Lưu Công Nhân vẫn họa tình vào thế giới thanh tân

08:23 11/10/2017
Lưu Công Nhân (1930 - 2007) trở lại rạng rỡ và kiêu hãnh với “Nét” (Stroke) triển lãm (TL) cá nhân quy mô đầu tiên sau nhiều năm ông không trưng bày tranh tại Hà Nội - dấu ấn mạnh mẽ, một khẳng định độc đáo về phong cách, danh họa, một nghệ sĩ với sức lao động đáng nể - vẽ đến ngày cuối đời mình. Lưu Công Nhân như thể vừa đi đâu đó, một chuyến vắng mặt 10 năm và vẫn nhớ về cuộc hẹn lớn của đời với bạn bè, công chúng.

56 tác phẩm, cùng bút tích đa dạng về chất liệu, chủ đề bày tại không gian 2.000m² của tầng hầm Trung tâm Thương mại Vincom. Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), B1-R3 Vincom Royal City, 72 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, từ ngày 25-8, vừa khép lại hôm qua 24-9-2017 - là sự kiện đầu tiên thuộc dòng Triển lãm Giáo dục (Public Exhibition) đem tới cho công chúng cơ hội tìm hiểu sâu hơn về các nghệ sĩ bậc thầy, thành danh hoặc triển vọng của hội họa Việt Nam.

VCCA mới ra đời chưa đầy nửa năm, song dưới sự điều hành của TS Nguyễn Thị Quý Phương đã tạo sức hút lớn bằng các sự kiện hiếm có. VCCA đóng góp không gian trưng bày và lo việc bảo hiểm cho toàn bộ tác phẩm (bao gồm bảo hiểm trong quá trình vận chuyển và trong thời gian trưng bày 1 tháng), còn Gallery 39 của Lê Thiết Cương lo nội dung triển lãm.

Khi VCCA đưa underground vào không gian triển lãm - một hình thức nghệ thuật đường phố đặt cạnh phòng tranh Lưu Công Nhân, sự đối lập thú vị giữa cũ và mới, cổ điển và hiện đại, gây lạ lẫm thích thú chưa từng.

Chiếm số lượng gần trọn TL là 52 tác phẩm của danh họa được chọn từ hơn 400 bức thuộc bộ sưu tập (BST) tranh Lưu Công Nhân lớn nhất hiện nay của nhà sưu tập Nguyễn Phúc Hưởng (SN 1957 tại Hà Nội) - người gốc Bắc sống lâu năm tại quận 3, TP HCM.

Bắt đầu có tranh Lưu Công Nhân từ 1990, không chỉ ngưỡng mộ, Nguyễn Phúc Hưởng còn gần gũi danh họa và là bạn của nhà sưu tập cổ vật Lưu Quốc Bình - con trai thứ của ông. Cuộc trưng bày lớn này có một trong các tác phẩm nổi tiếng nhất của Lưu Công Nhân thời trẻ: Bình dân học vụ (sơn dầu khổ 160x130cm, vẽ năm 1955).

Bên cạnh BST của Nguyễn Phúc Hưởng là chủ đạo, đây cũng là dịp hiếm hoi để công chúng chiêm ngưỡng tác phẩm Những cô gái công trường thuộc bộ sưu tập của Apricot (doanh nhân Ngô Tấn Trọng Nghĩa), Lê Thiết Cương (ký họa tặng nữ quay phim Đỗ Phương Thảo), của con những người bạn: Đào Hải Phong (ký họa tặng NSND Đào Đức), Nguyễn Mai Lan (tranh tặng bạn học Mai Long).

Những tác phẩm được giải cao trong nước và được xem là tiêu biểu hay trưng bày tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam của Lưu Công Nhân đều là tả thực: Một buổi cày (82x105cm, 1960, sơn dầu trên vải), Hành quân (130x97cm, 1950, sơn dầu trên vải), Cổng nhà mẹ (51x33, 1995, bột màu giấy điệp).

Tranh ông dù vẽ hiện thực vẫn đầy chất thơ, sự khoáng hoạt, mơ mộng và dung chứa đối lập: giản dị, chân quê và sang trọng, gợi cảm. Không cần nhìn cành diên vỹ tím mà ông vẽ với cảm hứng nhớ Van Gogh, đâu chỉ ngắm thiếu nữ mặc áo hoa được chọn in trên thiếp mời, bên các giai nhân còn có chân dung người vợ - dược sĩ Trần Thị Phi Phụng, các tĩnh vật, lọ, bình, đèn - ấm chén... của ông trông rất châu Âu mà vẫn Á Đông.

