Trịnh Công Sơn: 16 năm đi xa, âm nhạc còn gần

11:33 01/03/2017
Thèm quá cái cảm giác của ngày xưa, khi còn là sinh viên, tối tối ngồi trong quán cà phê nhỏ nghe Trịnh bày tỏ về cuộc đời, về thân phận con người từ chiếc đài quay băng cũ kỹ. Cả một tuổi trẻ được nuôi nấng bằng thứ âm nhạc ấy.


Những ngày cuối tháng 2 mỏng như tờ lịch, ngồi cùng bạn thời đi học nói về nhạc Trịnh. Chợt nhớ, ngày 28 tháng 2 là ngày sinh nhật của nhạc sĩ. Lại cũng sắp đến ngày mất của ông mùng 1 tháng 4.

Hẹn nhau, sẽ đi xem chương trình “Ru em” tưởng nhớ 16 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn tại Hà Nội vào đầu tháng 3. Thèm quá cái cảm giác của ngày xưa, khi còn là sinh viên, tối tối ngồi trong quán cà phê nhỏ nghe Trịnh bày tỏ về cuộc đời, về thân phận con người từ chiếc đài quay băng cũ kỹ. Cả một tuổi trẻ được nuôi nấng bằng thứ âm nhạc ấy. Thứ âm nhạc không biết gọi tên là gì, chỉ biết rằng nó khiến cho tâm hồn mỗi con người trở nên giàu có hơn, trắc ẩn hơn...

Trịnh Công Sơn, con người của một thời đại nhưng âm nhạc thì của nhiều thời đại. 16 năm ông đi xa, rời bỏ cõi tạm để đến cõi vĩnh hằng. Thế gian mất một người mà sự hiện hữu của họ giống như ngọn đèn, khơi gợi những vô hình, những li-ti của trực cảm, của trái tim, giúp cho người gần người hơn.

Một người mà âm nhạc của ông chở nặng tâm tư về thân phận. Mỗi bài hát như lời tạ ơn, như niềm hân hoan, như nỗi tuyệt vọng, như kinh cầu thanh lọc hồn người.

Nhạc Trịnh là mùi hương trầm của tâm tưởng, trả con người về nguyên khiết, để họ có thể đứng bên bờ vực số phận, đối diện với những câu hỏi của chính mình về đời sống, về tình yêu, về sự có lý và vô lý, để từ đó mà thêm từ bi, thêm yêu thương, trao nhận và tha thứ.

Khi con người ngày càng trở nên đầy ắp hơn, tốc độ hơn trong thế giới hiện đại, thì tiếng nói tâm linh càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. 16 năm qua, từ ngày Trịnh Công Sơn rời cõi tạm, thế giới đã đi xa hàng ngàn dặm về công nghệ.

Mỗi chúng ta tưởng như đã “níu tay nghìn trùng” được cả năm châu bốn biển trong một cú nhấp chuột. Con người chưa bao giờ trở nên tiện nghi đến thế, đủ đầy đến thế. Tưởng như, không gì là không có giải pháp, không gì là không thể đạt được.

Những tiến bộ khoa học cung cấp thêm nhiều cách lý giải về tự nhiên, về cuộc sống. Y khoa có những bước nhảy vọt đáng kể để giúp con người vượt qua bệnh tật, kéo dài tuổi thanh xuân, tuổi thọ. Nhưng những thứ đó liệu có giúp con người tìm thấy hạnh phúc và trở nên hạnh phúc hơn không, không dễ trả lời.

Có một sự thật là trong sự đầy tràn của thông tin, của văn minh vật chất, con người đang có xu hướng quay về tìm kiếm chính mình. Không ít người nhận ra họ đang đi lạc trong tiện nghi. Họ đầy tràn mà trống rỗng. Đâu đó trong tâm hồn họ là sa mạc khô cằn. Họ buộc phải đối diện câu hỏi, tất cả những thứ mình đang sở hữu ở bên ngoài liệu có thể “cứu chuộc” một đời sống tinh thần ở bên trong được không?

