Câu chuyện thứ 14: Chuyện của diễn viên Kiều Trinh

14:05 15/04/2013

Tôi không biết viết lời đề tựa cho câu chuyện về diễn viên Kiều Trinh như thế nào cho hợp lý. Bởi, trước khi đọc bài viết này, tôi đã nghĩ về một Kiều Trinh rất khác. Có lẽ, theo chiều hướng liên quan đến những vụ ầm ĩ trong làng giải trí. Thế nên, biết hết câu chuyện của chị, mới thấm thía hết những nỗi buồn thân phận. Và trong chúng ta, ai mạnh mẽ nhất lại không có lúc bật khóc. Con nhím bóc hết gai đi rồi, chỉ còn lại đậm đặc một nỗi niềm cảm thông.

1. Cuộc đời tôi là những chuỗi ngày đầy bất trắc. Như mặt biển phía gần bờ, rũ rượi bạc đầu bởi vô vàn con sóng ở đâu cuộn về hậm hực. Những đêm cuối hạ oi nồng nằm trăn trở, tôi lại nhớ về chiếc giường tre kẽo kẹt trong ngôi nhà đất thiếu hơi người.

Ba mẹ dắt díu theo anh hai tuổi vừa non sức lên chốn rừng thiêng nước độc khai phá, đứt ruột gửi lại hai chị em tôi. Hơn nửa kiếp nghèo, mẹ đâu có dám trông mong ngày sung sướng, đi chỉ để thoát khỏi cái nghề đồ tể ám ảnh lấy cơn ngủ ba tôi. Tôi lên 7, chị vừa tròn 12, vụng về cơm nước, ngọng nghịu lời ru.

Mùa hè đầu tiên được lên thăm ba mẹ, hai chị em mừng khóc suốt một đêm. Ba mẹ lập nghiệp ở Bình Long, Bình Phước, giữa một vùng đất đỏ bao la, núi ở sau lưng, rừng ở trước mặt, đồi bên kia, bên này suối chảy, dập dìu, choáng ngợp. Cỏ tranh cao hút đầu người, mẹ cắt lấy, phơi khô, bện thành tấm lá lợp nhà. Bảo là nhà cũng được; gọi là lều, là chòi cũng xong.

Bởi nhà gì chỉ có 4 thân cây làm trụ, vách là 4 miếng bạt to, neo chắc một đầu vào mái, tối thả xuống, sáng lại cuộn lên. Vai anh hai bắp thịt bắt đầu cuộn, mặt mẹ đỏ au bụi đất, tôi lờ mờ nhận ra lý do vì sao ba mẹ gửi hai chị em tôi ở lại. Hết mùa hè, chúng tôi phải trở về để đi học tiếp. Và tiếng kẽo kẹt của chiếc giường tre trong ngôi nhà vắng lại khiến hai đứa nhỏ sợ không dám trở mình.

Được 3 năm, cha mẹ đón chúng tôi lên. Nơi đây, mưa lúc nào cũng có thể về bất chợt, đất đỏ nhầy nhụa, trơn trượt. Đất đỏ nhét đầy kẽ móng tay, móng chân, bám vào vành tai, vương trên tóc. Mười ngón chân ba quắp sâu vào đất, anh em chúng tôi không có nổi một đôi dép ra hồn, mẹ gượng cười nhìn tấm áo học trò cứ đổi màu mỗi khi tôi tan lớp. Tuổi thơ trải dài hun hút trên những con đường đỏ ké bụi bazan.

Lên lớp 9, tôi xin nghỉ học. Mẹ buồn buồn đưa tay vuốt mái tóc tôi hãy còn hoe vàng đầu ngọn. Tôi về lại quê cũ, xin học may rồi dạt xuống Sài Gòn. Tôi làm phục vụ, rửa chén, rồi về xí nghiệp làm công nhân may da giày. Tôi 17 tuổi, da đen nhẻm, tóc vẫn chưa thôi hoe vàng đầu ngọn, chỉ được đôi mắt thẳm sâu và khuôn miệng hay cười. Vậy mà anh lại si mê tôi.

