Chuyện tình nhạc sĩ Châu Kỳ: Thương cả giọt lệ đài trang

20:24 12/03/2018
Phong trào nhạc bolero đang trở lại mạnh mẽ trên các sân khấu lớn nhỏ. Một trong những người sáng tác thành công với dòng nhạc trữ tình này, mà công chúng không thể không nhắc đến là nhạc sĩ Châu Kỳ với những bài hát rung động như "Đừng nói xa nhau", "Đón xuân này nhớ xuân xưa", "Biệt kinh kỳ", "Con đường xưa em đi" .... 

Năm 2008, nhạc sĩ Châu Kỳ đã rời khỏi cõi đời ở tuổi 85, nhưng suốt 10 năm qua, hình bóng ông vẫn còn đậm đà trong trái tim người vợ Kha Thị Đàng. Không chỉ hơn nửa thế kỷ sống bên nhạc sĩ Châu Kỳ hương nồng ấm lạnh, mà bà Kha Thị Đàng còn nâng niu từng kỷ niệm đẹp của người chồng tài hoa và đa cảm qua 200 ca khúc để lại trên đời.

Nhạc sĩ Châu Kỳ sinh năm 1923 tại Huế. Có cha là nghệ nhân cổ nhạc cung đình Châu Huy Hà, và chị ruột là nữ nghệ sĩ nổi danh tài sắc Châu Thị Minh, nên cậu bé Châu Kỳ cũng được tiếp xúc với nghệ thuật biểu diễn từ khi còn rất nhỏ, qua sự hướng dẫn của giáo sư âm nhạc Petrus Thiều. 

Năm 14 tuổi, Châu Kỳ đã bước lên sân khấu chuyên nghiệp với tư cách một ca sĩ. Dù chị ruột Châu Thị Minh có đoàn ca Huế mang tên Hồng Thu, nhưng chủ yếu Châu Kỳ theo gánh hát của nghệ sĩ Ái Liên biểu diễn khắp nơi. 

Cuối năm Canh Thìn 1940, Huế bị một trận lụt rất lớn, Châu Kỳ nghe tin liền vội vã từ Hà Nội quay lại Huế thăm thân nhân. Không ngờ, người mẹ của Châu Kỳ đã mất theo dòng nước cuốn.

Xót xa và ân hận, vừa thương mẹ vừa thương mình, Châu Kỳ đã viết ca khúc đầu tay "Trở về" lúc 19 tuổi: "Về đây nhìn mây nước bơ vơ. Về đây nhìn cây lá xác xơ. Về đây tìm bóng chiều mơ, mong tìm mái tranh chờ, mong tìm thấy người xưa…".

Không chỉ ca hát, Châu Kỳ còn đóng kịch và viết kịch. Một trong những vở kịch khá được ưa chuộng của Châu Kỳ viết cho đoàn Hồng Thu là vở "Ái tình và tôn giáo". Tuy nhiên, sự nghiệp của Châu Kỳ thăng hoa nhất ở những ca khúc trữ tình. Như một duyên phận trớ trêu, mỗi ca khúc phổ biến của nhạc sĩ Châu Kỳ đều gắn với trắc trở của một bóng hồng nào đó. 

Ca khúc "Giọt lệ đài trang" là một ví dụ. Nhiều người cho rằng, ca khúc "Giọt lệ đài trang" được viết cho thiếu nữ bất hạnh Đoàn Thị Sum ở Nha Trang đã dan díu với nhạc sĩ Châu Kỳ những ngày lang thang lưu diễn ở phố biển. Thế nhưng, chính nhạc sĩ Châu Kỳ thổ lộ chi tiết trong một chương trình ca nhạc thì hoàn toàn khác. 

Khi còn trai trẻ ở Huế, nhạc sĩ Châu Kỳ si mê Tôn Nữ Kim Anh, là con gái một quan thượng thư. Để gây ấn tượng với Tôn Nữ Kim Anh, chàng lãng tử Châu Kỳ đã ôm đàn đứng dưới cửa sổ nhà nàng để trổ nghề chinh phục. Đàn vừa ngân mấy khúc, Tôn Nữ Kim Anh ngừng tay đan áo, nhìn xuống và buông một câu "Xướng ca vô loài". 

Quá thất vọng và quá bẽ bàng, Châu Kỳ ôm trái tim tan vỡ vào Sài Gòn để lánh xa chốn ê chề. Thế sự vần xoay, Tôn Nữ Kim Anh cưới một ông chồng Pháp rồi sau 1954 lại một thân một mình trôi dạt vào Sài Gòn. Nhạc sĩ Châu Kỳ gặp lại cố nhân trong một chiếc áo rách và trong túi chỉ còn 5 đồng, chỉ đủ ăn một bát cháo.

Trùng phùng giữa nghịch cảnh éo le, Tôn Nữ Kim Anh gục đầu vào vai nhạc sĩ Châu Kỳ mà nước mắt ngắn dài cho vơi bớt hờn tủi má hồng. Trong túi có 300 đồng, nhạc sĩ Châu Kỳ tặng luôn cho Tôn Nữ Kim Anh và chở nàng về xóm trọ. Không chịu nổi thử thách khốn khó, Tôn Nữ Kim Anh lao vào nghiện ngập và kết thúc số phận trong nghèo túng. 

