Trần Lập: Vẫn tin rằng rồi xuân sẽ tới

10:48 15/03/2017
Một năm trước, trong đêm nhạc cuối cùng của cuộc đời mình với tên gọi “Ðôi bàn tay thắp lửa” Trần Lập đã nói với công chúng “hẹn gặp lại”. Và “Hẹn gặp lại” đã diễn ra, dù anh không còn trên thế gian này, anh đã đi về một miền khác, rất xa. Người chiến binh dũng cảm đã dừng những bước chân phiêu lãng, nhưng tinh thần của anh còn mãi.


Công chúng đã luôn dành cho Trần Lập một vị trí xứng đáng trong tâm hồn của họ, vì những gì anh đã cống hiến cho âm nhạc, cho cuộc đời. Sức lan tỏa của Trần Lập không phải chỉ từ âm nhạc, mà còn từ chính con người anh. Một người đã sống cạn tuổi trẻ của mình để nhóm lửa yêu thương, kết nối. Nhóm lửa của tình người, vì một cộng đồng mạnh mẽ hơn, nhân văn hơn.

Những người đam mê rock, hâm mộ Trần Lập có cả một tháng Giêng để hồi hộp theo dõi những thông tin liên quan đến show diễn đặc biệt này. “Hẹn gặp lại” là lời chào của tháng Giêng, của mùa xuân, của tình bạn bè, của tình yêu, của âm nhạc và của cuộc sống. 

Cố nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập. 

Trần Lập không chỉ là tên của một người nghệ sĩ đã khuất vào cây cỏ, vào mây trắng, mà còn là biểu tượng của sức mạnh, của ý chí, của trái tim. Là lời của đá và cũng là lời của hoa hồng. Show diễn cận kề Ngày thầy thuốc Việt Nam cũng là cái cớ để công chúng nghĩ về sức mạnh thực sự trong mỗi người. 

Căn bệnh ung thư đã cướp đi Trần Lập. Và mỗi năm, cũng căn bệnh đó, cướp đi hàng ngàn người. Y học chưa chiến thắng căn bệnh này. Nhưng tinh thần của mỗi người thì có thể chiến thắng bệnh tật. Thông điệp đó không mới, nhưng có lẽ chưa ai thể hiện nó đậm đặc, mạnh mẽ như Trần Lập. Anh đã chiến đấu với bệnh tật bằng tất cả niềm tin, niềm lạc quan, của một người xem thường mọi thử thách, gian nguy. 

Và cái chết của Trần Lập không mang đến bi lụy như lẽ thường, nó thậm chí còn trở thành ngọn lửa động viên, an ủi người ở lại, trở thành cảm hứng cho tuổi trẻ, truyền thanh xuân nhiệt huyết cho những người tuổi đôi mươi còn núp trong vỏ ốc của chính mình, khích lệ họ bước ra đối diện với cuộc đời. “Vì một cộng đồng mạnh khỏe hơn” là thông điệp của những người thực hiện đêm nhạc Trần Lập, những người bạn chí tình của anh.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư đang có triều hướng gia tăng và trẻ hóa. Những tiện ích của đời sống công nghệ đang làm cho người trẻ có xu hướng xa rời thiên nhiên, xa rời cộng đồng, co mình trong cái vỏ cá nhân, sống ảo, yếu đuối về tinh thần. 

Đó là những nguy cơ đang hiện hữu thách thức cả một thế hệ trẻ, khiến họ phải tự soi mình vào gương để lựa chọn một lối sống, làm sao vừa khỏe mạnh về thể chất vừa mạnh mẽ trong tinh thần. Chỉ như vậy, những năm tháng tuổi trẻ mới thực sự mang ý nghĩa của thanh xuân, thực sự là điểm tựa quan trọng để họ đi trong cuộc đời. Những người loay hoay tìm kiếm đó, họ ít nhiều thấy mình trong Trần Lập. 

Cuộc đời ngắn ngủi của Trần Lập, cùng với âm nhạc của anh đã khơi gợi tình yêu cuộc sống, năng lượng cho tuổi trẻ. Điều đó lý giải vì sao những đêm nhạc Trần Lập hấp dẫn khán giả đến thế. 

Dường như đối với công chúng, Trần Lập chưa bao giờ đi vắng. Trần Lập vẫn luôn ở trong cuộc đời này, như một thủ lĩnh tinh thần để cổ vũ những người còn yếm thế, còn thiếu tự tin để bước những bước chân mạnh mẽ trên đường đời. Và những người đang trong gian nan, trong cảnh ngộ có thêm niềm tin, ý chí để vượt qua. Bởi ý nghĩa cuộc đời không phải họ sống dài ngắn ra sao, mà quan trọng họ đã sống như thế nào.

Ðông đảo công chúng trong đêm nhạc Trần Lập "Hẹn gặp lại". 

Trên sân khấu của đêm nhạc “Hẹn gặp lại”, có một hình ảnh ám ảnh là chiếc xe máy phân khối lớn mà lúc còn sống Trần Lập  rất gắn bó, và một chiếc micro. Ánh sáng từ trên cao rọi vào khoảng tối giữa chiếc xe và chiếc micro. Trần Lập ở đó, trong hình dung của hàng ngàn khán giả. Những nghệ sĩ bạn bè của Trần Lập hát những ca khúc của anh, nhưng khán giả còn nghe được cả giọng của Trần Lập trong đó. 

Một sự hòa quyện của âm nhạc, của tình bạn, của yêu thương, tuyệt vời đến mức, người ta có thể bỏ lại đằng sau mình bao nhiêu giá lạnh tình người mà đâu đó mình từng chứng kiến trong đời sống. Mỗi người khi rời khỏi không gian âm nhạc Trần Lập thấy mình gần người hơn, yêu người hơn, mạnh mẽ hơn, và cuộc đời đáng sống hơn. 

