Thủ tướng Đức Angela Merkel: Nữ hoàng châu Âu

09:13 28/07/2017
Trên cương vị Thủ tướng Đức, có thể thấy những gì mà bà Merkel đã làm được kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2005 là rất ấn tượng. 

Việc tạp chí Forbes 6 lần bình chọn “bà đầm thép” Merkel là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng của bà ở khu vực và trên thế giới.

Bà Merkel đưa ra nhiều quyết định đầy cứng rắn nhưng cũng gây tranh cãi trong cuộc khủng hoảng ở “lục địa già” như đón tiếp người tị nạn trong cuộc khủng hoảng dân tị nạn đến châu Âu, “mềm hóa” đối sách của Liên minh châu Âu (EU) trước tình hình xung đột ở miền đông Ukraine và giúp giữ Hy Lạp trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). 

Sự thống lĩnh của Đức về mặt kinh tế ở châu Âu cùng với những động thái được cho là “yếu ớt” của các lãnh đạo châu Âu đã giúp bà Merkel không có đối thủ và được mệnh danh là “Nữ hoàng châu Âu”.

Nhiều quan điểm cho rằng, Thủ tướng Đức Angela Merkel là nhà lãnh đạo chân chính của thế giới tự do, chứ không phải Tổng thống Mỹ Donald Trump. EU chia rẽ trong khi giải quyết những cuộc khủng hoảng, và chính bà Merkel đã giúp đẩy lùi sự chia rẽ này. 

Hiện nay, châu Âu cần vị nữ thủ tướng này hơn bao giờ hết cho dù bản thân bà Angela Merkel đang phải đối mặt với thách thức chính trị cam go nhất từ trước tới giờ.

Với “bà đầm thép”, châu Âu không thể hoàn toàn phụ thuộc vào Anh và Mỹ thêm nữa, sau khi Tổng thống Trump từ chối thỏa thuận ngăn chặn biến đổi khí hậu và Anh rời EU (Brexit). Theo đó, châu Âu sẽ phải “tự lực cánh sinh, hành động độc lập hơn và chiến đấu cho số phận của chính mình”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel được mệnh danh là “Nữ hoàng châu Âu”.

Cả châu Âu kỳ vọng

Nhiệm kỳ đầu tiên của Angela Merkel khá yên lặng khi tái xây dựng quan hệ với Washington sau khi Paris và Berlin phản đối Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq. Tuy nhiên, từ nhiệm kỳ thứ hai, bà Merkel thật sự đóng vai trò chủ chốt nhằm giải quyết các vấn đề của EU.

Qua tình hình khó khăn và những cuộc khủng hoảng của EU, bà Merkel thể hiện vai trò lãnh đạo và đưa ra quyết định cho EU. Nhờ công của bà Merkel, Hy Lạp thoát nguy cơ vỡ nợ sau khi các nước EU đồng ý viện trợ thêm cho Hy Lạp để tránh bị vỡ nợ và phải ra khỏi Eurozone, với điều kiện Athens phải có kế hoạch cải tổ sát sao theo yêu cầu các chủ nợ.

Trong vai trò là nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu, chính sách viện trợ đi kèm với thắt lưng buộc bụng của bà Merkel, dù đã vấp phải không ít chỉ trích, nhưng thực tế đã góp phần làm dịu khủng hoảng và đưa khu vực Eurozone dần phục hồi.

Về vấn đề Ukraine, “bậc thầy đàm phán” Merkel đã đến thủ đô Minsk (Belarus) để đàm phán với các bên, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, về thỏa thuận ngừng bắn tại miền đông Ukraine. Bà Merkel thể hiện sự kiên quyết nhiều nhất khi xử lý cuộc khủng hoảng người tị nạn. 

Trong khi các lãnh đạo châu Âu bị “tê liệt” trước cuộc khủng hoảng làn sóng hàng ngàn người tị nạn Syria đổ đến châu Âu, bà Merkel đã khiến thế giới ngạc nhiên khi tuyên bố Đức chào đón tất cả người tị nạn Syria, bất chấp sự phản đối từ một số nước Đông Âu. 

Chính sách người tị nạn của Thủ tướng Merkel đã khiến uy tín của đảng cầm quyền CDU cũng như của bà bị giảm sút. Thế nhưng, bất chấp những tranh cãi liên quan tới chính sách người tị nạn, bà Merkel vẫn nhận được sự tín nhiệm của đảng CDU. 

Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 82% các thành viên CDU ủng hộ vai trò lãnh đạo của bà, và 81% mong muốn bà tiếp tục nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư sau cuộc bầu cử vào tháng 9 sắp tới. Rõ ràng, bà Merkel sẽ khó có khả năng rời ghế quyền lực trừ khi tự bà lựa chọn điều đó.

Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh bất ổn gia tăng thời hậu Brexit và thách thức từ làn sóng người nhập cư ồ ạt vào châu Âu, Angela Merkel được kỳ vọng là một nhân tố giúp duy trì sự ổn định ở “lục địa già”. Trong hơn 10 năm giữ cương vị thủ tướng, bà Merkel ngày một nổi bật hơn sau mỗi biến động.

Trong cuộc khủng hoảng nợ công, tuy lúc đầu tỏ ra do dự nhưng cuối cùng bà cũng đoàn kết được Eurozone. Đối mặt với thách thức người nhập cư, bà đã mạnh dạn phát huy giá trị châu Âu, gần như đơn thương độc mã trong việc cam kết chào đón những người tị nạn. Có thể nói, dưới thời Thủ tướng Merkel, nước Đức đã vươn lên giữ vị thế quan trọng nhất châu Âu đồng thời có tiếng nói trên trường quốc tế.

AngelaMerkel hiện nay là nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất trong EU. Bà bảo vệ lợi ích của Đức nhưng cũng không quên lợi ích chung của châu Âu, mạo hiểm dùng ngân sách Đức để cứu đồng euro trong khi vẫn duy trì được sự ủng hộ của những người Đức còn hoài nghi và nhận được sự tôn trọng của các nhà lãnh đạo khác. 

Trước tất cả những thiếu sót của EU, bà không coi EU là nơi để trút mọi chỉ trích mà coi đó một trụ cột của hòa bình và thịnh vượng. Các nhà phân tích nhận định, nếu không có bà Merkel thì rất khó để nhìn thấy châu Âu vượt qua những thách thức đang phá hủy châu lục này. 

Thế nên, một khi bà Merkel còn cầm quyền, trật tự châu Âu vẫn phải phụ thuộc vào sự lãnh đạo của bà hơn bao giờ hết. EU không thể thiếu Đức vì Đức là cường quốc không thể thay thế được, dù cho bất kỳ ai lãnh đạo thì Berlin vẫn giữ vai trò đứng đầu châu Âu.

Bà Angela Merkel được kỳ vọng là một nhân tố giúp duy trì sự ổn định ở “lục địa già” sau quyết định chào đón người nhập cư và đoàn kết được Eurozone trong khủng hoảng.

Tự lực cánh sinh

Nhiều ý kiến cho rằng, Thủ tướng Angela Merkel không chỉ mang trên vai trọng trách với nước Đức và châu Âu, mà bà còn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ nghĩa tự do dân chủ trên toàn thế giới. 

Angela Merkel lớn lên tại Đông Đức trước khi đất nước tái thống nhất. Bà không chỉ nhận ra các âm thanh của chế độ chuyên chế mà còn nỗ lực để thoát khỏi sự chuyên chế. Vì thế, bà Merkel đã đứng lên phản đối tư tưởng “bắt nạt và cố chấp” của Tổng thống Donald Trump. 

Thủ tướng Đức từng nói rằng trận chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố “không phải là lý do đặt một nhóm người nào đó vào việc bị nghi ngờ”, ám chỉ đến lệnh cấm người dân các quốc gia Hồi giáo của ông Trump. 

Trên thực tế, mỗi Tổng thống Mỹ từ trước tới nay đều phải cam kết đảm bảo các giá trị của tự do dân chủ. Thế nhưng không giống như những người tiền nhiệm từ Thế chiến thứ II, ông Trump không có khuynh hướng như vậy. Ông đang hướng nước Mỹ đi con đường khác, với tốc độ khủng khiếp, và sẽ không thúc đẩy bảo vệ dân chủ khi muốn tạo ra “Trumpism” (chế độ chuyên chế với một mặt tiền dân túy).

