Nhà báo Như Quỳnh: Một người đặc biệt

08:25 16/05/2018
Bà Như Quỳnh (tên thật là Võ Thị Ngọc), bí danh Ngọc Nghi, Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Phụ nữ Việt Nam. Bà được đồng nghiệp đánh giá là người có tầm nhìn rộng rãi và nhân ái.

Ngoài 10 năm làm Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam, bà Như Quỳnh còn là Phó Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (tại đại hội thành lập năm 1950); Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam (từ Đại hội II năm 1956); Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

“Hợp quần” giành tương lai cho đất nước

Năm 14 tuổi, lần đầu tiên trong đời, cô thiếu nữ tỉnh Sa Đéc, một tỉnh nhỏ ở miền Tây (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), rời nhà lên Sài Gòn học tại trường Áo Tím (tên Tây là Collège des Jeunes Filles Indigènes - trường trung học cho nữ sinh bản xứ - nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai). 

Đây cũng là lần đầu tiên cô phải học tất cả các môn học bằng tiếng Pháp, dưới sự chỉ dạy của bà giáo Lý Thị Xuân Yến - vợ bác sĩ Trần Văn Đôn. Với 4 năm học ở trường Tây (1937-1941), tinh thần “tự do, bình đẳng, bác ái”, giúp bà sống tự lập và khảng khái giữa cuộc đời.

Cái đầu bé nhỏ của cô nữ sinh Võ Thị Ngọc cũng được bà giáo Xuân Yến mở cửa thuở ban đầu đã đón đủ mọi xu hướng văn học thế kỷ XVII - XIX của Pháp.

Trong số đó có những câu thơ của Musset được cô thuộc lòng: “Les plus désespérés sont les chants les plus beaux/ Et jen sais dimmortel qui sont depuis sanglots” (Những câu ca tuyệt vọng là những câu ca hay nhất/ Và tôi biết nhiều câu ca bất hủ chỉ thuần là những tiếng nấc thôi).

Hồi đó, nam sinh trường Pétrus Ký có ra một tờ nội san chép tay trên giấy thếp, đặt tên là tờ Hợp Quần. Nam sinh ngạo nữ sinh bằng một bức vẽ viễn cảnh gồm mấy đường thẳng dưới đường chân trời chụm về một điểm, phía trên có quẹt thêm cho thành một con đường xa tít mù tắp.

Nữ sinh Áo Tím cũng chẳng kém, cho ra tờ Tương Lai vẽ 3-4 sợi dây giăng chồng chéo, trên treo đủ các loại quần. Đó là mong ước “hợp quần” để giành tương lai cho đất nước, song được thể hiện với chút ít hài hước gây cười.

Thế rồi, cô nữ sinh ấy rời xa bút nghiên, lên đường để thực hiện mong ước “hợp quần”. Đã ngoài 90 tuổi, bà vẫn say sưa nhẩm hát cho tôi nghe những lời ca hùng tráng của những người lính chân đất đứng lên bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cách mạng, sau này thành Quốc ca nước Pháp: “Aux armes, citoyens, marchons, marchons/ Un sang impur abreuve nos sillons” (Các công dân hỡi! Hãy cầm vũ khí! Tiến lên, tiến lên/ Một loại máu vẩn đục đang tràn lên đồng ruộng chúng ta).

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trò chuyện cùng nhà báo Như Quỳnh và các nhà báo lão thành.

Con gái cụ Cử Hoành

Bà Như Quỳnh là con gái cụ cử Võ Hoành, một trong những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, cùng các cụ Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ...

Không đỗ đạt trong khoa cử nhưng với kiến thức thực học của mình, cụ vẫn được mọi người tôn kính như một ông cử nhân và gọi cụ Cử Hoành. 

Trong lần theo bà về quê mẹ (làng quan họ Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) năm 2014, ngồi trên xe, bà đọc cho tôi nghe những lời thơ về Đông Kinh Nghĩa Thục cả trăm năm trước: “Tội danh đổ đám Nho lưu/ Bắc Kỳ thân sĩ đứng đầu năm tên”.

Năm tên đó là cụ Nguyễn Quyền, cụ Lê Đại - đỗ đầu xứ. Thứ ba là cụ Võ Hoành. Thứ tư là cụ Dương Bá Trạc. Thứ năm là cụ Hoàng Tăng Bí. Cả 5 người đều bị chính quyền ra lệnh xử tử. Sau Hội Nhân quyền bên Pháp bênh vực, giảm án xuống chung thân khổ sai đày ra Côn Đảo.

