Bà Phạm Thị Cúc – phu nhân Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Đằm thắm trọn nghĩa phu thê

11:15 03/11/2018
Sinh thời, nhà thơ Việt Phương, thư ký giúp việc suốt 53 năm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chia sẻ, "Số phận vốn không ưu ái bà Phạm Thị Cúc, phu nhân Thủ tướng, khi bắt bà chịu cảnh bệnh tật từ khi còn quá trẻ, chẳng có cơ hội an hưởng hạnh phúc bên chồng con. Dẫu vậy, bà Phạm Thị Cúc vẫn may mắn có được sự yêu thương và chăm sóc hết mực của chồng".

Tình yêu - tình thương cao đẹp

Ngôi nhà số 37 phố Cầu Gỗ, mặt sau thông ra phố Đinh Tiên Hoàng, bên Hồ Gươm, có hiệu kem Zephyr, là nhà của cụ Phạm Quang Hưng làm thông phán ở bưu điện Bờ Hồ. Cụ có 12 người con (5 trai, 7 gái). Cả 7 cô gái thông minh và xinh đẹp, sàn sàn tuổi nhau, được bố mẹ đặt tên hầu hết là những loài hoa: Hồng, Nga, Lan, Na, Mai, Cúc, Thu.

Sau ngày người con trai thứ tư của gia đình là ông Phạm Quang Chúc được ra khỏi tù Côn Đảo (1936), ngôi nhà 37 phố Cầu Gỗ trở thành "địa chỉ đỏ" của các chiến sĩ cách mạng: Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Kim Cương, Nguyễn Tuấn Thức…

Ít ai ngờ rằng, hiệu kem Zephyr lúc nào cũng nườm nượp khách đến bên ngoài như vậy nhưng bên trong các ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Kim Cương ở trên gác xép, chăm chỉ viết báo. 

Những người trí thức trẻ dấn thân theo cách mạng hồi ấy, nào ai biết tương lai về sau một người làm Thứ trưởng Phủ Thủ tướng (tức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hiện nay), một người làm Thủ tướng suốt 32 năm liên tục. 

Chỉ biết rằng, ngay lúc đấy, với vốn tri thức và lòng yêu nước nồng nàn của họ "gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao" đã khiến trái tim những cô gái họ Phạm phố Cầu Gỗ phải rung động.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông Nguyễn Kim Cương sánh duyên cùng bà Phạm Thị Hồng. Còn ông Phạm Văn Đồng kết hôn cùng bà Phạm Thị Cúc. Khi đó, ông đã ở tuổi 40, bà mới khoảng 20 tuổi.

Lễ thành hôn của ông bà Phạm Văn Đồng - Phạm Thị Cúc (16-10-1946) - Tư liệu KMS

Những năm cuối đời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ôn đi ôn lại để tìm ra câu hỏi, vì sao một người con gái mới lớn lên đã dành tình yêu, tình thương, sự quý trọng, cao đẹp cho mình? Hỏi vậy nhưng ông cũng tự tìm ra kết luận rằng không có câu trả lời. "Người ta yêu là yêu tất cả, yêu say đắm, yêu không có bờ bến", Thủ tướng nói với trợ lý Nguyễn Tiến Năng như vậy.

Đi đâu cho Cúc theo cùng

Đám cưới của ông bà Phạm Văn Đồng - Phạm Thị Cúc được tổ chức vào ngày 16-10-1946 tại nhà 86 phố Hàng Bạc - Hà Nội (tư gia của nhà tư sản Phạm Chấn Hưng) theo nếp "đời sống mới".

Chủ hôn lễ là bác sĩ Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội lúc đó. Dự lễ cưới có các ông Phạm Quang Chúc (anh trai bà Cúc), Tổng Bí thư Trường Chinh, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp… 

Mới xây dựng gia đình xong, Bộ trưởng Phạm Văn Đồng được cử làm Đặc phái viên của Trung ương Đảng tại Nam Trung Bộ và Liên khu V. Nhiều người trong gia đình cũng như những người thân quen đều khuyên ông nên đưa vợ cùng đi. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định để vợ ở lại Hà Nội, vì e ngại không tiện. 

