rất đông người hâm mộ đón chào thầy trò HLV Kim Sang Sik. Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm an ninh trật tự và TTATGT cho lộ trình đón đoàn từ sân bay Nội Bài về Văn phòng Chính phủ.

Năm 2025, các ngân hàng và các chuyên gia kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ ổn định đi ngang do quá trình hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đang bắt đầu và sẽ tiếp diễn; mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp, tuy nhiên, vẫn có sự phân hóa.

Ngày 6/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Hòa (Phú Yên) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam 10 đối tượng trong một đường dây tội phạm. Các đối tượng không chỉ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mà còn tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức cá cược bóng đá, ghi số lô đề với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Đêm 5/1, sau khi trận bóng đá chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 với chiến thắng thuyết phục của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan và lên ngôi vô địch, hàng chục vạn người Hải Phòng đã xuống đường ăn mừng. Tuy nhiên có một bộ phận quá khích gây ảnh hưởng đến ANTT, TTATGT đã bị lượng Công an kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文