Tiên Quốc lão Đặng Đình Tướng (1649-1735):

Có đức, vực được tương lai

10:40 01/03/2012
Sống thọ 87 tuổi, làm quan ở những chức vị rất cao trong suốt 70 năm, trải qua mấy triều vua, Ứng Quận công Đặng Đình Tướng được đánh giá là một trong những danh sĩ nổi bật nhất của thời Lê Trung hưng. Không những thế, những nỗ lực cống hiến cho đời đã giúp ông để lại cho nhiều thế hệ cháu con phúc lộc dồi dào. Không ngẫu nhiên mà ngay đương thời, thiên hạ đã gọi ông là Tiên Quốc lão!

Hổ tử không phụ hổ phụ

Ứng Quận công Đặng Đình Tướng xuất thân từ một dòng họ rất danh giá của làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Ông là cháu năm đời của Thái úy, Nghĩa Quốc công Đặng Huấn (dòng dõi Đặng Dung). Cha ông, Yên Quận công Đặng Tiến Thự, một trọng thần đương thời, vì những công tích to lớn còn được ban họ của chúa nên còn có tên là Trịnh Liễu… Yên Quận công nổi tiếng là một vị minh quan thời Lê Trung hưng, “mưu cao quyết đoán trấn phục lòng người, chặn kẻ ác nghịch từ lúc manh nha, dẹp giặc cướp khi chúng đang ngông cuồng…”. (Gia phả họ Đặng). Ông từng trấn thủ Nghệ An trong suốt 24 năm.

Gia phả họ Đặng cũng chép lại rằng, khi đứng đầu trấn Nghệ An, Đặng Tiến Thự đã nuôi hộ cho các tướng dưới trướng mỗi người một con trai. Khi các bộ tướng trong doanh có người bị đau ốm, bao giờ ông cũng đích thân tới thăm hỏi, cho thuốc thang chạy chữa và cấp cho tiền gạo. Ngay cả đối với sĩ tốt, nếu ai đau yếu cũng được ông cấp cho mỗi người năm bát gạo trắng, một quan tiền và một con cá… Khẩu phần này đối với chúng ta bây giờ có vẻ là ít nhưng ở thời bấy giờ, đó là nguồn tiếp tế cực kỳ có ý nghĩa…

Đặng Tiến Thự đã được đánh giá là vị tướng cầm quân khoan hòa mà nghiêm khắc, thưởng phạt phân minh. Khi cai trị dân, ông  thiên về dùng ân, ít gây oán hận, giảm thuế khóa, bớt phu dịch. Chính vì thế nên xứ Nghệ An thời ấy đã được sống trong thịnh trị, biên giới yên ổn. Sau khi ông mất nhiều năm, dân trong xứ mỗi khi nhắc tới tên họ của Yên Quận công vẫn  tấm tắc mà rằng, “đến nay còn nhớ nhung, ngưỡng vọng!”…

Với một người cha như thế thì những người con không thể không ít nhiều tiếp thu được những tinh hoa nhân ái và tài năng đức trị (Đặng Tiến Thự có 27 người con, trong đó có 14 người con trai). Không ngẫu nhiên mà nhiều người con của Yên Quận công về sau cũng rất hiển đạt, trong đó đáng kể nhất là Đặng Đình Tướng…

Vinh hoa vẫn trong sáng

Vẫn biết là sống trong cảnh giàu sang từ tấm bé, con người ta dễ bị tha hóa và trở nên tàn nhẫn. Thế nhưng, Đặng Đình Tướng lại là một thí dụ ngược lại. Mặc dù được bà nội chăm sóc ở trong cung, sống giữa ngọc ngà nhung lụa, nhưng vị danh sĩ tương lai rất chăm chỉ dùi mài kinh sử, không quan tâm tới những chuyện chơi bời. Nhờ thế, năm 20 tuổi (1669), ông đã đỗ giải nguyên trong kỳ thi Hương. Một năm sau đó, tại kỳ thi Hội khoa Canh Tuất (1670), ông đã trở thành một trong 7 người đỗ tiến sĩ xuất thân.

