Chuyện một người phụ nữ tân tiến viết báo tiếng Pháp

12:57 26/12/2020
"Năm 1974, chị Tâm Kính từ trong Nam ra dự Đại hội Phụ nữ Toàn quốc, khi đến thăm anh Võ Nguyên Giáp, anh còn để sẵn một tập báo Le Travail và cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm làm báo tiếng Pháp thời Phong trào Mặt trận Bình dân".

Đó là lời của nhà báo Như Quỳnh, nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam, kể cho tôi nghe chiều ngày Quốc tế Lao động (1/5/2013) tại nhà nghỉ lão thành cách mạng Đại Lải (Xuân Hòa, Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Cụ bà phúc hậu đã ngoài 90 tuổi, mái tóc bạc trắng như những lớp sóng xếp chồng gối lên nhau. Giọng Nam Bộ ấm, dễ nghe, bà Như Quỳnh chia sẻ thêm: Bà Tâm Kính khi làm ở Báo Le Travail (Lao động), có ông Võ Nguyên Giáp và ông Bùi Lâm ở tòa soạn. Ban đầu chỉ sửa bài, dần dần, bà viết báo được bằng tiếng Pháp và biết nghề làm báo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt.

Như để chứng minh cho điều mình nói, bà Như Quỳnh nhắc tôi liên hệ với gia đình để được tận mắt thấy những bức ảnh bà Tâm Kính chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phu nhân Đặng Bích Hà, tại nhà khách T78 của Trung ương Đảng (Thành phố Hồ Chí Minh) mỗi dịp Đại tướng vào Nam công tác hoặc nghỉ dưỡng.

Làm báo thời mặt trận bình dân

Lần tìm tài liệu, tôi được biết rằng, trước năm 1935, bà Tâm Kính đã tham gia làm cho tờ L'essor. Đây là tờ tuần báo chữ Pháp, quảng cáo và khuyến khích thương mại, công nghệ. Chủ nhiệm báo là ông Nguyễn Văn Tam. Tòa soạn ban đầu đóng tại 24 Đỗ Hữu Vị (nay là phố Cửa Bắc) rồi chuyển tới 36 Quán Thánh. Ra được 105 số thì báo đình bản. Làm thêm một tờ báo tiếng Pháp nữa nhưng rồi tờ báo cũng phải đóng cửa. 

Cô giáo trẻ lại trở về nghề dạy học. Đến đầu tháng 8 năm 1936, đi dạy ở Lào Cai về, vừa bước chân xuống ga Hà Nội, cô Tâm Kính đã thấy cảnh phố phường quen thuộc có gì là lạ. Hà Nội đã khác trước. Thì ra Mặt trận Bình dân bên nước Pháp lên cầm quyền, đã ban hành những chính sách cởi mở hơn, ít nhiều làm tác động tới các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Tù chính trị được ân xá. Những tù chính trị từ Côn Đảo, Sơn La, Buôn Mê Thuột… lần lượt trở về Hà Nội. Họ đã tập trung nhau lại để ra báo, nhất là báo tiếng Pháp xuất bản tự do không phải xin phép chính quyền thuộc địa.

Bà Tâm Kính (1920 - 2008), ngoài cùng bên trái, gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà năm 2001. - Tư liệu KMS.

Ở Hà Nội có tờ Báo Le Travail (Lao động) do một số đảng viên cộng sản và trí thức ở Pháp về đứng tên chủ nhiệm, quản lý, viết bài, in báo. Ra đời theo đề nghị của nhà cách mạng Nguyễn Thế Rục, Báo Le Travail do ông Trịnh Văn Phú đứng tên Chủ nhiệm. Dù không biết viết báo hay làm báo nhưng ông là một trí thức Hà Nội đã học bên Pháp, bị trục xuất về nước (1930) vì tham gia biểu tình chống án tử hình các chiến sĩ yêu nước Việt Nam Quốc dân đảng lãnh đạo khởi nghĩa Yên Bái. Những cây bút chủ lực của báo gồm các ông Trần Đình Long, Vũ Liên, Nguyễn Mạnh Chất, Võ Nguyên Giáp, Phan Tư Nghĩa… Báo Le Travail mau chóng được phân phối khắp Trung, Nam, Bắc và kể cả các phóng viên cũng tự tay đi bán báo.

