Kia
Mobifone

Hoàng Xuân Hãn: Nhà “Tây học” nặng hồn “dân tộc học”

Thứ Sáu, 20/07/2018, 09:40
Có thể nói, học giả Hoàng Xuân Hãn chỉ mất đi về mặt thể xác, chứ tinh hoa, di sản văn hóa của ông để lại vẫn còn hữu ích cho nhiều đời sau. 

Một đêm năm 1922, trời còn tối mịt, gió thổi lạnh buốt xương, những cậu học trò trường Quốc học Vinh đang cuộn tròn nằm trong chăn ấm. Bỗng ngoài phòng nội trú vang lên tiếng guốc lộc cộc đi dọc hành lang và tiếng ngâm “Kiều” ngân nga... Lại trò Hãn chứ còn ai nữa.

Cứ đúng 5h sáng, bất kể trời mưa hay nắng, trò Hãn đã thức dậy. Gặp lúc trời rét thì cậu trùm chăn kín mít, vừa đi vừa học bài! Sức học ấy đã giúp cậu về sau trở thành một nhân vật lỗi lạc ở nhiều lĩnh vực, “hiện thân của bộ óc bách khoa Việt Nam ở thế kỷ XX” như nhiều người đã khẳng định (“Những gương mặt trí thức” - NXB Văn hóa thông tin - Hà Nội - 1998).

Một giọng ngâm “Kiều”

Hoàng Xuân Hãn sinh ngày 8-3-1908 tại thôn Yên Phúc, làng Yên Hồ, huyện La Sơn (nay là huyện Can Lộc), Hà Tĩnh, là con trai của tú tài Hán học Hoàng Xuân Ức và bà Lê Thị Âu.

Sau này, Hoàng Xuân Hãn cho biết: “Từ khi vào các trường Vinh (1917) hay Hà Nội (1927), tôi đã sớm nhận thấy hoàn toàn thiếu phần “Quốc học” và càng lên càng thấy phần quốc học suy đồi, anh em ít người chú tâm; đến cả thầy giáo cũng vừa non nớt vừa uể oải. Tôi lại nhận thấy rằng, nếu tiếng mình thiếu phần tối thiểu về khoa học thì dân ta không thể có những lý luận chính xác nghiêm túc và những kiến thức “cách tri” không thể truyền bá vào tập quán dân ta, chỉ quen với từ chương mơ hồ, luộm thuộm” (Nguyễn Q. Thắng - Khoa cử và giáo dục Việt Nam - NXB Văn hóa thông tin - 1994, tr.315-316). Do sớm ý thức như thế nên gần hai mươi năm sau ông đã hoàn thành một tác phẩm độc đáo: Danh từ khoa học.

Năm 18 tuổi, ông là học sinh đầu tiên của trường Quốc học Vinh đậu thủ khoa kỳ thi thành chung toàn Trung kỳ. Sau đó, ông ra Hà Nội học trung học ở trường Bưởi. 

Trong thời gian này, ông tự học để lấy bằng tú tài Pháp. Năm sau, ông chuyển qua học lớp đệ nhất ban toán của trường Albert Sarraut. Năm 20 tuổi, ông đậu xuất sắc tú tài Pháp và sang Pháp học tiếp.

Để mừng Hoàng Xuân Hãn và những vị tú tài tân khoa đầu tiên của xứ Nghệ theo chế độ khoa cử mới, ông nghè Phạm Liệu và ông hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (thân sinh học giả Nguyễn Khắc Viện) có viết tặng câu đối (Hoàng Xuân Hãn dịch): “Hồng Lam nung đúc, từ trước nhiều tài, vui nói tân khoa về cựu tộc/ Âu Á văn minh, đến nay đồng hóa, hãy đem cờ đỏ dẫn thanh niên”.

Sang Pháp từ năm 1928, Hoàng Xuân Hãn đã học toán cao cấp, toán đặc biệt ở Lycée Saint Louis (Paris). 2 năm sau, ông thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm và trường Bách khoa nhưng ông chọn học Bách khoa và bắt đầu biên soạn cuốn Danh từ khoa học

Sức học của ông thật khủng khiếp. Năm 26 tuổi, ông đậu kỹ sư cầu cống, 27 tuổi đậu cử nhân toán, 28 tuổi đậu thạc sĩ toán và là một trong những người Việt Nam đầu tiên có được bằng này.

Hoàng Xuân Hãn cho biết: “Năm 1936, trở về nước, tôi dạy toán ở trường Bưởi cũ, nhưng nay đã đổi ra loại Lycée với hoàn toàn chương trình trung học “Tây”. Vấn đề giáo dục không thể gắn liền với vấn đề quốc học nữa. Nhưng tôi vẫn tiếp tục công việc lập Danh từ khoa học.