Vào triều làm quan, Đặng Đình Tướng dĩ nhiên là được chúa Trịnh rất để ý nâng đỡ vì là dòng dõi công thần ruột thịt. Năm 1675, ở tuổi 26, Đặng Đình Tướng đã được đưa lên làm Đốc đồng Kinh Bắc. Một năm sau (1676), ông được đưa lên làm Hiến sát xứ Sơn Tây… Năm 1682, Đặng Đình Tướng được cử làm Công khoa Cấp sự trung…

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, không phải lúc nào công chuyện của Đặng Đình Tướng cũng xuôi chèo mát mái. Năm 1683, ông đã được chúa Trịnh Căn (là cậu ruột của ông) sai đi cùng bồi tụng Nguyễn Quai, cấp sự trung Trần Thế Vinh và trấn thủ Lạng Sơn lúc đó là hoạn quan Thân Đức Tài lên biên giới nhận tù binh là khoảng 350 những người họ Mạc lưu lạc sang Trung Quốc sau khi bại vong cùng cực nên đã bị nhà Thanh bắt giữ. Viên quan nhà Thanh có trách nhiệm làm việc này là thông phán Nam Ninh, Vương Quốc Trinh lại bày trò gây khó dễ cho phái bộ nước ta. Y đưa ra nhiều đòi hỏi vô lý. Và Đặng Đình Tướng đã vừa cương quyết vừa mềm dẻo xử lý công việc, chuyện gì liên quan tới quốc thể thì rất cứng rắn, còn chuyện gì chỉ là những chi phí vật chất, có thể lấy của thay cho người thì cũng định liệu xêm xêm cho ổn thỏa.

Ngay cả khi Quốc Trinh trong cơn tức tối thả lỏng cho lính bản thổ xung đột với nhau ở trấn Nam Quan, mạo phạm đâm thủng cả hai lần áo cừu của ông, Đặng Đình Tướng vẫn bình tĩnh giải quyết sự cố khiến Quốc Trinh phải xấu hổ thốt lên: “Vừa rồi có nghe bọn quân sĩ lỡ xâm phạm, xin chớ khiển trách”… Tuy nhiên, viên khâm sai lòng tham vô đáy này vẫn cố nèo để bắt phái bộ nước ta nộp 5.500 lạng bạc hành lý. Vì muốn để cho mọi sự không quá mù ra mưa, Đặng Đình Tướng đã  bàn với các quan cùng đi đồng ý nộp số bạc đó cho Quốc Trinh…

Sự việc chỉ có thế nhưng về sau, do có lời tấu trình từ một số nhân vật không thiện chí rằng, số tiền nộp như thế là quá nhiều nên chúa Trịnh đã cho hỏi lại. Những ông quan cùng đi với ông đã chối tội bằng cách nói rằng, họ bị ốm nên chỉ một mình Đặng Đình Tướng tự ý quyết định, nên họ chỉ bị phạt tiền. Còn riêng Đặng Đình Tướng thì bị giáng xuống một chức. Lệnh trên thì không ai bàn sai đúng nên ông đã bình tĩnh chấp nhận sự giáng chức này và cũng không “bóc mẽ” ai. Thêm vào đó, về sau vụ việc này đã được xác minh lại, cho thấy ông đã rất quyền biến và tỉnh táo xử lý quan hệ với viên khâm sai nhà Thanh, nên chúa Trịnh lại càng trọng dụng và  ưu ái ông hơn. Và ông đã được can dự vào rất nhiều công to việc lớn trong triều.

Đầu năm 1687, Đặng Đình Tướng được phái làm Đốc thị đi dẹp giặc ở các đạo Tuyên, Hưng thuộc miền Tây. Và tới mùa thu, ông cũng đã hoàn thành nhiệm vụ, làm yên cả cõi.  Tuy nhiên, do không hợp thủy thổ trên đường hành binh, khi về lại kinh đô, ông đã bị ốm nặng nên phải dưỡng bệnh tới hai tuần. Khỏi ốm, vào hầu trong triều, Đặng Đình Tướng được phong làm Tri Thủy sư và được theo hầu bên cạnh chúa Trịnh Căn…

Năm 1688, Đặng Đình Tướng được phong làm Lại Khoa đô cấp sự trung. Năm 1692, ông được cho làm Tham chính Thanh Hoa, cai quản thủy quân… Năm 1695, ông được cử đi xuống cùng các quan khác lo việc lập địa giới của châu ở một số địa phương. Mùa xuân, tháng giêng năm 1697, Đặng Đình Tướng lại được cử làm phó sứ trong phái đoàn nước ta sang triều cống cho nhà Thanh, tới tháng 4/1698 mới trở về.  Trong thời gian đi sứ, ông đã viết nhiều bài thơ, về sau gom lại thành Hoa tùng vịnh tập…

Trước khi đi sứ, Đặng Đình Tướng đã dâng khải xin chúa cho vào Nghệ An thăm cha và ở lại với người cha đã ở tuổi 70 của mình một tháng. Ông cũng đã khuyên cha nên có cách thích ứng để “thuần hóa” những người anh em cùng cha khác mẹ với ông để họ hiểu ra thêm những điều hay lẽ phải, chứ không nên giận dỗi buông họ ra… Tấm chân tình đó với anh em của Đặng Đình Tướng càng giúp ông củng cố hơn vai trò “hạt nhân đoàn kết và hòa giải” trong gia tộc họ Đặng, vốn có quá nhiều “danh sĩ” lắm cá tính và nhiều trò ương ngạnh…