Trước đấy, ông từng hứa với vợ, dù có đi làm cách mạng ở đâu, ông cũng nhất định đưa bà đi cùng. Mỗi khi nhớ lại, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn luyến tiếc là lúc đấy bà Cúc hiền quá. Có lẽ trong lòng người vợ trẻ không vui nhưng chấp thuận cảnh vầng trăng xẻ nửa, ở lại Thủ đô trong cảnh cô đơn chiếc bóng.

Hai tháng sau, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cả nhà phải sơ tán lên chiến khu. Ba người phụ nữ trong gia đình là mẹ già, bà Cúc và người em gái út Phạm Thị Thu phải chật vật với những khó khăn của cuộc sống trong cảnh loạn lạc. Tử biệt sao bằng sinh ly trong lúc này. Người vợ trẻ Phạm Thị Cúc vô cùng đau khổ. Bà gửi gắm tâm sự bằng những câu thơ thắt lòng: "Đi đâu cho Cúc theo cùng/ Ấm no Cúc chịu, lạnh lùng Cúc cam".

Trước đòi hỏi thống thiết của bà Phạm Thị Cúc, Trung ương Đảng đưa bà vào đoàn tụ với chồng. Trong 5 tháng ròng rã, bà đã đi bộ vượt Trường Sơn với bộn bề thiếu thốn mà như Thủ tướng Phạm Văn Đồng tự đánh giá là "không thể nào kể ra được". Giữa năm 1948, bà vào Quảng Ngãi, quê chồng, trong nỗi vui mừng, sung sướng đến đột ngột của ông. 

Vợ chồng đoàn tụ chưa ấm chỗ, đầu tháng 2-1949, ông được lệnh ra Bắc. Lại thêm hành trình 4 tháng bà đi bộ vượt Trường Sơn. Những hành trình dài vất vả như thế, khiến tinh thần của bà suy sụp. Sinh con trai đầu lòng Phạm Sơn Dương (1951), bệnh tình của bà Cúc diễn biến phức tạp, phải chạy chữa lâu dài, kể cả đưa ra nước ngoài (Trung Quốc và Liên Xô).

Bà Phạm Thị Cúc phát bệnh khi rất trẻ như vậy đã khiến những năm tháng sau này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất vất vả để chăm sóc gia đình riêng của mình. Con trai chủ yếu nhờ cơ quan và gia đình bên ngoại (bà ngoại Nguyễn Thị Nhung và dì Phạm Thị Thu) nuôi dạy. 

Từ khi về Thủ đô Hà Nội (1954), do bệnh nặng nên bà Cúc được bố trí ở căn biệt thự trên phố Khúc Hạo. Còn Thủ tướng Phạm Văn Đồng và con trai Phạm Sơn Dương sống trong Phủ Chủ tịch.

Tuy bệnh tật như thế, nhưng bà Cúc vẫn là một người phụ nữ rất dịu dàng. Sống một mình trong căn biệt thự trên phố Khúc Hạo như một chiếc bóng vào ra. Ít ai ngờ được, từ sâu thẳm tâm hồn, bà luôn nhớ chồng thương con. 

Để gửi gắm mọi nỗi nhớ thương, bà đã làm mấy câu thơ: "Chiều chiều ra cổng đứng trông/ Cổng thì thấy cổng người không thấy người!". Những câu thơ ấy, người cháu gọi bà bằng dì ruột, nay ở tuổi U80, đọc lên lại nghẹn ngào. 

Một hôm, Nguyễn Mê Linh (con bà Phạm Thị Hồng), mà bà Cúc vẫn thường gọi bằng cái tên trìu mến Marie, đến thăm dì. Thấy bà Cúc đang nhặt những quả bàng trong sân vườn phố Khúc Hạo, biết dì có phản xạ tốt khi nghe tiếng Pháp nên Marie cầm một quả xòe tay hỏi bà: "Qu'est-ce que c'est?" (Đây là cái gì?). Bà Cúc tủm tỉm: "C'est fruit de l'aigle!" (Đây là quả bàng!).

