Thi sĩ Chu Hoạch: Biết chạm cốc cùng ai trong ý nghĩ

14:53 03/01/2018
Thi sĩ Chu Hoạch đã rời xa cõi tạm 10 năm. Cuộc đời 66 năm của ông gắn bó với thơ và tranh, trong nỗi cô đơn dằng dặc và sự túng bấn triền miên.

Ông dự cảm về số phận mình đầy bất trắc: “Câu thơ hay nhất không lời/ Viết xong, tôi đốt đi rồi, còn đâu/ Bức tranh đẹp nhất không màu/ Vẽ xong, tôi đốt từ lâu lắm rồi/ Tháng năm đẹp nhất đời tôi/ Ở trong tro ấy. Tro vùi dưới tro”. Thế nhưng, với công chúng yêu mến Chu Hoạch thì bóng dáng ông vẫn lấp lánh đâu đây cùng những tác phẩm của ông!

Thi sĩ Chu Hoạch làm thơ như một cách giải thoát bản thân khỏi những phấp phỏng và âu lo thường trực. Với ông, bài thơ được viết ra, nghĩa là sứ mệnh thi ca đã hoàn thành. Ông đọc thơ cho bạn bè nghe, ông chép thơ vào sổ tay mà ai thích thì cho mượn luôn và chẳng mấy khi có ý định lưu giữ như tài sản sáng tạo cá nhân, theo đúng kiểu câu thơ của ông “tôi không phải người thích bảo trì dù quá khứ vàng son”.

Sở dĩ thơ Chu Hoạch có thể in thành tập, là nhờ công những người trân trọng ông đã cất giùm, đã tìm giùm, hoặc đã nhớ giùm. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi phần lớn thơ Chu Hoạch có tên là... Không đề!

Thi sĩ Chu Hoạch đứng ngoài danh lợi văn chương. Thơ ông xuất phát từ bụi bặm “ơi câu thơ đầu trần giữa phố lênh đênh” và chấp nhận ngụp lặn với bụi bặm “Những câu thơ viết giữa lòng đường/ Không chịu ngủ yên trên giường nệm trắng/ Bởi thiếu bụi đường, hương mưa, phấn nắng/ Chúng chỉ còn là những xác lạnh tanh...”.

Thơ Chu Hoạch khởi sự từ thập niên 60 của thế kỷ trước, mà một trong những bài thơ đầu tiên là Hồn tôi được viết năm 1964, lúc ông 23 tuổi: “Hồn tôi là ngã ba sông/ Ngã ra biển rộng, ngã vòng về xuôi/ Hồn tôi là ngã ba trời/ Ngã trông xứ nắng, ngã vời cõi mưa/ Hồn tôi là ngã ba thơ/ Ngã vui siêu thực, ngã chờ tay em...”.

Giọng điệu lục bát nhịp nhàng và ngang tàng, cũng lưu dấu vết trong vài bài thơ khác, chẳng hạn: “Chiều như đám cháy trong không/ Cháy xong ngọn nắng cuối cùng rồi thôi/ Chiều trong cây đứng đá ngồi/ Chiều trong lá biếc đang trôi giữa dòng/ Chiều như đám cháy trong không/ Cháy xong ngọn nắng cuối cùng rồi... trăng”.

Thơ lục bát Chu Hoạch không tệ, nhưng khuôn khổ sáu tám chỉn chu đâu có phù hợp với lối sống và lối nghĩ của ông. Thơ Chu Hoạch phải song hành duyên kiếp lênh đênh của một kẻ lận đận bên lề đua chen: “Sực tỉnh với hình hài lay lắt/ Giữa mùa trời đắng ngắt vô tri/ Giữa mùa tình trắng tay thất bát/ Thì vịn vào câu hát mà đi...”.

Cột mốc thay đổi thơ Chu Hoạch có lẽ là bài Gió đầu ô. Dựa vào ghi chú “Viếng thi sĩ Đinh Hùng” thì có thể xác định bài thơ này viết vào năm 1967. Hơi thơ Gió đầu ô khá giống những bài Lâm Tuyền viễn mộng, Lời thề trên gối hoặc Duyên phượng hoa trong tập Đường vào tình sử của Đinh Hùng. 

Tuy nhiên, ngay trong chính Gió đầu ô đã vụt sáng những câu thơ mang phong cách Chu Hoạch như “Thu có vẻ như cời than đốt lửa/ Ta lại buồn như sắp sửa vào yêu.../ Ta lại buồn như sắp sửa vào say/ Biết chạm cốc cùng ai trong ý nghĩ”.

Đọc thơ Chu Hoạch, không khó để nhận ra chân dung một con người lầm lũi “Chỉ mỗi mưa thấy cần tôi trong bài ca ướt đất/ Tôi thả mình theo mưa dắt thân quen” nhưng đầy đam mê “Sẽ không phải ta đâu mà là giấc mơ sống mãi/ Ở ngoài mọi đồn đãi miệng đời/ Ở ngoài dòng thời gian trôi chảy/ Ngoài tình người khắc khoải đầy vơi.../ Và ta sung sướng ký tên ta bằng nét bút rã rời/ Dưới chân giấc mơ một đời khao khát...”.