Anh lớn hơn tôi 7 tuổi, tóc để dài chấm vai. Ngày tình cờ gặp gỡ, anh về tuyên bố với chúng bạn: “Tao mà quen được em Trinh, tao cắt tóc”. Hẹn nhau đến lần thứ 3 thì tóc anh ngắn hẳn. Anh đưa tôi về xin cưới, tôi non nớt, líu ríu nghe theo. Lễ ăn hỏi rình rang, mẹ cầm tay tôi nắn từng ngón tay in hằn tuổi thơ lam lũ, ngập ngừng: “Lấy chồng rồi chắc sẽ đỡ cực, ha con?”.

Thứ gì chóng vánh cũng tiềm tàng nguy cơ rạn vỡ. Tôi thấy anh cộc cằn, lo anh sa ngã. Tôi bắt đầu sợ cảnh phải gá nghĩa cùng anh. Nhưng đứa con gái nhà quê tuổi vừa đôi chín, nào dám nghĩ đến chuyện hồi hôn. Ngày pháo cưới kết hoa cũng là ngày tôi thật sự bước vào vùng gió xoáy.

Hạnh phúc chưa tày gang, anh đã bắt đầu thay đổi. Tối ngày anh giao du với bọn người xấu, bỏ mặc tôi nách mang con nhỏ, bức bí trong mớ bòng bong cơm áo gạo tiền. Chồng thờ ơ, mẹ chồng, em chồng xét nét, tôi vùng vẫy, càng cố ngoi lên lại càng đuối sức. Tôi trở nên câm lặng. Tôi cứ sống như một chiếc bóng, lặng lẽ, cun cút đi về.

Nhưng trẻ con rồi cũng phải lớn, lớn rồi chúng sẽ dần hiểu chuyện. Ngày con ngọng nghịu hỏi tại sao ba đánh mẹ là ngày tôi bừng tỉnh. Tôi không muốn tuổi thơ của con bị giẫm nát bởi những đợt cãi vã đều như cơm bữa, bởi những lườm nguýt, ngọt nhạt, đòn roi. Tôi không muốn câm lặng nữa, tôi không muốn tiếp tục sống đời một chiếc bóng, tồn tại chỉ là phụ thuộc, đèn tắt, bóng tắt.

Càng nhìn con bi bô nói cười trong trẻo, tôi càng muốn thoát li khỏi cảnh sống này. Và tôi cương quyết li hôn. Tôi kết thúc chuyện hôn nhân nhẹ nhàng, chóng vánh như cái cách nó đã đến. Tôi về ở nhà chị bên quận 7, được mấy tháng chị vỡ nợ, trốn đi, gửi lại đứa con trai 7 tuổi nhờ cậy tôi nuôi nấng. Tình nghĩa, nặng oằn vai.

Tôi như con thoi, chỉ một đường đi về không kịp nghỉ. Có ngày, mẹ con, dì cháu chung nhau một cái trứng vịt chiên cho qua buổi đói lòng mà nước mắt tôi nóng hổi chan cơm. Tương lai là thứ gì đó mờ mịt, xa ngái, hiện tại bức bí, xoay bên này va chạm, xoay bên kia vướng vấp, thực hơn, chật vật đến nỗi ngợp đầy tâm trí, từ lâu tôi không dám mơ mộng chuyện tương lai.

2. Một ngày chủ nhật buồn hiu trong gian phòng trọ chỉ đủ kê tấm đệm là vừa khít chỗ, con ê a đòi mua đồ chơi. Tôi mím môi, cố tình dán chặt mắt vào trang báo để né tránh lời con. Chiều nay còn chưa biết sẽ lấy gì no bụng, làm sao tôi dám hứa với con những món đồ chơi xanh đỏ, có thể đổi bằng cả một bữa cơm. Nghe con năn nỉ bên tai mà tôi đau xé ruột, tiện tay tôi chỉ vào mẩu tin ngắn trên tờ báo, dỗ con, bảo cháu: “Ngoan đi, trên này họ thông báo chiều nay họp mặt người hâm mộ ca sĩ Long Vũ, mẹ chở con và anh đến chơi”. Tôi đâu có ngờ lời dụ ngọt con nít vu vơ ấy lại là cơ duyên thay đổi cả cuộc đời tôi.

