Nhạc sỹ Tô Thanh Tùng: Trả cho đời bài ca còn đó

16:06 27/07/2017
Năm 20 tuổi, nhạc sỹ Tô Thanh Tùng viết "Giã từ" tặng người con gái tên Diễm. Nhưng cô ca sỹ miệt vườn Thu Vân lại là người đầu tiên đưa "Giã từ" đi xa với tiếng hát ướt át sầu quyện của mình, để rồi như một định mệnh, Thu Vân trở thành người bạn đời của ông.


Năm 74 tuổi, đi cùng trời cuối đất, ông lại về nằm cạnh người vợ đầu tiên của mình. Giờ đây, hai người đã thôi "giã từ" để về cùng một lối hẹn hò, dìu nhau trong giấc mộng vừa tròn sau những ngọt ngào và man trá của cuộc đời.

Từ "đường tình không chung lối"

Lúc còn sống, nhạc sỹ Tô Thanh Tùng đã nhiều lần kể về mối nhân duyên có phần kỳ lạ này: "Năm 1970, tôi cùng một nhóm sinh viên Văn khoa hay vào một quán cà phê tại Đa Kao (quận 1) bởi quán này có một người con gái đẹp tên Diễm ngồi ở quầy thu ngân. Tôi biết Diễm để mắt tới tôi bởi lúc ấy, tôi có sáng tác bài "Mắt Diễm buồn" cho ca sĩ Elvis Phương hát được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, những ngày vui của tôi với Diễm khá ngắn ngủi, khi nàng ngoảnh mặt quay lưng cũng là lúc tôi đau khổ. Nhiều đêm dài lang thang dưới phố, rồi đêm về tôi viết nên ca khúc "Giã từ…".

Một năm sau, nhạc sỹ Tô Thanh Tùng tình cờ quen Thu Vân - cô ca sỹ miệt vườn có giọng hát quyến rũ. Ông liền mời cô từ Sa Đéc về Sài Gòn thu âm bài "Giã từ" để gửi cho đài phát thanh. Thế nhưng, nhạc sĩ Lê Dinh - Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Sài Gòn khi đó - lại từ chối phát vì lúc đó có quy định rằng, tất cả các ca sĩ được xuất hiện trên sóng phát thanh đều phải đạt tiêu chuẩn là nổi tiếng.

Trong khi đó, Thu Vân chỉ là một ca sĩ không tiếng tăm. Tuy nhiên, khi nghe qua băng cassette, nhạc sĩ Lê Dinh đồng ý cho phát một lần vào sáng Chủ nhật, nếu dư luận tốt thì sẽ phát tiếp. Không ngờ với phong cách bolero tuyệt vời cộng hưởng cùng giọng hát da diết, sầu quyện của Thu Vân, "Giã từ" đã làm lay động hàng triệu trái tim của thính giả thời bấy giờ.

Di ảnh nhạc sỹ Tô Thanh Tùng.

Sau này, nhiều ca sỹ nổi tiếng khác như Lệ Quyên, Quang Lê, Đàm Vĩnh Hưng… đều hát lại "Giã từ" rất thành công; song có lẽ, hay nhất, rung cảm nhất vẫn là tiếng hát của cô ca sỹ vô danh năm nào. Thu Vân và nhạc sỹ Tô Thanh Tùng nên duyên từ đó và có với nhau 3 người con gái lần lượt tên là Thảo Nhi, Thảo Quyên, Thảo Xuân. Đây cũng là 3 cô con gái chăm sóc cho ông trong những ngày cuối đời.

Ca sĩ Thu Vân tên thật là Nguyễn Hoàng Kim, sinh năm 1953 tại Sa Đéc, Đồng Tháp. Thu Vân là nghệ danh ông đặt cho bà. Không chỉ yêu thương chồng mà bà Thu Vân còn xem ông là thần tượng. Cho nên, dù nghệ sỹ đa tình Tô Thanh Tùng có mang tiếng xấu với người đời thì trong lòng bà, trước ông đẹp như thế nào thì sau cũng vậy.

Kể cả sau đó, vì lí do công việc nên ông chuyển xuống Sài Gòn sinh sống một thời gian dài, rồi gặp người vợ thứ hai tên là Hải, nảy sinh tình cảm và có 3 người con nữa thì bà Thu Vân vẫn không một lời oán thán.

