Họa sĩ Hoàng Hà Tùng:

Phiêu lưu cùng “Chuyện của dòng sông đỏ”

22:04 05/07/2017
Hoàng Hà Tùng là cái tên quen thuộc trong hội họa. Quen thuộc vì tranh đẹp và cũng quen thuộc vì tính khí nghệ sĩ đến mức được bạn bè quen gọi là Tùng “điên”.

Tùng “điên” đang dốc vốn, dốc sức cho một dự án nghệ thuật của riêng ông, sẽ được biểu diễn tại Hà Nội vào 2 đêm 22 và 23 tháng 7 này. Không phải triển lãm tranh mà là một vở diễn. Một vở nhạc kịch với tên gọi “Chuyện của dòng sông đỏ” do ông làm đạo diễn.

Một cuộc phiêu lưu

Hoàng Hà Tùng bảo, đối với ông đây là một cuộc phiêu lưu, một cuộc chơi hoàn toàn vì nghệ thuật, không vì điều gì khác cả.

“Mình ấp ủ ý tưởng dựng một vở nhạc kịch từ nhiều năm rồi. Hồi trước, mình cũng định dựng với nhà hát nơi mình công tác, nhưng người ta muốn giao vở kịch cho người khác làm tổng đạo diễn. Mình không thích, vì mình hiểu việc dựng vở ở ta bấy lâu nay. Kịch bản đưa cho đạo diễn thường là bị cắt xén, thay đổi, bóp méo, chỉ còn khoảng 50% là của mình. Nhiều vở diễn bị cắt gọt thảm thương, đến nỗi tác giả không thể nào nhận diện ra mặt mũi “đứa con” của mình nữa. Sáng tạo mà thiếu đi tính toàn vẹn thì nó cứ “nửa dơi nửa chuột” rất đáng sợ. Nhiều vở diễn mình thấy rồi, cứ pha một chút nghệ thuật lại pha một chút thương mại. Nên lần này, mình nhất định đứng vào vai trò đạo diễn, không phải để oai oách trưng trổ gì đâu, mà là để bảo vệ toàn vẹn ý tưởng của mình. Rất may là lãnh đạo nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long ủng hộ dự án của mình nên cứ thế mà làm”.

“Chuyện của dòng sông đỏ” là một vở kịch hát. Chuyện kịch xảy ra trên một con thuyền và dòng sông. Đang lúc trời quang mây tạnh thì nhà vua mời mọi người trong hoàng cung xuống thuyền bàn chuyện tránh bão. Nhân vật là Vua, Hoàng hậu, các phi tần, thái tử và các hoàng tử xoay quanh câu hỏi: Có phải dòng sông bao giờ cũng bình yên? Có phải trời bao giờ cũng mãi xanh? Có phải người bao giờ cũng mãi vui?

Cùng các nghệ sĩ dựng vở “Chuyện của dòng sông đỏ”.

Một vở nhạc kịch có cốt truyện. Và dòng sông trong vở nhạc kịch này là dòng sông mang tính ước lệ. Người đạo diễn muốn gửi gắm thông điệp sâu sắc của mình về đời sống thông qua vở diễn. Hoàng Hà Tùng bảo, cốt truyện không quá quan trọng đối với ông. 

“Tôi nghĩ với một vở diễn sân khấu, quan trọng nhất là có hấp dẫn hay không, những bài hát có hay không. Câu chuyện chỉ là cái cớ thôi. Sân khấu Việt lâu nay chú ý đến câu chuyện là chính, không chú ý đến cách dàn dựng sao cho hay, sao cho hấp dẫn. Nếu làm theo kiểu chỉn chu từ đầu đến cuối thì khán giả dễ bỏ về lắm. Phải có những yếu tố bất ngờ. Tôi sẽ cho khán giả thấy, họ không phải “cố gắng” để xem một vở diễn, họ được sống cùng vở diễn thì đúng hơn”.

Nhìn vào những cái tên nhạc sĩ “phiêu lưu” cùng Hoàng Hà Tùng trong vở diễn sắp tới đây, có thể lý giải vì sao ông lại tự tin đến vậy. Các nhạc sĩ tên tuổi như Nguyễn Cường, Trọng Đài, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Lưu Hà An, Minh Đạo cùng góp mặt làm nên “Chuyện của dòng sông đỏ”. 10 bài hát mới và 3 điệu múa được các nhạc sĩ viết riêng cho vở diễn. Mỗi nhạc sĩ sẽ viết theo cách “đo ni, đóng giày” cho các ca sĩ tham gia vào vở diễn. Họ là Tùng Dương, Khánh Linh, Tấn Minh, Đông Hùng, Minh Thu, Thanh Thanh Hiền - những người vừa là ca sĩ đồng thời vào vai các nhân vật trong vở diễn.