Tuổi trẻ của Chu Hoạch phải mưu sinh bằng nghề móc cống. Một cái nghề lấm láp và cơ cực, không ngờ lại thành chất liệu cho những câu thơ xao xác và rung động: “Đưa em ra bến xong anh vòng về quán nước/ Ở đấy, với năm xu, anh được thở dài/ Mà ngắm những đốm hè nồng nực/ Nhấp nháy hiện màu nhấp nháy đổi thay/ Ngồi hết cái năm xu cũng là kịp vào ngày lao động/ Với một chiếc xô tay anh tụt xuống cống ngầm/ Thành phố đi trên đầu anh không tiếng vọng/ Trừ tiếng thở của mình trầm, chậm, có hồi âm...”.

Trong chuỗi ngày nhọc nhằn đó, Chu Hoạch chỉ nhói lên một mơ ước bình dị: “Con biết mẹ hằng thích nhìn thấy con luôn sạch sẽ/ Tiếc thay, con chỉ có điều kiện để sạch sẽ lúc chớm già/ Điều kiện ấy là có nơi nào, có người nào đợi con về với đôi gàu nước trong mát mẻ/ Đôi gàu nước đủ vỗ về và có thể làm tươi trẻ thịt da...”.

Chu Hoạch làm thơ và vẽ tranh với mong muốn tôn thờ cái đẹp, giữa ngổn ngang thiếu thốn và dằn vặt. Cái đẹp Chu Hoạch theo đuổi, có ý niệm như một câu hỏi thẳm sâu: “Cả đời ngửa mặt nhìn trăng/ Đêm nay nhắm mắt để trăng ngắm mình/ Sinh ra cùng kiếp hữu tình/ Trăng vô tình thế hay mình vô tâm?”.

Chu Hoạch ùa vào đám đông để bớt quạnh hiu, Chu Hoạch ùa vào tình yêu để bớt quạnh hiu, nhưng lại bị những trái ngang trở về với quạnh hiu: “Đã được sinh ra cho tất cả mọi người/ Thì không nên là của riêng ai cả/ Tôi chỉ hiểu được điều này sau ba lần vấp ngã/ Bởi ba người đàn bà trước lạ sau yêu”.

Chu Hoạch khao khát yêu và khao khát được yêu: “Có một nấm mồ không đáy: thời gian/ Có một nỗi buồn không tan trong thời gian không đáy/ Đó là nỗi buồn của chiếc giày chân trái/ Không tìm được chiếc giày chân phải/ Để thành đôi”.

Thậm chí, những khi chếnh choáng men nồng, ông càng bị tình nhân ám ảnh: “Khi đã say như con tàu say/ Liệu ai có nhớ bến này cảng nọ/ Đã cả vạn lần say, sao ta còn nhớ rõ/ Chiều ấy dạt vào bến nhỏ tên em”.

Tình yêu kiểu Chu Hoạch thật chân thành, thật đắm đuối và cũng thật cao thượng: “Trôi dạt giữa đời thường muôn ngả/ Liệu có lần nào ta lại ngã vào nhau/ Và lần ấy ta có được thấy em cười thật lòng hả dạ/ Chứ không cười để dấu che cơn nước mắt nghẹn ngào”.

Chu Hoạch tự thú về “ba người đàn bà trước lạ sau yêu”, nhưng không dễ xác định gương mặt ba người đàn bà tách biệt trong thơ ông. 

Với Chu Hoạch, mỗi lần yêu là một lần dâng hiến trọn vẹn: “Được sinh ra với trái tim vui vẻ/ Tôi không nghĩ mình qua đời như kẻ không tim/ Nhưng điều phải xảy ra sẽ là như thế/ Khi tim tôi hiện thời còn để nơi em”.

Chu Hoạch trao cả trái tim mình, để yêu như khám phá từng khoảnh khắc: “Em như một bài thơ không chép được/ Mà đành lòng anh phải thuộc từng câu/ Thuộc bằng ngày lặng nghe và khuya âm thầm hưởng/ Từng vị ngọt bùi từng vị nông sâu” và để yêu như nuối tiếc từng phút giây “Và hãy để cho bài thơ tự kết/ Lúc phố người bừng điện báo đêm/ Rồi bên cạnh tên bài thơ vụt đến/ Anh sẽ đề rón rén: Tặng em...”.

Cay đắng thay, Chu Hoạch không có được một tình yêu viên mãn. Sự tách lìa đột ngột, sự đứt gãy bẽ bàng, sự âu yếm nửa chừng, vẫn không làm ông oán hận. 

Ông ngoảnh lại sự mất mát bằng tấm lòng tri ân: “Ta ơn em một lần đến/ Một lần đi/ Đến đúng lúc/ Và đi đúng lúc/ Để chúng ta khỏi chung thân cùng chuồng gia súc/ Tục gọi là hạnh phúc lứa đôi/ Ta ơn em khi lại được lẻ loi”.