Gặp hoàn cảnh riêng như vậy nhưng Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn quan tâm chăm sóc vợ. Theo lời kể của ông Phạm Sơn Dương, chiều chủ nhật hàng tuần, hai cha con lại từ Phủ Chủ tịch ra thăm mẹ. 

Kể cả sau này, khi tuổi cao, sức yếu, đôi mắt lòa dần, "sáng tay thay mắt", Cố vấn Phạm Văn Đồng thường ngồi rất lâu cầm tay và hôn lên mái tóc của người vợ hiền hậu.

"Tuy không nói chuyện nhưng biểu hiện của ba tôi rất yêu quý má. Má tôi cảm nhận được tình cảm đó nên nét mặt vui vẻ. Tình yêu của ba đối với má trong suốt thời gian qua thật thủy chung và rất sâu đậm".

Ông bà Phạm Văn Đồng - Phạm Thị Cúc tại Quảng Ngãi (1948) - Tư liệu KMS.

Ký ức xa xăm

Những ngày bận bịu công việc không qua Khúc Hạo được, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường dặn con trai Phạm Sơn Dương qua trò chuyện với mẹ. Mỗi lần như thế, ông đều gửi tặng bà những món quà nho nhỏ, cốt để bà vui. 

Bà Nguyễn Mê Linh kể lại: Bác Tám (tên thường gọi trong gia đình của Thủ tướng Phạm Văn Đồng - PV) vẫn thường bảo dì Cúc có trí nhớ về cái cũ "lạ lùng"!

Trong mấy chị em gái, bà Phạm Thị Cúc được học tiếng Pháp đầy đủ. Vì vậy, mỗi lần cô cháu gái Nguyễn Mê Linh - Marie đến chơi, biết dì không chủ động hỏi chuyện nhưng ai nói chuyện nhất là bằng tiếng Pháp với dì thì dì rất vui vẻ trả lời.

Ký ức xưa vẫn còn được lưu trữ đâu đó trong dì. Đặc biệt, dì gọi chúng tôi bằng tên thuở nhỏ Nina (bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - con gái cả của hai cụ Nguyễn Kim Cương & Phạm Thị Hồng - PV), Marie. Khi gặp dì, chúng tôi cố ý gợi cho dì đọc những câu thơ của dì. "Đi đâu cho Cúc theo cùng/ Ấm no Cúc chịu, lạnh lùng Cúc cam". 

Cách đây hai năm, chúng tôi đến thăm, hỏi dì: "Truyện Kiều của ai dì nhỉ?". Thật bất ngờ, dì cười cười và nói: "Nguyễn Du". Dì thiệt thòi nhất trong gia đình! Các cháu rất thương dì! Mẹ tôi cũng xót em gái rất nhiều!", bà Nguyễn Mê Linh chia sẻ.

Tình cảm của gia đình hai bên nội ngoại dành cho bà Phạm Thị Cúc giúp bà sống thọ gần một thế kỷ cũng đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tâm sự với người trợ lý Nguyễn Tiến Năng: "Qua nhiều năm quan sát, tôi nghiệm thấy hai điều: một là chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, hai là có môi trường tốt, và môi trường đây là những người thân thích ruột thịt luôn luôn đến thăm, thì cuộc sống của cô Cúc thêm vui, thêm đầm ấm. Tự đáy lòng, tôi biết ơn và kính trọng gia đình cô Thu, gia đình ông Chúc, gia đình ông Thịnh và bà con nội, ngoại đã tận tình chăm sóc và thương yêu cô Cúc".

Người xưa có câu "con đi sau cha, bà đi trước ông". Tâm tưởng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng những năm cuối đời là nếu bà "đi trước" ông sẽ lo cho bà một cách tươm tất, trọn vẹn, chu đáo. Vì trong lòng ông, luôn thường trực một món nợ đối với bà. 

Trước khi qua đời, nằm trong bệnh viện, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dặn dò con trai duy nhất của mình: "Ghi nhớ lời ba phải thường xuyên chăm sóc má, nuôi dạy Quốc Hoa và Quốc Hương (hai người con của Thiếu tướng Phạm Sơn Dương - PV) như ba mong muốn, làm việc tốt để có cống hiến tốt".