Con người liệu có thể cảm thấy hạnh phúc được chăng nếu thiếu đi một đời sống phía bên trong ấy? Một đời sống vô hình, nhưng lại tác động quá nhiều đến cảm xúc của họ, tạo ra vui buồn, tạo ra ý nghĩa cuộc đời họ?

Và chưa khi nào người ta nhắc nhiều đến hai chữ buông bỏ như hiện tại. Buông bỏ để trở thành rỗng không, để tìm lại mình từ khởi nguyên, không phải trong vật chất, mà trong niềm tin, trong tâm linh. Điều này giống với một hình ảnh ta không chỉ một lần bắt gặp trong nhạc Trịnh, một người ngồi im lặng trước hiên nhà như trẻ nhỏ, trò chuyện với hư vô về cuộc đời, về tình yêu.

“Tôi như trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà, chờ xem thế kỷ tàn phai/ Tôi như trẻ nhỏ, tìm nơi nương tựa, mà sao vẫn cứ lạc loài” (Tự tình khúc). Và “Bao nhiêu năm làm kiếp con người/ Chợt một chiều tóc trắng như vôi” (Cát bụi).

Ca sĩ Mỹ Tâm hát nhạc Trịnh Công Sơn trong đêm nhạc “Ru tình”.

16 năm qua, nhạc Trịnh luôn được nghe, được đón chào, được tuôn chảy trong đời sống như nó vốn vậy. Thậm chí, nhạc Trịnh còn được nghe nhiều hơn trong tương lai, bởi một điều dễ hiểu, sự đầy đủ vật chất là điều kiện để con người nhìn ra những thiếu vắng trong mình.

Sự đủ đầy vật chất là thời điểm để cái bên ngoài quán chiếu vào bên trong mỗi người, thời điểm xuất hiện những câu hỏi. Người đi tìm kiếm câu trả lời sẽ ít nhiều được an ủi khi đến với nhạc Trịnh.

Người ta khó mà có thể lý giải tận cùng sức hấp dẫn mạnh mẽ của âm nhạc Trịnh Công Sơn trong công chúng. Xét về mặt âm nhạc hay không gian biểu diễn, nhạc Trịnh thực đơn giản, không có chút cầu kỳ. Nhạc Trịnh không kén chọn sân khấu, không ưa sự phù phiếm, không đòi hỏi không gian rộng - hẹp. Chỉ cần một cây ghi ta cũng là đủ cho người nghệ sĩ trình bày ca khúc nào đó. Nhạc Trịnh là thứ càng “mộc” thì càng hiển lộ tinh thần.

Ca sĩ Tấn Minh, người đã gắn bó với những đêm nhạc “Ru tình” của nhà sản xuất Media Max nhiều năm về trước trong vai trò đạo diễn, và tiếp tục đêm nhạc “Ru em” sắp tới đây đã thấu cảm sâu sắc tinh thần đó trong nhạc Trịnh.

Anh nhấn mạnh yếu tố “mộc” trong các chương trình, đưa nhạc Trịnh về với không gian gần gũi ấm áp và thuần nhất, để bất kỳ ai dù đã quen nghe nhạc Trịnh hay nghe nhạc Trịnh lần đầu đều có thể tiếp cận dễ dàng.

Không ít lần ở nơi này nơi kia, người ta đã thử nghiệm nhạc Trịnh bằng cách này cách khác, hy vọng làm mới để thu hút khán giả. Nhưng có lẽ mọi sự làm mới trong nhạc Trịnh khó mà thuyết phục người thưởng thức. Vì nhạc Trịnh không phải thứ âm nhạc để nhìn, để ngắm. Nhạc Trịnh là để nghe, để thấu cảm.

Ca từ của mỗi bài hát giống như một bài thơ, âm thầm rơi vào hồn người. Người yêu nhạc Trịnh trước tiên là phải lòng ca từ của ông. Những lời như được viết ra từ nỗi buồn lớn lao của người nghệ sĩ trước cuộc đời, trước cái đẹp, trước tình yêu. Buồn mà không bi lụy. Buồn mà nâng đỡ, an ủi, sẻ chia.

