Nhạc sĩ Duy Thái: Chàng lãng tử hát tình ca

13:22 19/07/2016
Người ta nói nhạc sĩ Duy Thái là một "đặc sản" của đất biển Hải Phòng có lẽ đúng. Một "đặc sản", thông qua hàng trăm bản tình ca mà anh đã viết đều có bóng dáng mặn mòi của biển, với sóng, gió, nắng, mưa và chan chứa nỗi niềm xao xác trong tâm hồn. Một "đặc sản", với dáng vóc phong trần, lãng tử trong cách sống đậm chất Hải Phòng, sần sùi lầm lũi nhưng lai láng tình đời...


Những ký ức nồng nàn một thuở

Mới đây tôi có dịp gặp lại nhạc sĩ Duy Thái khi hay tin anh đang chuẩn bị một chương trình ca nhạc cho một người bạn nhạc sĩ vào quý ba năm 2016. Đây là sáng kiến của anh, với cương vị Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hải Phòng, mỗi quý làm một chương trình cho tác giả, nhạc sĩ hội viên. 

Anh làm công việc này đã mấy năm nay, với tâm thế chia sẻ những sáng tạo nghệ thuật mới, qua những giai điệu quê hương đất biển đến với cộng đồng. Trước hết là âm nhạc của người Hải Phòng hát lên cho người Hải Phòng nghe. Từ đó những giai điệu biển thao thiết ngày đêm, vang vọng muôn nơi, những tâm sự gửi trao. 

Đó là một sân chơi âm nhạc độc đáo của người Hải Phòng mà chưa nơi nào có được. Và, tôi nghĩ bóng dáng của Duy Thái là vậy, trọng nghĩa trọng tình. Nặng lòng với đời, trước hết là với những đồng nghiệp, nhạc sĩ đất cảng. Chả thế một nhạc sĩ đã ghé tai tôi trong bàn trà rằng, không có Duy Thái mất vui.

Tôi cũng nghĩ thế. Bởi chợt nhớ, hồi nảo hồi nào tôi đã gặp anh, trên sân khấu của đoàn kịch Hải Phòng, khi diễn vai Thị vệ Káp trong vở "Âm mưu và tình yêu". Hình như đó là vai anh hóa thân đặc sắc nhất, khi còn là diễn viên của sàn diễn kịch chuyên nghiệp Hải Phòng. 

Nhưng mươi năm sau đó, anh đi tìm cuộc chơi mới, sắm vai mới cho sự nghiệp nghệ thuật của mình đó là âm nhạc. Thật ra đó là một quyết định đầy bản lĩnh, cho dù khi đó Duy Thái đã nổi tiếng như cồn qua ca khúc "Lời của gió", năm 1987, do Hồng Nhung và Quang Vinh song ca. Nhất là khi Hồng Nhung đoạt giải Nhất cuộc thi ca nhạc nhẹ lần thứ hai qua bài "Lời của gió", năm 1991, thì Duy Thái rời bỏ hẳn sân khấu. 

Đúng là Hồng Nhung xứng danh là lập nghiệp từ "Lời của gió", thì Duy Thái cũng vậy, anh là cha đẻ của tác phẩm và cũng khởi nghiệp từ đây. Quả nhiên sau đó, nhạc sĩ Duy Thái còn có những tình khúc mới hay hơn, chuyên nghiệp hơn như "Tìm tên anh trên bờ cát", "Hãy đến với em", "Phố vắng", "Giọt nắng mùa thu", "Em về Paris", "Trăng vào phố thị"… Và, anh đã trở thành hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam, năm 1993.

Nhạc sĩ Duy Thái.

Mỗi ca khúc đều là nỗi niềm trăn trở mà nhạc sĩ đã gửi trao cho những kỷ niệm khó quên. Anh tâm sự, ngọn nguồn ca khúc "Lời của gió" (1985) viết tặng riêng cho cô giáo Việt Phương, giảng viên trường Đại học Y Hải Phòng, như một món quà của biển vậy. Trong veo, tha thiết và chân thành, tựa như một cánh diều tình yêu bay bổng, lãng mạn. Sáng tác xong tặng người đẹp rồi chỉ cất ngăn kéo để đó với những cảm xúc bâng khuâng hồn nhiên vậy thôi. 

