Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ 'để chia cùng ngọt đau'

09:00 20/09/2015
Tôi vào Hội Nhà văn sau Lâm Thị Mỹ Dạ rất nhiều năm. Nàng thuộc lớp nhà văn thời kỳ chống Mỹ. Lúc đó tôi là một cô giáo dạy văn và có làm thơ. Tôi ngưỡng mộ nhiều nhà thơ thế hệ chống Mỹ. Lần đầu gặp nàng tôi ngỡ ngàng khi được ngắm và chuyện trò với một nhà thơ nữ xinh đẹp và đáng yêu đến vậy. Cái giọng nàng nói nghe thương làm sao.

Huế thì tôi vào nhiều lần rồi, nhưng lần đầu tới thăm nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, ăn sáng ở nhà anh, được vợ nhà thơ chăm sóc chu đáo và rồi cùng anh chị tới thăm Lâm Thị Mỹ Dạ.

Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường đang tiếp khách, những người bạn, người hâm mộ anh từ xa tới thăm. Anh ngồi trên xe lăn nhưng nhìn vẫn phong độ lắm. Anh nhận ra tôi ngay dù đã lâu không gặp. Bạn tôi, Mỹ Dạ từ trong nhà chạy ra. Chúng tôi ôm lấy nhau tíu tít câu chào hỏi. Nàng lôi ngay tôi vào phòng trong để hai đứa chuyện với nhau.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Mỹ Dạ kể tôi nghe chuyện nàng sáng tác ca khúc. Nàng đi nhanh lên gác lấy đĩa tặng tôi. Nàng vừa đi vừa hát khe khẽ. Tiếng nàng nghe líu ríu như tiếng chim cứ nhẹ nhàng những âm hưởng bình yên. Tôi ngồi lặng lẽ ngắm bạn vừa yêu vừa thương vừa cảm phục. Hình như sự hồn nhiên ấy giúp bạn tôi vượt qua những nỗi buồn, qua những gì không may mắn. Nàng ngây ngây thơ thơ (mượn từ của nhà thơ Xuân Diệu trong "Tỏa nhị kiều").  Chúng tôi chụp ảnh với nhau, tặng nhau sách. Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường viết tặng cho tôi. Chữ anh hơi run nhưng nét vẫn rõ.

Tôi vào Hội Nhà văn sau Lâm Thị Mỹ Dạ rất nhiều năm. Nàng thuộc lớp nhà văn thời kỳ chống Mỹ. Lúc đó tôi là một cô giáo dạy văn và có làm thơ. Tôi ngưỡng mộ nhiều nhà thơ thế hệ chống Mỹ. Lần đầu gặp nàng tôi ngỡ ngàng khi được ngắm và chuyện trò với một nhà thơ nữ xinh đẹp và đáng yêu đến vậy. Cái giọng nàng nói nghe thương làm sao.

Thỉnh thoảng Mỹ Dạ hay từ Huế ra Hà Nội họp hành chi đó. Tôi thì bận rộn với việc đi dạy, chăm lo gia đình nên không có nhiều thời gian gặp bạn bè. Riêng nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến rất hay đón bạn thơ, hay mời các bạn thơ tới nhà gặp gỡ, nhất là khi có các bạn thơ tỉnh xa về Hà Nội. Mỗi khi Mỹ Dạ từ Huế ra là Lam Luyến thường gọi tôi. Tan lớp là tôi vù lên với bạn, khi là trưa, khi là tối. Một bữa cơm ngon vì Luyến chu đáo, nhiệt tình bè bạn lắm. Chị em chúng tôi ngồi tới khuya. Ai cần về thì cứ về trước thôi. Từ nhà mấy chị em lên nhà Lam Luyến đều xa. Có lần lên đêm về mưa nhiều. Nhưng vui là đến không ngại nắng mưa.

Mỹ Dạ hay ngủ lại nhà Lam Luyến dù nàng có tiêu chuẩn ở khách sạn. Hình như nàng sợ ở một mình. Có lần nàng gọi và tôi để chồng con ở nhà đến khách sạn ngủ cùng nàng.

Nhà thơ Bùi Kim Anh (tác giả bài viết) cùng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (bên phải).

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, khi Mỹ Dạ ra cũng hay đón về nhà chị. Thế là lại đến chị để cả bọn ngồi vui. Chị Nhàn cũng nấu ăn ngon, bày biện món ăn đẹp mắt. Nào em Nguyễn Bảo Chân, rồi Phạm Hồ Thu, Đoàn Thị Lam Luyến, Đỗ Bạch Mai… và tôi. Mỹ Dạ hay lắm, nàng giở tờ vẽ sơ đồ bói chén ra thế là mấy chị em quây vào cùng cười vui. Thế thôi.

