Bùi Kỷ - tấm lòng với quốc văn

07:30 04/06/2018
Một ngày thu xanh biếc, dạo chơi ở Thủ đô, nếu có dịp dừng chân ngay trước tượng vua Lê bên bờ hồ Hoàn Kiếm, ta sẽ thấy có tấm bia khắc năm 1929 nhằm tưởng nhớ thi hào Nguyễn Du - tác giả của Truyện Kiều bất hủ.

Dù dòng xói của thời gian đã làm cho có đôi chỗ khó đọc, nét chữ mờ, nhưng ta vẫn thấy được những dòng văn khoáng đạt, sâu lắng:

“Tiếng nào đã làm được văn không phải là tiếng tầm thường, người nào đã hay về văn cũng không phải là người tầm thường, đất nào đã có người hay văn lại không phải là đất tầm thường”.

Lại có đoạn: “Hội ta nghĩ rằng: Hán văn đã một ngày một lùi để nhường cái địa vị chính đáng cho quốc văn, thì quốc văn tất có cái tương lai rất quan hệ, rất mật thiết với nước ta, mà một bậc sở trường về quốc văn không ai bằng tiên sinh (Nguyễn Du), giá trị quốc văn tôn lên cũng nhờ ngọn bút tiên sinh, nay quốc dân đương cổ vũ về quốc văn, há lại quên một bậc đã có công với quốc văn hay sao? Đã hay những bậc huân nghiệp đời trước, không phải một mình tiên sinh, song Hội ta sùng bái tiên sinh, chủ ý chuyên trọng về quốc văn, mong sau này quốc văn có một ngày hưng thịnh, mà cả tư tưởng học thuật đều bởi đó đằng tiến mãi lên, vậy thì một bậc đã có công to với quốc văn tức là có công to với nước vậy”.

Cuối văn bia khắc còn có dòng: “Hội Khai Trí Tiến Đức cẩn chí. Canh Tuất khoa Phó bảng Ưu Thiên Bùi Kỷ bái thảo”.

Bài văn ấy gợi trong ta biết bao tự hào về tiền đồ của tiếng Việt, hẳn người viết phải nặng lòng với quốc văn mới hạ bút như thế. Nhân đây cũng xin nhắc lại, áng “hùng văn thiên cổ” Bình Ngô đại cáo của nhà văn hóa, nhà chính trị thiên tài Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán, nay ta đọc được bản tiếng Việt uyển chuyển, hùng hồn ấy cũng chính do Bùi Kỷ dịch. Bản dịch này đã trở thành mẫu mực, khó có bản dịch nào đi vào trí nhớ người đọc sâu sắc hơn nữa.  

Nhà văn hóa Bùi Kỷ, tên chữ Ưu Thiên, sinh năm 1887 trong một gia đình khoa bảng ở làng Châu Cầu, phủ Lý Nhân (nay thuộc thị xã Phủ Lý) tỉnh Hà Nam. Từ nhỏ, Bùi Kỷ được cha là tiến sĩ Bùi Thức dạy về Nho học, ngoài ra còn được thầy dạy thêm chữ quốc ngữ và tiếng Pháp.

Khoa thi năm 1908 ông đã đậu cử nhân; năm sau, ông đậu phó bảng, được bổ đi làm Huấn đạo. Dù vậy, ông từ chối, lấy cớ phải ở nhà phụng dưỡng cha và ông nội đều đang già yếu. 

Năm 1912, chính quyền bảo hộ chọn cử ông sang Paris học trường Thuộc địa (École coloniale). Nhân dịp này, ông đi nhiều nơi trong nước Pháp, các nước lân cận và có dịp tiếp xúc với một số người Việt yêu nước đang lưu ngụ ở Pháp, trong đó có chí sĩ Phan Chu Trinh. Bấy giờ các tổ chức yêu nước ở hải ngoại đã hình thành và chắc chắn có tác động đến tâm trí, chí hướng của ông.

Do đó, 2 năm sau trở về nước, dù được tòa Thống sứ Bắc Kỳ gọi lên bổ dụng nhiều lần, ông đều từ chối. Ông tổ chức cho gia đình sản xuất hàng thủ công (bông vải, tre đan) xuất khẩu ra nước ngoài nhưng thất bại.

Năm 1917, ông ra Hà Nội dạy học tại các Trường Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Pháp chính theo lối ký hợp đồng từng năm chứ không vào biên chế viên chức của “Nhà nước bảo hộ”. 

Ngoài ra, từ năm 1932, ông còn dạy cho Trường tư thục Thăng Long. Trường này do một số tri thức tiến bộ và cách mạng như Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp... lập ra đã mời Bùi Kỷ cùng trực tiếp giảng dạy.

Ngoài việc dạy học, ông còn là một nhà biên khảo, cộng tác với một số báo chí ở Hà Nội như Nam Phong tạp chí, tập san của Hội Khai Trí Tiến Đức, báo Trung Bắc tân văn... và hăng hái tham gia các hoạt động văn hóa xã hội của giới trí thức Hà thành.