Cũng từ những chia sẻ của người ở lại, chị Mai Hoa - người vợ dũng cảm của Trần Lập, các con của anh, những người bạn, mỗi người sẽ thấy quý giá hơn từng khoảnh khắc ḿnh được sống, được ở cạnh người thân yêu. Và hạnh phúc, xét cho cùng, là kỷ niệm, là những gì đẹp đẽ còn lại, khiến người ta không thể lãng quên, không thể xa rời.

Về âm nhạc Trần Lập, có lẽ có quá nhiều bài báo đã viết. Anh có quá nhiều người hâm mộ. Ở đây, người viết chỉ muốn lý giải một điều vì sao Trần Lập lại được yêu mến nhiều đến vậy. Trong đời sống âm nhạc hiện đại, Trần Lập là một hiện tượng. Mỗi lúc người ta càng cảm nhận thêm giá trị sâu sắc mà Trần Lập và âm nhạc của anh mang lại. 

Thực sự mà nói, hiếm có người sáng tác nào mà tác phẩm của họ lại có một tác động mạnh mẽ đến thế hệ trẻ như Trần Lập. Âm nhạc của anh đã làm nên tuổi trẻ của nhiều người, đã dẫn dắt họ, đã trở thành điểm tựa tinh thần lớn lao cho họ. Trong các ca khúc đậm mùi rock của mình, Trần Lập trực diện gọi tên những “hiện thực tâm hồn tuổi trẻ”. 

Cách của anh là không vòng vo, nói thẳng, kiểu như “đừng sống giống như hòn đá/ giống như hòn đá/ sống không một tình yêu/ sống chỉ biết thân mình”. Có thể có chút khẩu hiệu, nhưng đó là cách biểu đạt của tuổi trẻ, của người quá yêu đời sống này và khát khao được cống hiến. 

Tôi cứ hình dung, lời bài hát của Trần Lập giống như những cánh cung, bay thẳng tới trái tim người nghe, đậu, hay găm vào họ cũng được, nhưng chắc chắn nó không nhẹ như cánh hồng, không hời hợt như gió thoảng, mà nó tạo ra một vết xước, một cái nhói đau. Một cái nhói đau đủ để mỗi người nhận diện mình, đủ để thôi thúc mỗi người đặt ra câu hỏi cho tuổi trẻ của mình và đi tìm kiếm câu trả lời.

Trần Lập sinh thời là người mang theo sứ mệnh đánh thức. Đánh thức tuổi trẻ, khuấy động những ham muốn, những khát khao trong tuổi trẻ, để họ tự khám phá cuộc đời mình.

Xét đến cùng, nghệ thuật là gì? Nghệ thuật là tiếng gõ cửa. Khi ta thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật là lúc tâm hồn trái tim ta chờ đợi một tiếng gõ cửa. Và hiển nhiên cánh cửa chỉ mở, mọi cuộc trò chuyện giao hòa chỉ bắt đầu sau khi cánh cửa được mở ra. 

Người sáng tạo thực sự sẽ là người biết gõ cửa trái tim người thưởng thức. Họ tìm tri âm bằng cách đó. Họ lan tỏa năng lượng của mình với cuộc đời bằng cách đó. Trần Lập thực sự đã mở khóa nhiều trái tim người nghe, xua đi bóng tối, giá lạnh và bắt đầu những cuộc đối thoại ấm áp với công chúng của mình. 

Anh mang đến sự tin tưởng và nhờ đó, cảm hứng sống chảy tràn trong công chúng của anh. Đó cũng là cách anh ký thác đời mình, ký thác tinh thần của mình vào công chúng. Nghĩ kỹ mà xem, không người nghệ sĩ nào có thể tự mang vác số phận mình. Họ có số phận hay không, còn lại hay không, là nhờ vào công chúng. Cái chết chỉ thực sự đối với người sáng tạo, khi họ không còn hiện hữu trong công chúng nữa.

Trần Lập hẳn tự biết mình khi anh nói “hẹn gặp lại” công chúng trong đêm nhạc cuối cùng của anh. Lời hẹn ấy không phải của một người sắp đi xa, bởi đi xa không bao giờ có trong tinh thần của một người thiết tha với đời sống như Trần Lập. Đó chỉ đơn giản là cách nói về sự hiện hữu của người sáng tạo. Một ước mong về sự chia sẻ, về tinh thần kết nối của cái đẹp, của tình yêu thương. Và thực sự tinh thần ấy đã lan tỏa trong cộng đồng.

Từ Trần Lập nhìn rộng ra đời sống nghệ thuật, có thể thấy đang có một khoảng trống rất lớn, là thiếu vắng những người sáng tạo có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ cho công chúng. Không ít người sáng tạo vì mắc vào những não nề quẩn quanh, những bi kịch cá nhân, những chiêu trò rởm đời mua danh tiếng mà quên đi vai trò thực sự của mình. Tiếng nói của họ không thể trở thành tiếng nói của thế hệ, khơi gợi hay dự cảm điều gì đáng kể về cuộc đời, về con người.

Trần Lập hãy an nghỉ với vĩnh hằng, nơi không đau đớn nào có thể chạm đến anh. Tinh thần của anh sẽ luôn còn mãi, và sẽ được lan truyền trong các thế hệ người nghe. Như giấc mơ về cái đẹp chưa khi nào rời bỏ thế gian. Như câu hát của anh: “Vẫn tin rằng rồi mùa xuân sẽ tới”…

Vũ Quỳnh Trang

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文