Nét thoáng bay, bố cục và hình ảnh chặt mà vẫn gợi mở. Lưu Công Nhân bằng bút pháp hiện đại, truyền tài hoa vào hình và màu làm nên một thế giới đầy bay bổng, tràn sức sống.

Tôi đã gặp tranh Lưu Công Nhân đầy khách sạn Faifo cửa ga Đà Nẵng, tranh trong nhà thi sĩ Thi Hoàng Hải Phòng; thấy cô gái "nằm nude" bên dương cầm phòng khách tư gia nhạc sĩ Hồng Đăng bên sông Hồng. Lưu Công Nhân đi nhiều, vẽ nhiều và hào phóng tặng tranh cho bạn bè trong mối quảng giao liên tài.

29 bức tranh nude - mảng chính của TL là sở trường của Lưu Công Nhân. Người đào hoa, duy mỹ ấy đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh tôn vinh phái đẹp lên đến đỉnh cao của sự nghiệp ông cũng như đề tài. Sự cởi mở, tự tin ở chính mình và tư duy nghệ thuật cập nhật của một tinh thần sống trẻ trung, tha thiết với đời khiến Lưu Công Nhân, bằng cây cọ đã làm nên “phép tiên”, khiến người xem thấy nhân vật trong tranh ông như đang thở, đang đối diện, đang ùa ra thế giới này.

Lưu Công Nhân phong lưu mà lại rất hăng say lao động. Ông viết, vẽ, đi nhiều, chơi nhiều, tất cả nuôi dưỡng tư duy và cảm hứng nghệ thuật. Ông rất chăm viết thư. Thư Lưu Công Nhân đặc biệt ở chỗ: hay vẽ cảnh vật, ý nghĩ, nỗi nhớ, kỉ niệm gửi kèm. Ông hào phóng tặng bạn bè nhiều kí họa, tranh.

Những lá thư bút tích Lưu Công Nhân khoáng hoạt như tranh của ông đẹp trong sự giản dị đỉnh cao. Ông từng ngẫu hứng viết một khẳng định sảng khoái và ngạo nghễ, bút tích này được in trong vựng tập Nét: “Này anh thi sĩ, này anh viết tiểu/ đại thuyết ơi, các anh làm chó gì có món thơ, truyện khỏa thân, chỉ có họa sĩ chúng tớ mới có món này thôi!”.

Lưu Công Nhân mong có một TL cá nhân tại Hà Nội lúc tuổi xế chiều để gặp lại bạn bè mỗi năm một vãn. Nhưng ông đã không kịp.

10 năm sau khi từ trần, ông lại hiện hữu bằng trưng bày cá nhân đồ sộ chưa từng có. 2 người của lớp họa sỹ kháng chiến ngày nào: Trần Lưu Hậu, Mai Long đã đến khai mạc, họ gặp nhau, tác giả đối thoại với bạn mình, với đồng nghiệp các thế hệ và người yêu tranh các thế hệ bằng những chân dung tuyệt đẹp, bằng thiên nhiên nên thơ.

Lưu Công Nhân là đại diện tiêu biểu của trường phái hiện thực mà không tả thực. Những tác phẩm sơn dầu khổ lớn (hiếm có ở thời ông) và hơn 2.000 bức tranh bộc lộ tầm vóc khác biệt của một họa sĩ tài hoa, hiếm biệt ở tinh thần chuyên nghiệp, chuyên tâm vẽ.

Bởi lấy được người bạn đời gia đình trí thức tư sản, sự sung túc của đời sống và lựa chọn là họa sĩ tự do, chữ Tự Do theo nghĩa tối đa, đã giúp ông thoải mái về tư tưởng, không bị bó hẹp bởi các nhiệm vụ, áp lực của những mưu toan thực dụng, câu thúc mưu sinh. Bởi thế, sự phong lưu, tay chơi, kiêu bạc, ngông nghênh của ông thành phong thái tự nhiên. Ông biết mình tài, lao động xuất chúng nên ông có quyền kiêu hãnh và bất chấp lũ đố tài, ghen ghét.