Chị Thảo Xuân, con gái út của bà Thu Vân và nhạc sỹ Tô Thanh Tùng kể rằng khi biết chuyện, cả nhà ai cũng buồn nhưng không hề trách móc, nhất là má chị. Bà là ca sỹ, ít nhiều cũng hiểu rằng, nghệ sỹ đa tình, âu cũng là lẽ thường. Ông là nhạc sỹ nổi tiếng, được nhiều người mến mộ, đó là phước phần của ông. Số ông phải vậy.

Hơn nữa, bà cũng đâu có thể bỏ nhà cửa, con cái mà lên Sài Gòn chăm sóc cho ông được. Mỗi lần con cái hỏi, bà đều lấy cái lý của một người vợ chu toàn, hiểu người, thấu suốt sự đời mà giải thích cho các con. Có lẽ vì thế mà gia đình nhạc sỹ Tô Thanh Tùng không rơi vào vòng xoáy li tán thường tình như bao gia đình khác khi xảy ra chuyện động trời như vậy.

Chị Thảo Quyên, cô con gái thứ hai, cũng là người con duy nhất của 2 ông bà sống tại quê hương Sa Đéc kể thêm về những ngày cuối đời nhạc sỹ Tô Thanh Tùng. Khi đó, sức khỏe chuyển biến xấu, ông nói rất khó nghe. Ngày nào, chị cũng bật văng vẳng bên tai những bài hát quen thuộc của ông.

Ông dù đã yếu nhưng vẫn cảm nhận được và vui lắm. Lúc còn có khả năng nói chuyện, nước mắt ông thường chảy khi nói về bà Thu Vân. Ông nói má chị là người đàn bà hiền dịu, tốt bụng, sống có đạo đức, trước sau. Ông nói chuyện gia đình xảy ra như thế là vì cuộc sống đưa đẩy, chứ ông không muốn. Ông có lỗi với bà nhiều. Hỏi chị thì được biết, sau khi nhạc sỹ Tô Thanh Tùng đi bước nữa, bà Thu Vân vẫn ở vậy nuôi con, chung thủy cho tới khi bà mất.

Ca sỹ Thu Vân, người đầu tiên hát ca khúc "Giã từ" nổi tiếng.

Tới bản nhạc hai lời ít người biết

Nói về dư luận cho rằng ba má mình chia tay, chị Quyên đính chính rằng thông tin chưa thật chính xác. Bởi trong suốt những năm tháng đó, dù ông đi bước nữa nhưng ông vẫn đi đi về về giữa Sài Gòn và Sa Đéc, vẫn phụ giúp má nuôi nấng và chăm sóc con cái nên người. Còn phận làm con, các chị biết chuyện ba mình đi bước nữa nhưng tôn trọng, không hỏi gì nhiều. Cho tới năm ông 70 tuổi, ông mới cho con cái hai bên gặp mặt nhau. Trong những ngày cuối đời, 6 người con của ông từ Mỹ, Pháp, TP Hồ Chí Minh đều về thăm, trông nom, chăm sóc ông. 

"10 ngày trước khi mất, tôi hỏi ông: Ba ơi, mai mốt ba yếu đi, ba muốn về Sa Đéc hay Hồng Ngự, ba nói lại một lần nữa để tụi con biết rồi tính. Chúng tôi không muốn ba mất ở bệnh viện mà mất ở nhà. Ba nói rằng, ba muốn yên nghỉ ở Sa Đéc. Điều đó cũng trùng với tâm nguyện của mấy chị em tôi. Lúc còn sống, ba má không có được gần nhau. Cuối đời, mấy đứa con muốn ba mẹ gần nhau", con gái nhạc sỹ nhớ lại.

Mộ nhạc sỹ Tô Thanh Tùng được đặt cạnh mộ ca sỹ Thu Vân - người vợ đầu tiên của ông.

Ngày ông mất, trời Sa Đéc mưa bay. Trong căn nhà nhỏ, con cái, những người ái mộ quần tụ ở bên. Những bản nhạc bolero nổi tiếng của ông cũng được cất lên tưởng nhớ người nhạc sỹ tài hoa. Có một điều tình cờ, sau khi học trò của ông ca "Giọt mưa ngâu", ông Tô Thanh Long, em trai ruột nhạc sỹ tiết lộ thực ra đây là một bản nhạc hai lời. Chia sẻ của em trai nhạc sỹ khiến nhiều người có mặt cảm thấy bất ngờ.