Người ta cũng ví ca từ của Trịnh như tiếng thở dài của đời sống khi con người chợt nhận ra sự bất lực của mình trước thời gian, sự vụt mất của cái đẹp, sự mờ ảo của tình yêu.

Chương trình ca nhạc tưởng nhớ 16 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn diễn ra tại Hà Nội vào 2 đêm 7 và 8 tháng 3.

Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nhận xét: “Tình ca Trịnh Công Sơn không hẳn là một bông hồng dâng tặng. Nó chứa đựng tất cả tâm trạng âu lo của con người nhìn ra thế giới hiện đại”. Nỗi cô đơn khi thức ngộ: “Tôi là ai mà còn khi dấu lệ/ Tôi là ai mà còn trần gian thế/ Tôi là ai, là ai, là ai, mà yêu quá đời này”. (Tôi ơi đừng tuyệt vọng)

Không phải ngẫu nhiên mà Trịnh Công Sơn được ví như Bob Dylan của Việt Nam. Ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan, người vừa được trao giải Nobel văn học cho những ca từ trong ca khúc năm ngoái, một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử giải thưởng danh giá này.

Nobel văn chương trao cho một người nhạc sĩ cho thấy ca từ của Bob đã được đánh giá cao như thế nào trong việc truyền cảm hứng cho người nghe. Trịnh Công Sơn trước tiên là một nhà thơ. Chất thơ chảy tràn trong toàn bộ sáng tác của ông. Đến mức có cảm giác như ông không mấy chú tâm vào phần âm nhạc. Và lời của từng ca khúc có một sức hút kỳ diệu đến mức, người ta say mê ca khúc của ông mà không cần phải phân tích âm nhạc.

Ai đó từng nhận xét, ca khúc của Trịnh Công Sơn có khả năng đi thẳng vào trái tim người nghe. Trái tim đã kịp thấu cảm những thông điệp trong ca khúc trước khi bộ não hiểu được. Ngôn từ của Trịnh thấm đẫm triết lý phương Đông, đôi khi có những chữ khó mà giải thích rành rẽ, nhưng ở góc độ tâm hồn, trực cảm, người nghe vẫn nhận diện vẻ đẹp của nó. Đấy là một điều gì vượt lên trên cả ngôn ngữ thông thường, vượt lên trên sự hiểu thông thường.

Nói một cách khác, đến với nhạc Trịnh là đến với một cuộc chuyện trò âm thầm. Nửa thế kỷ qua, người ta vẫn nghe nhạc Trịnh trong sự chậm rãi của tiếng ghi ta, và giọng hát của người ca sĩ phải đủ sức nặng nội tâm và trải nghiệm. Người muốn hát nhạc Trịnh hay, trước tiên phải là người có một đời sống sâu sắc.

Ca từ của nhạc Trịnh không phải những vết trượt hời hợt trong cảm nhận của người nghe, nó là “những vết cháy trên da thịt người” (Lời bài hát Tình sầu của Trịnh Công Sơn). Nhạc Trịnh không cần và chối từ những sự làm quá, hay làm duyên làm dáng vốn đầy rẫy trong đời sống biểu diễn hiện đại. Vì lẽ đó, gia đình cố nhạc sĩ không dễ dàng đồng ý, cho phép các nhà tổ chức sử dụng tác phẩm của ông trong những không gian sân khấu không phù hợp, nhất là trong các dịp quan trọng.

Năm nay, “Ru em” là đêm nhạc duy nhất được gia đình cố nhạc sĩ chấp thuận, được xem như đêm nhạc tưởng nhớ 16 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn tại Hà Nội. Là cơ hội cho công chúng được thêm một lần đắm đuối trong không gian thuần nhạc Trịnh nhất, với những giọng ca hàng đầu, vừa có ý thức làm mới nhưng vừa có ý thức giữ gìn những gì là căn bản nhất trong tinh thần Trịnh Công Sơn.

Bình Nguyên Trang

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文