Con trai người liệt sĩ

09:00 10/09/2014

Tôi gặp anh trong một buổi chiều mùa thu nắng vàng rực rỡ. Ngoài kia dòng xe, dòng người hối hả ngược xuôi. Ai cũng bận rộn với công việc của mình trong công cuộc mưu sinh. Nhưng không phải ai cũng biết rằng anh đang giữ một cương vị quan trọng - Tư lệnh Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng - Binh đoàn đã lập nên nhiều chiến công trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Anh điềm tĩnh và nhỏ nhẹ, trái hẳn với vẻ bề ngoài cao lớn và cái tướng quân sự đĩnh đạc. Anh là con trai của liệt sĩ Trần Oanh - người đã tham gia chống Mỹ tại mặt trận Quảng Trị ở thời điểm khốc liệt nhất, năm 1968.

Cuộc đời những người lính, dù chiến tranh hay hòa bình đều không thiếu những điều kỳ diệu. Và cuộc đời anh, một cậu bé mồ côi cha từ năm bốn tuổi qua câu chuyện với tôi đã dần dần hiện lên, sinh động và xúc động.

Chàng thanh niên Trần Việt Khoa viết lá đơn tình nguyện vào quân ngũ năm 1983. Thời kỳ ấy và tiếp đó là những năm đất nước ta đối mặt với khó khăn về kinh tế và cấm vận. Quyết định của Trần Việt Khoa hẳn không phải là một quyết định dễ dàng của người con xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Xã Nguyệt Đức anh hùng, quê hương của người Anh hùng Nguyễn Viết Xuân, nơi đây cũng nổi tiếng với di chỉ văn hóa Đồng Đậu sẽ mãi mãi tự hào về những người con liệt sĩ, đã hy sinh máu xương cho ngày toàn thắng của đất nước, tự hào về những người con trên các cương vị công tác khác nhau trong công cuộc đổi mới hôm nay mà trong ấy có chàng thanh niên Trần Việt Khoa ngày nào bây giờ đã là Thiếu tướng, Tư lệnh Binh đoàn Quyết Thắng.

Những ngày đầu trên thao trường bãi tập Trường Sĩ quan Lục quân 2, chàng thanh niên trung du đã sớm ý thức gắn cuộc đời mình với binh nghiệp. Trong những ngày đó, trên đất bạn Campuchia, chàng học viên trẻ đã tham gia 16 trận đánh trong đó có 6 trận đụng địch (tại mặt trận 979) là một thực tiễn phong phú và thiết thực trong bước đường trưởng thành của anh sau này.

Một con người mà anh đặc biệt kính trọng và coi là thần tượng của mình từ khi còn là học sinh, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Tư lệnh, người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhắc đến Đại tướng, bất giác cả tôi và anh đều như nghiêm ngắn hơn. Chúng tôi, thế hệ những người lính trẻ hôm nay luôn luôn tự hào mình đứng trong đội quân mà được Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sáng lập, xây dựng, lớn mạnh và trưởng thành.

Hiếm một người nào trưởng thành từ cơ sở và trải qua tất cả các cương vị như anh: Trung đội trưởng, đại đội phó, đại đội trưởng...  rồi đến Sư đoàn trưởng Sư đoàn 301 và vừa qua anh được bổ nhiệm vào trọng trách Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Phó tư lệnh và hiện nay là Tư lệnh Quân đoàn 1.

Câu chuyện cuốn chúng tôi từ vấn đề này sang vấn đề khác. Tôi hỏi anh trong hành trình binh nghiệp của mình  đã lúc nào anh gặp khó khăn, thử thách đến mức phải đấu tranh tư tưởng và thật khó quyết định chưa. Anh trả lời ngay không giấu giếm: Có, đó là những năm 1988 - 1994, khi anh mới lấy vợ. Vợ thì sống ở quê, chồng thì biền biệt ở đơn vị, lấy nhau đã bốn năm mà vẫn chưa có con. Khi ấy anh đang là cán bộ đại đội, thời cả nước khó khăn, gạo châu củi quế, sĩ quan các đơn vị đua nhau xin phục viên, xin đi lao động xuất khẩu, lúc ấy anh cũng ngẫm ngợi, vân vi, trằn trọc nhiều đêm không ngủ. Cái giai đoạn ấy, nghĩ qua được kể cũng là một chuyện diệu kỳ. Chính những lúc khó khăn nhất, niềm tin vào đồng đội, đơn vị, các thế hệ đi trước và đặc biệt là người bố liệt sĩ đã cho anh sức lực và niềm tin để trụ lại. Nghĩ đến người cha, liệt sĩ Trần Oanh hiện nay chưa tìm thấy mộ, bỗng chốc tôi và anh cùng im lặng. Ngoài kia nắng vẫn vàng như rót mật xuống dòng người hối hả. Ở nơi trời xanh mây trắng, hẳn liệt sĩ Trần Oanh đang mỉm cười với đứa con trai bé bỏng ngày nào của mình giờ đã trưởng thành, đang tiếp tục sự nghiệp của ông. Ông hy sinh khi hai con mới lẫm chẫm vài ba tuổi. Và cũng chính người mẹ tảo tần đã nuôi dạy hai người con nên người. Nhiều lúc thấy mẹ một mình lặng lẽ ngước nhìn hình ảnh người cha trên ban thờ, anh đã không cầm được nước mắt.

Rồi những khó khăn cũng qua đi.

Tôi luôn thấy rằng anh là con người của công việc. Việc lãnh đạo chỉ huy dù ở bất kỳ cương vị nào, ngoài năng lực, trình độ, hiệu quả công việc của mỗi người, muốn thành công và tập hợp được anh em thì chính mình phải có một tấm lòng rộng mở và một trái tim nhiệt huyết. Gần ba mươi năm, trải qua dường như tất cả các vị trí chỉ huy từ thấp đến cao, ngoài kinh nghiệm và kỹ năng thì mức độ gắn bó của anh với các đồng chí đồng đội mình, các cấp chỉ huy hẳn là khăng khít lắm.

