Kia
Mobifone

“Cha đẻ” ngành phân tâm học Sigmund Freud: Một lần và trọn kiếp

Thứ Năm, 24/04/2014, 15:43

Sinh thời, Sigmund Freud đã luôn cố gắng để không mấy ai được biết tới các chi tiết trong đời sống riêng tư của ông. Như người ta vẫn nói, cẩn tắc vô áy náy... Thế nhưng, cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra. Câu chuyện về tình yêu lớn và cũng là duy nhất của Freud đã được truyền tụng từ lâu. Chính vì phải lòng mỹ nhân mang tên Martha mà Freud đã bước qua mọi lời nguyền của những mặc cảm, hoài nghi và định kiến.

Sigmund Freud sinh ngày 6/5/1856 tại thành phố không lớn lắm Freiberg (chỉ có khoảng 4.500 dân) ở xứ Moravia, ở thời điểm đó nằm trong thành phần nước Áo. Gia đình ông là người Do Thái, xuất thân từ nước Đức. Ông nội nhà khoa học tên là Schlomo Freud, mất tháng 2/1856, không lâu trước khi cháu nội chào đời. Cha nhà khoa học là một nhà buôn vải bình thường. Mẹ ông là đời vợ thứ ba của cha ông, kém chồng tới 20 tuổi... Khi sinh ra nhà khoa học tương lai, mẹ ông mới 21 tuổi...

Tên họ đầy đủ của “cha đẻ” ngành phân tâm học là  Sigismund Schlomo Freud. Cái tên Schlomo, theo tên vua Solomon, được người cha đặt cho là để tưởng nhớ tới ông nội đã quá cố. Còn cái tên Sigismund là do mẹ ông đặt cho ông. Tuy nhiên, năm 17 tuổi, nhà phân tâm học tương lai đã tự chuyển tên  Sigismund mà mẹ đã đặt cho mình thành Sigmund trong tiếng Đức theo đúng kiểu bộ lạc Đức cổ đại Teutones. Ở thời điểm đó, trong đế quốc Áo - Hung, cái tên Sigismund bị gán cho nhân vật chính trong  các câu chuyện tiếu lâm bài Do Thái. Bản thân Freud rất mặc cảm với nguồn gốc Do Thái của mình, Sigi, như người mẹ gọi con trai một cách âu yếm, lại còn cảm thấy xấu hổ vì người mẹ nhìn chung nói tiếng Đức rất không sõi...

Đã có nhiều giả thuyết khác nhau về những tình yêu đã tới trong đời của Freud. Thế nhưng, những gì mà nhà báo Israel, Peter Lyukimson,  tác giả cuốn tiểu sử phóng tác về Freud mới được xuất bản, kể có vẻ rất gần với sự thật. Và cũng xây dựng được hình tượng “cha đẻ” của ngành phân tâm học từ góc độ thực tế và trong lành nhất...

Sigmund Freud  và vợ - Martha Bernays.

Câu chuyện bắt đầu từ một buổi tối tháng 4/1882. Hôm đó, Sigismund Schlomo Freud  về tới nhà thì đã thấy có khách đang ngồi trong phòng ăn. Xét theo y phục, đó có lẽ là những người  thuộc dòng tôn giáo chính thống. Freud hé nở nụ cười hơi châm biếm chào bà Emmeline Bernays cùng cậu con trai Eli của bà và bất giác dừng cái nhìn mê say ở cô thiếu nữ Martha Bernays. Martha cũng là người bạn thân thiết với cô em gái Anne  của Freud. Nhà khoa học trẻ đã giật mình khi nghe gọi vào ăn vì đã quá mải nhìn Martha khéo léo gọt vỏ những quả táo... Trong bữa tối, Freud có hỏi Martha mấy câu nhưng do quá choáng váng vì những ấn tượng mới mẻ nên đã không nghe rõ hoặc không hiểu các câu trả lời... Đêm đó, chàng trai chưa từng biết yêu ai bao giờ đã thao thức  không ngủ được và rốt cuộc đã hạ quyết tâm rằng, kiểu gì thì Martha cũng phải là người vợ tương lai. Sẽ không sao cả nếu cô đã lớn lên trong một gia đình mà trong cách nhìn của Freud, “lạc hậu về tôn giáo”, vì anh sẽ “cải tạo” lại để cô thoát khỏi những định kiến mê tín Do Thái lỗi thời...