Bà Tâm Kính tới số nhà 43 Hàng Da thì gặp ông Trần Đình Long  - người tù cộng sản mới được tự do - lúc này tham gia quản lý tờ báo. Đọc xong tờ Báo Le Travail mới đưa từ nhà in về, dán trên tường, bà được ông Trần Đình Long dẫn vào phòng trong để gặp nhiều người quen khác. Đó là các ông Phan Thanh, Bùi Lâm, Vũ Đình Huỳnh, Huỳnh Văn Phương... 

Bà chào mọi người rồi cùng trò chuyện. Họ hỏi nhau về công việc cũ, công việc mới. Trả lời câu hỏi của một người bạn cũ về công việc làm báo, bà cho biết hiện giờ không còn làm báo nữa mà trở về với nghề dạy học. Sau một hồi trò chuyện, trước khi ra về, bà Tâm Kính có hứa: Mỗi tuần một lần khi báo Le Travail xuất bản, bà sẽ đi bán dạo buổi tối quanh Bờ Hồ. Và bà sẽ dành một buổi sáng đến phục vụ anh em ở tòa soạn sửa morasse (sửa bản in) cho Báo Le Travail hoặc tờ nào thay nó sau này.

Báo Le Travail đã thực sự chỉ đạo phong trào cách mạng thời kỳ vận động dân chủ ở Bắc Kỳ như bà Tâm Kính nhận xét qua hồi ức của mình. Trong 4 số đầu, Báo Le Travail tập trung đưa tin và cổ động để làm nổi bật chủ đề Đông Dương đại hội đang tiến hành. Sau 30 số, tờ Báo Le Travail phải tự đóng cửa vì thua kiện quan Tuần phủ tỉnh Phúc Yên, nhưng tờ En Avant, tờ Notre voix đã nối tiếp để tiếp thêm ngọn lửa phong trào cách mạng...

Tham gia dự thảo thể lệ tổng tuyển cử

Từ lời kể của bà Như Quỳnh, tôi tìm hiểu thêm và được biết, bà Tâm Kính tên khai sinh là Trần Thị Trắc, tên thường dùng là Bội Hoàn và Lê Thị Thu. Bà sinh năm 1920 tại thôn Đông Đạo, xã Đồng Tâm, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phú (nay là phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Tháng 1/1947 bà được ông Trần Danh Tuyên - Xứ ủy viên Bắc Kỳ tuyên bố chính thức trở thành đảng viên Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) cùng với bà Lê Thị Xuyến - Chủ tịch đầu tiên của Hội LHPN Việt Nam. Trong hồi ức, bà Tâm Kính chia sẻ: "Sáng hôm sau theo chị Diệu Hồng đến nhà đồng bào cách đó một cây số. Chị cho biết tất cả các chị phụ vận đều đi họp ở Thái Nguyên nên ủy nhiệm cho chị Hồng chuyển đảng viên chính thức cho hai người: chị Xuyến và Tâm Kính (tức Phụng). Độ 8 giờ sáng đồng chí Trần Danh Tuyên - Xứ ủy viên thay mặt Đảng bộ chấp nhận lời thề trước Đảng của hai đồng chí".

Có một điều khiến tôi chú ý và đi tìm bà Tâm Kính là sự tò mò khi đọc trong Sắc lệnh số 39 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 26/9/1945, thành lập Ủy ban Dự thảo Thể lệ Tổng tuyển cử. Ủy ban này gồm 9 thành viên và "cô Tâm Kính" là phụ nữ duy nhất. Những thành viên còn lại đa số là thành viên Chính phủ: Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Không bộ Cù Huy Cận, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà…

Dòng chữ "Cô Tâm Kính, đại biểu của Phụ nữ Cứu quốc" trong Sắc lệnh số 39 khiến tôi hết sức chú ý đến con người này. Càng phải chú ý hơn khi thấy chỉ hơn 2 tháng sau, trong Sắc lệnh số 78 về việc thành lập Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết, tên cô Tâm Kính xuất hiện một lần nữa qua nét bút mực được ghi bổ sung cùng bà Vĩnh Thụy. Vì sao một người phụ nữ còn trẻ tuổi, chưa lập gia đình (nên gọi là "cô") lại được đứng vào vị trí danh giá như vậy?

