Câu chuyện thứ 48

Chuyện của diễn viên Quốc Thảo

13:21 03/11/2014

Nhiều người hỏi, tôi có thấy mình may mắn không. Dĩ nhiên là, ai trong cuộc sống này mà không cần đến may mắn. Song có lẽ chỉ là một phần. Phần còn lại là cái may của sự hợp lý và nỗ lực. Tôi nghe người ta nói rằng: “Sa trường đổ mồ hôi, chiến trường ít đổ máu”.

1. Nhà tôi nằm heo hút trong một con hẻm ở quận Gò Vấp. Giờ đường sá tiện lợi, chạy xe vèo cái là tới. Chứ hồi đó, mỗi lần hô từ Gò Vấp vô Sài Gòn, nghe nó xa xôi gì đâu. Nhà nghèo lại đông anh em, ba má tôi lúc nào cũng phải bươn chải, xoay đủ thứ nghề. Ba suốt ngày bạt mặt ngoài đường, má quẩn quanh đàn con nheo nhóc, lo chuyện bếp núc rồi dệt chiếu kiếm thêm đồng ra đồng vào đong gạo. Ta nói, dệt một chiếc chiếu lâu thì thôi, ngồi còng lưng cả mấy ngày mới xong mà tiền thì hổng có bao nhiêu. Tội nghiệp má lắm, chưa qua trung niên mà dáng lúc nào cũng lom khom, lom khom. Hồi tôi còn làm ở Sở Điện lực, cuộc sống gia đình cũng đỡ một chút. Tới hồi xách cặp đi học, cảnh nhà lại leo nheo, khốn khó. Nghĩ lại thấy có lỗi với má…  Nhiều bữa ở trường về khuya lắc khuya lơ, thấy má còn còng lưng tỉ mẩn ngồi kéo mấy cọng lác. Tôi cầm lòng không đặng, nước mắt tràn ra. Sợ má thấy, má lại buồn. Tôi lủi lẹ xuống bếp, dụi mắt, tranh thủ xúc tô cơm nguội, vừa ăn vừa kể chuyện này chuyện kia ở trường cho má nghe. Hết tô cơm là tôi bay vô dệt phụ má luôn. Lúc nào cũng nghĩ phải nhanh tay hơn nữa đặng má được ngủ sớm.

Tôi thấy cuộc đời con người ta như những quãng đường dích dắc vậy đó. Đang đi một đường thẳng te, khi không ở đâu lù lù ra một đoạn khác chẳng có liên quan gì với cái đoạn đang đi hết trơn hết trọi. Thời của tôi cải lương phát triển dữ lắm, được coi là thời vàng son mà. Như nhiều đứa con nít khác, tôi cũng mê cải lương. Rồi mê kịch, mê phim nữa. Khoái coi vậy thôi chứ tôi chẳng biết ất giáp gì. Lâu lâu buồn buồn hứng chí ca nghêu ngao chơi vài câu vọng cổ. Tôi cũng không có thành tích hoạt động nghệ thuật sôi nổi như nhiều bạn bè trong môi trường học đường. Mọi thứ cứ đều đều vậy đó. Học hết cấp 3, tôi thi đậu vô hệ trung cấp Kỹ thuật điện. Nhờ  tốt nghiệp loại giỏi, tôi được tuyển về phòng Kinh tế tài chính ở Sở Điện lực thành phố. Tưởng cuộc đời mình cứ êm đềm thế mà trôi. Tôi làm ở phòng tài vụ sướng lắm luôn. Hồi đó, ít có cơ quan nào được gắn máy lạnh trong phòng làm việc, thế mà tôi được vào làm ở cái phòng như vậy, với vị trí bao nhiêu người thèm muốn. Phía trước cơ quan tôi có cái trạm xe bus, văn phòng của tôi ở lầu 2, nhìn ra thấy quang cảnh ngoài đường rất rõ. Một bữa ngồi ngó bâng quơ, đúng lúc chiếc xe bus đổ trạm, tự dưng tôi nghĩ “Không lẽ, cuộc đời mình cứ như chiếc xe kia sao ta? Có giờ có giấc, sáng đến, chiều về như chiếc xe đỗ xịch lại đúng giờ rồi lại chuyển đi bến khác và lặp lại tuần tự ngày này qua tháng khác”. Vu vơ vậy thôi chứ tôi chưa có nghĩ là mình sẽ làm cái gì để thay đổi, để thoát khỏi tình trạng đó.