Lâm Thị Mỹ Dạ được ưu ái nhất vì nàng như vậy đấy, rất nhỏ nhẹ. Cứ lúc nào ra Hà Nội cũng tìm chúng tôi khi người này người nọ. Chợt nhớ đến nhà thơ Nguyễn Đức Quang, lúc nào chị Dạ ra, cần là đưa đón chị đi đây đó. Cái xe ga của tôi bé tí mà cũng nhiều lần hai đứa chở nhau, nàng thơ Mỹ Dạ váy lòe xòe ngồi sau phóng vù vù  trên phố.

Tụ tập khi đón bạn rồi lại tụ tập khi tiễn bạn. Khi từ Huế ra, Dạ mang cho bạn bè quà Huế - lọ tôm chua, gói kẹo mè xửng giòn. Quà cho Mỹ Dạ thường là lạng chè Thái, túi mận, túi sấu theo mùa quà Hà Nội. Rồi tiễn Mỹ Dạ vào tận sân ga. Uống với nhau chén trà nơi ga tàu rồi vẫy nhau cứ như tiễn người đi xa lắm. Nghĩ lại bây giờ vừa buồn cười vừa thấy hay hay. Nói như kiểu khác là chỉ các nhà thơ mới như vậy.

Kỷ niệm về các bạn thơ trong tôi nhiều lắm, với Lâm Thị Mỹ Dạ cũng nhiều. Còn đây chiếc áo đỏ hoa văn đen tôi và Mỹ Dạ may cùng nhau. Nhiều lần Dạ ra Hà Nội mặc nên đã bạc. Còn đây bộ váy áo nhiều khuy Dạ đưa tôi mặc. Mở tủ ra thấy áo lại nhớ bạn.

Thế rồi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tai biến. Mỹ Dạ trong Huế, thương nhau chỉ nhắn gửi mà thôi. Rồi hai vợ chồng bạn ra Hà Nội để chữa bệnh. Chúng tôi lại đến với nhau. Căn phòng khách Hội Nhà văn ở phố Nguyễn Du trên tuyến đường tôi đi dạy học từ trường về nhà nên thỉnh thoảng rẽ vào. Nhìn thức ăn, bếp núc trong phòng bạn ngổn ngang chợt nhớ nhà mình có chiếc tủ lạnh bé. Dạ ơi mình mang đến cho bạn dùng tạm nhé. Thế là tạm ổn cho đồ ăn rồi. Vợ chồng Mỹ Dạ ở Hà Nội hình như cũng khá lâu. Và rồi một ngày tôi nhận được điện thoại  của Dạ: "Kim Anh ơi mình cho xe chở tủ lạnh gửi lại Kim Anh nhé. Mình trở về Huế đây. Cảm ơn nhiều đấy". Ôi cái tủ lạnh nhỏ của con gái để trên phòng mấy khi dùng đâu. Chỉ nghĩ để bạn dùng được là tốt rồi. Mỹ Dạ cẩn thận thật.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ bên chồng, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Lễ kỷ niệm 55 năm Hội Nhà văn Việt Nam gặp được bao bạn văn chương. Tôi chờ Dạ vì biết nàng ở trong Ban chấp hành cũ thì thể nào cũng được mời ra. Biết tin Dạ yếu nhưng không hình dung nổi yếu như thế nào. Hội trường đầy người. Các nhà văn trong ban chấp hành các khóa lên sân khấu. Mỹ Dạ đấy, nàng không mặc váy dài như mọi lần mà trong bộ áo quần bình thường gọn ghẽ. Mỗi nhà văn một bó hoa ôm trong tay lần lượt đi xuống. Bạn tôi đi chầm chậm, quay ngơ ngác chắc chưa rõ đi tiếp thế nào. Chỉ đến lúc xong phần nghi lễ, tôi mới có thể đến bên bạn. Bạn tôi, nhà thơ nổi tiếng, người phụ nữ xinh đẹp, chau chuốt bây giờ thế này sao. Dắt bạn đi từng bước sang khách sạn mà lòng thật buồn.

Nhà thơ Đức Quang từ trong đám đông lách đến bên tôi và Dạ, cẩn thận nhắc: "Chị dắt chị Dạ cho em nhé". Em thật ân cần. Đi đâu chẳng ầm ĩ, nói năng gì mà thật tinh tế và chu đáo. Chắc Đức Quang cũng lo lắng nên thấy tôi đi cùng Dạ mới yên tâm. Mấy chị em ngồi cùng bàn với nhau. Mỹ Dạ ngồi ăn nhỏ nhẹ bên cạnh Dư Thị Hoàn, Tuyết Nga. Hai nàng thơ gắp thức ăn, xé thịt gà cho Dạ từng chút từng chút. Các bạn văn chương qua lại đều dừng thăm hỏi Dạ và mấy chị em.