Lưu Công Nhân danh họa vẽ nude hàng đầu, hoa tay kỳ biệt ấy còn tuyệt vời cả ở tranh phong cảnh. Lưu là thi sỹ quyền năng của nét - màu. Ông đào hoa, đa tình, yêu và được yêu, hẳn không cần phải nói đến từ "Ái tình" nhiều, bởi trái tim ấy tâm hồn ấy, ngay khi ngồi trên xe lăn vẫn thanh xuân, xê dịch và phóng túng cọ theo ý nghĩa miên du.

Suốt cuộc đời ông, đi và vẽ là lẽ sống. Biển và những giai nhân trong tranh màu nước của ông là những bài thơ của khung cảnh thiên đường. Vẽ hiện thực mà đẹp hơn tưởng tượng, bởi thẩm thấu qua tâm hồn duy mỹ thì mới là nghệ sĩ tầm cỡ. Vịnh Hạ Long thật đã là di sản thiên nhiên thế giới từ 1994, giờ vẫn còn phải mơ mới đạt tới vẻ trong ngần, bồng ảo và thần tiên như Vịnh của Lưu Công Nhân.

Chết không bao giờ là kết thúc với những tài danh, khi toàn bộ tâm hồn, trái tim, khối óc của họ dồn tác phẩm để đời, sáng tạo kiệt tác bất hủ. Lưu Công Nhân ngừng đập trái tim hơn 1 thập kỉ, nhưng nhịp tim ông, đôi mắt đẫm tình của ông vẫn thức trong tranh, trong đời.

Không có chữ “cố” đặt trước danh từ tên của những nghệ sĩ khi họ, bằng tác phẩm tạo bởi tài năng, xương máu vẫn sống trong nhân gian, bất chấp thời gian. Như bút tích của ông - sự khẳng định cũng là tuyên ngôn nghệ thuật hội họa đang trưng bày tại TL này: “Hội họa đích thực không cần sự hùng biện. Họa sĩ đích thực vẽ bằng tình yêu”.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) khóa kháng chiến tại Việt Bắc (1950-1954), Lưu Công Nhân là một trong các học trò xuất sắc nhất của danh họa Tô Ngọc Vân (Hiệu trưởng đầu tiên của trường). Lưu Công Nhân góp phần định hình nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Chân dung màu nước.

Sinh ngày 17-8-1930 tại làng Lâu Thượng, huyện Hạc Trì, tỉnh Phú Thọ, mất ngày 21-7-2007 tại Đà Lạt, họa sĩ Lưu Công Nhân đã có một cuộc đời sáng tác dài hơn 6 thập niên. Người sinh ra tháng 8 trở lại vào tháng 8 ở thành phố cổ nơi ông quyến lưu bao ký ức, bạn bè, "ga đầu" của những chuyến đi.

Định mệnh đi và vẽ không ngừng nghỉ của Lưu Công Nhân để lại một sản nghiệp bề thế, sự đồ sộ và chất lượng của tác phẩm, tính hấp dẫn xuyên thời gian của đẳng cấp nghề bậc thầy và tính tư liệu cho lịch sử hội họa. Từ ngôi làng cổ bên thành phố ngã ba sông đến khắp các nẻo đường của đất nước, lúc trẻ trai đến khi bị parkison, ngồi xe lăn, danh họa vẫn mê mải với thế giới sắc màu. Đấy không chỉ là đam mê từ hồng cầu mà là nhu cầu tự nhiên, toile trắng như oxy trong lành ông cần "uống" bằng mắt, bằng tay, bằng mọi giác quan của tinh thần ham sống, yêu sự sống.

Năm 2009, triển lãm hơn 50 bức tranh màu nước và mực nho vẽ trên giấy dó, giấy điệp của Lưu Công Nhân thuộc sở hữu của nhà sưu tập Đỗ Huy Bắc đã tổ chức tại Hội Mỹ thuật TP HCM. Khá nhiều bức đã được in trong mấy tập sách tranh của ông. Và đó chỉ là con số rất nhỏ trong kho tàng tranh khổng lồ Lưu Công Nhân đã vẽ trên mọi nẻo đường.