Theo ông Tô Thanh Long, có mấy lần ngồi lai rai với anh mình thì được ông kể về bí mật này. Bản nhạc này được nhạc sỹ Tô Thanh Tùng đặt 2 lời, một lời tên "Giọt mưa ngâu" để người ta ca phổ biến, một lời tên là "Mây mùa thu", ông viết cho riêng ông, ông hát khi một mình. Lời này ông dành tặng người vợ quá cố của mình, chính là ca sỹ Thu Vân. "Thu Vân" và "Mây mùa thu" cũng là một.

Phần lời đặc biệt này có những câu mang nặng tâm sự chất chứa của nhạc sỹ Tô Thanh Tùng với người vợ cũ của mình như: "Nghìn năm xưa ngày cũ/ Với tiếng hát năm xưa/ Trong vùng suy tư/ Nay quay gót chưa về/ Len lén khơi lại bao kỉ niệm xuân xanh thắm/ Mà em nào biết/ Thì em đừng trách, chỉ thêm lòng buồn mà thôi/ Ô hay, cơn gió nào đưa em về đây/ Cơn gió nào cho tôi gặp em/ Tôi gặp em mây mùa thu"…

Con gái Tô Thảo Quyên (con vợ cả) và con trai Tô Thanh Toàn (con vợ hai) của nhạc sỹ Tô Thanh Tùng. 


Cuộc hôn nhân thứ 2 của ông cũng đổ vỡ sau nhiều năm chung sống. Ai đúng, ai sai, có lẽ cũng chẳng còn quan trọng. Ngày ông mất, con cái đều về, cả người vợ thứ 2 cũng về. Ai cũng dành cho người nhạc sỹ một tình cảm đặc biệt.

Riêng với người vợ đầu tiên trong đời, đi một vòng cùng trời cuối đất, sau những thăng trầm của đời sống, cuối cùng, ông lại về nằm bên cạnh bà. Hai ngôi mộ được đặt cạnh nhau, trong khu vườn đầy trăng thanh và gió mát của gia đình. Ước nguyện cuối đời đã bù đắp lại phần nào những năm tháng đầy mất mát đã qua. 

"Cuối cùng rồi cũng phải ra đi/ Không bao giờ trở lại/ Trả cho đời bài ca còn đó/ Trả cho người buồn vui thế gian / Trả cho em tình yêu nồng nàn/ Không còn gì, không còn gì nữa"… Đó là những câu hát trích từ "Thiên thu" - ca khúc cuối cùng ông viết trước khi mất, trong những ngày nằm bệnh. Ca khúc ngấm men đời đắng đót, nồng say. Ca khúc như trả cho vô tận một bài ca còn dang dở, bài ca cho đời, cho em, cho người, cho những ngày đầy vơi ấy.

Nhạc sỹ Tô Thanh Tùng sinh năm 1944 tại Đồng Tháp, là nhạc sỹ nổi tiếng. Ông là tác giả của hơn 120 ca khúc, trong đó có những ca khúc bolero quen thuộc như "Giã từ", "Hồng Ngự mang tên em", "Sao nỡ đành quên", "Thăm Huế", "Tiễn đưa", "Tình cây và đất", "Hạnh phúc quanh đây", "Giăng câu", "Xót xa"… Tháng 8 - 2015, ông bị bệnh ung thư tuyến tiền liệt di căn qua gan đã khiến cho chân trái của ông không đi lại được và phải chữa trị tại Bệnh viện Bình Dân (TP Hồ Chí Minh). Sau 2 năm chống chọi với căn bệnh ung thư, cảm thấy sức khỏe của mình ngày càng yếu đi nên nhạc sĩ Tô Thanh Tùng có nguyện vọng muốn được về lại quê hương của mình trong những ngày cuối đời. Ông qua đời vào hồi 8h15 sáng 19-7 tại Bệnh viện TP. Sa Đéc, hưởng thọ 74 tuổi.

Đậu Dung

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn (SN 1985, thường trú khu phố 4, phường An Thới, TP Phú Quốc), Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu, đoạn thuộc địa bàn Đồng Nai, ngày 2/5, Thành ủy TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã làm việc cấp ủy, chính quyền phường Phước Tân. Đây là địa phương có nhiều vướng mắc và được đánh giá phức tạp nhất trong số các xã, phường, thị trấn có dự án trọng điểm quốc gia là tuyến cao tốc đi qua...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文