Và nghĩ là làm, chàng trai chưa từng bao giờ biết “tán gái” là gì đã lao mình vào cuộc phiêu lưu tình cảm đầu đời mãnh liệt. Nhà báo Israel, Peter Lyukimson,  tác giả cuốn tiểu sử phóng tác về Freud, tường thuật: “Mọi việc diễn ra rất nhanh chóng. Vốn là người chưa bao giờ trước đó bận tâm tới các cô gái, Freud đã liên tục tới chơi nhà Bernays. Rồi trở nên bạo dạn tới mức đã đề nghị được dẫn Martha, cô gái theo gia đình  đã chuyển tới Vienna từ Hamburg 11 năm trước, đi xem “thành Vienna và vẻ đẹp đích thực” của nó. Bà  Emmeline Bernays rộng lượng cho phép hai người gặp nhau như thế nhưng kèm theo điều kiện là theo đúng những truyền thống Do Thái,  đôi trẻ sẽ không đi chơi một mình mà phải mang theo cả cô em gái của Martha là Minna...”.

Những cuộc trò chuyện về nghệ thuật và văn chương đã đan xen với chứng thị dâm từ phía “cha đẻ” tương lai của ngành phân tâm học. Mỹ nhân Do Thái chốc chốc lại dừng bước, lại gần chỗ ghế đá và nâng gấu váy lên cao để sửa lại đôi tất đang bao bọc đôi chân thanh mảnh diễm kiều. Sigmund cố tỏ ra không buồn để ý tới hành vi khêu gợi đó nhưng vẫn không đừng được ánh mắt liếc nhìn những tuyệt vời mà Martha để lộ. Và chính ở những khoảnh khắc đó, Freud đã tự thề với mình rằng sẽ ngày nào cũng gửi tặng mỹ nhân hoa hồng. Và bất chấp nguồn thu khiêm nhường của nhà khoa học, Freud đã thực hiện lời nguyền này rất nghiêm túc...

Ngay sau mùa hè đầu tiên mà hai người làm quen với nhau, Freud đã  phải trải qua cảm giác ghen tuông. Một lần, chàng trai bắt gặp Martha  đang ngồi trao đổi tâm tình qua lời ong bướm viết trong album với một người anh em họ tên là Max Meyer. Ở thời đó, những cuộc hôn nhân giữa anh em họ không phải là chuyện hiếm xảy ra đối với dân tộc Do Thái. Và chàng tình nhân trẻ đã cư xử như thế nào? Ngay ngày hôm sau, Freud đã mời Martha cùng thực hiện cái gọi là cuộc dạo chơi lãng mạn trong công viên. Mỹ nhân đồng ý và Sigmund cảm thấy mừng vui như ở trên chín tầng mây. Nhà khoa học trẻ chỉ thiếu năm phút là thành giáo sư bỗng trở nên hồn nhiên như con trẻ và đọc làu làu những khúc thơ tình. Rồi cúi gập người xuống bới trong thảm cỏ một lúc và lôi ra một quả hạnh nhân cặp đôi. Trao cho mỹ nhân quả hạnh nhân cặp đôi đó, Freud thầm thì những lời gì đó về những điềm bí mật tự trời cao giáng xuống.

Sigmund Freud và con gái Anna.