Mãi tới hai năm sau, "Lời của gió" bất ngờ tung bay qua giọng hát Hồng Nhung và Quang Vinh. Và, nhạc sĩ Duy Thái cũng nổi tiếng từ đó, khởi đầu cho một nhạc sĩ của tình yêu. Nhưng sau đó ca khúc "Hãy đến với em", viết năm 1986, lại có nỗi niềm thầm kín lạ kỳ, trong trái tim người nhạc sĩ. 

Đó chính là câu chuyện ngỡ như tình cờ khi Duy Thái gặp ca sĩ Ái Vân tại Hải Phòng trong một buổi biểu diễn. Theo lời hẹn anh lên thăm ca sĩ Ái Vân ở số nhà 38 phố Huế, Hà Nội. Một lời đề nghị chân tình từ người ca sĩ nổi tiếng và xinh đẹp này, khi cô nói Duy Thái viết cho mình một bài hát. Không ngờ yêu cầu ấy đã làm Duy Thái suy nghĩ và trăn trở, viết thế nào đây cho xứng với giọng hát vàng này. 

Bởi khi ấy ca sĩ Ái Vân đã được giải thưởng quốc tế và nức tiếng với bộ phim "Cô Nhung" xinh đẹp. Đó như một món nợ không dễ trả. Nhưng rồi cảm xúc đã bừng dậy trong cơn sóng biển cuộn trào. Trái tim người nhạc sĩ trẻ ở tuổi 30 ngày đó đã rung động, như một sự chia sẻ với cõi lòng khắc khoải của một nhan sắc, đến với tình yêu. Nỗi khao khát bật lên từ sự tuyệt vọng. 

Điệp khúc da diết, cháy bỏng: "Hãy đến với em, dù chỉ một lần nữa thôi. Hãy đến với em trong nỗi cô đơn. Trên con đường về lạnh lẽo đầy sương. Trong trái tim em, tình yêu vẫn cháy. Hãy đến với em bằng lời ca anh hát. Bằng lời ca anh hát…yêu em…". Sau này chính Ái Vân cũng tâm sự rằng, khi hát ca khúc này đã thấy hình bóng mình trong đó, nên cảm xúc thực sự huyền diệu.

NSND Quang Thọ hát ca khúc của Duy Thái.

Còn nữa, không ít bài hát anh viết tặng riêng cho những người đẹp, với nghĩa bạn bè tâm giao, nhưng đều là sự đồng cảm về số phận, hay sẻ chia với những cảm xúc thầm kín. Có thể kể ra những ca khúc đó như "Em về Paris", "Tương tư", "Người đi có nhớ", "Bến quê"… 

Nhưng thật bất ngờ khi nhắc đến bài "Phố vắng", qua giọng hát Ngọc Tân ngày nào, anh tâm sự đó chính là bài hát anh tặng vợ, một mối tình sâu nặng đã gắn bó suốt đời sau này. Mỗi lúc đi xa, nỗi nhớ lại cồn cào và niềm hy vọng về tình yêu, càng nồng nàn say đắm. 

Bài hát ra đời trong một đêm lang thang ở phố Lê Thánh Tông, trên Hà Nội, sau đêm biểu diễn. Chàng lãng tử đất biển nện gót giày trên đường phố Hà Nội, với những cánh sao lạnh lẽo trên bầu trời và lòng nhớ về người con gái mình yêu thương. Những câu hỏi làm day dứt cõi lòng và giai điệu nhớ, giai điệu thương như một sợi dây vô hình chắp nối giữa hai con tim. 

Nhịp đập đầu tiên là tiếng gọi: "Tình yêu ơi, từ nơi em bỗng nói". Lời ca của những bước phong trần hoang hoải: "Anh lang thang một mình trên phố vắng. Nghe trong đêm đường lạnh lẽ mưa rơi. Nơi đôi chân cùng với bao tháng ngày. Trong đêm nay anh quên lạnh vì ai?...". Giờ mà nghe lại Ngọc Tân hát lại, với sự lai láng cảm xúc ngày đó, quả là lạnh đến buốt giá con tim.

Nghe Duy Thái hát

Tôi thật bất ngờ khi nghe Duy Thái hát bài "Hải Phòng giữa trái tim tôi", trong một sự hứng khởi khi nói về thành phố, nơi mình sinh ra. Giọng anh lúc trầm lắng, lúc hào sảng, lúc lại rộn rã dâng trào. Quả là một tráng ca về một thành phố biển anh hùng. 

Giai điệu khỏe mạnh và cuồn cuộn cảm xúc với những lời ca thấm đẫm tình yêu quê hương: "Những dòng sông giữa trái tim tôi. Những dải lụa quanh thành phố. Năm dòng sông lộng gió biển khơi… Ta yêu những con người đất cảng. Những con người từ biển đi lên…". 