Bà Như Quỳnh giải thích cho tôi: "Chị Tâm Kính học trường Albert Sarraut, sử dụng thạo tiếng Pháp. Chị tham gia Phong trào Mặt trận Bình dân 1936-1939. Lúc bấy giờ không phải làm báo như bây giờ, mà làm báo thì phải làm kèm thêm công việc của một người cán bộ. Chẳng hạn như khi anh Trịnh Văn Phú, anh Khuất Duy Tiến ra ứng cử nghị viên Hội đồng thành phố thì phải đi biểu tình để vận động. Chị Tâm Kính khoác tay hai anh hai bên trong những cuộc vận động ấy. Bấy giờ, một người con gái mà có những cử chỉ như thế tức là rất tân tiến, trước đó phụ nữ không có khoác tay đàn ông đi như thế".

Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết

Nước nhà độc lập, bà Tâm Kính tham gia Ban Chấp hành Phụ nữ Cứu quốc lâm thời, làm Chủ bút tờ Tiếng gọi Phụ nữ, tham gia ứng cử vào Quốc hội khóa I (1946)… Người phụ nữ tân tiến này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm thành viên Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết (ban đầu gồm 40 người) tại Sắc lệnh số 78 ngày 31/12/1945.

Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết có nhiệm vụ: Nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa và thảo ra những đề án kiến thiết đưa lên Chính phủ. Ủy ban đặt dưới quyền điều khiển của Chủ tịch Chính phủ và có quyền giao thiệp với tất cả các Bộ và các công sở để thu thập tài liệu.

Những trí thức cũ của Nam triều tham gia Ủy ban có cụ Bùi Bằng Đoàn. Cựu Bộ trưởng trong Chính phủ Trần Trọng Kim tham gia Ủy ban có: Luật sư Phan Anh, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Luật sư Vũ Văn Hiền, Bác sĩ Hồ Tá Khanh, Bác sĩ Trần Đình Nam. Bộ trưởng trong Chính phủ Lâm thời tham gia Ủy ban gồm: Ông Cù Huy Cận - Bộ trưởng Bộ Canh nông; ông Phạm Văn Đồng - Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Mạnh Hà - Bộ trưởng Bộ Kinh tế; ông Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Bộ Giáo dục… Hai thành viên nữ trong Ủy ban là cô Tâm Kính và bà Vĩnh Thụy (tức Hoàng hậu Nam Phương, tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan)…

Người viết lịch sử phụ nữ Việt Nam

Từ năm 1951 bà Tâm Kính vào Nam Bộ công tác tại Trung ương Cục miền Nam. Từ đây, bà mang bí danh mới là Lê Thu. Bà lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Quyền Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng (1952-1954), Chánh Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam (1964). Tháng 10/1974, bà được cử vào Ban sử Phụ nữ Trung ương, sưu tầm tư liệu và viết xong bộ Lịch sử phong trào Phụ nữ Việt Nam gồm 2 tập dưới sự chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Thập...


"Tôi lên Việt Bắc nhận làm tờ Báo “Phụ nữ Việt Nam” với Tâm Kính, chị đổi tên thành Bội Hoàn, không lấy tên Tâm Kính nữa. Làm ở báo được một thời gian, chị tham gia đoàn đại biểu đi Hội nghị phụ nữ Á châu. Đi Hội nghị về, cần cán bộ bổ sung cho miền Nam, chị vào miền Nam. Chị có thời gian làm Hội trưởng Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng. Những nơi gian khổ chị Bội Hoàn đều đi cả để xây dựng cơ sở".

(Nhà báo Như Quỳnh)

Kiều Mai Sơn

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm 28/4, tỷ phú Elon Musk đã bất ngờ tới Bắc Kinh và gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường. Đây là lần thứ ba ông Elon Musk đến Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, trong vòng chưa đầy một năm. 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên liên tiếp xảy ra, đang trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nếu gia đình và nhà trường không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì ý nghĩ tự tử trong giới trẻ sẽ có dấu hiệu gia tăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文