Những cây bút lớn tại chiến hào

07:22 10/07/2017
Ngày nay chẳng còn mấy ai nhắc đến họ với tư cách phóng viên chiến tranh. Sức mệnh gian nan và cao quý của họ đã hoàn tất. Cống hiến của họ đã hòa vào lịch sử quê hương đất nước họ và lịch sử loài người.


Đương nhiên sự nghiệp văn chương của mọi người còn đó: Em ơi đợi anh về, Bình minh mưa, Thời gian ủng hộ chúng ta và Chuyện một người chân chính... những tác phẩm ấy sống lâu bền bất chấp thời gian.

Nhưng nay còn mấy ai từng đọc, từng nghe hay còn nhớ những bài họ viết với tư cách nhà báo, những bài báo đã tác động như thế nào đến những người lính Hồng quân Liên Xô tại các tuyến lửa, những bà mẹ, người vợ, người yêu trong thiếu thốn mọi bề và cái rét mùa đông Nga vẫn ngóng vẫn tin rồi sẽ có ngày gặp lại người thương nhớ: Đợi anh anh lại về/ Trông chết cười ngạo nghễ...

Nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa Ilya Ehrenbourg (1891-1967) có cuộc đời cầm bút kỳ lạ. Trong thế kỷ 20, ông ba lần làm phóng viên chiến tranh. Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), ông là phóng viên của một tờ báo thành phố Saint-Petersbourg tại mặt trận miền Nam nước Nga. Trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939), ông tình nguyện sang nước này làm phóng viên mặt trận, ủng hộ những người dân chủ chống chế độ độc tài.

Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), ông là phóng viên Báo Sao đỏ, cơ quan của Hồng quân Liên Xô tại tiền tuyến, trong khi vẫn tiếp tục cộng tác với các nhật báo Pravda (Sự thật), Izvestia (Tin tức).

Nhiều cựu chiến binh Nga nhớ lại, mỗi lần một số báo Sao đỏ mới ấn hành được chuyển tới mặt trận, các chiến sĩ lại nhao nhao hỏi anh quân bưu: “Có bài của Ehrenbourg không, hở anh?”, và nếu câu trả lời là có, ngay tức khắc tờ báo được một người nhanh tay chộp lấy, đọc to lên bài báo ký Ilya Ehrenbourg cho cả đơn vị cùng nghe.

Constantin Simonov (1915-1979) xuất thân con trai một bà quận chúa. Lớn lên làm thợ, về sau mới có dịp học Trường viết văn Gorki rồi học tiếp cao học. Chiến tranh thế giới thứ hai (Liên Xô gọi là Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại), Simonov làm phóng viên Báo Sao đỏ, có mặt tại mặt trận ngay từ đầu.
Constantin Simonov.

Ông bám sát các đơn vị Hồng quân từ tháng 7-1941 (tức chỉ 1 tháng sau ngày phát xít Đức ào ạt tiến công và vây hãm thủ đô Moskva); ông có mặt bên cạnh các chiến sĩ bộ binh Nga đánh giáp lá cà với bám giữ bán đảo Crưm; ông theo các đội viên trinh sát Nga luồn vào hậu phương Đức lấy tài liệu viết phóng sự; ông sát cánh những người lính, người dân Nga thề bảo vệ đến cùng thành phố Stalingrad (nay là Volgagrad) bị phát xít Đức vây hãm, và rốt cuộc người Nga đã thắng, bắt sống thống chế Đức Von Paulus.

Nhà thơ Nicolai Tikhonov, cũng là một phóng viên quân đội, nhớ lại phong cách tác nghiệp của bạn: “Simonov có thể viết ở bất kỳ đâu và lúc nào: dọc đường hành quân, trên xe chở lính, trong công sự giữa hai trận đánh, tại một trạm nghỉ đêm nào đó, hay viết nhờ ánh sáng những thân cây đang cháy vì bom đạn”.

Trước chiến tranh, C. Simonov đã làm thơ, viết kịch nhưng thực sự nổi bật như một ngôi sao từ năm 1942, chính xác là từ ngày 14/1/1942, khi báo Pravda cho đăng lên trang nhất bài thơ Đợi anh về. Ngay tức khắc bài thơ trên báo được in lại hàng chục, hàng trăm lần tại các tờ báo phát hành tại mặt trận, ở hậu phương, có khi dưới dạng tờ rời dạng truyền đơn cho dễ lưu hành trong các đơn vị ở các tuyến đầu.

Năm 1948, trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Tố Hữu đã chuyển bài Đợi anh về sang tiếng Việt, đăng Tạp chí Văn nghệ ấn hành tại chiến khu Việt Bắc, và ngay lập tức bài thơ được lan truyền rộng rãi trong nước ta:

Đợi anh anh lại về
Trông chết cười ngạo nghễ
Ai ngày xưa rơi lệ
Hẳn cho sự tình cờ...

Vì sao anh chẳng chết
Nào bao giờ ai biết
Có gì đâu em ơi
Chỉ vì không ai người
Biết như em chờ đợi.