Đùng cái thằng bạn chơi rất thân với tôi thi vô trường sân khấu. Nó mê sân khấu và giỏi kinh hồn. Tuồng tích các kiểu, nó biết ráo trọi. Do cần người diễn chung, nó hú tôi tập cùng cho có bạn có bè. Mấy bữa tập với nó, tôi chợt thấy có một sức hút vô hình nào đó như thỏi nam châm kéo tôi với nghề diễn. Tôi đăng ký thử cho vui. Tới hôm coi kết quả thì hỡi ơi, cái đứa muốn đậu thì không đậu, còn cái đứa đi theo vì ham vui, và vì muốn giúp bạn thì tên lù lù ở trên bảng tổng sắp. Nhìn bạn buồn rười rượi như lá cây rũ vì lửa nóng, thấy thương nó đứt ruột. Không biết nói câu gì cho đỡ dở, tôi vỗ vai nó: “Chết rồi, làm sao giờ? Tao mà đổi được, tao đổi liền cho mày”. Phải lúc đó, ai đồng ý cho tôi đổi, tôi gật đầu cái bụp liền. Mà đổi sao mà đổi… Số phận đôi khi trớ trêu vậy đó.

Quốc Thảo trong “Kỳ án Đông Tây kim cổ”.

2. Tối đó về nhà, tôi trằn trọc, lăn qua lăn lại. Hình ảnh chiếc xe bus đỗ xịch ở trạm đúng từng múi giờ quy định bỗng hiện lên trong trí nhớ tôi. Rồi cái tên trên bảng điểm ở trường sân khấu chớp chớp nháy nháy tranh tối tranh sáng. Vô tình tôi bị đẩy vào cái thế phải lựa chọn. Quyết định thế nào đây? Giữa một bên là công việc ổn định, với vị trí bao nhiêu người chen chân không lọt, với một bên là cái gì cảm thấy thỏa nguyện trong lòng mà tương lai thì chỉ là những khoảng không mơ hồ, mù mịt. Không thể chạm, không thể cầm nắm, cảm nhận được. Nghĩ mãi cho tới lúc đồng hồ báo giờ sáng hồi nào không hay. Bữa đó trên đường đạp xe lọc cọc đi làm, dù cả đêm không ngủ nhưng tôi tỉnh queo. Lòng nhẹ bẫng. Tôi nộp đơn xin nghỉ ít hôm. Đi học thử.

Như dòng nước nhỏ đi lạc bờ lạc bến nay tìm đường hòa mình vào đại dương, tôi thỏa thích vẫy vùng, nói cười rộn rã. Mấy ngày đi học thử là mấy ngày sực nức năng lượng, tràn trề con nước lấp bờ. Tôi quyết định xin nghỉ việc ở Sở Điện lực, cắp cặp đi học. Gia đình và bạn bè nghe quyết ý của tôi, đâm hoang mang lắm. Ba má tôi không có trách, có điều ông bà nghĩ lung lắm. Không biết rồi cuộc đời thằng con liều lĩnh sẽ đi đâu về đâu. Còn bạn bè, đồng nghiệp, có người lo lắng ái ngại, có người nói thẳng, cái thằng khùng hết sức. Tôi bỏ hết ngoài tai, thấy có một động lực ghê gớm trỗi dậy trong người. Chỉ canh cánh suốt đời ba má tần tảo nuôi tôi ăn học. Ra trường chưa được bao lâu, chưa lo lắng gì được cho ba máá thì lại rẽ một hướng bất thình lình. Mấy lúc nhìn má gò lưng dệt chiếu, tôi lén lén núp sau cánh cửa, mắt ầng ậc nước. Tình thiệt, tôi cũng lo, không biết những tháng ngày tới sẽ sống như thế nào. Từ một người đang có tất cả, tự dưng trở lại như hồi sinh viên, sáng dậy sớm, lọc cọc đạp xe từ Gò Vấp ra quận 1 để học. Gia tài chẳng có gì ngoài cuốn tập, cái lon gi-gô cơm nén thiệt chặt, đặng đủ ăn hai buổi trưa chiều với quả trứng gà luộc. Nhiều bữa không đủ tiền uống trà đá, tôi và mấy đứa bạn bèn vặn vòi nước trong trường cho đỡ khát. Tháng nào cũng ngong ngóng tới ngày phát học bổng. Mỗi lần “có lương”, tôi hay đèo Hồng Vân ra chợ Thái Bình ăn cháo lòng. Tới nơi rồi thì dặn: “Vân gọi cháo với huyết thôi, nghen!”. Giờ lâu lâu bạn bè tụ hội, Vân vẫn nhắc vui, đứa nào đứa nấy ôm bụng cười rũ cả ra.

Đam mê là cái gì đó mơ hồ mà mãnh liệt lắm. Cho là cao xa cũng được, bảo thật gần cũng không sai. Cũng giống như khi ta yêu cái gì đó thì bằng được sống chết với nó. Phong ba bão táp kiểu nào cũng có thể đi qua được. Nói vậy thôi, lúc đi học chính thức rồi tôi đâm khớp. Tại trong lớp toàn mấy anh mấy chị dày dạn thành tích hoạt động nghệ thuật không hà. Không trưởng đoàn thì phó đoàn, không thì tham gia văn nghệ văn gừng bao năm. Có tôi, Hồng Vân và một vài bạn nữa như tờ giấy trắng. Mấy đứa hay ngồi co ro với nhau, sao cái gì người ta cũng biết, cũng hay, còn mình cứ lơ nga lơ ngơ. Liệu có trụ nổi không đây? Mấy bữa đầu học, tôi trầy trật vô cùng. Nói nản thì không đúng nhưng mà lo dữ lắm. Bây giờ mọi chuyện lỡ cỡ hết rồi, không thể đi làm trở lại, còn học hành thì mông lung quá!