Sau một hồi thăng hoa cảm xúc, anh tâm sự một cách chân tình rằng, trước đây có không ít người viết ca khúc về Hải Phòng, chỉ cần viết khác đi cũng đã khó. Đáng chú ý, ấn tượng bài hát "Thành phố hoa phượng đỏ" của Lương Vĩnh, thơ Hải Như được coi như là một thương hiệu và giai điệu của Hải Phòng hàng chục năm nay. 

Là một người con của thành phố và một nhạc sĩ hoạt động rất nhiều cho phong trào âm nhạc của địa phương, trong tâm trí của anh luôn luôn ám ảnh việc cần phải sáng tác những ca khúc về Hải Phòng. Viết thế nào đây và viết sao cho xứng với tầm vóc của một thành phố anh hùng và là một thành phố biển có vị trí quan trọng của nền kinh tế và văn hóa miền Bắc. Tất cả như một dấu hỏi trĩu nặng trong lòng bao năm qua.

Ấp ủ và khát khao. Duy Thái bắt đầu bằng những bài hát truyền thống cho các đơn vị và các ngành hoạt động xã hội và kinh tế trong thành phố. Phải nói nhạc sĩ Duy Thái là một trong những nhạc sĩ sáng tác khá nhiều ca khúc theo đơn đặt hàng. Nào là kỷ niệm 70 năm Cảnh sát hình sự Hải Phòng; bài hát nhân dịp 95 trường Ngô Quyền…

Những tích lũy đó như là một quá trình trải nghiệm và càng thôi thúc Duy Thái nung nấu khám phá về chân dung Hải Phòng đổi mới, mang hơi thở hiện đại trên nền tảng của một quá khứ hào hùng. Rồi một ngày những cảm xúc cùng với những hình ảnh lung linh về thành phố đã bừng lên những giai điệu đầu tiên trong anh. 

Cứ thế anh đi dọc biển mà hát những lời ca rạo rực về quê hương thân yêu. Và, đúng với tình yêu "Hải Phòng giữa trái tim tôi", khi NSND Quang Thọ cất tiếng hát giữa thành phố lộng gió, người Hải Phòng nghe và hát theo như con tim mách bảo. Vì đúng họ là những người cần lao đi lên từ biển và những con tàu băng băng lướt sóng khơi xa…

Tính đến nay nhạc sĩ Duy Thái đã làm hơn mười đêm nhạc riêng của anh, ở những trung tâm ca nhạc lớn như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Vũng Tàu, Đà Nẵng…Chúng đánh dấu một chặng đường tình ca đầy lãng mạn của anh trong suốt ba mươi năm qua, tính từ ca khúc "Lời của gió". 

Anh cũng đã xuất bản Tuyển tập ca khúc Duy Thái và ra những album tình khúc. Hàng chục ca sĩ nổi tiếng đã chọn bài hát của anh biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới. Và cũng không ít lời chào mời đi đến những phương trời mới, nhưng anh vẫn luôn luôn hướng về Hải Phòng, nơi đã nuôi dưỡng cảm xúc và tình yêu âm nhạc của mình. 

Phong trần là thế. Như một chàng lãng tử, lang thang vô định, nhưng nhạc sĩ  Duy Thái chỉ một bề trọn nghĩa, với nơi mình được sinh ra và trưởng thành. Đi khắp nơi lại càng thấy yêu Hải Phòng hơn. Anh đang chuẩn bị cho mình một đêm nhạc, với những tình khúc mới, vào cuối năm nay. 

Đã thôi một thời "Lời của gió", Duy Thái hiện lên với một hơi thở mới, bên cạnh những tình ca đã tạo dấu ấn với thời gian. Anh cũng sẽ cho phát hành tuyển tập "Tình khúc Duy Thái", với những bài hát đã được hàng triệu người yêu thích. Đó cũng là những dấu ấn sau một chặng đường dài sáng tạo và cống hiến trên đất cảng quê hương.

Vương Tâm

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

Ngày 7/5, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chính thức diễn ra, bắt đầu chặng đường mới với không ít thách thức nhưng cũng nhiều hy vọng, nhất là khi tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông theo thời gian vẫn liên tục ở mức cao.

Theo dự báo, hôm nay thời tiết tại hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. TP Điện Biên Phủ khả năng có mưa, nhiệt độ dao động từ 20-32 độ C.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, Phó giám đốc - Phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文