Năm 1938, Phạm Thị Hồng rủ 5 em gái của mình ra bờ hồ Hoàn Kiếm để chụp ảnh kỷ niệm. Cả 6 chị em đâu biết rằng, mật thám Pháp theo dõi họ và yêu cầu chủ hiệu ảnh phóng thêm một tấm.

Sau này, ông Sáu Chức, là chỗ thân tình của gia đình khi vào tiếp quản Nha cảnh sát Việt Nam cộng hòa (Sài Gòn) đã phát hiện trong tập hồ sơ một tấm hình đen trắng, chụp 6 cô ở Bờ Hồ 27 năm trước. Đằng sau bức ảnh, một dòng chữ tiếng Pháp: "Những đối tượng thân cộng sản theo số thứ tự: Phạm Thị Nga (số 1); Phạm Thị Mai (số 2); Phạm Thị Cúc (số 3).

Kiều Mai Sơn

Không chỉ hưởng lợi từ bất ổn chính trị, giá vàng còn tăng do tâm lý kỳ vọng khi Goldman Sachs dự báo giá vàng sẽ đạt 3.000 USD/ounce vào năm 2025.

Ngày 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Tiến Lợi (SN 1969, nơi thường trú: khu phố 8, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”

Càng về dịp cuối năm tình trạng sản xuất, buôn bán, tàng trữ pháo nổ càng gia tăng. Trên địa bàn TP Hải Phòng, đi kèm với tình trạng trên là hàng loạt những vụ nổ gây hậu quả đáng tiếc, thậm chí là thảm khốc…

Hội nghị Thượng đỉnh G20, diễn ra từ ngày 18-19/11 tại Rio de Janeiro, Brazil, đã khép lại với một bản tuyên bố chung chứa đựng nhiều cam kết quan trọng. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất vẫn là liệu những cam kết này có được hiện thực hóa hay không.

UBND tỉnh Thanh Hoá xử phạt Công ty TNHH Thương mại Song Dương (thôn Thanh Tiến, xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) vì để xảy ra vi phạm tại trang trại chăn nuôi quy mô 2.400 con heo nái theo công nghệ CP Thái Lan ở xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Phát huy hiệu quả hoạt động đối ngoại trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Công an tỉnh Điện Biên với vai trò nòng cốt đã chủ động tham mưu, xây dựng các chương trình, kế hoạch hợp tác đối ngoại phù hợp với điều kiện thực tiễn, đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần vào ổn định tình hình an ninh trật tự (ANTT), xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng hợp tác phát triển.

Thực phẩm chức năng giả, hoặc hàng xách tay, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xâm nhập thị trường, được quảng cáo trên mạng xã hội như “thần dược”, sai sự thật khiến người tiêu dùng bị đánh lừa. Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều đối tượng còn sản xuất thực phẩm chức năng giả, đánh vào tâm lý muốn giảm cân nhanh chóng của khách hàng nên đã cho chất cấm vào thực phẩm chức năng.

Thời gian gần đây, không ít đối tượng mang nhiều tiền án ở ngoại tỉnh đã dạt về Cố đô Huế để… “kiếm ăn”. Tuy nhiên, do bám sát địa bàn nên ngay sau khi tiếp nhận tin báo tội phạm, Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Huế (Thừa Thiên Huế) đã kịp thời triệt phá, bắt giữ “nóng” nhiều ổ nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản….

Liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn An Giang, ngày 20/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Giỏi (SN 1991, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt; trú thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) để điểu tra về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đội tuyển Việt Nam luôn được đặt kỳ vọng cao ở mỗi lần tham dự AFF Cup. Chúng ta đã có 2 chức vô địch ở hai thời điểm, hoàn cảnh, vị thế khác nhau. Và bây giờ là một thử thách khác. Trong loạt bài viết giới thiệu các đội tuyển mới đây trên trang chủ giải bóng đá vô địch Đông Nam Á – AFF Cup (tên gọi mới ASEAN Cup) 2024, AFF bày tỏ kỳ vọng đội tuyển Việt Nam sẽ có phần thể hiện ấn tượng và giành được thành tích tốt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文