Lâm Thị Mỹ Dạ đi ra Hà Nội cùng nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu. Bạn ấy tháo vát chứ như tạng tôi chắc không làm nổi. Mỹ Dạ chậm rồi. Mỹ Dạ vốn ngơ ngác giờ lại càng thêm ngơ ngác. Hồng Cầu đi họp bên Hội mà nhà tôi gần Hội nên tôi nói để Dạ ở nhà tôi chơi. Mỹ Dạ ngồi đấy, tôi kêu ăn uống gì nghe theo. Nàng xỏ dép đi ra cửa thì nhầm chân phải trái. Nàng muốn đi vệ sinh thì quay một vòng tính đi ra cửa. Thấy vậy, con gái tôi cúi xuống chỉnh dép cho cô và dắt cô quay vào trong nhà. Mỹ Dạ lúng túng trong sinh hoạt cá nhân rồi. Từ phòng tắm đi ra đầu nàng bị vòi nước làm ướt. Lau cho bạn mà chỉ muốn khóc.

Như quên nhưng lại rất nhớ. Nàng nói chuyện với chồng con tôi, nhớ tên các cháu.  Mỹ Dạ giở tuyển tập thơ ra tặng tôi và cắm cúi viết. Dạ bắt đầu viết khó rồi, chữ run rồi, đòi ghi cả tặng chồng tôi nhưng lầm bầm chưa kịp nhớ tên. Mỹ Dạ ngồi buồn kêu tôi gọi Hồng Ngát, gọi Sửu… tới. Và các bạn  đều đến nhà tôi thăm Mỹ Dạ. Mỹ Dạ được bao bạn đón về nhà chơi - Hoàng Việt Hằng, Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phạm Hồ Thu. Nhà thơ Mai Linh đến chào chị Dạ và mời cơm. Thế là đúng trưa 21/12/2012 có 5 nữ sĩ - Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Bính Hồng Cầu và Bùi Kim Anh - trên con thuyền của ngày tận thế lên trang báo điện tử TỔ QUỐC mà Mai Linh làm Tổng Biên tập. Cuộc gặp gỡ âu cũng duyên tình.

Nhân ra Hà Nội, Nguyễn Bính Hồng Cầu muốn đi về quê Nam Định thắp hương cho bố, nhà thơ Nguyễn Bính. Con trai tôi là fan hâm mộ nhà thơ, thuộc nhiều thơ Nguyễn Bính đã đưa mẹ và các cô: Hồng Cầu, Dư Thị Hoàn và Mỹ Dạ đi. Rủ Dạ ở nhà đi chơi thăm các bạn nhưng nàng dứt khoát đòi đi. Dạ muốn tới thắp hương. Thì phải để Dạ đi thôi. Đi hay ở thì đều thương Dạ lắm. Lên xe một quãng Dạ kêu đau bụng. Dư Thị Hoàn lo xoa cho bạn. Mấy chị em lo chuyện cho Dạ quên đau. Đến nhà tưởng niệm cố nhà thơ, Mỹ Dạ cùng chị em thắp hương vái và chụp ảnh nhẹ nhàng như tính nàng xưa nay.  Quay về Dạ kêu  đau đầu. Lo quá chỉ mong mọi sự yên bình với Dạ. Mấy chị em lại xoa đầu, lại chuyện trò, cho Dạ uống nước, ăn chút hoa quả. Cô xuống xe đi dép lại sai bên, con trai vừa nhắc vừa chỉnh dép cho cô Dạ. Con trai cũng lo lắng lắm vì thấy cô yếu.

Những ngày ở Hà Nội với bạn bè rồi cũng qua. Mỹ Dạ đã về Sài Gòn. Hồng Cầu về tới nơi đã gọi điện ra rồi. Bình  an chị ạ. Chị yên tâm.

Nàng thơ của tôi, người bạn gái đáng yêu của chúng tôi bây giờ yếu ớt quá. Lại còn nữa nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường của Mỹ Dạ cũng bệnh nặng. Cũng biết ở đời, người ta mỗi người một mệnh số, một may rủi khác nhau, mà chính mình đây bao nhiêu cơ cực nhưng buồn lắm khi nhớ về bạn.

Bây giờ chỉ biết cầu mong.

Bùi Kim Anh

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文