Constantin Paustovsky (1892-1968) là người cùng thế hệ với Ilya Ehrenbourg. Tác phẩm của ông sớm đến với độc giả Việt Nam qua các tùy bút, truyện ngắn đầy chất thơ Tuyết, Bông hồng vàng, Bình minh mưa... Tuy nhiên, ít người biết C. Paustovsky đã làm báo rất sớm, từ thời nội chiến ở nước Nga, trước ngày Cách mạng Tháng Mười năm 1917 thành công.

Boris Polevoi.

Những năm 1930, ông dã nổi tiếng với những bài phóng sự về công nghiệp hóa tại các nước vùng Trung Á trong Liên bang Xôviết. Chiến tranh bùng nổ, ông lại ra mặt trận làm phóng viên chiến trường.

Nhà văn Boris Polevoi (1908-1981) làm báo từ thời còn trẻ, bắt đầu từ báo xí nghiệp, rồi báo địa phương. Mới 19 tuổi đã cho xuất bản tập phóng sự điều tra vạch trần sự mờ ám trên những con tàu sông chuyên buôn lậu đường trường. Chiến tranh, ông làm phóng viên mặt trận của Báo Pravda.

Tên tuổi ông quen thuộc với độc giả Việt Nam qua các tác phẩm viết về con người trong chiến tranh: Những con người chân chính (1946), Những người Xôviết chúng ta (1948). Hòa bình lập lại, ông tiếp tục làm báo đến cuối đời trong khi vẫn đảm đang nhiều trọng trách khác tại Hội Nhà văn Liên Xô và Viện Duma quốc gia.

Phóng viên chiến tranh Yuri Jukov (1908-1991) lại hành nghề theo hướng khác. Từ năm 1941, ông được phân công làm Trưởng ban Phóng viên mặt trận của Báo Sự thật Thanh niên.

C. Simonov viết: “Trông bề ngoài Yuri có dáng dấp một nhà dân sự nhưng ông lại là người “quân sự” nhất trong cánh phóng viên mặt trận chúng tôi. Tôi không nói về lòng dũng cảm - điều này là đương nhiên đối với tất cả mọi người - mà ở phong cách nghiêm túc, chính xác, rành mạch, rất nhà binh của Yuri”.

Sau chiến tranh, Yuri Jukov tiếp tục con đường báo chí và trở thành một cây chính luận chính của báo Pravda. Tên ông không xuất hiện trên mặt báo, thay vào đó là bút danh “Người bình luận”, luận bàn thời cuộc, nói lên quan điểm của Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô trước những vấn đề trọng đại. Một công việc không phải nhà báo cũng có thể đảm đương.

Các nhà báo, nhà văn, nhà thơ Yuri Jukov, Constantin Simonov, Pavel Antokolski... đã sang thăm Việt Nam sau ngày hòa bình lập lại.

*

“Thời Chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô, có bao nhiêu người làm phóng viên mặt trận?”. Có lần tôi đặt câu hỏi cắc cớ với các vị lãnh đạo Hội Nhà báo nước bạn. Ai cũng lắc đầu. Làm sao biết cụ thể. Hàng trăm, hàng ngàn, nhiều lắm...

Đơn giản vì những phóng viên ấy tác nghiệp như mọi người lính cầm súng, họ cùng đơn vị lên tuyến đầu. Có những phóng viên là nhà văn, nhà thơ, nhà báo chuyên nghiêp đã, hoặc bắt đầu nổi tiếng, có những người từ ngành dân sự được điều sang làm báo, cũng có không ít người là tân binh mới nhập ngũ, trình độ học vấn khá, bỗng dưng được chỉ huy giao nhiệm làm truyền thông.

Chiến tranh kết thúc, có những người tiếp tục binh nghiệp, có những người trở về đời sống dân sự. Giống hệt bức tranh toàn cảnh của báo chí ta qua mấy cuộc kháng chiến - thậm chí có thể nói nhìn về một mặt nào đó, mức độ “làm báo thời chiến” ở Việt Nam còn tập trung hơn, quyết liệt hơn nhiều, nếu tính tỉ lệ các nhà báo nước ta đã ngã xuống chiến trường khi đang tác nghiệp so với tổng số dân ta thời ấy - chưa vượt quá 25 triệu người.

Ilya Ehrenbourg.

Đối với thế hệ những người làm báo Việt Nam thời chống Pháp, chống Mỹ, các nhà văn, nhà báo Liên Xô không chỉ là những cây bút được đọc nhiều, những tấm gương đáng khâm phục mà còn là những bậc thầy nghề nghiệp. Nhà báo Thép Mới sinh thời say mê tùy bút chiến tranh của Ilya Ehrenbourg.

Ông dịch và xuất bản tại Hà Nội tập ký Ilya Ehrenbourg Thời gian ủng hộ chúng ta ngay sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc (NXB Văn nghệ, 1954). Thép Mới luôn cố gắng tạo cho mình phong cách riêng, nhưng “phong cách Thép Mới” theo tôi, rõ ràng mang đậm dấu ấn Ehrenbourg. 

Mấy bài bút ký chiến tranh đầu tay của Thép Mới in trên tuần báo Sự thật xuất bản tại chiến khu Việt Bắc, được nhiều người thích thú, rõ ràng thấp thoáng dáng tùy bút Ehrenbourg.