Một bài thơ của ông đăng trên báo Trung Bắc tân văn, ta thấy được thái độ “dấn thân” của ở giai đoạn này, tin ở thuyết định mệnh nên cứ ung dung, nhàn tản: “Đã trót vào đời phải biết đời/ Vui lòng nếm đủ mọi nghề chơi/ Say mà mê tít còn hơn tỉnh/ Khóc chẳng ăn thua cũng phải cười/ Sá quản kêu mưa mồm chẫu chuộc/ Mà toan phơi nắng mặt đười ươi/ Vào đời đố biết bao giờ chán/ Quả phúc dây oan cũng thế thôi”.

Nếu nhà giáo Dương Quảng Hàm khi dạy Trường Bưởi đã biên soạn các sách Quốc văn trích diễm, Việt văn giáo khoa thư, Việt Nam văn học sử yếu, Việt Nam thi văn hợp tuyển... nhằm phục vụ cho việc học tập của học sinh thì Bùi Kỷ cũng vậy.

Với quyển Quốc văn cụ thể do ông biên soạn, nhà giáo Trần Trọng Kim viết tựa, có đoạn: “Bùi Ưu Thiên là một nhà văn học có giá trị hiện thời ở nước ta, vả lại là dòng thi lễ khoa giáp trong mấy đời, cho nên nghề văn của ông đã tinh, mà học lực lại uyên bác. Ông lại có lĩnh hội được cái tinh thần Tây học, và biết sự cần dùng của người mình, bèn đem cái sở đắc của ông mà làm ra sách này, có phương pháp rõ ràng, ý tứ phân minh, và lời lẽ rất lưu loát. Đọc quyển sách của ông có nhiều thú vị và lại hiểu được rõ cái quy tắc của các lối làm văn ngày xưa. Ấy là Bùi Ưu Thiên có công giúp cho sự văn học nước ta vậy”.

Ở tập sách này ta thấy ông trình bày rất rõ ràng các thể loại như biến thể của lục bát, song thất lục bát hoặc từ khúc, phú, tứ lục, kinh nghĩa, văn sách v.v... 

Ngay khi sách in ra, trong tập Nhà văn hiện đại, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đánh giá: “Quốc văn cụ thể là một quyển sách nhận xét về các lối thơ và phương pháp làm thơ văn rất có giá trị, vì nó đã có được ba điều hay là vừa gọn gàng, vừa đầy đủ, lại vừa sáng sủa nữa”.

Ngoài ra, ông còn biên soạn Việt Nam văn phạm (với Trần Trọng Kim), Tiểu học Việt Nam văn phạm giáo khoa thư (với Trần Trọng Kim, Nguyễn Quang Oánh), Hán văn trích thái diễn giảng khóa bản (với Trần Văn Giáp)... rất cần thiết cho các thế hệ học sinh thuở ấy.

Là một người thầy yêu quốc văn, do đó, ông còn bỏ nhiều công sức để nghiên cứu các bản truyện thơ Nôm khuyết danh như Truyện trê cóc, Lục súc tranh công, Hoa điểu tranh công... Ông đã có công đóng góp quyết định trong việc khảo cứu di sản thơ chữ Hán của thi hào Nguyễn Du, xác định giá trị Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ v.v...

Các bản dịch tác phẩm chữ Hán của tác giả Việt Nam do ông thực hiện, nổi bật Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã có vị trí đáng kể trong đời sống văn học. Ông còn thử nghiệm dịch một số tác phẩm Nôm cổ điển sang chữ Hán như thơ Bà Huyện Thanh Quan, Truyện Kiều - một công việc rất có ý nghĩa trên hướng giới thiệu văn học Việt Nam với độc giả Trung Quốc.

Giữa lúc thiên hạ đổ xô theo Tây học, lại có người quay về cặm cụi tìm cái hay, cái đẹp trong di sản văn hóa dân tộc đặng đính chính, chú thích tường tận nhằm giới thiệu rộng rãi thì đáng quý biết chừng nào. 

Một trong các công trình nghiên cứu này, đáng chú ý nhất là quyển Truyện Thúy Kiều, ông đã cộng tác với Trần Trọng Kim để hiệu khảo, được giới nghiên cứu lẫn người đọc đánh giá cao.

Văn bia tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du do Bùi Ký soạn.

Trong Nhà văn hiện đại, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan còn nhận định: “Trong văn giới Việt Nam, ai cũng biết Bùi Kỷ là một nhà văn chín chắn. Ông viết tuy ít nhưng bài nào ông đã viết hay sách nào ông đã biên, ông đều thận trọng, không bao giờ có sự cẩu thả. Người ta thấy tên ông đi kèm với nhà học giả Trần Trọng Kim trên nhiều cuốn sách giá trị; hai nhà văn họ Bùi và họ Trần đi cặp kè với nhau nhiều lần trên đường văn chương và khảo cứu làm cho người ta phải nhớ đến cái tên Erckmann - Chatrian trong văn giới Pháp, hai cái tên đi cặp kè và cũng nổi tiếng về văn học và sử học”.

Dù thân nhau như hình với bóng, nhưng con đường chính trị của hai nhà giáo đáng kính này lại khác nhau.