Nghĩ về người cũ thăng trầm trần gian, nhạc sĩ Châu Kỳ viết ca khúc "Giọt lệ đài trang" đầy thương xót: "Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng. Ngày xưa ai quyền quý cao sang… Tôi, chính tôi ngày xưa đó, cũng đèo bòng mơ người đẹp lầu son… Em, em nhớ xưa rồi em khóc. Tôi thoáng buồn thương giọt lệ đài trang…".

Dù chút mơ mộng với người đẹp lầu son tan thành mây khói, nhưng những ngày ca hát ở Sài Gòn đã cho nhạc sĩ Châu Kỳ một mối tình lâm ly với mỹ nhân gốc Hải Phòng lừng lẫy: ca sĩ Mộc Lan. Nổi danh cùng thời với Tâm Vấn, Kim Tước và Châu Hà, ca sĩ Mộc Lan vốn tên thật Phạm Thị Ngà từ độ trăng tròn đã được xung tụng tài sắc. 

Bà Kha Thị Đàng ở thời điểm hiện tại.

Quen biết nhau chỉ nửa năm, nhạc sĩ Châu Kỳ và ca sĩ Mộc Lan tổ chức đám cưới và trở thành cặp song ca ăn khách. Nhạc sĩ Châu Kỳ đưa người vợ nhỏ hơn mình 8 tuổi về Huế hát thường xuyên cho đài phát thanh cố đô với mức lương khá hậu hĩnh. 

Đáng tiếc, căn phòng nhỏ phía sau Ty thông tin Huế nằm dưới chân cầu Tràng Tiền không thể nuôi dưỡng hạnh phúc của họ. 

Em ruột của ca sĩ Mộc Lan là nhà văn Trần Áng Sơn trong cuốn "Những trang sách khép mở" đã lý giải nguyên nhân rạn nứt giữa đôi uyên ương Châu Kỳ - Mộc Lan là do sự xuất hiện của một người đàn ông có biệt danh Mệ Phủ: "Ông ta thường đến thăm các chị tôi vào những buổi chiều, lúc nào cũng mang quà cáp cho mọi người. Ông thường tự lái chiếc xe jeep hiệu Lăng Rôvơ, tiếng máy nổ rất êm… Tuy tặng những món quà đắt nhất, đẹp nhất cho chị Ngọc, nhưng người ông ta chú ý lại là cô em Mộc Lan, con họa mi tuyệt sắc của cố đô Huế. Tôi nhận ra điều này vì thời gian gần đây anh Châu Kỳ ít đi cùng với chị tôi, nhất là trong những lần có sự hiện diện của vị khách quý tộc… Rồi anh Châu Kỳ công khai phản đối gia đình tôi về sự hiện diện quá ư đặc biệt của Mệ Phủ… Anh Châu Kỳ và chị tôi vào lại Sài Gòn, rồi họ chia tay".

Ân nghĩa phu thê chỉ kéo dài 6 năm với ca sĩ Mộc Lan, để lại nhiều dư âm nhói buốt trong lòng nhạc sĩ Châu Kỳ. Không còn người bạn đời cùng song ca trên sân khấu, nhạc sĩ Châu Kỳ dồn sức sáng tác một loạt ca khúc cho vơi bớt niềm riêng cay đắng như "Từ giã kinh thành", "Khúc ly ca", "Tiếng ca đó về đâu", "Khuya nay anh đi rồi", "Tìm nhau trong kỷ niệm", "Đàn không tiếng hát"… 

Còn ca sĩ Mộc Lan thì sao? Dù sau đó Mệ Phủ có vào Sài Gòn để tìm bà, nhưng cuộc tình của họ cũng không có kết cục viên mãn. Ca sĩ Mộc Lan hiện nay vẫn sống lẻ loi trong một con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ - TP HCM.

Khi vết thương cuộc hôn nhân đầu nguôi ngoai "mình đã đi chung trên con đường dang dở, mình đã gieo neo qua chớp bể mưa nguồn", thì nhạc sĩ Châu Kỳ gặp được một nửa thật sự của đời mình. 

Dù bị gia đình phản đối, cô nữ sinh trường Gia Long mới vừa 16 tuổi - Kha Thị Đàng vẫn quyết tâm làm vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ vào năm 1955. Dù ca khúc của nhạc sĩ Châu Kỳ rất phổ biến nhưng ông chẳng dành dụm được bao nhiêu tiền. 

Ngoài ca khúc "Được tin em lấy chồng" viết tặng ca sĩ Thanh Thuý, nhuận bút đủ mua một chiếc xe hơi, thì phần lớn thù lao của nhạc sĩ Châu Kỳ chỉ đủ ông tiêu pha hằng ngày. 

Đám cưới Châu Kỳ - Kha Thị Đàng vào năm 1955.