Nhà báo quân đội Trần Cư, chỉ mấy ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, đã cho in lên tờ Quân đội nhân dân xuất bản tại chiến hào bài ký, đầu đề: Ở Mường Thanh quân địch ra hàng như nước chảy.

Ông viết (lược): “Đã năm giờ chiều. Trời rất đẹp. Xanh biếc cao lồng lộng. Mây bông trắng phau, lớp lớp nối nhau về chân trời... Nắng chiều chiếu rực rỡ những lá cờ chiến thắng của quân ta bay trong gió. Khu Mường Thanh còn ngùn ngụt lửa. Quân địch kéo cờ trắng ra hàng đông như kiến, theo tiếng loa phóng thanh ta chỉ đường, đi kéo dài ngót chục cây số, trườn theo các hào giao thông của ta, leo lên các con đồi phía Bắc rồi khuất dần sau những tuyến lau... Những lá cờ trắng địch đầu hàng hòa trong màu trắng lau rừng Điện Biên dưới bầu trời lững lờ mây trắng chiều hè... (Viết tại mặt trận Điện Biên, ngày 8-5-1954). 

Constantin Paoutovsky.

Mỗi lần kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, có dịp đọc lại bài ký của Trần Cư, nhiều người liên tưởng tới bút pháp Paustovsky.

Bản thân chúng tôi khi mới chập chững vào nghề, thời cuộc kháng chiến chống Pháp của ta đang ở thế phòng ngự, phải đối mặt muôn vàn khó khăn, một hôm tình cờ đọc cuốn sách mới ra của Constantin Simonov: Bút ký chiến tranh, bản dịch tiếng Pháp xuất bản tại Paris, sách được chuyển từ thành phố Huế theo đường giao liên lên chiến khu Thừa Thiên. 

Say mê, thích thú, trở lại vùng tự do, tôi chọn một bài dài nhan đề Mùa hè thứ ba, lúi húi dịch ra tiếng Việt, nhằm học cách bậc thầy viết bút ký chiến tranh ra sao. Một “sự cố” làm tôi nhớ mãi.

Gặp một từ nhà binh: canon autotracté, tôi băn khoăn không biết nên dịch thế nào cho phải. Canon autotracté, nghĩa đen là khẩu đại bác tự kéo. Tôi đã nhiều lần tận mắt nhìn thấy tại chiến trường Bình Trị Thiên những chiếc xe tải GMC to đùng của Mỹ, kéo những khẩu đại bác của đội quân lê dương Pháp ngược xuôi ầm ầm trên quốc lộ 1, tất cả đều chĩa nòng về phía sau.

Nhưng đại pháo của Hồng quân hiện đại hơn nhiều, khi ra trận thì hẳn phải chĩa nòng lên phía trước, sẵn sàng nhả đạn vào quân địch chứ! Hay là ta dịch sát “pháo tự đẩy”?

Nghe ngô nghê thế nào ấy. Đành gác bút, đi tìm những anh giỏi tiếng Tây trong tòa soạn Báo Cứu quốc hỏi. Chẳng ai rành. Mãi sau ngày hòa bình lập lại, mới biết quân đội ta gọi loại vũ khí ấy là pháo tự hành!

Một lần khác, tôi gặp bài phóng sự dài của nhà văn C. Paustovsky in 2 kỳ trên nguyệt san Litérature Soviétique, đầu đề Từ sông Volga đến sông Đông. Thì ra nhà văn lớn sau chiến tranh, lúc này tuổi cũng đã cao, vẫn vấn vương nghiệp báo. 

Ông trở lại địa bàn tác nghiệp quen thuộc của mình thời trai trẻ là vùng Trung Á, làm một thiên phóng sự dài, chủ đề khô khan như... mùa hạn tại sa mạc Kara Kưm, mà càng đọc càng thú vị.

Thì ra nhà văn trở lại sống chan hòa với công nhân và dân công làm thủy lợi đang đào dòng kênh lớn xuyên sa mạc nối liền hai dòng sông nổi tiếng của nước Nga, sông Volga và sông Đông, làm tuyến giao thông đường thủy, đồng thời biến một miền cát khô cằn, nóng cháy ngày hè và mịt mù gió tuyết đêm đông thành vùng đất mênh mông chuyên trồng bông dệt vải. Tôi lại tập dịch ra tiếng Việt, nhằm học cung cách nhà văn trữ tình viết phóng sự công trường ra sao...

Lẽ đương nhiên, trò hãy cố mà học thầy về kiến thức cùng trải nghiệm của thầy, nhưng tài năng của thầy là cái trời cho, trò làm sao vin với tới!

Phan Quang

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

Ngày 7/5, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chính thức diễn ra, bắt đầu chặng đường mới với không ít thách thức nhưng cũng nhiều hy vọng, nhất là khi tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông theo thời gian vẫn liên tục ở mức cao.

Theo dự báo, hôm nay thời tiết tại hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. TP Điện Biên Phủ khả năng có mưa, nhiệt độ dao động từ 20-32 độ C.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, Phó giám đốc - Phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文