Lên 6 tuổi được học chữ Nho với cha, năm 14 tuổi thì bà xa nhà lên Sài Gòn học rồi thoát ly hoạt động cách mạng, mà bà nói vui với tôi là “lưu lạc giang hồ”. Cha dạy chữ Nho, còn những chiến sĩ cách mạng Hà Huy Giáp, Nguyễn Kim Cương về gây cơ sở đã dạy bà chữ Tây. 

Vì thế, bà không nhớ các thầy ở trường đã dạy chữ khi mới bước vào lớp 1 như thế nào. Văn nôm cha dạy giúp bà từ nhỏ đã thấm nhuần luân thường đạo lý.

Sau này, kỹ sư Lê Võ Bạch Thông, con trai bà kể lại: Bà nổi tiếng trường Áo Tím vì vừa thông minh, học giỏi, vừa xinh đẹp nhất trường. Thời gian đó thái tử nước láng giềng đang theo học tại trường Chasseloup Laubat - Sài Gòn (nay là trường THPT Lê Quý Đôn) vô cùng ngưỡng mộ bà. 

Bà học nội trú, cuối tuần ôtô gia đình lên đón bà đã thấy thái tử đầu đội mũ phớt trắng, comple trắng, caravat trắng, giày trắng đứng đợi ở cổng trường.

Thái tử tự lái ôtô đi theo ôtô gia đình bà. Chuyến phà ở Mỹ Thuận những ngày đó như rực rỡ hẳn lên, một chàng trai hào hoa phong nhã và nhất là cô học sinh áo dài tím với nét mặt rạng rỡ thông minh. Thái tử đi đến tận Sa Đéc nhà bà mới chịu quay về Sài Gòn.

Đỗ thành chung ở trường Áo Tím rồi bà đỗ đầu trong khi thi vào trường Petrus Ký - Sài Gòn (nay là trường THPT Lê Hồng Phong) hệ tú tài toàn phần. Chính phủ thuộc địa chọn cấp học bổng toàn phần cho sang Pháp học nhưng bà đã từ chối.

Từ chối học bổng sang Paris, từ chối lời cầu thân của thái tử láng giềng, bà quyết định tham gia Việt Minh để góp sức mình vào con đường mà người cha thực hiện dang dở, đó là giành độc lập dân tộc. Bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11/1944, rồi lập gia đình với người đồng chí là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.

Người có tầm nhìn rộng rãi

Cách mạng Tháng Tám, rồi tiếng súng Nam Bộ kháng chiến chuẩn bị. Bà được ông Hoàng Quốc Việt - Thường vụ Trung ương Đảng, cử mang tài liệu của Xứ ủy Nam Kỳ ra Hà Nội báo cáo tình hình với Trung ương Đảng.

Ẵm con trai mới sinh trên tay, bà ra đến Thanh Hóa ngày 23-9-1945 thì được tin qua Đài Tiếng nói Việt Nam: quân Anh mới chiếm Nam Bộ phủ. Chính chuyến ra Bắc công tác năm 1945 đã gắn cuộc đời bà với báo chí. Bà được giao cùng bà Thanh Thủy - vợ Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền - cùng phụ trách nội dung tờ báo Tiếng gọi Phụ nữ.

Từ báo Tiếng gọi Phụ nữ, bà làm báo Cứu quốc khu 2, cho đến khi về báo Phụ nữ Việt Nam mà bà tự nhận là người may mắn được cử làm tổng biên tập đầu tiên.

Trong ký ức của bà, những chuyện nghề có đủ cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Tuy nhiên, với công việc thì bà luôn được mọi người kính nể. Đặc biệt, đối với những cây bút trẻ ngày ấy như Sơn Tùng (nhà văn, tác giả Búp sen xanh), Ngô Ngọc Bội (nhà văn, tác giả Ao làng)... bà đều ưu ái duyệt đăng bài.

Nhà báo Như Quỳnh.

“Những cậu ấy gần dân, kỹ thuật viết lúc đầu không cao nhưng nhiều hơi thở đời sống”, bà Như Quỳnh nhớ lại. Còn với chị em đồng nghiệp, bà luôn tận tình quan tâm.