Hai đứa trẻ nghe chơi với ca sĩ là mừng tíu tít, tôi đành đến buổi họp mặt mà cũng chẳng biết ca sĩ Long Vũ là ai. Trong đêm hôm ấy, tôi tình cờ gặp diễn viên Lê Quang, người đóng vai Tư Võ Tòng nổi tiếng trong phim Đất Phương Nam. Tôi đánh bạo làm quen và xin chữ ký. Chẳng biết tôi có điểm gì thu hút mà anh em lại chơi thân với nhau. Biết tôi cơ cực, anh Võ Tòng (tôi và mọi người vẫn hay gọi anh như thế) nhờ người giới thiệu việc làm cho tôi.

Sáng 5 giờ tôi dậy lo cơm nước rồi đưa con đi gởi nhà trẻ, đưa cháu đến trường. Xong xuôi lại đạp xe mấy cây số từ quận 7 đến xí nghiệp ở tận quận 6. Quần quật ở xí nghiệp đến 5 giờ chiều, tôi tất tả chạy về quận nhất vào bar Seventeen làm phục vụ đến tận 1 giờ khuya mới rệu rã đạp xe về nhà. Quay mòng mòng với công việc, nhưng chẳng hiểu sao tôi không thấy mệt mỏi, lại thấy vui vì kiếm thêm được một khoản kha khá để lo lắng việc học hành của con và cháu.

Rồi cũng là anh Võ Tòng, nhấp ngụm cà phê trước cửa Hãng phim Giải Phóng, cười bảo tôi: “Trên lầu người ta đang tuyển diễn viên Mùa len trâu, hay mày sắp xếp lên coi thử cho vui”. Thì tôi ừ, lên coi thử. Mà ngờ đâu lại lọt vào mắt xanh của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Ngày anh Minh gọi điện báo nhận vai tôi cứ như người trên mây, vừa ngỡ ngàng, vừa háo hức. Nhưng sự háo hức chỉ dừng lại ở mức như đứa trẻ con nhận được một món đồ chơi lạ, chưa từng nghĩ đến công dụng của nó là gì, cũng giống tôi lúc ấy, coi diễn phim như một cuộc rong chơi, chưa hề nghĩ nó sẽ là cái nghiệp.

Nhưng đã là mặt biển phía gần bờ, có khi nào thôi cuộn sóng. Cách lịch quay khoảng 1 tuần, ba tôi bị đột quị, tôi rối rít cuốn gói trở về quê thì trên này người chị thứ hai của tôi lại gào khóc: “Trinh ơi, em có chút chữ, em về giúp chị, nhà bị người ta cướp mất rồi”.

Tôi kiệt lực trong vòng quay của số phận, tôi cầm điện thoại, gọi cho anh Minh cố gắng để không phải khóc. Tôi xin bỏ vai. Anh Minh nói, đâu có được, đâu có bỏ vai được, một cuốn phim là một tác phẩm, cũng là đứa con tinh thần của nguyên một tập thể cùng hiệp lực lại mà thành. Trong đó tôi, khi đặt bút ký hợp đồng đã chấp nhận trở thành một mắt xích trong guồng máy đó, tôi không thể tự ý từ bỏ.

Nhưng tôi biết phải làm sao, tôi rối rắm, mười đầu ngón chân lại quắp chặt trên con đường đất đỏ sau mưa nhầy nhụa, trơn trượt. Tôi thẫn thờ nghĩ, đời mình rồi sẽ chỉ có thế, rồi sẽ chỉ quẩn quanh, quanh quẩn cơm áo gạo tiền, như bây giờ, để đứng vững trên con đường này đã khó, bảo làm sao đi nhanh, làm sao thay đổi được bây giờ.

Nhưng mẹ đã từ đằng sau đỡ lấy vai tôi, chân mẹ bao năm quen đường đất đỏ, mẹ lại như ngày xưa, nói mà như hỏi: “Con đi đóng phim đi, ba đã có mẹ lo, chuyện của chị là số phận, con từ chối cơ hội này, rồi ngày mai của con cũng như ngày hôm nay mãi sao?”. Tôi đi đóng phim.

