Kathy Uyên: Diễn viên trẻ ngày nay thiếu nhiều kỹ năng
- Phim "Bộ ba rắc rối" chị vừa tham gia bị chê là gây cười nhạt với những mảng miếng hài vụn vặt, chị thấy sao?
Với phim "Bộ ba rắc rối", tôi chỉ tham gia với vai trò diễn viên chứ không phải là nhà sản xuất hay biên kịch cũng chẳng là đạo diễn nên tôi cố gắng làm tốt nhất vai trò của mình chứ không thể gây ảnh hưởng gì khác đến phong cách của bộ phim.
Tuy nhiên, tôi luôn lắng nghe và tôn trọng những ý kiến của khán giả vì cơ hội đó giúp tôi hiểu thêm về thị hiếu, nhu cầu của họ. Điều này giúp ích nhiều cho quá trình viết kịch bản, sản xuất cũng như diễn xuất của tôi cho những dự án kế tiếp.
- Chị nói gì về những khó khăn trong nghề diễn?
Khó khăn của diễn viên là mỗi ngày phải dậy thật sớm để đi thử vai, đây là thử thách lớn nhất. Thực tế không phải vai nào mình tham gia casting cũng đều được nhận. Các bạn đừng lo khi không chiến thắng trong một cuộc thi hoặc giành được vai trong những bộ phim mình tham gia thử vai. Tôi đã từng bị nhà sản xuất từ chối rất nhiều lần trước khi được giao một vai diễn.
Tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ muốn theo nghề diễn: đừng ngại trải qua những lần bị từ chối, cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ chúng và mạnh mẽ vượt qua. Nếu cơ hội không đến với bạn thì phải cố gắng tự tìm cơ hội cho mình. Hãy hợp tác với những đạo diễn trẻ, những người viết kịch bản trẻ hay tự viết cũng được để được học hỏi, được trưởng thành, được chứng minh năng lực của mình. Bạn phải năng động nhưng cũng đừng quá tự tin rằng người ta sẽ chọn mình, cũng đừng tự ti rằng mình thua kém người khác. Tuy nhiên, nếu bạn có thể làm tốt một công việc nào khác và diễn xuất chỉ là đam mê nhất thời thì cũng đừng tự giam lỏng chính mình vào khát khao được toả sáng ở lĩnh vực bạn không thực sự giỏi nhất.
- Theo chị diễn viên cần có những kỹ năng gì để thành công?
Tôi nghĩ rằng nếu mình có thêm những tài lẻ như ca hát và khiêu vũ thì khi có bất kỳ vai diễn nào mình cũng có thể hóa thân dễ dàng.
Việc được học thanh nhạc giúp người diễn viên biết cách kiểm soát hơi thở nên cách phát âm cũng khác với người khác. Giọng nói quyết định đến 50% sự thành công của một diễn viên. Ở Hollywood, diễn viên không được lồng tiếng mà phải thu tiếng trực tiếp, vì khi tham gia lồng tiếng diễn viên dễ mất đi cảm xúc. Ở Việt Nam mình việc thu tiếng trực tiếp cũng đã nhiều nên diễn viên phải có đài từ rõ ràng, truyền cảm theo đúng tính cách của nhân vật.
Ngôn ngữ cơ thể đóng góp vai trò thiết yếu trong việc diễn xuất. Do vậy, vũ đạo là công cụ giúp diễn viên biết cách kiểm soát chuyển động của cơ thể, cảm thấy thật sự thoải mái khi tương tác với các bạn diễn, tránh được tình trạng gồng cứng.
- Từng làm việc, công tác với các nhà sản xuất, các nghệ sĩ ở kinh đô điện ảnh Hollywood, chị so sánh như thế nào về sự chuyên nghiệp giữa diễn viên Hollywood và Việt Nam?
Hollywood chú trọng về việc đào tạo kỹ thuật diễn xuất, có nhiều diễn viên đang tham gia phim, hoặc đang nổi tiếng nhưng họ vẫn đến lớp thường xuyên, tiếp tục học không ngừng để nâng cao kỹ năng diễn xuất. Vì ở Hollywood, để giành được vai diễn thì các diễn viên phải cạnh tranh rất mãnh liệt. Giới showbiz Mỹ phức tạp hơn Việt Nam rất nhiều, áp lực của những người làm việc trong ngành giải trí cao hơn. Họ sở hữu lực lượng diễn viên hùng hậu, thị trường tiêu thụ điện ảnh rộng lớn, nhiều cơ hội làm việc và hợp tác hơn. Còn Việt Nam, mặc dù đang trong thời kỳ phát triển với tốc độ chóng mặt nhưng nếu so sánh với Mỹ thì sự cạnh tranh không đa dạng và chưa nhiều bằng.