Không thể phủ nhận sự ảnh hưởng quá lớn của “bà đầm thép” Angela Merkel ở châu Âu, và trên toàn thế giới. Thủ tướng Đức nhấn mạnh rằng “thời EU có thể dựa dẫm vào Mỹ, Anh hay các đồng minh khác đã qua”, đồng thời ra lời kêu gọi toàn bộ châu Âu nên tự nắm bắt lấy số phận của chính mình. Các phát biểu cứng rắn của bà Merkel đã gửi một thông điệp tới các cử tri Đức. 

Bà Merkel thể hiện rõ quan điểm vẫn giữ quan hệ hữu nghị với Anh và Mỹ sau vụ Brexit và ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, nhưng đồng thời cũng tỏ rõ quyết tâm về một châu Âu sẽ độc lập hơn trong các quyết định quan trọng. 

Có vẻ như, “bà đầm thép” đã tuyên bố với cả thế giới rằng bà không còn sẵn sàng dựa vào Mỹ “như một đối tác không thể thiếu”, hay châu Âu sẽ không cam chịu mãi là “cái bóng” của Washington.

Châu Âu cần độc lập hơn trong các quyết định quan trọng sau vụ Brexit và ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

Ngoài sự độc lập với Mỹ về đường lối đối ngoại, rất có thể Đức đang manh nha ý tưởng “thoát Mỹ” về cả quân sự khi nỗ lực thực hiện ý tưởng thành lập một “NATO châu Âu” để tự bảo vệ mình. 

Giới quân sự châu Âu từng xôn xao trước thông tin Đức muốn thành lập lực lượng quân sự chung châu Âu, độc lập với NATO do Mỹ lãnh đạo. Đến nay đã có những hành động cụ thể để xác nhận rằng đó không chỉ là tin đồn. Theo đó, Đức và các đối tác là Séc và Romania đã thực hiện những bước đi quyết liệt hướng tới “một đội quân riêng”. 

Cụ thể, Lữ đoàn cơ giới 81 của Romania sẽ kết hợp với sư đoàn phản ứng nhanh của Đức; trong khi đó, Lữ đoàn 4 phản ứng nhanh của Séc gia nhập Sư đoàn tăng số 10 của Đức. Như vậy, Séc và Romania đã theo gương Hà Lan - nước đã hợp nhất 3 lữ đoàn vào quân đội Đức.

Với bà Merkel, bây giờ mối quan hệ giữa Đức và Chính phủ Pháp do Tổng thống Emmanuel Macron nắm quyền đã trở thành ưu tiên khi bà muốn 2 quốc gia cùng lãnh đạo châu Âu “thoát Mỹ”. 

Thủ tướng Merkel rất đề cao vai trò của Tổng thống Pháp Macron trong việc viết lên một trang sử mới cho EU. Bên cạnh đó, bà Merkel vô cùng hoan nghênh nhiều tuyên bố của ông Macron về việc nâng cao tính độc lập cho Liên minh châu Âu và hạn chế phụ thuộc vào Mỹ. 

Sau Brexit, Pháp trở thành cường quốc hạt nhân duy nhất trong EU, và cũng là nước duy nhất của Liên minh châu Âu giữ vai trò thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; trong khi đó, Đức đang là đầu tàu kinh tế của EU. Bối cảnh này dường như rất thuận lợi để Pháp và Đức trở thành cặp bài trùng lãnh đạo con đường phát triển EU trong tương lai...

Lâm Anh

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

Trung tá Hoàng Anh Công Minh đang làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì đối tượng Phạm Ngọc An (SN 2001, trú xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) điều khiển phương tiện, phía sau chở Trương Ngọc Thảo Nhi (SN 2009) tông thẳng vào Trung tá Minh khiến anh ngã xuống đường, bị thương.

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiều 28/4, thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5,  toàn quốc xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 68 người.Cùng ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp vi phạm Luật giao thông và ra quyết định xử phạt 31 tỷ 830 triệu đồng.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

“Ngày 3/8/1967, đánh CLB sỹ quan Mỹ (N.O.C) diệt trên 200 tên. Thị ủy Nha Trang đánh giá thắng lợi này rất cao. Những người tham gia trận đánh như Hoài Phong, Lê Thị Mai, Trần Kim Hùng, Bùi Chạn, Trần Thanh Châu (tức Mỹ) đã được tặng tưởng Huân chương chiến công”. Lịch sử Đảng bộ TP Nha Trang giai đoạn 1925 - 1975, trang 205 viết ngắn gọn như vậy.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文