Tư lệnh Binh đoàn Quyết Thắng Trần Việt Khoa với bộ đội.

Trần Việt Khoa là người thực sự cầu thị, anh luôn tôn trọng những ý kiến của người khác kể cả là những ý kiến không đồng nhất với mình, kể cả là khi những ý kiến ấy là của cấp dưới nhưng anh cũng lắng nghe, chia sẻ và tìm ra cách ứng xử hiệu quả và hợp lý, hợp tình nhất. Đối với cấp trên cũng vậy, anh luôn thẳng thắn, trung thực với những quan điểm của mình trên tinh thần tiến bộ.

Câu chuyện của chúng tôi rẽ sang chuyện đời sống của các sĩ quan trẻ, cán bộ trung đội, đại đội hôm nay ở Sư đoàn cũng như các đơn vị. Do điều kiện làm việc, tôi thường hay xuống các đơn vị cơ sở của Sư đoàn và cảm nhận ngay một điều, cán bộ cơ sở của chúng ta hiện nay rất khó khăn, nhiều người phải đi thuê nhà ở, nhiều người không hợp lý hóa được gia đình, thậm chí có người không dám lấy vợ vì không thể nuôi nhau. Hôm tôi xuống đúng đỉnh điểm của cơn bão giá, mấy ông bố trung uý, thượng uý, đại uý cán bộ trung đội, đại đội sau lúc hàn huyên rôm rả tay bắt mặt mừng khoe chuyện đơn vị cơ quan lính tráng ai nấy đều trầm hẳn đi khi nhắc đến cuộc sống hiện tại với những cơm áo gạo tiền... Kinh tế thị trường là thế đấy. Người lính nhiều khi rất lúng túng trong công cuộc mưu sinh. Có những bài toán không hề dễ giải. Ở trong mỗi chúng ta nhiều khi chỉ có thể làm tốt công việc của mình mà đời sống xã hội lại quá nhiều dằng dịt. Thương anh em bộ đội, cán bộ cũng như chiến sĩ thì có lẽ việc đầu tiên và xuyên suốt phải là động viên nhau hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình. Hiểu đời sống của anh em để tự răn mình trong công việc. Dù không nói ra, nhưng dường như trong chúng tôi ai cũng biết điều đó và chắc chắn sau những suy nghĩ ấy sẽ phấn đấu sống tốt hơn, ít ra là đối với chính bản thân mình.

Một điều giản dị đến bất ngờ nữa, đó là vợ và hai con gái vẫn đang sống ở quê. Đã hai mươi nhăm năm nay, anh vẫn đi về mỗi khi thứ bảy, chủ nhật không phải trực. Ngày trước còn ở cấp cơ sở, có khi hàng nửa năm không về nhà. Tuy không gặp chị, tôi vẫn hình dung chị là một người phụ nữ phúc hậu, lam làm, hiếu thuận và nhất mực thương chồng, một đời hy sinh nhẫn nhịn vì chồng vì con. Chị là nàng dâu hiếu thảo trong gia đình có người cha liệt sĩ. Chắc chắn chị cũng suy nghĩ nhiều về điều này. Chắc chắn chị luôn nghĩ rằng, anh và chị đến với nhau, ngoài tình cảm riêng tư, hẳn còn có những điều rất thiêng liêng, thành kính với người cha đã hy sinh vì Tổ quốc. Và tôi luôn luôn thấy rằng, trong những thời khắc khó khăn của cuộc đời, điểm tựa vững chắc của anh vẫn là chị. Anh và chị được hai người con gái hiện cũng đang học ở quê, Trần Thị Mỹ Linh và Trần Việt Hoàng Anh hẳn luôn tự hào về cha mẹ của mình. Khi nhắc về những đứa con ngoan, học giỏi, tôi thấy anh cười thật tươi...

Trong câu chuyện miên man của chúng tôi thì đời sống của anh em bộ đội, đặc biệt là những mảng đời thường nơi hậu phương được nhắc đến nhiều nhất. Hẳn anh quá thấm thía thế nào là sự chờ đợi của người mẹ, người vợ nơi hậu phương trong các cuộc chiến tranh và ngay cả thời bình hôm nay. Trong và sau chiến tranh, có những người lính đã trở về, nhưng cũng có những người lính khi trở về chỉ còn là những tấm ảnh. Cha anh, người mà mẹ anh chờ đợi là một người như thế. Cho đến bây giờ, nhiều khi anh vẫn không thể hiểu nổi mẹ mình đã làm thế nào để vượt qua được nỗi đau ấy để nuôi hai anh em nên người. Và cũng chính người mẹ đã động viên anh viết đơn tình nguyện tiếp tục sự nghiệp của bố. Có lẽ chúng ta mãi mãi không thể hiểu hết tấm lòng những người mẹ.

Câu chuyện về anh với tôi còn rất dài vì phía trước của chúng tôi luôn luôn là bầu trời và ô cửa rộng mở, ở đấy có quê anh, mảnh đất anh hùng Nguyệt Đức - Yên Lạc - Vĩnh Phúc, nơi có con sông Hồng chảy ở phía nam dãy núi Tam Đảo, nơi có gốm Đồng Đậu, Hương Canh. Và đặc biệt, nơi ấy đã sinh ra người cha của anh, liệt sĩ Trần Oanh, người đã góp phần hun đúc cho anh cuộc đời, niềm tin và lẽ sống…

Phùng Văn Khai

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文