Trong ngôi nhà nhỏ của ông ở Vĩnh Yên, những năm họa sĩ còn khỏe và ngôi biệt thự cuối con dốc sâu hút tại Đà Lạt, khi ông đã bị parkinson, lưu trữ những mấy thùng tranh giấy và ký họa Lưu Công Nhân vẽ từ thập niên 1950. Ngoài giá trị mỹ thuật, số tranh giấy đó còn là tư liệu lịch sử hiếm có.

Sinh trưởng tại quê, vùng trung du Phú Thọ, có những năm tháng công tác, sáng tạo tại Việt Trì, Vĩnh Yên, Lưu Công Nhân đã cùng vợ trở lại vùng đất này vào đầu thế kỉ 20, khi đôi chân còn chống can đi được. Chân còn sức đi, dù đã qua tuổi 70, ông vẫn lên tận miền núi Hà Giang để vẽ. Nhà sưu tập Lưu Quốc Bình đã nhiều lần tổ chức những chuyến đi, đích thân lái ô tô đưa bố đi vẽ nhiều nơi, ra Bắc hằng năm. Anh thân thiết và chiều bố nhất trong 4 người con (3 trai, 1 gái) của ông bà.

Đào hoa và được rất nhiều phụ nữ mê, cả đời họa sĩ chỉ chung sống với người vợ lấy trong kháng chiến. Bà từng được du học ở Hungary, con gái gia đình tư sản ở Sài Gòn. Bất chấp gian khổ, dược sĩ Trần Thị Phi Phụng tham gia kháng chiến chống Pháp, gặp người bạn đời ở Việt Bắc, sinh các con ở Hà Nội và các con của họ đều nói giọng Bắc.

Tuy không đẹp, lại hơn chồng 5 tuổi, bà Phi Phụng chăm sóc và nuôi dưỡng sức khỏe, sức sáng tạo của chồng, đầy tâm lý, tinh tế, chiều đủ thú chơi của chồng. Bà kìm nén và rộng lượng vượt thói quen và quyền ghen của đàn bà để tạo điều kiện cho ông thỏa sức vẽ nude, đạt đến trình độ bậc thầy.

Chính người con trai cưng của danh họa tìm kiếm mẫu nữ về cho bố vẽ nude khi ông du lịch sáng tác tại khách sạn, đưa về nhà riêng và studio những năm cuối đời, khi Lưu Công Nhân chân yếu phải ngồi xe dịch chuyển. Danh họa mang phong thái Pháp cả trong tranh và đời, về già, sống chủ yếu ở biệt thự tại “tiểu Paris”, số 13 đường 3 tháng 4, Đà Lạt.

Ở đó, trong biệt thự phủ kín dây cát đằng hoa tím và móng rồng xanh, nhìn xuống thung lũng trồng rau, Lưu Công Nhân, tuổi cao bệnh tật, đi đứng khó khăn, vẫn không ngừng vẽ và vẽ. Đây cũng là nơi lưu giữ tranh của ông, các con ông hiện sống ở TP HCM, nhà Đà Lạt bỏ không, vẫn khiến nhiều người hâm mộ ông tìm đến dù chỉ là để đứng nhìn từ xa, từ bên ngoài nơi danh họa đã sống và vẽ.

Nếu còn sống đến hôm nay, chắc Lưu Công Nhân sẽ vẫn đi và vẽ. Sinh thời ông từng rất muốn có bảo tàng tư nhân, rất thích công bố tác phẩm mới. Vậy mà trước khi mất, ông đã dặn vợ con và viết vào di chúc: “Không in sách, không làm triển lãm!”, nên sau 10 năm, hai việc này gia đình không đứng ra làm. Sao lại có sự mâu thuẫn này?

Phải chăng bởi giải thưởng Nhà nước, những huân, huy chương kháng chiến chưa đủ, chưa tôn vinh xứng đáng với tài năng, những cống hiến và  cá tính sáng tạo của Lưu Công Nhân. “Cả đời vẽ. Cả đời yêu. Còn lại chút này”. Gia đình ông vẫn còn giữ hàng trăm bức tranh, tranh của ông có ở khắp Việt Nam, ra nước ngoài, lên sàn đấu giá quốc tế Sotheby's từ lâu. Chút này của ông ăm ắp trần gian. Người đàn ông vẽ ấy vẫn còn mãi, bằng sức sống nguyên đầy Lưu Công Nhân.

Vi Thùy Linh

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文