Vì là vở ca kịch nên yếu tố âm nhạc và giọng hát được đặt lên hàng đầu. Hỏi, vì sao ông có thể mời được rất nhiều người tài trong âm nhạc “tụ” vào một vở diễn của mình, Hoàng Hà Tùng mắt lấp lánh khoe, đấy là lợi thế của tôi mà những đơn vị biểu diễn khác dù có nhiều tiền đến bao nhiêu cũng chưa chắc đã làm được.

“Tất cả những nhạc sĩ tham gia vở diễn đều là bạn thân thiết của tôi. Tôi rất yêu quý âm nhạc của họ và họ rất thích tranh của tôi. Chúng tôi cộng tác với nhau vì nghệ thuật và vì tình bạn”.

Không ai viết kịch bản như Hoàng Hà Tùng. Viết trên mảnh giấy ăn. Đầu tiên ông vẽ một cái cây. Rồi những cái cây trổ nhánh như thế nào. Đấy chính là những đường link kể chuyện.

Mỗi người nhạc sĩ sẽ được ông đặt hàng để kể chuyện gì qua từng nhánh cây đó. Vì là những người bạn thân thiết nên họ có thể nắm bắt ý tưởng của nhau rất nhanh, và sẵn sàng sáng tác phục vụ yêu cầu của Hoàng Hà Tùng về vở diễn.

“Tôi tôn trọng sự tự do của các nhạc sĩ khi đặt hàng họ sáng tác bài hát cho vở diễn có chủ đề của tôi. Tôi kích động họ nhưng khi cần tôi cũng sẽ nghe và điều chỉnh họ”.

Với Hoàng Hà Tùng, đây thực sự là một cuộc phiêu lưu trong nghệ thuật. Ông tự tin về vở diễn mà ở đó các bạn của ông sẽ cùng ông làm nên những gì hay nhất, tinh túy nhất. Giống như ông đang cháy nốt tất cả những gì còn lại của một đời nghệ sĩ. Bởi vì ông đang mang trong mình căn bệnh trọng và ông đang làm một chiến binh chạy đua cùng thời gian.

Hoàng Hà Tùng trong vai trò đạo diễn.

Bán tranh lấy tiền làm vở diễn

Một trong những vấn đề lo lắng nhất của một người đạo diễn như Hoàng Hà Tùng là vấn đề làm sao có tiền để dàn dựng vở diễn. Vì dựng một vở sân khấu mà không có đủ tiền thì giống như đi vào tử lộ.

Dựng một vở diễn sân khấu thời buổi này cũng có nghĩa là đối mặt với rất nhiều mối lo liên quan đến tiền. Lo sao để bán được vé, không lỗ là may. Muốn có lãi thì lại càng phải tính toán.

Nhưng xem ra Hoàng Hà Tùng không để ý chuyện này lắm. Ông nói, tiền bán tranh, ông gom cả vào để “chơi một cuộc” này. Tiền trả cho các nghệ sĩ tham gia vào dự án là không nhỏ, nhưng ông không trông đợi vào việc bán vé, dù ông tin rằng khán giả sẽ vô cùng thích thú vở diễn của ông.

“Mọi thứ có thể đến sau, tôi không quan tâm. Vấn đề của tôi là yên tâm với việc có đủ tiền để dàn dựng vở diễn, toàn tâm toàn ý cho nó”.

Trả 40 triệu đồng một bài hát cho nhạc sĩ, Hoàng Hà Tùng khiến cho mọi người sửng sốt, vì giá tiền đó cao gấp nhiều lần so với giá Nhà nước trả. Nhưng ông bảo, chả thấm vào đâu, các nhạc sĩ đi viết cho doanh nghiệp người ta còn trả vài trăm triệu một bài hát. Cùng dân sáng tác với nhau nên ông hiểu nỗi vất vả của người nghệ sĩ, quyết không để họ thiệt thòi, dù họ đều là bạn bè thân thiết của ông và chẳng hề tính đếm chuyện tiền.

Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên về sự “điên” của Hoàng Hà Tùng, nhất là trong thời buổi này. Nhưng không thế đã không phải là Tùng “điên”. Chuyện quảng bá cho vở diễn, khi được gợi ý, ông chẳng màng. Rất cực đoan khi nói chuyện tiền nong, nhưng nói đến nghệ thuật thì giống như lên đồng.