Phim xong rồi, tôi lại trở về với cung đường từ xí nghiệp đến quán bar, rồi khuya xanh lét mới được trở về nhà. Cứ như thế cho đến khi Mùa len trâu liên tục gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế. Gương mặt của tôi được nhiều người biết đến, diễn xuất của tôi được người ta công nhận. Rồi kế tiếp là Rừng đen, là Bi, đừng sợ…, tôi trở thành diễn viên, nhẹ tênh, không báo trước.

Nhưng dù cho sự nghiệp thành công thì cuộc sống của tôi vẫn đầy khổ đau, nhọc nhằn, vướng vấp như thế. Sóng nhỏ vừa đi, sóng dữ lại ồn ã dập về. Tôi nuôi con đơn thân, yếu lòng nhẹ dạ, bị người ta gạt mất một số tiền lớn để cọc mua nhà. Ngày mẹ tôi phát hiện bệnh ung thư, tôi quỳ sụp trước mặt kẻ lừa đảo, van xin họ trả lại ít nhiều để tôi lo lắng cho mẹ. Nhưng kẻ đã có gan lừa đảo mà không sợ pháp luật thì còn đâu nhân tính, tôi lủi thủi nặng nhọc ra về. 3 tháng sau, mẹ tôi hấp hối. Đời như muốn đẩy tôi vào chân tường, muốn quật cuộc sống tôi đến cảnh éo le cùng cực.

Ngày mẹ tôi hấp hối, cũng là lúc tôi nguy kịch trên giường bệnh. Nghe tin báo, tôi rũ rượi xin cho ngưng đợt chuyển viện lên Sài Gòn để kịp về nhìn mặt mẹ lần cuối. Bác sĩ nhìn tôi cương quyết, chỉ biết lắc đầu. Tôi xin ký vào tờ giấy bệnh viện miễn chịu trách nhiệm khi biến chứng nguy hiểm xảy ra với tôi, để được về bên cạnh mẹ.

Đời tôi phải xa mẹ từ nhỏ, nhưng nếu không nhờ tình thương của mẹ chắc tôi đã sa ngã, đã không thể sống nổi đến ngày hôm nay. Nỗi đau tinh thần gấp ngàn lần cơn đau thể xác. Tôi về kịp lúc vuốt mặt mẹ một lần, khăn tang trắng trên đầu và tôi vượt qua cơn bạo bệnh bằng cách gì tôi cũng không thể nào biết được.

Đời tôi là mặt biển phía gần bờ, phải chấp nhận những đợt sóng về không nguôi giận dữ. Tôi vẫn là tôi, đã quen lắm với khổ đau cơ cực. Nhưng tôi vẫn tin, sóng rồi có lúc cũng sẽ vỗ dịu êm

Hồ Ngọc Giàu

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Mưa rào và dông, cục bộ mưa to được dự báo diễn ra ở Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh thành miền Bắc trong ngày hôm nay, lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 90mm. Nam Bộ ngày nắng nóng, nhiệt trên cao trên 36 độ C.

Với nghĩa cử cao đẹp “giọt máu cho đi – cuộc đời ở lại”, Thượng úy Biện Thanh Sơn, cán bộ Đội CSGT trật tự Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) góp phần làm đẹp hơn hình ảnh người cán bộ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Một trong những yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT là rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. 

Ngày 8/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét nơi ở đối với Hoàng Thị Nga (SN 1975, trú khóm Vĩnh Thành, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an phường Gia Hội (TP Huế) đã nhanh chóng xác minh, làm rõ người chuyển nhầm là anh Trần Đức Minh (SN 1991, trú phường Gia Hội). Ngay sau khi xác minh làm rõ, Công an phường Gia Hội đã mời anh Minh đến trụ sở và tiến hành các thủ tục trao trả lại số tiền 160 triệu đồng…

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng, trong đó 6 gói thầu thiệt hại trên 100 triệu đồng với tổng giá trị 1,477 tỷ đồng… Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng và Đức đã giao Nhật quản lý số tiền trên.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文