Thiết tưởng nhân đây ta cũng nên biết đôi nét về nhà giáo Trần Trọng Kim - một trong những người đã có đóng góp quan trọng trong thế kỷ XX về lãnh vực giáo dục của nước nhà. 

Một trong những việc làm đáng chú ý nhất của Trần Trọng Kim là năm 1919, ông đã cùng ông Schneider chủ trương tờ Học báo. Có thể ghi nhận đây là tờ báo chuyên về giáo dục đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam. Thời kỳ này ông đã biên soạn quyển sách nổi tiếng Việt Nam sử lược.

Năm 1921, ông lại được bổ nhiệm làm thanh tra tiểu học các trường Bắc kỳ. Sau đó, với uy tín của mình, ông được mời làm trưởng ban soạn thảo sách giáo khoa - cùng làm việc còn có những nhà giáo tiếng tăm như Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận...

Cho đến nay bộ sách Quốc văn giáo khoa thư do các ông biên soạn và được Nha học chính Đông Pháp xuất bản vẫn được xem là mẫu mực. Năm 1942, Trần Trọng Kim nghỉ hưu và tiếp tục chú tâm vào việc viết sách.

Bấy giờ tình hình chính trị đã có nhiều biến động. Chỉ dăm năm sau, ngày 9-3-1945 Nhật đã nhảy vào Đông Dương, tước khí giới của thực dân Pháp. Nhiều trí thức yêu nước, trong đó có Trần Trọng Kim - đã ảo tưởng về quân đội Nhật, họ nghĩ rằng có thể dựa vào Nhật để đuổi Pháp ra khỏi đất nước. 

Trong khi đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đã thấy cái họa của Nhật Bản, xác định lại kẻ thù chính và chủ trương: “Phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa”.

Bi kịch chính trị của nhà văn hóa Trần Trọng Kim là ở chỗ đã tham gia vào chính trị, nói đúng hơn là ông bị người Nhật lợi dụng. Lúc này trên trường quốc tế, quân Nhật đã bị quân Đồng minh đánh bại; trong nước, cao trào chống Nhật do Việt Minh lãnh đạo đã lên cao, nhằm giành chính quyền về tay nhân dân.

Nội các Trần Trọng Kim bị giải tán nhanh chóng trong cơn lốc thời cuộc. Rời khỏi con đường chính trị, ông quay trở lại con đường nghiên cứu, biên khảo. 

Trong hồi ký Một cơn gió bụi (NXB Vinh Sơn - 1969) viết năm 1949, ông chua chát nhận ra: “Người Nhật tuy dùng khẩu hiệu “đồng minh cộng nhục” và lấy danh nghĩa “giải phóng các dân tộc bị hà hiếp”, nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình.

“Truyện Thúy Kiều” của Bùi Ký.

Bởi vậy chính sách của họ đầy rẫy sự trái ngược, nói một đàng làm một nẻo. Cái chính sách ấy là chính sách rất bá đạo ngày nay. Dùng lời nhân nghĩa để nhử người ta vào tròng của mình mà thống trị cho dễ, chứ sự thực chỉ vì cái lợi mà thôi, không có gì là danh nghĩa cả” (tr. 12).

Trong khi đó, ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bùi Kỷ đã đến với chính quyền của nhân dân. Ông là một trong số những nhân sĩ trí thức được Chính phủ Hồ Chí Minh trọng vọng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là Chủ tịch Hội Văn hóa kháng chiến Liên khu III, Ủy viên Hội Liên hiệp Liên khu.

Sau khi hòa bình lập lại, ông giữ chức Hội trưởng Hội Việt - Trung hữu nghị. Bấy giờ, dù tuổi cao sức yếu, nhưng tấm lòng yêu quốc văn vẫn còn nguyên vẹn như thuở nào, ông vẫn tiếp tục say mê công việc khảo cứu. 

Tam quốc chí diễn nghĩa, in năm 1959 là bộ sách cuối cùng do ông hiệu đính. Phần sáng tác thơ của ông được tập hợp thành tập Ưu Thiên đồ mặc.

Nhà văn hóa Bùi Kỷ mất năm 1960 tại Hà Nội. Đánh giá chung về sự nghiệp của ông, Từ điển văn học (bộ mới) ghi nhận: “Hai công trình quan trọng nhất của ông là Quốc văn cụ thể Truyện Thúy Kiều, cho đến nay vẫn được xem là những tài liệu tham khảo đáng tin cậy, là cột mốc không thể bỏ qua trong lịch sử nghiên cứu bản thân các vấn đề đó và trong tiến trình chung của ngành khảo cứu văn hóa dân tộc”.

Lê Văn Nghệ

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Đã gần 10 ngày trôi qua nhưng đến nay, người dân thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) chưa hết bàng hoàng trước cái chết của bà Sử Thu Nga (SN 1954), mà hung thủ là hai thiếu niên 13 tuổi ngụ cùng địa phương với nạn nhân.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an bắt quả tang Đặng Thị Ngọc Hiền (SN 1983) có hành vi mua bán số đề cùng với 8 người khác đang đánh bài ăn thua bằng tiền tại nhà lồng chợ ở xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文