Khi đi sứ từ Trung Quốc về, chính ông đã phải ra tay để xóa bỏ mâu thuẫn giữa hai người anh em cùng cha khác mẹ là Gia Quận công Đặng Tiến Lân và Lai Quận công Đặng Tiến Sở, nảy sinh khi vào trấn Nghệ An hộ tang cha tháng giêng năm 1698. Cha của họ trước khi qua đời không lâu, đã nhận xét với Đặng Đình Tướng rằng: “Gia Quận công thì sinh trưởng trong cảnh phú quý, chưa biết lễ nghĩa. Lai Quận công thì tính nết mạnh mẽ, không chịu sự giáo hóa…”.

Tới năm 1705, Đặng Đình Tướng đã được phong làm Bồi tụng, Tả thị lang Bộ Lại, tước nam. Đây là chức đứng đầu hàng quan văn thời đó. Trong con mắt của chúa Trịnh Căn, ông không chỉ là người cháu thân thiết, có nhiều công lao mà còn “có mưu cơ, tài lược, hiểu biết việc quân” (theo sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục).

Chính vì thế nên tháng 2/1705, Đặng Đình Tướng còn được  đưa ra làm Quyền trấn thủ Sơn Nam. Sau khi nhậm chức một thời gian ngắn, vì đã dẹp yên trộm cướp, nhân dân yên ổn, nên các huyện, xã trong trấn dâng khải ca ngợi, Đặng Đình Tướng đã được chuyển sang võ ban với chức Trung quân Hữu Đô đốc, tước Ứng Quận công, cai quản Tả Dũng thủy cơ kiêm Trấn thủ Sơn Nam. Sách KĐVSTGCM đã nhận xét: “Đình Tướng giản dị, khoan hòa, nhân thứ; nhân dân trong trấn cũng được yên vui”. Gia phả họ Đặng cũng nhận xét: “Ông là người có thiên tư ôn hòa, khí chất cứng cỏi, tài kiêm văn võ, mừng giận không lộ trên nét mặt, gặp việc rắc rối thì xử sự rất bình tĩnh…”.

Có đức vực được tương lai

Đặng Đình Tướng là người đã sáng suốt nhận thấy diện mạo minh chủ ở người chắt của chúa Trịnh Căn là Trịnh Cương. Trịnh Cương là con trưởng của Tấn Quan Vương Trịnh Bính. Ông nội Trịnh Cương là Trịnh Vĩnh và cha là Trịnh Bính đều mất trước cụ nội Trịnh Căn, nên theo quy định trực hệ, Trịnh Cương được chọn làm người kế vị. Trước khi đưa ra quyết định này, Trịnh Căn đã  hỏi ý kiến của các trọng thần, trong đó có Đặng Đình Tướng.

Và đã nhận được lời tâu của Đặng Đình Tướng rằng: “Vương tôn Trịnh Cương tư chất thông minh, dùi mài học tập, tính tình hiếu thuận, đức hạnh nhân nghĩa, tài đức không ai sánh bằng, có thể lên ngôi chúa, nối nghiệp vương, bảo trọng tông thống, quy tụ lòng dân…”. Về sau, quả thực, Trịnh Cương đã trở thành vị chúa Trịnh duy nhất có cuộc đời và sự nghiệp trong thời thái bình thịnh trị, không hề vấy nạn binh đao…

Khi Trịnh Cương lên ngôi chúa sau khi Trịnh Căn qua đời năm 1709, Đặng Đình Tướng càng được trọng dụng. Tuy nhiên, tới năm 1717, vì tuổi cao nên ông đã dâng khải xin chúa cho nghỉ chức Trấn thủ Sơn Nam. Và đã được chấp nhận vì chúa nghĩ đến công của ông đối với mình từ lúc chưa lên ngôi cao. Và chúa còn ban lệnh chỉ cho mở Tiền Hòa quân doanh (với 1.000 suất lính) cho ông về Kinh chờ lệnh và ban cho một dinh thự riêng để ở.

Năm 1718, Đặng Đình Tướng được thăng làm Thái phó Tham tụng Thự phủ sự (đứng đầu hàng quan võ). Sau đó, vào cuối năm này, ông được gia phong làm Trí sĩ Ứng Quận công, Quốc lão tham dự triều chính và về quê nghỉ hưu… Năm 1730, chúa Trịnh Cương lại gia thăng ông lên làm Ngũ lão, sau đó lại cử ông ra làm đô đốc.