Giờ sinh hoạt chủ nhiệm, cô Tường Trân hỏi cả lớp một câu khiến tôi tâm đắc và nhớ đến tận bây giờ. “Vậy các em vô đây để làm gì?”. Những anh chị học giỏi toàn nói mấy câu bóng bẩy, cao siêu lắm. Đại khái là đem tài năng, đem nghệ thuật cống hiến. Nghe ai nói cũng hay. Tôi ngồi toát mồ hôi hột. Vắt hết bao nhiêu cuốn sách đã đọc mà đầu óc chẳng lóe được chữ nào hay ho, tôi tình thiệt trả lời: “Dạ, tại em thích nên em thi vô thôi. Chứ em hổng biết mình sẽ làm cái gì nữa!”. Cả lớp cười rần rần. Cô giáo lên tiếng: “Cái đó mới là cái quan trọng. Các em phải làm cái gì các em yêu mến thì mới đi dài lâu được. Còn chuyện cống hiến là chuyện sau này. Hiện tại, các em vào đây, các em phải tự vẽ nên hình hài của mình”. Lúc ấy, tôi mới ngộ ra: “Ồ, hóa ra mình cũng có đường hướng để mà đi”. Tôi và những-tờ-giấy-trắng khác như được tiếp thêm sức mạnh và sự tự tin bước trên con đường mình đã chọn.

3. Nhờ lao vào học tập và rèn luyện miệt mài, tôi được rất nhiều bạn diễn tin tưởng mời đóng vai này vai kia trong các vở tập của họ. Cứ thế, kinh nghiệm dần dần lên. Bữa nào tụi tôi cũng lăn lê bò toài. Tập ngày không đủ, tụi tôi tập đêm. Tới lúc xong thì mồ hôi ướt đồ tập như tắm. Cả hai vở tốt nghiệp Đoạn đầu đàiSố phận trớ trêu, tôi đều được tin tưởng giao vai chính hết. Sau đó, tôi xin về thực tập ở đoàn Kim Cương một thời gian, rồi đi làm đạo diễn quần chúng để tích lũy thêm kinh nghiệm nhà trường không có. Kết thúc thời gian thực tập cũng là lúc sân khấu 5B mời tôi về.

Vở đầu tiên, Trong hào quang bóng tối, tôi được giao vai phản diện đóng đối trọng với anh Thành Lộc. Anh Lộc lúc đó là tên tuổi ngôi sao, tôi lại bị đạo diễn đe nên cũng có chút áp lực. Nhưng anh Lộc rất vui vẻ, sẵn sàng bàn bạc để cả hai anh em hoàn thành vai diễn nên mọi chuyện xuôi chèo mát mái. Vở diễn đó hai anh em đều được huy chương vàng Liên hoan sân khấu. Rồi đến Chu Bình trong Lôi Vũ,… và nhiều vở khác được khán giả yêu mến, nhắc nhớ. Lần nào coi tôi đóng vai phản diện qua tivi, má đều kêu lại, giọng buồn buồn: “Sao đóng vai gì kỳ quá vậy con? Nhìn khó chịu quá!”. Thương má nhưng cái nghề của mình vậy. Mỗi khi nhận vai phản diện, tôi đều cố tìm lối thoát cho nhân vật, lý giải tại sao nhân vật lại trở nên như vậy. Tôi quan niệm, xấu tốt trong cuộc đời này là cặp phạm trù đi đôi với nhau.

Có kỷ niệm này vui lắm. Hồi đóng Lôi Vũ, nổi tiếng rồi mà thù lao vẫn không đủ sống, mấy anh em phải bơi thêm. Chị Hoa Hạ có mở cái quán café ở Nhà văn hóa Thanh niên, thương tôi với anh Việt Anh nên kêu về chạy bàn. Một lần, ông khách nhận ra tôi, hô như bắt được vàng: “Trời ơi, diễn viên nổi tiếng nè! Chu Bình nè! Sao đi bán café?”. Tôi vừa vui, vừa đỏ mặt, cười cười lủi mất. Nhắc chuyện xưa, lòng xốn xang quá. Chính những lăn lóc đó đã đắp cho tôi nhiều vốn sống. Nhiều người hỏi, tôi có thấy mình may mắn không. Dĩ nhiên là, ai trong cuộc sống này mà không cần đến may mắn. Song có lẽ chỉ là một phần. Phần còn lại là cái may của sự hợp lý và nỗ lực. Tôi nghe người ta nói rằng: “Sa trường đổ mồ hôi, chiến trường ít đổ máu”

Hoàng Linh Lan

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文