Nét độc đáo của Chu Hoạch là những những câu thơ trình bày sự mong manh của tình yêu trong sự dan díu giữa mùa thu lãng mạn và mùa đông lạnh lẽo. 

Chân dung Chu Hoạch tự họa.

Ngoài bài thơ Thu đã khá quen thuộc với công chúng “Thu rất thật thu là lúc chớm đông sang/ Em rất thật em là lúc em hoang mang lựa chọn/ Anh rất thật anh là sớm biết ra đi nhẹ gọn/ Để tránh cho em mất một lời chào/ Và bớt cho trời một chút gió xôn xao”, Chu Hoạch còn có những câu xao xuyến tương tự như “Anh hát hết khúc dài khúc ngắn/ Vì mặt em làm bao nhiêu giấc nhạt hóa thành say/ Đang đứng ngã ba thu, anh còn biết mùa đông này lạnh nhất/ Vì mặt em sương muối tối chia tay” hoặc “Mãi đến lúc nhặt được của chiều một khúc đơn ca/ Tôi mới biết mùa thu đang xa và mùa đông từ ngã ba đang tới/ Điều ấy có trong dáng cây nghĩ ngợi/ Trong nắng vàng lọt mắt lưới sương.../ Nhưng rõ nhất là trong bóng ai chấp chới qua đường/ Dửng dưng thương nhớ...”.

Dẫu trải qua nhiều chua chát và lêu bêu, Chu Hoạch vẫn tha thiết với mảnh đất Hà Nội - nơi mình sinh ra và lớn lên.

Từ năm 1991 đến năm 1994, Chu Hoạch chuyển vào Sài Gòn bôn ba tìm thời vận, thì sự cách ngăn càng khiến cảm xúc gắn bó với từng gốc phố Hà Nội cồn cào hơn: “Chừng nào ta quên nổi Hà Nội trầm tư với ngọn đèn héo hon trông ngóng/ Ngọn đèn bé bỏng/ Ngọn đèn hay khóc trong đêm”.

Hà Nội trong mắt Chu Hoạch không có gì hào nhoáng mà day dứt khôn nguôi. Chu Hoạch đã hối hả trở về Hà Nội để được liêu xiêu phóng túng “Tôi đã bay chuyến cuối ngày/ Rất vội/ Và đã kịp về Hà Nội gặp thu/ Đã kịp cùng thu nâng li rượu cuối/ Đầy ắp heo may, đắm đuối sương mù/ Đã kịp say một cơn say rất đỗi đền bù/ Cho ba năm độc hành lãng du buồn tủi”, để được tươi rói thênh thang: “Và tôi đi với dáng đi và bước đi tốc độ bình thường/ Sao cứ thấy mình như nhảy như bay trên phố phường khép mở/ Sao cứ thấy chính mình như ban mai rực rỡ/ Thấy chính mình trả lại vẻ yêu đời cho mảng tường rạn vỡ mốc meo”, và để được tư lự cố hữu “Trong nhiều chiều ghế ấy vắng tôi/ Chiếc ghế sinh ra như để tôi độc chiếm/ Ngồi đó mà bơ vơ hoài niệm/ Ngồi đó mà ngẩn ngơ suy nghiệm lẽ đời/ Mưa vẫn đợi tôi dọc thềm quán cũ/ Và tôi chỉ được bình yên trở về giấc ngủ/ Sau khi đã đọc nốt trang mưa đến câu chữ cuối cùng/ Ta và vị ngai ngái mưa buồn đêm ấy ngủ chung”.

Cả đời thơ Chu Hoạch đổ dài theo xót xa. Chỉ có vài câu thơ thanh thoát hiếm hoi khi ông viết về con trai: “Lên ba, thằng Út nhà tôi/ Xem tranh tĩnh vật nó đòi chia ba/ Của con là lọ với hoa/ Điếu đèn của bố, mẹ là bức tranh/ Mẹ cười, mắt mẹ long lanh/ Bố cười, một nụ cười thành khói bay/ Thế rồi thằng Út ngủ say/ Như bông hoa trắng trên tay mẹ hồng”.

Cả đời thơ Chu Hoạch ru mình trong gieo neo “Bồng bềnh giữa nến và trăng/ Là thao thức sẫm một quầng mắt đêm/ Bồng bềnh giữa cõi không em/ Là câu hát lượn bên thềm xuân mưa”. Ngày 13-10-2007, Chu Hoạch lặng lẽ vĩnh biệt nhân gian, gửi lại một chân dung thi sĩ biết nâng niu những giá trị trường tồn đích thực: “Chẳng vẻ đẹp nào mà không tàn tạ/ Hoa nào hậu nào rồi cũng đến thời rệu rã nhăn nheo/ Trừ vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã/ Và tình yêu với nắng sớm mưa chiều...”.

Lê Thiếu Nhơn

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文