Trong hồi ký mang tên Thời con gái, nhà thơ Cẩm Lai viết về bà đã chia sẻ: “Chị không phải là người trực tiếp phụ trách tôi mà chị lo lắng cho tôi hơn những người trực tiếp có trách nhiệm với tôi. Chị xứng đáng là một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn rộng rãi và có tấm lòng nhân ái. Nếu ai cũng có được tấm lòng như chị Ngọc Nghi thì chị em cán bộ cấp dưới sống thoải mái biết bao!”.

10 năm làm tổng biên tập báo, bà tự hào rằng, cùng với báo Tiền phong (Tổng biên tập Nguyễn Thanh Dương), thì Phụ nữ Việt Nam ngày ấy là hai tờ báo sống được bằng tự thu chi hạch toán, Nhà nước không phải bao cấp.

Trong cuộc đời cũng nhiều tình huống trào lộng. Một hôm, người phụ trách Cục Xuất bản (Bộ Văn hóa) mời tổng biên tập các báo đến, nêu đề xuất sắp tới sẽ kiểm duyệt nội dung trước khi in. 

Bà Như Quỳnh thẳng thắn trả lời: “Tôi với chị cùng nhau đi làm cách mạng để giành độc lập và tự do, chống kiểm duyệt báo chí. Bây giờ chị lại đòi kiểm duyệt chúng tôi. Nếu báo của tôi in sai, các anh chị thu hồi, tôi hết vốn, nhưng tôi không đồng ý kiểm duyệt”.

Những lần phản ứng dữ dội như vậy không phải là ít trong cuộc đời làm báo của bà. Một lần khác, Hội Nhà báo có đề xuất sẽ tăng phụ cấp cho phóng viên. Lần này, bà cùng ông Nguyễn Thanh Dương nêu ý kiến: “Chúng ta học lý luận đều biết rõ, công nhân đấu tranh là đòi tăng lương. Anh chị em phóng viên cũng cần tăng lương chứ không phải tăng phụ cấp”. Trước lý lẽ thuyết phục của bà, mọi người phải chấp thuận.

Mỗi khi vào Sài Gòn, tôi đều đến thăm bà ở ngôi nhà nhỏ trên đường Trần Tuấn Khải, quận 5. Cuối tháng 8/2017, tôi vào, bà mới qua cơn tai biến nặng. Bác sĩ Bạch Liên, con gái út, hỏi bà có nhận ra tôi không, bà gật đầu: “Có”. Lại hỏi tôi làm gì? Bà nói: “Làm báo” và nở một nụ cười thân thương.

Kỹ sư Lê Võ Bạch Thông, con trai bà, kể: Về hưu, bà dịch sách tài liệu tiếng Hoa và tiếng Pháp, đồng thời làm cố vấn tiếng Hoa cho báo Sài Gòn giải phóng tiếng Hoa. Ở tuổi sáu mươi, bà lại cắp sách đi học. Nối nghiệp cha, bà học Đông y. Bà chữa bệnh từ thiện không lấy tiền, nhiều khi bà lặn lội ra Bắc lên vùng núi Ba Vì tìm mua lá thuốc của người Dao cho bệnh nhân. Nhiều người đến thăm bà tại nhà riêng trên đường Trần Tuấn Khải (quận 5, thành phố Hồ Chí Minh), thấy chỗ ở khiêm tốn, đã tỏ ý không bằng lòng.

Theo họ, bà xứng đáng được ở chỗ đàng hoàng hơn. Bà chỉ cười, dùng câu đối của Ngô Thì Nhậm với Đặng Trần Thường mà đáp rằng: “Thế Chiến Quốc thế Xuân Thu/ Gặp thời thế thế thời phải thế”.

Do tuổi cao sức yếu, bà Như Quỳnh đã từ trần ngày 23-11-2017 (tức ngày 6/10 năm Đinh Dậu) tại nhà riêng. Hưởng thọ 95 tuổi. An táng tại nghĩa trang Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. “Thác là thể phách”, con người có tầm nhìn rộng rãi và nhân ái ấy, đã còn trong ký ức của những người đương thời.

“Chị xứng đáng là một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn rộng rãi và có tấm lòng nhân ái. Nếu ai cũng có được tấm lòng như chị Ngọc Nghi thì chị em cán bộ cấp dưới sống thoải mái biết bao!” (Cẩm Lai: Thời con gái - hồi ký).
Kiều Mai Sơn

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文