Khi chúa Trịnh Cương lập Trịnh Giang làm thế tử, Đặng Đình Tướng dâng lên 8 thiên Thuật cổ quy huấn, nói về những điều khuyên răn và xin chúa Trịnh ban cho thế tử. Chúa Trịnh Cương khen ngợi ông và thỉnh thoảng mời ông vào phủ bàn việc. Mỗi lần như thế, ông đều được nhà bếp trong cung đãi cơm chu đáo. Mãi tới năm 82 tuổi, Đặng Đình Tướng mới được cho nghỉ hưu lần thứ hai sau khi được gia phong làm Đại tư mã.

Khi qua đời năm 1735, thọ 87 tuổi, Đặng Đình Tướng còn được truy tặng là Đại tư không, phong phúc thần

Lưu Hùng Văn

Trận gió lốc quét qua đã cuốn bay phần mái lợp 6 phòng học tại Trường tiểu học Phú Lương 1, làm hư hỏng 1 phòng học khác. Trong sáng 3/5, khi lực lượng các đơn vị tổ chức khắc phục thiệt hại, toàn bộ 263 học sinh của Trường tiểu học Phú Lương 1 phải nghỉ học.

Có một địa danh, nếu như vì một lý do khách quan hoặc chủ quan mà không đến thăm được, thì có lẽ ta sẽ phải trăn trở suốt đời. Với tôi, Điện Biên Phủ là một địa danh như vậy! Vậy mà mãi gần đây, tôi mới có dịp lên thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, với tư cách là một cựu chiến binh, một thương binh, đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng vị Tổng tư lệnh huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Làm sao mà không cảm xúc dâng trào, mà không nghẹn ngào xao xuyến!

VKSND TP Hồ Chí Minh vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 254 bị can về 11 tội danh liên quan đến các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm. Đáng lưu ý, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã làm rõ sự “tiếp tay” của nhóm đối tượng nguyên lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) và lãnh đạo, đăng kiểm viên Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) cho các đối tượng khác trong quá trình gây án.

Hai thập kỉ từ sau đợt mở rộng lớn nhất lịch sử, Liên minh châu Âu (EU) đã gặt hái những bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, nhưng hiện đang đối mặt không ít thách thức từ bối cảnh địa chính trị thay đổi, cũng như sự chênh lệch về kinh tế và khác biệt quan điểm giữa các quốc gia thành viên.

Vẫn chiêu trò cũ rích, thế nhưng thời gian gần đây một số người dân ở Phú Yên tiếp tục nhận được những cuộc điện thoại di động (ĐTDĐ) mạo danh cán bộ các cơ quan tư pháp, đưa ra nhiều thông tin liên quan đến số phận pháp lý của người nghe điện thoại, rồi yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đánh giá tác động môi trường cũng như hồ sơ phê duyệt, quy mô trang trại này chỉ được phép nuôi 150 con lợn nái, nhưng khi kiểm đếm để đền bù, GPMB cao tốc Bắc - Nam, trang trại này nuôi đến 668 con. Ngoài ra, trước thời điểm cao tốc được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 5 tháng, dự án này cũng được điều chỉnh tăng thêm về diện tích, quy mô chuồng trại dù số lượng vật nuôi không biến động.

Vào ngày 15/3, Công an huyện Gò Dầu (Tây Ninh) nhận tin báo từ người dân về việc, trên địa bàn xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu) xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân tử vong là bà Đ.T.N (SN 1960), còn chồng bà N. là ông L.V.P (SN 1964) bị thương tích nặng. Gây án xong, đối tượng nhanh chóng bỏ trốn khỏi hiện trường.

Sau hơn 10 năm để “đắp chiếu” giữa trung tâm thành phố, ngày 2/5, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã phát đi thông báo kết luận của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố đối với Dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Nhà thi đấu Phan Đình Phùng). Đây là công trình thể dục thể thao quy mô lớn với 4 mặt tiền ở quận 3.

Cảnh sát phải dùng biện pháp mạnh để giải tán hàng loạt người biểu tình ủng hộ Palestine tại một số trường đại học ở Mỹ ngày 2/5, bao gồm cả việc dỡ bỏ một khu cắm trại tại Đại học California tại Los Angeles, trong bối cảnh hỗn loạn bùng phát và ngày càng gia tăng tại hàng loạt trường đại học trong tuần này.

Trong những ngày cuối tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe, đưa vào khai thác cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu, Nghệ An đến QL 46B). Đây là hai dự án thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, nâng tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước vượt mốc 2.000km.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文