Ở Mỹ, trước khi thử vai phải chuẩn bị trước 4, 5 ngày, lúc bước vào phòng casting bạn phải là nhân vật rồi từ phục trang, cho đến biểu cảm, cách đi đứng… Trong phòng casting bạn sẽ không bao giờ nhận được câu hỏi như: bạn đã nhận được kịch bản, đã học thoại hay chưa. Vì bạn đã được cho biết thoại, kịch bản từ trước và phải nghiên cứu nhân vật, chuẩn bị mọi thứ chỉn chu, bất kể thoại dài bao nhiêu trang, phục trang hoàn toàn mới mẻ so với hiểu biết của bạn. Có nhiều phim Kathy phải chuẩn bị hơn 1 tuần cho phần thử vai nhưng không bao giờ bảo đảm mình sẽ nhận được vai diễn đó.
Kathy Uyên trong phim “Bộ ba rắc rối”. |
Còn ở Việt Nam, khi casting hầu như diễn viên chưa chuẩn bị gì, có thể đó là lần đầu tiên họ cầm kịch bản trên tay nên không thể nào có được sự biểu cảm qua lời thoại, mà đành phải đọc thoại. Ngoài ra, phần đông mọi người sẽ có tâm lý: Chắc gì đã thắng? Tại sao mình phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, tiền của cho lần thử vai này mà không chắc chắn được giao vai? Có thể vì sự cạnh tranh ở Việt Nam chưa thật sự khốc liệt nên mọi người còn "tính toán" trong việc thử vai hơn xem đó là cơ hội học hỏi cần thiết cho sự nghiệp.
- Theo như chị nói thì ở bên Mỹ cơ hội làm phim rất là lớn. Động lực nào đã khiến chị trở về Việt Nam và làm việc tại quê nhà?
Dù gì, tôi cũng là người châu Á nên khán giả của Kathy là người Việt, người châu Á nhiều hơn là phương Tây. Tuy cơ hội làm việc ở Hollywood vẫn có cho người châu Á nhưng thực tế thì người Việt về Việt Nam làm việc thì cơ hội sẽ nhiều hơn.
- Chị gặp thuận lợi và khó khăn gì khi về nước hoạt động?
Tôi thấy mình đã phải đối mặt với thử thách lớn nhất là phải hoà nhập với môi trường sống mới, hoàn toàn xa lạ. Mọi thứ đều quá mới mẻ từ ngôn ngữ cho đến văn hoá, cách mọi người giao tiếp, cư xử và làm việc. Chính những điều đó khiến một người gốc Việt muốn tìm hiểu về nguồn cội như tôi cảm thấy cần nhiều thời gian để khám phá hơn. Tuy nhiên, tính đến lúc này, mọi thứ đã trở nên thân thuộc, dễ dàng hơn, chỉ có việc giao tiếp bằng tiếng Việt còn làm khó tôi vì đôi khi mình không có đủ vốn từ vựng để diễn đạt đúng ý mình muốn.
Khi về Việt Nam, tôi phải đối mặt với sự thật mình là người Mỹ gốc Việt, không phải vai diễn nào cũng hợp với một cô gái Việt Kiều. Trong lúc đó, may mắn tôi được tham gia phim "Để mai tính" với vai một nữ ca sĩ Việt kiều Đức. Nhưng sau đó Kathy nghĩ, mình không thể ngồi chờ một kịch bản khác cũng về những cô gái Việt kiều. Mặc khác, mình cũng không có được quyền để lựa chọn vai diễn thông qua casting, vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào đạo diễn hay là nhà sản xuất. Vậy nên tôi đã tự tạo ra cơ hội cho chính mình bằng cách viết cốt truyện và sản xuất "Âm mưu giày gót nhọn".
Kathy Uyên trong phim “Để mai tính”. |
Không chỉ riêng tôi, những ai làm việc trong ngành giải trí đều có cơ hội để phát triển tài năng, sử dụng kiến thức của mình ở Việt Nam. Ngoài diễn xuất, tôi được viết cốt truyện và sản xuất những bộ phim mình tâm đắc, được là một phần của điện ảnh Việt Nam đang phát triển, được khán giả chấp nhận cái giọng lơ lớ, cách nói tiếng Việt còn chưa trôi chảy đã là thuận lợi lớn với tôi.
- Không chỉ với vai trò diễn viên, chị còn đóng vai trò nhà sản xuất. Thị trường phim ảnh Việt Nam có gì hấp dẫn chị?
Tôi cảm thấy điện ảnh Việt Nam đang phát triển rất nhanh: những cụm rạp với trang thiết bị hiện đại ra đời ngày một nhiều, khán giả đã có thói quen đến rạp xem phim, vô số hãng phim mới được thành lập và họ đang tìm những kịch bản mới về ý tưởng, cốt truyện, nhân vật… để sản xuất phim. Vì thế, các nhà làm phim có nhiều cơ hội viết những ý tưởng mới, kể những câu chuyện thú vị, xây dựng các nhân vật đa màu sắc. Nhu cầu thực tế này cũng chính là những công việc tôi yêu thích và cảm thấy phù hợp nhất.
- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.