Nhìn vào những tên tuổi từ nhạc sĩ đến ca sĩ tham gia vào vở diễn, với con mắt của những người làm PR chuyên nghiệp, họ có thể tạo lên một cơn sốt trong khán giả, trong công chúng để bán vé, nhưng Hoàng Hà Tùng gạt đi. Ông không cần việc đó.

“Tôi đang làm một dự án trên cả tiền, nên đừng nói chuyện tiền”. Hỏi, liệu rằng ông đang làm một vở diễn vì chính niềm đam mê của mình là chủ yếu, mà không cần quan tâm đến khán giả? Hoàng Hà Tùng nói: “Tôi sao lại không quan tâm đến khán giả. Không quan tâm đến khán giả tôi làm vở để làm gì. Tôi tin rằng khán giả một khi đã đến xem vở diễn, dù họ là ai thì cũng sẽ có cái để họ thích. Có thể họ thích bài hát, có thể họ thích ca sĩ, có thể họ thích ánh sáng, hay hòa âm... Còn những khán giả văn hóa cao thì có cái để ngẫm nghĩ, vì tôi gửi gắm thông điệp của mình qua vở diễn một cách tinh tế, ẩn dụ”.

Tùng Dương và Thu Huyền trong vở “Chuyện của dòng sông đỏ”.

Hoàng Hà Tùng cho hay, ông đã sẵn sàng bán tiếp đi 3 bức tranh quý của mình mà một nhà sưu tập đang muốn mua với giá rất cao, nếu như cần thêm tiền cho việc bù vào 2 đêm diễn “Chuyện của dòng sông đỏ”. Nghe nói, Hoàng Hà Tùng đã chi đến gần 4 tỷ đồng cho dàn dựng vở diễn. Tiền bán tranh dốc vào làm vở, chỉ với một niềm tin rằng khán giả sẽ thích vở diễn của mình.

Ông cũng tuân thủ nguyên tắc đề ra là không phát giấy mời cho bất kỳ ai. Ai thích thì mua vé tới xem. Mọi nhận xét, khen chê đều không quan trọng, miễn là ông và các nghệ sĩ đã dốc hết sức lực, vốn liếng vào vở diễn, toàn tâm toàn ý với tác phẩm của mình.

“Chơi” với nghệ thuật được  như Hoàng Hà Tùng thật không dễ. Phải có đủ “điên” và phải có đủ tiền nữa. Ông cười sang sảng, chẳng có vẻ gì là người đang mang bệnh trọng trong mình, khoe: “Sau vở diễn này, mình sẽ sang Hà Lan để tham gia vào một cuộc triển lãm tranh chân dung những người nông dân Việt Nam và Hà Lan. Được làm nghệ thuật, đối với mình là niềm hạnh phúc không gì đánh đổi được”. 

Quỳnh Vũ

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

“Cảnh sát cơ động: Tư tưởng vững vàng/ Nắng mưa chẳng quản/ Hăng say luyện rèn”là khẩu hiệu được 1.000 CBCS hô vang hào hùng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại này, trong 3 tháng qua, hơn 5.000 CBCS CSCĐ đã miệt mài khổ luyện trên thao trường để báo cáo với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc.

Liên quan đến tình trạng tôm hùm ở vùng thả nuôi tôm ven biển xã Vạn Thạnh và xã Vạn Hưng nằm trong vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt như Báo CAND đã thông tin, ngày 5/5, PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này vừa có báo cáo gửi đến Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa về kết quả khảo sát.

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...

Nhiều dịch bệnh bùng phát từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà… đều tăng số ca mắc.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thái Thụy (SN 1988, trú tại khu 5A, thị trấn Na Dương), Hoàng Ngọc Công (SN 1999) và Hoàng Ngọc Anh (SN 2001), cùng trú tại khu 6, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Ngày 5/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Đinh Vũ Đức Anh (SN 2008), trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và Dương Trung Kiên (SN 2008), trú tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để điều tra làm rõ về hành vi cướp tài sản. 

Một quan chức cấp cao tại bang Baja California (Mexico) hôm 4/5 thông tin, các thi thể được tìm thấy dưới một đáy giếng ở khu vực Ensenada của bang này rất có thể là của các vận động viên lướt sóng quốc tịch Mỹ và Australia, vốn được thông báo mất tích hồi tuần trước. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文