Hai ngày sau đó Martha đã có một cử chỉ đáp lễ. Cô gái đảm đang này đã tự mình nướng một cái bánh ngọt và gửi tới cho Freud kèm theo một mảnh thư. Bằng giọng bông lơn, Martha viết rằng, bởi lẽ Freud có chuyên môn là làm tiêu bản các bộ phận nội tạng  khác nhau nên cô gửi sản phẩm của mình tới để anh làm tiêu bản. Không rõ tiến sĩ Freud đã phân tích trường hợp này như thế nào? Người phát minh ra các cuộc trò chuyện trên chiếc ghế dài đã không mấy cởi mở khi bị hỏi về các chi tiết trong cuộc sống riêng tư của ông. Nếu biết những chi tiết đó, các học trò của ông hẳn sẽ tìm thấy vô số những kết luận không giống như ý ông thầy...

Mùa hè năm 1882, Sigmund lần đầu tiên đã bí mật bắt tay Martha khi mỹ nhân đến gia đình anh dự tiệc tối. Nhà báo Lyukimson viết: “Phải là một người Do Thái thì mới có thể hiểu hết sự hấp dẫn thể chất của khoảnh khắc căng thẳng đó. Luật Do Thái, mà Martha tuân thủ rất nghiêm ngặt, quy định rằng nam nữ phải thụ thụ bất thân và quy định này vẫn có hiệu lực đối với cả hôn thê lẫn hôn phu trước khi họ chính thức tổ chức đám cưới. Chính vì thế đối với một tín đồ mộ đạo như Martha, cái bắt tay còn mang ý nghĩa nhạy cảm và “hư hỏng” hơn cả nụ hôn ngấu nghiến lên môi một mỹ nhân Pháp...”.

Chính “cái hôn kiểu Pháp” đó đã được chuyển hóa thành một “tình huynh đệ” theo kiểu Do Thái - ngay sáng hôm sau Sigmund đã “hoàn tất văn bản” xin được gọi Martha bằng “em” (trước họ vẫn nói với nhau bằng đại từ “tôi” với “cô”, “tôi” với “anh”)! Và Martha đã đồng ý...

Ngày 17/6 năm đó (1882), Sigmund  đã chính thức cầu hôn Martha và đã nhận được sự đồng ý. Là một người đàn ông hoàn toàn trần thế, duy vật tới tận chân tơ kẽ tóc, riêng trong câu chuyện này, Freud đã hành xử theo đúng tinh thần mê tín của dân tộc người Do Thái. Trong tiếng Ivrit, con số 17 tương ứng với các từ “mãi mãi” hay “vĩnh viễn”. Và Freud đã chắc mẩm rằng, một khi cầu hôn đúng vào ngày 17 thì chắc cuộc hôn nhân của họ sẽ là “một lần và mãi mãi”. Và “cha đẻ” của ngành phân tâm học đã không lầm...

Để đánh dấu cảm xúc yêu đương bất tuyện, Martha đã giấu cha mẹ tặng cho Sigmund chiếc nhẫn mà cô đang đeo trên tay, được thừa hưởng từ ông nội, nhà truyền giáo Rabbi Isaac Bernays. Để gia đình Bernays không nhận ra sự mất mát này,  Freud đã đặt làm một phiên bản nhẫn giống y hệt như thế, chỉ nhỏ hơn một chút, để đeo vào ngón tay mỹ nhân...

Ngay cả khi đang say đắm tình yêu, Freud vẫn không bị những cánh buồm đỏ thắm làm cho hoa mắt mà còn nhìn thấy cả những khó khăn đời thường có thể làm con thuyền hôn nhân va vỡ. Câu hỏi muôn đời của những người trẻ tuổi đang cố gắng  góp sức xây tổ ấm: Phải kiếm đâu ra tiền để có nhà ở và nuôi sống gia đình?

Cũng phải nói rằng, trong thời gian bốn năm từ khi cầu hôn tới lúc cưới chính thức năm 1886, Sigmund Freud đã viết cho ý trung nhân tới 900 lá thư... Theo một số  nguồn tư liệu, mặc dù Freud cho rằng, Martha với tư cách người vợ mắc chứng lãnh cảm trong quan hệ thể xác nhưng cuộc hôn nhân của họ vẫn bền vững tới cuối đời...

Hiuyền Anh

.
.