Không bao lâu, cuộc chiến tranh Âu châu bùng nổ, binh đội Pháp đầu hàng, quân Nhật vào Đông Dương. Phần lớn trí thức trẻ Việt Nam liền thấy vận mệnh đất nước mình sẽ thay đổi, trong hướng trở lại với nền văn hóa gốc. Tôi cùng một nhóm bạn lập ra tạp chí Khoa học và tôi tự đem in Danh từ khoa học của tôi. Thật ra, bấy giờ tôi chịu những lời phê phán hiềm nghi của một số cấp chính quyền cao cấp” (SĐD, tr.316).

Cuốn sách giá trị này được biên soạn công phu, nghiêm túc và được Hội Khuyến học Nam Kỳ trao giải thưởng năm 1943 - với ý nghĩa công trình mở đường cho việc xây dựng khái niệm và thuật ngữ khoa học của Việt Nam. Và cũng nằm trong xu hướng phổ biến khoa học, tờ báo Khoa học do ông cùng một số người đồng chí hướng hợp tác đã ra đời.

Ngay ở số 1 ra ngày 1-1-1942, trong lời nói đầu, có đoạn viết: “Truyền bá tư tưởng khoa học và phương pháp khoa học cho những người không biết đọc sách Tây phương, tìm một tôn chỉ chung để lập một văn hóa mới cho quốc dân về phương diện khoa học”.

Ngoài ra, Hoàng Xuân Hãn còn tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ theo chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội được thành lập vào năm 1938 do học giả Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng mà trong Ban Chuyên môn có ông Võ Nguyên Giáp làm Trưởng Ban Dạy học và Hoàng Xuân Hãn làm Trưởng Ban Tu thư.

GS-BS Trần Cửu Kiến cho biết: “Vốn là nhà bác học và là một nhà thơ và tâm lý học, thầy Hoàng Xuân Hãn có những nhận xét sau: Học viên truyền bá quốc ngữ là những nông dân, công nhân, dân nghèo thành thị, tuổi đã lớn, làm thuê, làm mướn đầu tắt mặt tối, đến lớp học đêm trong sự mệt mỏi thể chất và tâm thần. Nếu lớp học không hấp dẫn thì họ dễ chán và bỏ học. Do đó, không thể đem cách dạy chữ thông thường cho trẻ em để dạy cho họ được. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn nói rằng phương pháp dạy vỡ lòng của hội là “phương pháp đọc thành tiếng” khác với phương pháp cũ “đánh vần từng chữ”. Nó hợp lý, dễ học và khoa học hơn” (Báo Sài Gòn Giải Phóng số 26-3-1996).

Thật vậy, cuốn sách Vần quốc ngữ - dạy theo phương pháp mới do Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Giáp, Vũ Hy Trác soạn đã giúp hàng triệu người đã thoát nạn mù chữ chỉ trong vòng từ 3 đến 6 tháng. Phương pháp học chữ quốc ngữ, đến nay nhiều người vẫn còn nhớ vì nó vui, dí dỏm: “I tờ giống móc cả hai/ I ngắn có chấm, tờ dài có mang”; “O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ, Ơ là có râu”...

Rồi để dạy 5 dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, là đặt câu vè dễ nhớ: “Huyền ngang, sắc dọc, nặng tròn/ Hỏi khom lưng đứng, ngã buồn nằm ngang” v.v... Ông từng nói với các chiến sĩ trong phong trào Bình dân học vụ: “Nghĩa lớn bình Ngô, truyền đại cáo/ Chí thành diệt dốt, dựng tương lai”.

Con đường đã chọn

Từ đầu năm 1945, tình hình chính trị có nhiều biến động. Ngày 9-3-1945 Nhật lật đổ Pháp, chiếm Đông Dương. Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Hoàng Xuân Hãn được mời làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Mỹ thuật.

Trên cương vị này, từ ngày 20-4-1945 đến 20-8-1945 ông đã xây dựng và ban hành chương trình giáo dục bằng chữ quốc ngữ cho các trường trung học, rồi áp dụng việc học và thi tú tài đầu tiên bằng tiếng Việt - sau này chúng ta quen gọi là “Chương trình trung học Hoàng Xuân Hãn”.

Sau ngày chính phủ Trần Trọng Kim từ chức, Hoàng Xuân Hãn trở lại với công việc viết sách khảo cứu và dạy học. Lúc này, ông bắt đầu để tâm nghiên cứu Truyện Kiều.

Tháng 4-1946, Hội nghị Việt - Pháp tổ chức ở Đà Lạt, ông được Chính phủ Hồ Chí Minh cử làm Chủ tịch Tiểu ban Chính trị trong phái đoàn nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau hội nghị này, trở về Hà Nội, ông tham gia giảng dạy các bộ môn kỹ thuật quân sự cho các khóa huấn luyện của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. 

Lúc nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc, ông bị kẹt lại Hà Nội. Giai đoạn này, gia đình ông trở thành cơ sở của nội thành, bí mật liên lạc và ủng hộ kháng chiến.