Bà Kha Thị Đàng hồi tưởng: "Khi lấy anh Châu Kỳ, theo lời anh, tôi rời nhà chỉ với một chiếc áo dài trắng mặc trên người, với tinh thần tự lập, không dựa vào gia đình. Đêm tân hôn, tôi mới biết chồng không nhà cửa, căn phòng đang cư ngụ là ở nhờ gia đình người bạn. Và anh Châu Kỳ cũng chẳng biết bao giờ mới có thể mua được nhà. Khi đó chúng tôi sống dựa vào tiền thù lao đi hát tại các rạp phim, phòng trà của anh Châu Kỳ. Sau khi sinh con đầu lòng, tôi quyết chí đi mua trả góp một căn nhà nhỏ trong hẻm sâu với bề ngang 4m, sâu 14m. Phía trước nhà trệt, phía sau có cái gác nhỏ. Từ đó mà anh Châu Kỳ có nhà riêng, có nơi ngồi viết lách. Tiền mua nhà thì trả mấy đợt mới hết!".

Sinh cho nhạc sĩ Châu Kỳ tất thảy 4 người con, bà Kha Thị Đàng không chỉ chấp nhận nâng khăn sửa túi cho một đức lang quân lãng tử mà còn trân trọng những ca khúc của chồng. 

Dù tuổi đã cao, nhưng bà Kha Thị Đàng vẫn thuộc hầu hết sáng tác của nhạc sĩ Châu Kỳ, ca sĩ nào hát sai ca từ thì bà phát hiện được ngay. Nhạc sĩ Châu Kỳ đào hoa và lãng mạn bao nhiêu, thì bà Kha Thị Đàng chỉn chu và chu đáo bấy nhiêu. 

Bà Kha Thị Đàng lặng lẽ đứng sau chồng, lặng lẽ ủng hộ chồng và lặng lẽ nhận về mình không ít chua chát thầm ghen trộm nhớ. 

Bà Kha Thị Đàng nói về người chồng quá cố, bằng thái độ thật nhẫn nại và thật bao dung: "Những chuyện tình của Châu Kỳ đau khổ, trắc trở nhưng mối tình của Châu Kỳ cùng những sáng tác của ông sẽ sống mãi trong lòng khán giả. Cuộc đời ông có nhiều bóng hồng, tôi làm vợ phải thông cảm cho chồng vì nhờ đó mới có nhiều ca khúc hay tặng đời".

Năm 2005, sau chuyến lưu diễn ở Mỹ trở về, sức khoẻ nhạc sĩ Châu Kỳ sa sút rất nhanh. Ông không còn khả năng tự đạp xe đi giao lưu với bạn bè. Thương nhạc sĩ đau ốm, bà Kha Thị Đàng leo lên núi Yên Tử để cầu phúc cho chồng. 

Chuyến đi ấy, bà Kha Thị Đàng khoe với chồng đã viết bài thơ "Ánh đạo vàng" có mấy câu tâm đắc: "Nương gót từ bi, khoác áo nâu sòng người trung tu từng bước đi lên. Đầu đội trời, chân đạp đất chịu khổ hạnh làm ngọn đuốc tuệ chiếu ánh sáng đạo vàng". 

Nhạc sĩ Châu Kỳ đã gượng ngồi dậy để phổ nhạc bài thơ của vợ, và hứa hẹn: "Để anh khoẻ lại, sẽ tập cho em hát". Vậy mà, không thể cưỡng lại định mệnh, ít hôm sau, nhạc sĩ Châu Kỳ chia lìa nhân gian ở tuổi 85, vào ngày 6-1-2008. 

Tuy Hòa

Với sự quyết tâm cao của hai Bộ, cùng sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm từ các cấp, Dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân” sẽ được triển khai thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo dốc toàn lực, tập trung cứu chữa cho các nạn nhân của vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Theo đánh giá lúc nhập viện, cả 4 nạn nhân tiên lượng nặng, nhiều nguy cơ diễn biến khó lường và có thể tử vong cao.

Ngày 20/12,  ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã thông tin về vụ việc thu hồi 238 sổ đỏ xuất phát từ một vụ án hình sự làm giả con dấu, tài liệu của của Nhà nước. Qua đó, Đà Nẵng đã có phương án xử lý có lợi nhất cho người dân.

Chỉ 5 giờ đồng hồ sau khi nhận được trình báo vụ cướp tài sản xảy ra tại khu vực nghĩa trang trên địa bàn, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã lập chiến công xuất sắc, nhanh chóng xác định và bắt giữ được thủ phạm gây án.

Năm 2016, ông Ngô Văn Long ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 2 thửa đất liền kề có tổng diện tích hơn 161m2, gồm một phần diện tích đất nông nghiệp và đất ở tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh từ chủ sử dụng đất là ông Ngô Nam Thắng và thực hiện đầy đủ thủ tục để cập nhật, đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Nhưng từ năm 2018 đến nay, ông Long đã nhiều lần kêu cứu khắp nơi để được bảo vệ quyền lợi chính đáng trước sự tắc trách của chính quyền địa phương…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文