Thời điểm này, ông đã công bố cuốn sách có giá trị Lý Thường Kiệt, là kết quả công việc mà ông đã đeo đuổi từ mười năm trước. Đó là vào năm 1939, khi Đồng Minh thả bom xuống Hà Nội, ông theo trường Bưởi sơ tán vào Thanh Hóa. Ngoài công việc dạy học, ông đã dành nhiều thời gian khảo sát điền dã nhằm tìm kiếm di sản văn hóa còn sót lại đâu đó.

Ông đã phát hiện di tích Đò Lèn nơi nhân dân thờ anh hùng Lý Thường Kiệt và tìm thấy 4 tấm bia vào thế kỷ XI và XII có liên quan đến danh tướng này mà trước ông, các sử gia chưa hề biết đến. Rồi tại nhà của một hậu duệ 8 đời của Nguyễn Thiếp La Sơn phu tử, ông đã tìm được thư, thủ bút của vua Quang Trung gửi cho Nguyễn Thiếp.

Rồi tại nhà chắt đích tôn của Nguyễn Biểu, ông đã tìm được thủ bút của vị danh tướng đã viết từ thời nhà Trần (1406) v.v... Tất cả những tư liệu tìm được - từ gia phổ, tài liệu còn sót lại đến khảo sát điền dã rồi tham khảo thêm ở các sách trước đó - Hoàng Xuân Hãn đã công bố tác phẩm giá trị, có sức sống lâu dài như Nguyễn Biểu - một gương nghĩa liệt (1941), Lý Thường Kiệt (1949), La Sơn Phu Tử (1951)...

Từ năm 1950 gia đình Hoàng Xuân Hãn định cư ở Pháp. Đáng chú ý nhất là từ năm 1951-1954, ông đã giúp Thư viện Quốc gia Pháp, các thư viện dòng Tên ở Ý và tòa thánh Vatican làm thư mục về sách Việt Nam. Sau đó, ông cho in Chinh phụ ngâm bị khảo.

Lần đầu tiên, ông công bố 4 bản dịch Chinh phụ ngâm của Phan Huy Ích, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Khản và Vô Danh (vì chưa tìm được tên dịch giả) sau khi đối chiếu từng câu, từng chữ với bản gốc của Đặng Trần Côn. 

Công trình công phu này, có thể gây “sốc” cho giới nghiên cứu, bởi lẽ, theo ông, bản Chinh phụ ngâm đang lưu hành lâu nay là của Phan Huy Ích chứ không phải của Đoàn Thị Điểm như mọi người từng biết! Vấn đề ông nêu ra cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ, mọi người vẫn còn tiếp tục tranh luận.

Và mặc dù sống xa Tổ quốc, nhưng lúc nào ông cũng hướng về cội nguồn, dành hết cho công việc nghiên cứu không mệt mỏi. Có thể kể đến những áng văn cổ mà ông hiệu đính, chú thích tường tận như Mai Đình mộng ký, Bích Câu kỳ ngộ, Truyện Song Tinh, Đại Nam quốc sử diễn ca... hoặc viết về Quần đảo Hoàng Sa, Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long...

Ngoài các tác phẩm đã kể trên, ông còn nghiên cứu về lịch và lịch Việt Nam. Hầu như trên lĩnh vực nào, học giả Hoàng Xuân Hãn cũng có những phát hiện và đóng góp đáng kể.

Có thể nói, cả cuộc đời, chưa bao giờ ông cho phép mình được nghỉ ngơi. Ngoài 80 xuân, ông vẫn cặm cụi với công trình khảo đính Truyện Kiều - nhằm khôi phục lại một văn bản gần nguyên tác nhất của thi hào Nguyễn Du.

Nhưng rồi trái tim luôn hướng về quê nhà, khối óc uyên bác luôn quan tâm đến di sản văn hóa của dân tộc đã ngừng hoạt động vào lúc 7h45 ngày 10-3-1996 tại Bệnh viện Orsay (Nam Paris). Chỉ 3 ngày sau, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lê Đức Anh đã ký quyết định truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn.

Sang Pháp, nếu ta đến Trúc Lâm thiền viện xây trên ngọn đồi Villebon - Yvette, cách Paris 25 km - ắt sẽ nhớ đến quang cảnh thơ mộng của rừng Yên Tử. 

Tất cả gợi lên một không gian rất thiền, rất Á Đông và lòng ta chắc hẳn bồi hồi, xúc động khi biết nhúm tro thi hài học giả Hoàng Xuân Hãn đã lưu lại nơi đó: “Thể gửi xứ người nương cửa Phật/ Hồn về đất Việt viếng quê nhà”.

Có thể nói, học giả Hoàng Xuân Hãn chỉ mất đi về mặt thể xác, chứ tinh hoa, di sản văn hóa của ông để lại vẫn còn hữu ích cho nhiều đời sau. Khái niệm “chết” đối với những người như nhà bác học Hoàng Xuân Hãn là vô nghĩa.

Lê Văn Nghệ

.
.